Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Thiếu tài, tâm, tầm, chỉ có tác phẩm trung bình!

Ngô Hương Giang thực hiện



Lời tòa soạn: Sau Hội thảo Phấn đấu sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức vào cuối tháng 11 năm 2013 tại thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều ý kiến tiếp tục trao đổi xung quanh vấn đề này đã được đăng tải trên các báo, tạp chí, thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu lý luận và các nghệ sĩ sáng tạo văn học nghệ thuật.
     Tòa soạn báo Hà Nội mới xin trân trọng giới thiệu một phần nội dung cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này giữa Thạc sĩ Ngô Hương Giang – một nhà nghiên cứu trẻ đang công tác tại Viện Triết học – Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam với PGS.TS. Phan Trọng Thưởng – Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, hiện là Phó chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung Ương, ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa VIII, kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội nhà văn Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc trò chuyện.

***
PGS. TS. Phan Trọng Thưởng

    Thưa ông, Được biết mới đây ông vừa cho ra mắt cuốn Thẩm định các giá trị văn học được giới nghiên cứu và bạn đọc chú ý. Tôi cũng đã đọc tác phẩm của ông với rất nhiều hào hứng và thấy rằng ngoài các vấn đề khá cơ bản của lý luận và Lịch sử văn học, ông còn dành sự quan tâm tới việc thẩm định các giá trị văn học. Đề thẩm định đúng và trúng các hiện tượng văn học, theo ông cần dựa trên những tiêu chí nào? Yêu cầu nào?

   + Để trả lời câu hỏi của anh thật không đơn giản. Kinh nghiệm cho thấy, các hiện tượng văn học có nhu cầu thẩm định thường khá phức tạp. Để thẩm định đúng, trước hết người thẩm định phải có năng lực thẩm định thể hiện qua hiểu biết về đối tượng; qua trình độ nhận thức thẩm mĩ; qua năng khiếu và tư chất cá nhân; qua hệ thống giá trị chuẩn mực nghệ thuật và qua các góc độ, cách thức tiếp cận.... Đồng thời, để thẩm định đúng, người thẩm định cần thoát ly các định kiến; có thái độ khách quan lịch sử; có khả năng phát hiện cái mới, phê phán cái cũ; có ý thức trân trọng và bảo vệ các giá trị... Toàn bộ các yêu cầu đó làm nên tư cách của người thẩm định.
   
Hình như vấn đề ông đang nói có liên quan đến vấn đề đánh giá thế nào là tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao? được đặt ra trong Hội thảo khoa học Phấn đấu sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao do Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung Ương tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 11 năm ngoái? Tôi nhớ trong tham luận của ông, khi cắt nghĩa về giá trị của một tác phẩm văn học nghệ thuật ông đã đúc kết là: “Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc; chủ nghĩa nhân văn; khát vọng hướng tới cái Đẹp, cái Thiện, cái Chân thật, cái cao cả; là các giá trị lao động sáng tạo, giá trị văn hóa lịch sử hình thành trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc”. Phải chăng đó là toàn bộ hệ giá trị chuẩn mực của văn học nghệ thuật?

+ Đó không chỉ là hệ giá trị chuẩn mực riêng của văn học nghệ thuật mà còn là hệ giá trị Đạo đức – Tinh thần – Thẩm mĩ chung của dân tộc mà văn học nghệ thuật với tư cách là các hình thái ý thức xã hội đặc thù cần phải phản ánh. Tuy nhiên, do mang tính đặc thù nên ngoài các giá trị phổ quát, giá trị chung, văn học nghệ thuật còn mang các giá trị đặc biệt, giá trị đặc trưng làm nên bản chất của mỗi loại hình nghệ thuật. Đó là các giá trị được tạo nên bởi hình tượng, ngôn ngữ, âm thanh, ánh sáng, màu sắc.v.v... được tổ chức, phối hợp theo các quy luật nghệ thuật và thẩm mĩ khác nhau. Như vậy, hệ giá trị chuẩn mực của văn học nghệ thuật không phải là một giá trị tự thân, đơn nhất hay nhất thời nào mà là một tổ hợp các giá trị được xã hội thừa nhận.

    Cũng trong tham luận trên, ông từng đưa ra ba tiêu chí để đánh giá một tác phẩm có giá trị cao: Thứ nhất, đó phải là tác phẩm hay; thứ hai, đó phải là tác phẩm có phẩm chất nghệ thuật chân chính; và thứ ba, đó phải là tác phẩm chứa đựng những tư tưởng tiến bộ,... hướng đến lợi ích chính đáng của nghệ thuật, của tổ quốc và nhân dân. Với tư cách là nhà nghiên cứu văn học tham gia vào Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, xin ông cho biết Hội đồng có những định hướng về mặt lý luận như thế nào để xây dựng một nền văn học có nhiều tác phảm có giá trị cao như ông đã đề cập?

   + Để thực hiện chức năng chủ yếu là tư vấn cho Đảng và Nhà nước về những vấn đề của văn học nghệ thuật, trong quá trình hoạt động, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã và đang tiến hành nhiều việc trong đó có việc nghiên cứu thực tiễn và xây dựng định hướng phát triển lý luận văn nghệ ở Việt Nam. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng sẽ được triển khai thực hiện từ nay tới hết năm 2015. Hy vọng đây sẽ là căn cứ để xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá văn học, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lý luận, phê bình văn học, từ đó tác động tới sáng tác. Còn việc làm thế nào để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao lại không tùy thuộc vào ý muốn của Hội đồng mà tùy thuộc vào nỗ lực và quyết tâm chung của cả giới văn học nghệ thuật. Với Hội thảo khoa học vừa rồi, Hội đồng chỉ thực hiện vai trò tổ chức, vai trò tổng kết đánh giá thực tiễn để nhìn nhận thực trạng, lý giải nguyên nhân và bước đầu đề xuất các giải pháp với tham vọng để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Tại Hội thảo này, câu trả lời cho vấn đề, trong đó có cả câu trả lời của tôi, hướng về phía các nhà văn và nhà nghệ sĩ.

Tôi đồng ý với quan điểm của Giáo sư rằng: “Đối với văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước ta hiện nay còn phải dành cho sự quan tâm nhiều hơn và còn nhiều việc phải làm. Nhưng với những gì đã có, giới văn nghệ sĩ Việt Nam hiện tại không những không bị rơi vào tình trạng bị bóp nghẹt, bị cấm đoán, mà trái lại còn khá tự do do chưa hoàn thiện được hệ thống luật pháp quyền, chưa ý thức được thế nào là tự do và dân chủ thực sự”. Với quan điểm của Giáo sư phải chăng sự thiếu vắng các tác phẩm văn học nghệ thuật đỉnh cao ở ta hiện nay không nằm ở các chính sách của Đảng và Nhà nước… mà nằm ở chỗ nền văn học của chúng ta đang thiếu những cá nhân sáng tạo có Tâm, có Tầm và có Tài?

+ Tôi cho là như vậy. Cứ nhìn vào thực tế sẽ thấy. Từ đổi mới đến nay, văn học nghệ thuật được tự do hơn rất nhiều. Có ai hạn chế, cấm đoán thô bạo gì mấy đâu. Thậm chí còn tự do hơi quá trớn là đằng khác! Thế mà tại sao vẫn ít tác phẩm đỉnh cao: Tôi vẫn giữ quan điểm cho rằng: Không có nhà văn thì không có tác phẩm. Nhưng nhà văn không có Tài, có Tâm, có Tầm thì giỏi lắm cũng chỉ là tác giả của những tác phẩm trung bình. Vai trò đầu tư, kích thích đối với những nhà văn lớn, nhà văn có tài thực sự ít ý nghĩa. Họ sáng tác có khi chỉ vì một nỗi đau, một nỗi bất hạnh lớn chứ không phải là một ân huệ lớn, một hạnh phúc lớn.

Nói chúng ta thiếu không có nghĩa là chúng ta không có những nhà văn có Tài, Tâm, Tầm. Vấn đề là những cá nhân ấy vẫn “lang thang” ở đâu đó trong văn học Việt Nam. Vậy theo Giáo sư, Đảng và Nhà nước cần có biện pháp gì để “quy tụ” những người có Tài, Tâm, Tầm? Có nhất thiết phải đi tìm các tác phẩm giá trị và những nhà văn lớn từ trong các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật hay không?

+Tôi nhớ anh Hoàng Ngọc Hiến đã có lần nói đến tình trạng “lang thang” trên đất nước mình, nhưng trong một văn cảnh khác. Còn trong văn cảnh này, liệu có những người có Tài, Tâm, Tầm đang “lang thang” ở đâu đó trong không gian văn học Việt Nam hay không lại là chuyện cần đoán định. Nếu có thì cũng phải biết rõ lý do mới có cơ để quy tụ được, kể cả Đảng và Nhà nước có muốn quan tâm. Như vậy, thực chất vấn đề vẫn trở lại với ba chữ Tài, Tâm, Tầm đã nói ở trên mà thôi.
Còn việc tìm tác phẩm lớn, nhà văn lớn ở đâu? Ở các cuộc thi hay ở các Hội?... theo tôi đều không trúng địa chỉ cả. Chưa bao giờ các cuộc thi lại đẻ được ra nhà văn lớn!

Ông từng nhấn mạnh rằng “một nhà văn thực sự là nhà văn lớn bao giờ cũng đồng thời là nhà tư tưởng lớn, nhà văn hóa lớn”. Điều đó đúng về mặt lý thuyết và tôi đồng ý với Giáo sư. Nhưng sẽ có một trở ngại lớn khi nhìn vào thực tiễn văn học Việt Nam hiện thời. Không biết bao giờ mới có được những nhà văn hội đủ cả 3 nhà như vậy? Ông nghĩ sao về điều này?

+Cứ nhìn vào lịch sử văn học thế giới và Việt Nam sẽ thấy rõ điều đó. Ngay từ thời cổ đại đã như vậy rồi. Đến thời kỳ Phục hưng hay thời kỳ Ánh sáng lại càng như vậy!
 Ở Việt Nam, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… đều cho thấy sự thống nhất của ba phẩm chất trong một con người: Nhà văn lớn – nhà tư tưởng lớn – nhà văn hóa lớn.
 Đành rằng trên thực tế, ít có người cùng lúc ở cả 3 lĩnh vực. Nhưng, về phẩm chất, một nhà văn lớn phải có tầm tư tưởng lớn, có tầm văn hóa lớn. Giá trị văn chương đích thực bao giờ cũng đồng thời là giá trị văn hóa, giá trị tư tưởng.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét