Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

“PHÊ BÌNH LÝ TRÍ VĂN CHƯƠNG” CÙNG ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Ngô Hương Giang thực hiện



Văn nghệ Trẻ - GS Đặng Phùng Quân (sinh năm 1930), nguyên quán Thái Bình, từng giảng dạy môn Triết tại Đại học Văn khoa Sài Gòn,  là nhà nghiên cứu văn chương, triết học có uy tín. Đối với Đặng Phùng Quân, triết học là một hành động trong khi viết bởi vì từ viết, từ văn bản, tư tưởng sẽ được cấu trúc nên. Đã có lúc Đặng Phùng Quân tự hỏi: triết học có thể như văn chương nghệ thuật không?. Rồi chính ông tự trả lời: không, nó không hấp dẫn giác quan con người để ngấu nghiến hưởng thụ. Nó có thể là độc dược, là thuốc phiện và cần phải có một hành cung tri thức để tiếp cận.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Đặng Phùng Quân: Hiện hữu tha nhân với G. Marcel (1969); Triết học và văn chương (1974); Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỉ (2002); Tấu khúc văn chương/ triết lí (2004); Từ điển triết học giản yếu và Triết học nào cho thế kỉ XXI (2010)".

***
GS.TS. Đặng Phùng Quân

1). Kính thưa GS Đặng Phùng Quân. Là một người kiên trì xác lập và xây dựng hệ thống lý thuyết mỹ học và lý luận văn học đi từ Triết học và Văn chương, tới Hành trạng tư tưởng giữa hai thế kỷ, Tẩu khúc văn chương/ triết lý…và gần đây nhất (2012) là cuốn Đường vào văn chương: phê bình lý trí văn chương…, qua “hành trạng ấy” của tư tưởng mà Giáo sư thể nghiệm trong các văn bản của mình, cho thấy dấu ấn của triết học trong quan hệ với văn chương là rất rõ. Phải chăng, ông đang xây dựng cho mình một hệ hình triết học văn chương? Với tầm quan trọng của triết học, đặc biệt là trong kỷ nguyên khủng hoảng của đời sống số hóa, phải chăng, theo Giáo sư, văn học cần hướng trọng tâm vào suy nghiệm hơn là giải thích những vận động của đời sống xã hội?
ĐPQ: Chắc chắn là có một triết học của văn chương, như đã có triết học của sử học, của sinh vật học v.v…tuy nhiên mối quan hệ giữa triết học và văn chương khá phức tạp, như tôi đã chỉ ra “sự khác biệt giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ triết học trong việc diễn đạt kinh nghiệm vũ trụ được tri giác nơi con người” khi xét đến mối quan hệ này ngay từ quyển sách “Triết học và Văn chương” xuất bản năm 1974. Kể từ đó trong những quyển sách kế tiếp, tôi đã phác họa quá trình tiến triển của triết học và văn chương trong suốt một thế kỷ qua. Về mặt triết học,  chủ nghĩa chống nhân bản như một tuyên ngôn của tư trào triết học nổi lên chung quanh thập niên 60 dưới một hình thái mới mệnh danh là cấu trúc luận bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau (nhân học, phân tâm học, phê bình văn học v.v..). Triết học trong thời kỳ này là triết học khái niệm thay thế cho triết học ý thức để đi tới một học thuyết về khoa học, sáng tạo ra những khái niệm mới. Về mặt văn học, sự xuất hiện của phong trào “Tiểu thuyết mới/Nouveau Roman” ở Pháp, phong trào “Tiểu thuyết thực nghiệm/Experimental Novels” ở Mỹ, luận điểm về “cái chết của tác giả” trong phê bình văn học mới, thuyết huỷ tạo/Deconstruction của Jacques Derrida xâm nhập văn học Mỹ. Một nét đặc thù của thế kỷ XX là phê bình luận văn chương trở thành một khoa học; nhà phê bình phải trang bị những kiến thức triết học và ngữ học. Cuộc cách mạng Nga 1917 đã dẫn khởi hai nguồn phê bình luận văn chương quan trọng: chủ nghĩa Hình thái và Lý luận của Mikhail Bakhtin, phát triển vào nửa sau thế kỷ tại Tây Âu cùng với cấu trúc luận.
Khi đề cập tiểu thuyết thực nghiệm, một trong những dạng thức của điều tôi gọi là phá thể tiểu thuyết, tôi đã nói đến những tiểu thuyết được viết ra vào thời đại cực kỳ sung mãn vì kỹ thuật in đã đạt tới trình độ tinh xảo với khoa học thông tin-điện toán, tuy nhiên điểm cơ bản là sự xuất hiện một nền văn chương không đồng bộ, ở đó những bút pháp sáng tạo không theo quy luật, nguyên tắc, mô hình hay hệ tư tưởng nhất định. Cho nên những nhãn hiệu như thực nghiệm, hậu hiện đại, tân tiểu thuyết mới không mang một giá trị nhất định mà chỉ muốn nói đến một cái gì mới hơn những cái đã có, một vận động huỷ triệt trong sáng tạo. Tôi nhấn mạnh đến việc, như tất cả những cuộc đổi mới, tiểu thuyết phá thể huỷ tạo mọi quy ước về ngôn ngữ, quy phạm, tu từ, phong cách, tư duy, nhân vật, thế giới, khoa học v.v…
Trong quyển sách “Đường vào văn chương” vừa mới xuất bản, tiểu đề là phê bình lý trí văn chương. Tại sao lại gọi là “phê bình lý trí văn chương”? Khi đặt vấn đề phê bình lý trí, đã có nhiều tác giả trên thế giới, tuỳ vào quan điểm của mỗi người, trình bày lý trí dưới góc cạnh lý trí sử, lý trí biện chứng, lý trí thơ, lý trí phân tâm học, lý trí hiện tượng học, lý trí chính trị v.v…Đương nhiên phải kể Kant là nhà triết học đã mở ra con đường phê bình lý trí thuần tuý, nghĩa là đi tìm phương pháp mới của tư tưởng, ngõ hầu nhận ra những thành tố của lý trí thuần tuý. Mục đích của Kant là đi tìm khả năng tri thức của con người mang tính tổng hợp song lại có tính tiên nghiệm. Song tại sao lại gọi là “phê bình”, chính vì không phải chỉ đi tìm cơ sở cho một khoa học trong triết học, quen gọi là siêu hình học, vì đó là một khoa nghiên cứu đối tượng là cái gì vượt lên trên cái thường nghiệm thuộc về vật lý, mà còn định giới hạn khả năng của tri thức siêu nghiệm này. Phê bình lý trí văn chương cũng vậy, không phải chỉ tìm xem văn chương như thể một khoa học ở những mặt lập thành của nó, mà còn tìm hiểu thế nào là ý thức văn chương để xác định một khoa học văn chương, khả năng sáng tạo ra tác phẩm văn chương.
Trong “Triết học nào cho thế kỷ XXI”, tôi nói đến khả hữu của hữu thể luận. Khi hỏi về khởi đầu của triết học, lại phải trở về vấn nạn cơ bản: triết học là gì?, song quả thật “hỏi triết lý” có nghĩa là đưa ra một triết lý. Rốt cuộc trong những năm-cuối-thế kỷ [XX], thành tựu hay dị luận của nhiều công trình triết học chỉ đem lại suy niệm hay tưởng niệm về cáo chung của triết học: cáo chung cũng có nghĩa như kết cuộc/cứu cánh của triết học. Triết gia là người đem lại những khả hữu cho kinh nghiệm, song không phải chỉ có những khả hữu của kinh nghiệm mà có nhiều kinh nghiệm khả hữu. Có nhiều mái nhà trong tư tưởng của con người. Thế giới đa biệt ngày nay chứng tỏ: chúng ta không sống cùng dưới mái nhà, nhưng sống trong nhiều căn nhà, điều quan hệ là không phải những “ốc đảo cô lập”. Mọi căn nhà đều tọa lạc trên cùng một nền: trái đất. Trái đất chúng ta như một sinh giới,thế giới của đời sống, cho nhân loại sống thành cộng đồng và ở đó, con người có thể thoả hiệp trong một niềm thông cảm về mọi sự vật trên đời này.
Ở “Đường vào văn chương”, chương cuối cùng luận về “hữu thế luận văn chương”, như có thể nói đến hữu thể luận toán học của Alain Badiou, hữu thể luận xã hội của Marx v.v…Vấn đề hữu thể là tiên quyết trước mọi vấn đề tri thức, cho nên con đường văn chương tôi vẽ ra phải kinh qua những tri thức về lý luận văn học, thông diễn học, ngữ học, văn phong học, ký hiệu học, mỹ học , một công trình lao động đòi hỏi nơi mỗi người viết, người đọc không đơn giản.
2). Từ những năm 60 của thế kỷ XX cho đến thập niên đầu thế kỷ XXI, sự bùng phát của khoa học thực nghiệm đã kéo theo sự bùng phát của các lý thuyết khoa học. Những lý thuyết ấy, dường như có sự “tranh giành” lẫn nhau về mức độ ảnh hưởng của nó trong việc giải mã những vấn đề của khoa học nói chung và khoa học xã hội nói riêng, trong đó có văn chương. Tuy nhiên có một nghịch lý là, đáng ra, lý thuyết nhiều thì thực tiễn đánh giá văn chương – nghệ thuật cũng phải được nâng lên về giá trị theo tỉ lệ luận, song thực trạng phê bình văn học dường như đi ngược lại với thang bậc ảnh hướng ấy. Phê bình, giải mã đời sống thẩm mỹ của văn học nghệ thuật hiện đại dường như thiên về lý trí hơn là mô tả cảm xúc tiên nghiệm của chủ thể trước văn bản - tác phẩm. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
ĐPQ:Khủng hoảng của phê bình văn học có thể đánh dấu qua những tranh biện về biên giới giữa hiện đại và hậu hiện đại, phê bình cũ và mới là một hiện tượng bình thường trong quá trình chuyển biến tri thức. Ngay trong nhưng cuộc bút chiến biểu hiện sự xung đột giữa phê bình cổ điển và phê bình mới, giữa phê bình nhà trường và phê bình phi hàn lâm, giữa phê bình khuôn mẫu điển hình và phê bình sáng tạo thường đi vào bế tắc nếu như không đi tìm bản chất của phê bình. Từ một trường hợp phê bình theo huỷ tạo một giai đoạn trở thành phong trào, tôi đưa ra nhận xét trong việc đặt vấn đề “cơ sở phê bình luận vị lai” là: khi đi tìm hiểu thuyết huỷ tạo là một trong những lý luận phê bình chủ đạo của nửa sau thế kỷ hai mươi, không thể không đặt mối quan hệ giữa văn chương và triết lý. Có phải những nhà phê bình văn chương thường bị triết học bức xúc phần nào vì bị từ khước những lạc thú văn chương (như vận động cảm tính của ngôn ngữ, những sự cố của hài kịch, thăng giảm của thuyết thoại [tự sự]) để nhường bước cho những trừu tượng của tư duy thuần tuý, những tiến triển của luận lý khô khan? Có phải trên quy mô rộng lớn của sự vật, thực tiễn văn chương chỉ tô điểm hương vị cho miếng thực phẩm vĩ đại là công trình triết lý? Trong viễn tượng đàn áp đó, lý luận huỷ tạo của Derrida đã xây dựng một cơ sở phong phú cho thực hành văn chương.
Mấy năm sau, nhân có người đưa ra một luận cứ rất giáo điều từ bàn chung quanh quyển sách “Phê phán phê bình luận văn học” của Tzvetan Todorov [nguyên tác tiếng Pháp là “Critique de la critique”] tôi nêu “mấy tiêu chí để tiếp cận lý luận văn học hiện đại”, trong đó nhận xét tại sao Todorov quan niệm văn chương khởi sinh từ một đối lập với ngôn ngữ thực dụng, văn chương là một diễn ngôn tự nó có thẩm quyền - từ cuộc cách mạng văn học của chủ nghĩa lãng mạn đến cuộc cách mạng của chủ nghĩa hình thái chỉ ra “dân chủ thay thế cho hệ thống đẳng cấp”, “phục tùng nhường chỗ cho bình đẳng”. Trong bài viết nói trên, tôi kết luận “vượt qua biên giới kiềm tỏa của chính trị và lạc hậu, những lý luận văn học [hiện đại] nhập cuộc với tiến bộ của khoa học xã hội hiện đại để nhập vào giòng đối thoại chung của con người, từ tiếng nói của con người trong hoàn cảnh đời sống hàng ngày đến những điều kiện thủ đắc của tác gia viết lên tác phẩm văn chương.         
3).Cuốn sách Đường vào văn chương: Phê bình lý trí văn chương của Giáo sư phải chăng là sự phê phán quá trình lý tính hóa tác phẩm văn chương đối với các lý thuyết phê bình “đình đám” trong thế kỷ vừa qua như Tự sự học, Giải cấu trúc, Tín hiệu học, Ký hiệu học….?
 ĐPQ:Dự án phê bình lý trí văn chương, như tôi nói ngay từ phần Dẫn nhập là “ở nửa sau thế kỷ XX, văn chương không chỉ giới hạn trong sáng tác, thưởng ngoạn thuần tuý trong lĩnh vực mỹ học, nhưng là những tranh luận về tính cách khoa học, khả hữu của một khoa học văn chương”. Khi tranh biện như thế, vấn đề không còn ở những giả vấn đề, như “vị nhân sinh” hay “vị nghệ thuật” song ở tính khoa học của nó, điều đó hàm ngụ nhận thức tự tại của văn chương, phương pháp luận, và những lý luận văn chương. Trong những tranh biện như thế, có can dự của nhiều khoa học khác nhau, từ triết học, sử học, văn học sử, ngữ học, ký hiệu học, ngữ nghĩa học, dân tộc học, xã hội học, tlý học, tâm bệnh học, mọi đóng góp đều có những giá trị nhất định, song đừng sa vào chủ nghĩa duy khoa học.
Có văn chương, là có ngôn ngữ, có văn tự, có sáng tạo, có thưởng ngoạn, có tác phẩm. Cho nên trong chương I của “Đường vào văn chương”, tôi đã đi từ khái niệm văn tự, đọc và viết tương quan với nhau như thế nào, đọc như một hành vi của viết và viết tương tự cũng mở ra như một hành vi của đọc; ngày nay nhiều nhà phê bình quan tâm đến vị thế của người đọc, nhưng thực ra có thể nói Nguyễn Du khi hỏi ba trăm năm sau, không biết có ai còn nhớ, còn khóc cho ông, là đã ý thức sự hiện hữu của người đọc quan trọng như thế nào rồi. Công việc đọc và viết có thể xem như lực lượng sản xuất ra bản văn.
4).Phê bình lý trí văn chương phải chăng là dự án phác thảo phê phán hệ hình tư tưởng phê bình văn học thế kỷ XX và thập niên đầu XXI, khi quá đề cao logic diễn giải hơn là tìm về bản chất của văn chương là siêu hình học? Ông đánh giá như thế nào về vai trò cảm thụ thẩm mỹ và mô tả hiện tượng học văn học trong khuynh hướng duy lý trí của lý thuyết phê bình văn học thế kỷ XX?
ĐPQ:Khẳng định hay phủ nhận khoa học văn chương, hay đặt vấn đề về tính khoa học hay tính văn chương, thực sự cũng là trở về với câu hỏi: phê bình lý trí văn chương có khả hữu?
Vấn đề của văn chương đặt ra những tranh luận liên quan đến thực và giả, chẳng hạn một tác phẩm văn chương là tiểu thuyết, cái gì thuộc về thực (sự kiện), cái gì là ảo giả (như ý niệm, nhân vật v.v…)?
Phạm vi của văn chương xác định giá trị của tác phẩm văn chương: nếu không có bảng thang giá trị mỹ học, không phân biệt được nghệ thuật hay, dở, ấu trĩ hay trưởng thành.Song tiêu chuẩn đó như thế nào? Có phụ thuộc vào thời gian? Vào cảm quan? Chẳng hạn, có những tiểu thuyết được đón nhận sôi nổi lúc mới xuất hiện song không được nói đến nữa theo thời gian, một nhà phê bình Đức gọi đó là một nhậy cảm văn chương, một nhà phê bình Pháp nói đến kinh nghiệm văn chương là một kinh nghiệm toàn diện.
Lấy một ví dụ khác, như quyển sách in ra trên giấy, với quyển sách ảo, Ebook, liệu quyển sách in có thể tồn tại, hay phải nhường bước cho Ebook? Hỏi như vậy, phải chăng lẫn lộn giữa phương tiện sản xuất văn hoá với phương thức sản xuất văn hoá?
5). Trong khi phê bình lý trí văn chương, chúng ta sẽ quay trở về với vấn đề nền tảng của nhận thức luận văn học là siêu hình học trong vai trò cá nhân tính (metaphysics of individuality – như cách nói của H. Gadamer ). Vậy có lý nào, chúng ta đang quay trở lại khám phá bản chất tiên nghiệm của chủ thể sáng tạo văn học và chủ thể phê bình văn học? Và phải chăng, một lần nữa chúng ta cần thiết phải trở về với mái nhà xưa của Hiện tượng học trong nhận thức luận văn học?
ĐPQ:Tôi nghĩ đến hiện tượng học như một đóng góp lớn lao trong lĩnh vực phê bình lý trí hiện đại trong “Đường vào văn chương”. Tôi đã đề cập trong sách, cuộc tranh biện giữa người học trò của Husserl là Roman Ingarden, người Ba lan với Käte Hamburger, đến học thuyết mỹ học văn chương của nhà hiện tượng luận Mikel Dufrenne người Pháp, đến lý luận về tầng bên trong những đối tượng mỹ học của Nicolai Hartmann và sự khác biệt với lý luận của Ingarden chỉ ra phân chia hữu thể luận giữa giá trị nghệ thuật của tác phẩm với giá trị mỹ học của đối tượng liên hệ tới tri giác, hay giá trị mỹ học của tác phẩm chỉ đắc thủ với người nào tri giác giá trị nghệ thuật trong biểu hiện mỹ học, phương cách nào có khả năng hơn? Điều đó chỉ đề ra chọn lựa, khi chúng ta nói về hữu thể luận văn chương.
6). Tôi đặc biệt quan tâm đến phần cuối của Đường vào văn chương: Phê bình lý trí văn chương, khi GS đi tìm hiểu bản chất mối quan hệ giữa mỹ học và văn chương, trong đó có đoạn: “Mỹ học và văn chương là hai khoa học phân biệt song có một điểm chung đó là thuộc về cảm tính”, phải chăng, phê bình lí trí văn chương, xét đến cùng là để trở về với điểm chung “cảm tính” này? Phê bình lý trí văn chương, theo GS phải chăng là “sự khiêu khích” với chủ nghĩa duy vật luận trong văn học, “khiêu khích” với Chủ nghĩa hiện đại (Chủ nghĩa duy lý) để trở về với siêu hình học truyền thống và trực giác luận?
ĐPQ: Mối quan hệ giữa mỹ học và văn chương thực sự chỉ đặt ra trong chương II của Phê bình lý trí văn chương, và tới chương XI của tập Hai sẽ xuất bản mới luận về mỹ học văn chương, cho nên tôi có nhắc nhở là từ trước đến nay, nhiều nhà nghiên cứu thảo luận về mỹ học không phân liệt rõ đâu là ranh giới của mỹ học nói chung và mỹ học văn chương nói riêng, cho nên trong việc đi tìm cơ sở phê bình lý trí văn chương ở đây, xác định khu biệt giữa hai phạm vi để tới cuối đường khai phá, có thể hình thành một hữu thể luận văn chương. Tôi có dẫn ra một ví dụ của một nhà triết học phân tích, Urmson để cho thấy cái đẹp của một quyển tiểu thuyết [như Chiến tranh và Hoà bình của L. Tolstoi] với cái hay không hẳn đồng nhất, cái hay của tiểu thuyết ở đây thuộc về đạo lý, tư tưởng song chưa hẳn được coi là đẹp về mặt mỹ học. Tôi có thể gợi ý ở đây, như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một ví dụ khác về hay và đẹp, chẳng hạn.
7).Cuối cùng, điều làm tôi quan tâm và cũng là đóng góp lớn nhất của Phê bình lí trí văn chương là: phải chăng cuốn sách đã hé mở cho chúng ta một đường hướng phê phán lý trí mỹ học trong thường thức nghệ thuật? Vâng, tôi thực sự quan tâm đến khả năng này, trong việc phác thảo một bản phổ hệ về phê phán lí trí mỹ học. Theo Giáo sư, mong muốn ấy liệu có thể trở thành hiện thực không, khi mà mỹ cảm dần bị thay thế bằng phân tích lý tính thẩm mỹ trong quá trình tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật ở một giai đoạn được đánh giá là khủng hoảng tri thức này?
ĐPQ:Trong bài viết về “mấy tiêu chí để tiếp cận lý luận văn học hiện đại” nhắc đến ở trên, tôi có nêu ra tính tự trị của chức năng nghệ thuật, không phải tính thoát ly của nghệ thuật, nguyên lý đối thoại có tầm nhìn lịch sử, đáp ứng từ lý luận cổ đại đến hiện đại, nên nghiên cứu văn chương muốn trở thành khoa học, phải để ý đến chiều thứ ba thay vì chỉ nhìn mọi sự trên một mặt phẳng. Cho nên như thông diễn học thường được nói nhiều đến ngày nay, vì nó phục hồi tính chủ thể, song điều đó không có nghĩa là phủ nhận tính liên chủ thể, ở thời đại kỹ thuật khoa học này, còn nói đến liên bản, thay vì chỉ có đơn bản. Cho nên sự khủng hoảng của tri thức cũng là cảnh báo về sự trấn áp giáo điều. Có thể người đọc cũng nhận thấy, đưa ra một đường hướng phê bình lý trí văn chương cũng có nghĩa là đang bảo vệ sự tồn tại của văn chương, trả lời cho câu hỏi: tại sao lại phải quan trọng/có vấn đề văn chương [what literature matters?]  
Xin chân thành cám ơn ông!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét