Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

VỀ BỘ SÁCH LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY CỦA ĐỖ MINH HỢP


Ngô Hương Giang

Bộ sách Lịch sử triết học phương Tây của GS. Đỗ Minh Hợp

Trong tinh thần mộ triết học của tôi, cũng như đã từ rất lâu, tôi luôn xem Triết học là nghiệp của mình, nên việc tìm kiếm và nghiên cứu kỹ các bộ sách Lịch sử triết học là thói quen cố hữu không bỏ được mỗi khi vào hiệu sách. Lịch sử triết học không chỉ là sự khái quát các chặng đường phiêu lưu của tư tưởng nhân loại, hay thói quen thích triết lý của con người để biết mình là ai, và nhân loại là những ai?, mà còn phản ánh con đường khoa học của “một đời” nghiên cứu.

Cái làm tôi khâm phục một ai đó trong nghề “cày chữ”, cũng như “canh tác tư tưởng” ở lĩnh vực nghiên cứu/ sáng tạo triết học, đó là, họ hoặc đời nghiên cứu của họ phải trả lời cho được câu hỏi mang tính chủ quan, cá biệt: Triết học là gì? Và triết học sẽ đi đến đâu/về đâu? Chính cái quan niệm có phần “bảo thủ” đó của tôi, mà nó khiến tôi không ít lần dính vào lụy phiền bởi những đợt khẩu chiến khoa học trực diện. Hễ cứ ai đó tham gia tọa đàm khoa học triết học ở cơ quan hoặc ở nơi nào đó mà tôi có dịp tham dự là y rằng, họ hoặc tôi sẽ phải đối mặt với 2 câu hỏi tưởng đơn giản nhưng phức tạp ấy. Và y rằng, các học giả khi trả lời 2 câu hỏi trên, ban đầu họ có vẻ rất “hào hứng”, nhưng khi cất lời thì lại đi vào ngõ mòn sáo rỗng đến nhàm chán là “triết tự” cái từ “Philosophia”, là phương Tây quan niệm thế này, phương Đông quan niệm thế kia…. Cái tôi muốn là “theo bà”, “theo ông”: “philosophia có nghĩa là  gì?” chứ không phải là theo Đông, theo Tây, theo ông này, bà nọ…Thế là lại khẩu chiến khoa học. Người làm nghiên cứu triết học suốt đời theo đuổi lý tưởng và cô đơn với lý tưởng của mình là vì vậy.

        Quay lại với chủ đề chính là sự ra mắt của bộ sách Lịch sử triết học phương Tây của Giáo sư Đỗ Minh Hợp. Dự án cho ra đời bộ Lịch sử triết học phương Tây, ông đã “khoe” với tôi từ rất lâu, nhưng quả thực mình không nghĩ rằng, ông làm thực và ra được sách thực. Vì làm lịch sử triết học cũng giống như “làm dâu trăm họ vậy”, lang chạ đủ thứ tư tưởng trong người, rồi phải hệ thống hóa nó theo các chủ đề hoàn chỉnh. Trong tủ sách tạp nham đủ loại sách của tôi, thì có một tủ chỉ để trưng các bộ sách lịch sử triết học mà tôi đã lượm, mua được từ tứ xứ thiên ạ, Tây có, Đông có, ngoại ngữ có, mà Việt ngữ cũng có. Nhưng ở đây, tôi chỉ xét các bộ sách Việt ngữ. Trong các sách lịch sử triết học phương Tây (chứ không phải phương Đông) mà tôi có, tôi thấy hai bộ sách mà độc giả nên đọc là bộ sách của Giáo sư Lê Tôn Nghiêm (xuất bản ở miền nam trước 1975) và bộ sách của giáo sư Đỗ Minh Hợp. Hẳn có thể do khó tính, nên tôi không thích cách viết từ các bộ sách lịch sử triết học dịch từ Liên Xô, cũng như các cuốn sách mà giáo trình chẳng ra giáo trình, sách chuyên khảo chẳng ra chuyên khảo, biên khảo cũng không phải, mà chỉ là thứ "thơ" được vẽ vời cốt hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ sách Lịch sử triết học phương Tây của GS. Lê Tôn Nghiêm và GS. Đỗ Minh Hợp

Cách làm lịch sử triết học của Giáo sư hợp và Giáo sư Nghiêm có điểm giống cách biên khảo lịch sử triết học phương Tây của B.Russell, Alfred North Whitehead, E. Bréhier, hay Bochenski là bên cạnh các chủ đề triết học có tính kế thừa nhau, các ông còn mạnh dạn đặt “ông tổ” hoặc các triết gia quan trọng của trào lưu triết học ấy thành một mục riêng, chẳng hạn đặt triết học Kant, Hegel, Husserl, thành một mục... Việc làm này không chỉ là công việc của một chuyên gia, mà còn phản ánh thao tác tư duy khoa học có hệ thống của người viết. Đặt các triết gia quan trọng thành một mục, cốt nhằm chỉ ra sự biến đổi, phân cành rẽ nhánh của các dòng triết học có gốc rễ từ lý thuyết của mấy ông triết gia vĩ đại ấy, xem nó phát triển đến đâu. Ví dụ triết học Marx ở Việt Nam chỉ dừng lại theo tính cách mô phạm, sáo mòn kiểu như các phạm trù, quy luật, các vấn đề cơ bản của triết học, rồi thuyết khả tri, bất khả tri, phản ánh luận…trong khi đó, triết học Marx phương Tây (Western Marxism) hay còn gọi là triết học tân- Mác phát triển đến chóng mặt với lý thuyết phê phán hoặc sự lai ghép của nó với phân tâm học…như Horkheimer, Adorno, Marcuse, Habermas, Fromm đã làm công việc chú giải lại chủ nghĩa Marx. Vậy thì tại sao "diện mạo Triết học" Ở Việt Nam không chịu phóng thể tìm đến ý niệm mới của tư tưởng? "Cái cơ thể" của một đất nước là kinh tế, chính trị, xã hội có phát triển, có vượt thoát và khai phóng hay không, thì cái tinh thần chi phối nó phải được khai phóng và tiến bộ trước, mà cái tinh thần của một quốc gia muốn có được thì phải có bệ phóng triết học đủ vững để những ý niệm sống của quốc gia, dân tộc theo đó mà vượt thoát .

Đọc hai bộ sách của giáo sư Hợp và giáo sư Nghiêm, người đọc sẽ có cảm giác mình được bơi ra khỏi khúc sông mà bao năm đã bơi, để biết rằng, ngoài khúc sông của mình còn có nhiều khúc sống khác đang chảy. Sự dũng cảm của một người, theo tôi không phải là chạy trốn cái cổ hủ, cái lạc hậu để làm cho mình tiến bộ khi ở cõi sống văn minh, mà là làm cách nào đó để biến cái khúc sông “tù đọng” bao năm mình bơi ấy trở thành trong lành, và văn minh như mình từng thấy ở khúc sông khác, chứ không phải là xóa bỏ hoặc phủ nhận sự hiện diện của nó.

Bộ sách Lịch sử triết học phương Tây của Giáo sư Đỗ Minh Hợp phần nào đã giải quyết được công việc ấy. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét