Trực
quán: Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Thực hiện)
Khách
văn: Ngô Hương Giang
Hiện
làm việc tại Viện Triết học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Đã
in: “Hiện tượng luận về văn học” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2013; “Chân lý và
Hư cấu” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2013)
- Nghĩ
đến công việc nghiên cứu phê bình người ta thường hình dung phải đọc trăm cuốn
mới viết được một bài, vậy mà thấy anh gần như liền một lúc ra hai cuốn sách,
lại còn hai bản thảo chuẩn bị in, chỉ nhìn vào số lượng chữ của một người mới
chưa đến ba mươi tuổi mọi người không khỏi băn khoăn…
+ Vì
tính chất đặc thù của công việc nghiên cứu ở Viện Hàn lâm, nên việc sống chung
với sách, đối với tôi cũng giống như cơm ăn nước uống hàng ngày, thiếu sự đọc
và viết, thì cơ thể trở nên ốm yếu, khó chịu. Việc đọc và viết, với chúng tôi đã
trở thành “phản xạ tự nhiên” và tất yếu trong môi trường nghiên cứu khoa học. Quay
trở lại trọng tâm câu hỏi của anh, tôi nghĩ có 3 yếu tố quyết định đến con
đường viết của một người là: Tâm, Tầm và sự rèn luyện. Thiếu một trong ba yếu
tố ấy, con đường viết sẽ trở nên gian nan. Người có tầm, có tâm, mà không viết
hàng ngày (rèn luyện) thì khó có một bài nghiên cứu có giá trị, chứ chưa nói là
viết được một cuốn sách chuyên luận. Hơn nữa, đọc nhiều, theo tôi chưa hẳn là
đã viết đúng, viết trúng và viết hay. Cái tôi muốn nói ở đây là ý tưởng và tinh
thần khai sáng (Aufklärung) trong tư duy của người viết. Điều này rất quan trọng. Hàng trăm, thậm
chí hàng nghìn cuốn sách mà tôi đọc, chỉ giúp tôi có “phông” tri thức và văn
hóa chứ không thể cho tôi ý tưởng và tư tưởng. Chính sự suy tư không ngừng về
các vấn đề tồn tại xung quanh con người nói chung và văn học nói riêng mới cho
tôi cái căn bản khởi đầu của mọi sự viết, đó là: Ý tưởng. Đến đây sự rèn luyện
thông qua việc viết hàng ngày sẽ làm nốt phần việc của người viết là “đưa” ý
tưởng lên trên trang giấy một cách có hệ thống, có chứng lý rõ ràng. Bất cứ ai
đáp ứng được các yếu tố trên như tôi đã nói, thì họ hoàn toàn có thể cho ra
những sản phẩm, thậm chí sản phẩm “đồ sộ” khiến “mọi người không khỏi băn
khoăn” như anh đã nói.
- Giữa
hai mảng lý luận và phê bình thì tôi thấy số người đi theo con đường làm phê
bình nhiều hơn, ngược lại, số người theo đuổi mảng lý luận văn học chỉ chiếm
trên đầu ngón tay. Cảm giác của một người ngoài lĩnh vực nghiên cứu như tôi
thấy rằng, làm phê bình dễ được biết đến hơn, sự tương tác với đời sống văn học
cũng cao hơn, nhất là khi phê bình về những tác phẩm đương đại. Cũng đã từng
viết phê bình, tại sao anh lại chọn lối đi hẹp để dấn thân?
- Tôi
nghĩ làm tốt bất cứ lĩnh vực, nghề nghiệp nào cũng là sự đóng góp. Phê bình văn
học có thể sẽ giải quyết được vấn đề dư luận nhất thời cho tác phẩm văn học cụ
thể, nhưng chỉ là nhất thời chứ không phải là xuyên suốt, bởi vì, tác phẩm phê
bình chỉ có thể giải quyết được một hoặc một vài khía cạnh của đời sống văn
học, chứ không thể xác lập một cách có hệ thống diện mạo văn học của quốc gia,
dân tộc theo nghĩa phổ quát (Universal). Để làm công việc đó, nền văn học cần nương
nhờ đến các nhà nghiên cứu lịch sử và biên khảo văn học. Còn lý luận văn học
làm công việc nặng nhọc hơn là xác lập các cơ sở thẩm mỹ và logic cho văn học,
nhằm góp phần định hướng nghiên cứu và phê bình văn học. Ở đây, tôi không phân
ra theo tính chất lĩnh vực nào ưu việt hơn lĩnh vực nào, vì mỗi lĩnh vực có
nhiệm vụ và sứ mệnh riêng của nó, mà chỉ ra các chức năng cơ bản đặc thù của lý
luận văn học, phê bình văn học và lịch sử văn học để độc giả có cái nhìn rõ
ràng và bao quát hơn về đời sống văn học. Tôi chọn nghiên cứu lý luận văn học
làm “con đường” đi của mình không phải vì tôi xem lý luận văn học “hẹp hơn” hay
ít “tương tác” với đời sống văn học hơn phê bình văn học, mà vì đam mê, cũng
như thấy mình hợp với lý luận văn học. Mặt khác, ở nước ta, phê bình văn học
tương đối đa dạng cả về lực lượng sáng tác cũng như tác phẩm, trong khi đó, lý
luận văn học lại mỏng hơn. Thấy thiếu cái gì thì cần phải làm cái đó, và đây là
một trong những lý do đưa đến quyết định chọn lý luận văn học làm hướng nghiên
cứu của tôi.
- PGS.TS
Hồ Thế Hà đã nhận định về công trình “Chân lý và Hư cấu” của anh “là một sự nỗ
lực mới mẻ trong quá trình tiếp biến hệ hình lý thuyết trên thế giới về văn hóa
và văn học vào quá trình tri nhận, định hướng nghiên cứu văn hóa – văn học Việt
Nam”. Còn anh, anh tự đánh giá công trình của mình thế nào?
+ Đối với tôi, Chân lý và Hư cấu
là một nỗ lực cá nhân. Và vì là một nỗ lực cá nhân, cho nên nó luôn có một ý
nghĩa đặc biệt với tôi, không chỉ là về mặt khoa học, mà còn là ở tinh thần đối
với khoa học. Trong tương quan với các công trình lý luận phê bình của các học
giả và đồng nghiệp của tôi, thì Chân lý
và Hư cấu chỉ là một ý kiến nhỏ về những vấn đề xảy ra xung quanh đời sống
văn học theo một hướng tiếp cận đặc thù từ triết học.
- Ở “Chân lý và Hư cấu” anh cũng
nhận định “nền văn hóa văn học Việt Nam muốn hướng ngoại trong thế cân bằng về
tri thức, tư tưởng với các quốc gia khác thì cần phải có hệ hình lý thuyết
riêng, đủ mạnh, nhằm xác lập vị trí độc lập của mình”, và đó cũng là trăn trở
để công trình của anh ra đời. Vậy theo anh, sự mất cân bằng về tri thức, tư
tưởng ấy đang nằm ở những điểm chính nào?
- Câu hỏi này của anh rất
hay. Sự mất cân bằng về tri thức, dẫn theo sự khô cứng về mặt tư tưởng trong
văn học theo tôi nằm ở phương pháp luận sáng tạo văn học. Do tính chất đặc thù
và nhạy cảm của phương pháp luận sáng tạo văn học ở nước ta nhiều năm qua
thường lấy chủ nghĩa Marx- Lénin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng của mọi
hoạt động nhận thức, do vậy, trước tinh thần chung ấy, sáng tạo văn hóa, văn
học như đứng giữa hai dòng chảy tri thức: vừa dân tộc, vừa quốc tế. Thoạt nhìn
qua, chúng ta tưởng hai phạm trù trên có mối liên hệ biện chứng với nhau, song
trên thực tế, để làm được điều đó là rất khó. Chúng ta có thể chọn lọc về mặt “tri
thức” để tiếp cận với sự tiến bộ của thế giới trên nền tảng văn hóa dân tộc,
nhưng chúng ta rất khó có thể chọn lọc về mặt “tư tưởng” trong sáng tạo văn
hóa, văn học, vì tư tưởng vốn trung tính và không có giới hạn. Tư tưởng của một
cá nhân có được là cả một hành trình ý thức sáng tạo không ngừng, do đó, nó
vượt qua, thậm chí là bỏ xa tri thức. Cái khó của sự định hình hệ thống “tư
tưởng” trong văn học Việt Nam nằm ở việc xác định dứt khoát cái tư tưởng thời
đại chứa trong nó là tư tưởng gì, và biểu hiện của nó ra sao? Trả lời được câu
hỏi đó, có nghĩa, tôi cũng giải đáp được phần nào sự “tra vấn” của anh.
Thời đại mới trong bối cảnh đất nước hiện thời, với những xáo trộn về
mặt xã hội và địa chính trị, thì rõ ràng cần phải “mở cửa tư tưởng” theo một
hướng tích cực chứ không thể chỉ giữ nguyên cái “truyền thống tư tưởng văn học”
ở các giai đoạn đã qua. Nhưng “mở cửa tư tưởng” như thế nào để nền tảng tư
tưởng cốt lõi của chúng ta là “chủ nghĩa Marx- Lénin, tư tưởng Hồ Chí Minh” vẫn
được giữ vững và bảo lưu, thì lại là một câu hỏi phức tạp hơn nữa.
- Anh cũng từng chỉ ra rằng,
phê bình trên báo chí ở Việt Nam trong mười năm đầu thế kỷ 21 là yếu. Từ đâu
anh đi đến nhận định này?
- Trong cuốn Chân lý và Hư cấu,
tôi đã làm rõ tám nguyên nhân dẫn đến nền phê bình văn học trên báo chí ở ta
những năm đầu thế kỷ 21 sở dĩ yếu. Có
thể tóm lược ngắn gọn lại như sau: Thứ
nhất, các nhà phê bình tìm đến triết học như là công cụ giải
quyết vấn đề hình thức của cuộc sống/ của tác phẩm hơn là truy cứu bản chất nơi
nó. Thứ hai, việc xây dựng nhận thức luận văn học thiếu
nền tảng căn bản triết học ấy, đã đẩy văn học Việt Nam vào việc tiếp thu những
đứa con thiếu sót của thời đại được sản sinh từ căn bản triết lý ở phương diện
lý thuyết mỹ học và lý thuyết văn học. Thứ ba, chúng ta chưa có một nền lý luận văn học mạnh. Thứ tư, phê bình văn học Việt Nam đương đại thiếu tính
chuyên môn hoá rõ rệt. Sự nhập nhằng giữa phê bình văn học với bình
luận văn học đã đẩy phê bình văn học Việt Nam vào thăng trầm, bất ổn
định. Nhà phê bình chuyên nghiệp trở nên thiếu vắng, còn người bình luận văn
học lại lấn át, mọc ra như nấm. Thứ năm,
quan niệm về vai trò, chức năng, tầm quan trọng của phê bình báo chí ở ta chưa
- chịu - thay đổi. Chúng ta vẫn đánh đồng giữa nhiệm vụ khám phá giá
trị/vấn đề tác phẩm văn học làm một với tính thời sự của báo
chí, cho nên, đã vô hình xem phê bình báo chí như một món ăn nhanh của đời
sống văn học. Thứ sáu, từ quan niệm
sai lầm về vị trí, vai trò, chức năng của phê bình văn học trên báo chí, dẫn
đến quan niệm sai lầm về việc thẩm định vấn đề của chủ thể biên tập các tác
phẩm phê bình báo chí. Thứ bảy, nền
phê bình của chúng ta đang trở nên giáo điều hơn bao giờ hết. Nền phê bình báo
chí đáng lẽ ra phải là những phát ngôn thẳng thắn của nhà phê bình, của con sư
tử dũng mãnh trước những vấn đề gai góc văn học, thì giờ đây, nó lại bị/được
những nhà thơ, những nhà văn không mang nổi thân phận thi văn của mình giáo
huấn bằng những bài học giáo điều. Thứ
tám, nhà phê bình chuyên nghiệp hiện thời đã quên dần bản chất lạc đà, bản
chất sư tử trong mình. Nhiều nhà phê bình đã chạy theo kinh tế thị trường, hoặc
vì quan hệ cá nhân mà quên đi nhiệm vụ của mình là suy niệm về hiện thực, về
nhân bản thời đại, quên đi bản chất lao động thanh tao của mình là đeo, thồ tư
tưởng, bước những bước nặng nhọc vì trách nhiệm ghì trên vai: Phải nhìn
sâu vào thế giới, để thấy sự phá hủy của con người đang diễn ra nhanh chóng.
- Ở một góc độ nào đó thì làm lý luận phê
bình văn học được coi là “phê bình của phê bình”, và điều này sẽ không tránh
khỏi những đụng chạm, công bố một bài viết nhằm vào đối tượng là các nhà phê
bình thì nhìn một cách thô thiển có thể gọi đó là một hình thức “gọi đòn tập
thể”. Nó đã xảy ra với anh chưa, và nếu có anh sẽ chọn cách ứng xử nào?
- Tôi nghĩ, đã dấn thân vào hai chữ “phê
bình”, xem lĩnh vực phê bình như là nghề và nghiệp của mình thì không phải
riêng tôi, mà với bất cứ ai cũng ít nhất một lần chịu cảnh “gọi đòn tập thể”
như anh nói. Bởi vì, bản chất của người làm phê bình là nói thẳng và nói thật,
mà thẳng, thật thì mấy khi được lòng người. Vì vậy, đã chấp nhận dấn thân vào
nghiệp phê bình thì phải chịu những trận khẩu chiến, đôi khi là “bỏ quên mình” vì
những dịp bị “gọi đòn tập thể” như thế.
Cũng
tùy từng hình thức “gọi đòn tập thể”, mà tôi chọn cách ứng xử cho phù hợp. Nếu
những người phê phán mình một cách thiện chí, có khoa học, thì mình phải trao
đổi lại. Đó là văn hóa sống, văn hóa phê bình. Còn với những người phê phán
theo kiểu “vô thưởng vô phạt”, lấy tinh thần “dao to búa lớn” để răn đe tinh
thần khoa học mà báo chí gần đây gọi là “phê bình dao, thớt”, thì tôi chọn thái
độ im lặng. Im lặng trong trường hợp này không phải vì mình đuối lý luận, hay
mình né tránh dư luận, mà vì chẳng ai muốn “mang đầu để húc vào đá” cả.
- Ở
“Chân lý và Hư cấu” tôi thấy anh nhận định rất thú vị về toàn cầu hóa trong văn
học, đó là toàn cầu hóa văn học ở Việt Nam đang đi từ dưới lên trên, nó kích
thích và mở rộng phạm vi sáng tạo mang tính quần chúng, bình dân, phản ánh
quyền dân chủ trong sáng tác, và sẽ phải đối mặt với sự cào bằng về ý nghĩa
sáng tạo và giá trị tác phẩm. Vậy trong cơn lốc toàn cầu hóa ấy, văn học Việt
Nam cần phải chuẩn bị tâm thế và cảm quan thẩm mĩ trong sáng tạo và tiếp nhận
như thế nào, theo anh?
- Toàn cầu hóa là một tất
yếu, trong đó có toàn cầu hóa văn hóa và toàn cầu hóa văn học. Vì vậy, văn học
Việt Nam cần phải thích nghi với những thay đổi đang xảy ra trong dòng chảy
chung toàn cầu hóa đó. Để khỏi bị tụt hậu hoặc trở thành “người quan sát đứng
bên lề” sự vận động không ngừng của văn học thế giới, không có cách nào khác là
văn học Việt Nam phải tự đổi mới mình để có thể tồn tại và phát triển. Trong
đó, điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể hội nhập vào nền văn học toàn cầu
đó là: Tạo lập một “hệ thống
tri thức” và tư tưởng văn học có thể tương tác được với “hệ thống tri thức” văn
học thế giới mà ta tiếp nhận, trao đổi. Muốn tránh được tình trạng bất
tương tác, hoặc kênh nhau giữa các sản phẩm sáng tạo văn học của chúng ta so
với nước khác, thì cá nhân hoặc tập thể sáng tạo văn học phải không ngừng nâng
cao chất lượng giáo dục nghệ thuật và đào tạo các chuyên gia văn học (trong đó
bao gồm: chuyên gia sáng tạo và chuyên gia nghiên cứu), để sản phẩm văn học tạo
ra có giá trị “tương tác” với các sản phẩm văn học mà các quốc gia khác đem ra
trao đổi, giao lưu.
- Đã từng làm việc tại một tạp
chí của Hội Nhà văn, nơi có môi trường gần gũi với đời sống văn học, và hiện
nay làm việc trong môi trường kinh viện, anh có thấy sự khác biệt giữa hai môi
trường ấy?
- Ở môi trường nào, cũng có thú vị riêng của môi trường đó. Ở nơi quy
tụ người viết như Tạp chí Nhà văn khi nhà văn Võ Thị Xuân Hà là Tổng biên tập,
tôi có dịp được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ tài hoa. Những ngày tháng
đó giúp tôi hiểu sâu hơn về nền văn học, cũng như Hội nhà văn Việt Nam. Trong
khi đó, ở môi trường công tác mới như Viện Triết học – Viện Hàn lâm khoa học xã
hội Việt Nam, thì tôi lại có dịp được tiếp xúc với nhiều chuyên gia quốc tế đầu
ngành về Triết học và mỹ học đến từ các nước có nền học thuật tiến bộ. Đây là
môi trường tốt để tôi nghiên cứu triết học, cũng như làm lý luận văn học. Viện
Triết học cũng là nơi mà tôi được thử thách với những người giỏi cả về chuyên
môn cũng như ngoại ngữ, là nơi tôi được rèn luyện bản thân, khích lệ đam mê
viết, trao đổi khoa học. Viện Triết học là nơi tôi gửi gắm niềm tin của mình
vào khoa học.
- Cám
ơn anh đã chia sẻ!
N.X.T
(Xin vui lòng ghi
rõ nguồn http://lyluanphebinh.blogspot.com/ khi phát hành lại bài viết này
trên các phương tiện thông tin đại chúng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét