Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

LUẬN ĐỀ TÍNH Ý HƯỚNG VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NÓ TỪ BRENTANO TỚI MEINONG, HUSSERL, EHRENFELS VÀ MALLY


WINFRIED LOFFLER (*)

 
Edmund Husserl

Trong bài viết này, tác giả đi sâu giải quyết ba vấn đề chính: Thứ nhất, phác họa chân dung Brentano trên cương vị một triết gia; thứ hai, đi sâu giải thích luận đề tính ý hướng như Brentano đã hiểu ở giai đoạn đầu và phân biệt nó với một số hiểu lầm về nó; thứ ba, khảo sát ngắn gọn về sự phát triển vượt ra ngoài học thuyết của Brentano từ các học trò thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai của ông.
***
Theo Otto Neurath và Rudol Haller, Triết học Áo cuối thể kỷ XIX và đầu thế kỷ XX mang đặc trưng rất riêng và là một trong những nền tảng chính của triết học phân tích hiện đại: Gần gũi và cởi mở với các ngành khoa học; chống chủ nghĩa duy tâm và mang tính duy thực về mặt bản thể luận; có xu hướng của chủ nghĩa kinh nghiệm và quay trở lại với triết học Công giáo kinh viện đã thoái trào và chủ nghĩa duy lý của Leibniz-Wolff. Trong xu hướng đó, triết học Áo đã ảnh hưởng đến đạo Công giáo của các Hoàng đế Habsburg và làm giảm sự tiếp nhận triết học Kant cũng như chủ nghĩa duy tâm Đức. Barry Smith đã bổ sung thêm cho luận điểm này việc cần phải xem Franz Brentano (1838-1917) là nhân vật trung tâm của cái gọi là “triết học Áo”. Brentano là giáo sư tại thành phố Viên từ 1874 đến 1880 và là giảng sư đến 1895. Cá nhân tôi vẫn còn những hoài nghi về một số điểm trong luận điểm của Neurath và Haller (tôi không thể nói rõ trong bài viết ngắn này), nhưng không nghi việc Brentano chính là một trong những triết gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại trong nền triết học châu Âu, điều này được thể hiện rõ qua các thế hệ học trò ưu tú của ông. Rõ ràng, một trong những nền tảng quan trọng của triết học phân tích chính là triết học Áo – Balan, bắt nguồn từ Brentano và học trò của ông (như Meinong và Twardowski) cũng như thế hệ học trò thứ hai của ông (như Mally, Lukasiewicz, Tarski).(*)Hơn thế nữa, Brentano còn có ảnh hưởng trong việc bổ nhiệm Ermst Mach là giáo sư tại Viên và điều này tạo ra không khí khoa học thân thiện giữa các triết gia cùng đông đảo các độc giả. Điều thú vị là, mặc dù trào lưu hiện tượng học mà ngày nay, thường bị xem là đối lập với triết học phân tích, lại được khởi nguồn từ tư tưởng của Brentano và các học trò của ông. Edmund Husserl đã viết rằng, nếu không có Brentano, người thầy của ông, thì ông không thể trở thành triết gia; thậm chí, Martin Heidegger - triết gia điển hình phản đối triết học phân tích cũng thừa nhận rằng, nếu như ông không đọc tác phẩm đầu tiên của Brentano về Aristotle thì ông đã không thể có tư tưởng triết học riêng của mình. Brentano được coi là một nhà triết học, nhưng ông cũng thường được đề cập tới trong các sách về tâm lý học và [được giới học giả] xem là một trong những cha đẻ của tâm lý học hiện đại. Không giống thế hệ đi trước, Brentano xem tâm lý học là khoa học về các hiện tượng tâm lý và tinh thần, chứ không phải là khoa học về tâm hồn. Vì vậy, ông chính là người mở đường cho tâm lý học kinh nghiệm hiện đại.
Luận đề nổi tiếng và xuất sắc nhất của Brentano chính là luận đề về tính ý hướng. Tuy nhiên, điều thú vị là luận đề này lại được sửa đổi nhiều lần và còn bị hiểu lầm: Nó được ông và những học trò ưu tú của mình chỉnh sửa và đã bị hiểu lầm trầm trọng trong phần lớn những người tiếp thu tư tưởng Brentano kể từ 1970 trở đi. Tuy nhiên, nó lại gặt hái được nhiều thành công đối với tư tưởng triết học trên nhiều lĩnh vực. Và, trong bài viết này, tôi sẽ bàn luận về điều đó.
Trong mục 1, tôi phác họa chân dung Brentano trên cương vị một triết gia; trong mục 2, giải thích luận đề tính ý hướng như Brentano đã hiểu ở giai đoạn đầu và phân biệt nó với một số hiểu lầm về nó; trong mục 3 và mục 7, khảo sát ngắn gọn về sự phát triển vượt ra ngoài học thuyết của ông từ các học trò thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai. Mặc dù vẫn có những tranh cãi và hiểu lầm, song học thuyết tính ý hướng vẫn đóng vai trò là xuất phát điểm của các dự án triết học khác nhau.
1.    Franz Brentano – Bức chân dung ngắn gọn về một nhân vật khó hiểu
Chỉ ở một mức độ nào đó thôi, Brentano mới thể hiện những nét đặc trưng của một triết gia người Áo, bởi ông là người chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng của Aristole, Leibniz và tân triết học kinh viện Cơ đốc giáo. Khi còn ở Đức, ông đã có định hướng này: Ngay khi mới chỉ là một cậu học sinh, ông đã đọc các tác phẩm của Thomas Aquinas và tiếp tục đọc Aquinas trong suốt quá trình học đại học. Năm 1874, ông rời nước Đức để tới thành phố Viên đúng vào lúc hoàn thành xong các tác phẩm chính của mình: Hai tác phẩm viết về Aristole và tập đầu tiên của công trình Tâm lý học từ quan điểm thực nghiệm. Ông giữ thái độ cởi mở với khoa học tự nhiên: Trong luận án tiến sĩ khoa học của mình, ông nói rằng, phương pháp chân thực của triết học không khác so với phương pháp của các ngành khoa học tự nhiên, mặc dù, ông không phải là nhà khoa học tự nhiên cũng không phải là người ủng hộ cho bất cứ chủ nghĩa khoa học nào giống như Nhóm Viên. Phương pháp của các khoa học tự nhiên mà ông nói ở đây chính là quy trình quy nạp và diễn dịch thực nghiệm hoàn toàn khác so với những tư biện của các triết gia duy tâm Đức mà ông kịch liệt phản đối.
Đối với chủ nghĩa duy thực và duy khách quan, lập trường của Brentano khá phức tạp: Một mặt, ông là nhà duy thực và duy khách quan mạnh mẽ trong lĩnh vực đạo đức học cũng như bản thể luận; mặt khác, ông lại cho rằng, tất cả các lĩnh vực trong triết học phải bắt nguồn từ (phương pháp) nội quan, tức là từ những quan sát nội tại đời sống tinh thần. Rõ ràng, lập trường như vậy đã nảy sinh những vấn đề cần giải quyết để "thu hẹp khoảng cách": Làm sao chúng ta có thể đảm bảo rằng hiện tượng tinh thần phản ánh chính xác thế giới bên ngoài? Brentano đã tìm rất nhiều cách khác nhau để lấp đầy khoảng cách đó: Về vấn đề đạo đức cũng như những vấn đề khác, ông thường áp dụng tư tưởng tính đúng đắn hiển nhiên: Dường như luôn có sự hiển nhiên đúng trong yêu hoặc ghét. Trong bản thể luận, nhận thức luận và triết học tôn giáo, ông thường dùng nguyên lý xác suất và tham chiếu để đưa ra những kiến giải thuyết phục nhất: Những giải thích phù hợp nhất đối với nhận thức của chúng ta chính là sự tồn tại của thế giới bên ngoài; còn những giải thích mang tính xác suất nhất đối với cấu trúc thế giới chính là sự tồn tại của Chúa.
Chúng ta không nên dựa vào số rất ít những tác phẩm đã xuất bản của Brentano để nói về tầm ảnh hưởng lớn lao của ông. Thực chất, trong suốt cuộc đời của mình, ông cho xuất bản rất ít. Sau 1874, dường như Brentano không đủ khả năng để hoàn thành các bản thảo có quy mô của mình. Ông thường cân nhắc rất kỹ các vấn đề, liên tục thay đổi quan điểm của mình và do vậy, một phần lớn công trình của ông chỉ có thể tiếp cận được qua những bản thảo viết tay mà chưa được xuất bản. Một vài lĩnh vực trong tư tưởng Brentano, chẳng hạn như bản thể luận, là rất khó hiểu, vì ông thường thay đổi quan điểm của mình, thậm chí chỉ trong vòng một vài tuần hoặc một vài tháng. Phần nhiều trong số những bản thảo này đã được xuất bản sau khi ông qua đời, nhưng phần nào đó, được xuất bản theo những cách đáng ngờ: Một số người biên tập đã lắp ghép các tác phẩm cũ với tác phẩm mới, số khác lại có xu hướng truyền bá những quan điểm hậu kỳ của Brentano. Vì vậy, những quan điểm (hậu kỳ) này được lắp ghép vào các văn bản thời kỳ đầu và vì thế mà dẫn đến những lẫn lộn. Một công trình phê bình sử học có hy vọng tránh được những vấn đề đó đang trong quá trình hoàn thiện và đã có một số tập được phát hành. Dấu hiệu cho thấy những khó khăn trong việc phác thảo bức tranh toàn cảnh về tư tưởng của Brentano là ở chỗ, cho đến nay, chưa có một công trình quy mô và đầy đủ về triết học của ông được thực hiện. Đã có rất nhiều nghiên cứu về các chủ đề chuyên biệt và một số tổng quan về tư tưởng chính của ông, nhưng như tôi được biết thì cho đến nay, vẫn chưa có ai đủ can đảm làm một chuyên khảo toàn diện về toàn bộ tư tưởng của Brentano. Đặc biệt là, triết học tôn giáo của ông [đã] hoàn toàn bị lãng quên.
Vậy, tại sao Brentano lại có tầm ảnh hưởng lớn như thế? Không phải qua những tác phẩm ông viết, mà qua nhân cách của ông và các thế hệ học trò nối tiếp nhau của ông. Những học trò ưu tú mà tôi muốn nhắc đến là Meinong, Husserl, Twardowski – những học trò do ông trực tiếp giảng dạy, cũng như Heidegger, Tarski, Mally, và Lukasiewicz – những học trò gián tiếp của ông. Và, còn nhiều học trò khác nữa, như Carl Stump - một trong số những học trò đầu tiên của ông tại Wurzburg và là người sáng lập tâm lý học hiện đại; hay một học trò khác nữa là Thomas Masaryk – cựu Tổng thống Tiệp Khắc, người lưu giữ những tác phẩm của ông tại Prague. Theo dòng hồi tưởng cá nhân của học trò, Brentano là một người thầy, một triết gia ấn tượng và đầy sức lôi cuốn, đặc biệt là phong cách phân tích cẩn mực và thường xuyên suy xét lại các vấn đề đã gây hứng thú đối với người nghe. Một nét đáng bàn luận trong tính cách của ông là sự không khoan dung đối với các quan điểm khác, đặc biệt là sự phản đối những cựu học trò đã thay đổi lập trường của mình, như Meinong và Husserl. Điều thú vị là, cả hai cựu học trò này đều phát triển quan điểm của họ khác với học thuyết tính ý hướng. Đây là chủ đề được bàn luận trong phần tiếp theo.
2.         Luận đề tính ý hướng của Brentano
Như tôi đã trình bày trước đó rằng, Brentano là một trong những cha đẻ của tâm lý học hiện đại, khi khẳng định tâm lý là khoa học của hiện tượng tâm lý và tinh thần. Định nghĩa này đã dẫn đến cách xác định nội hàm các hiện tượng đó. Sau những tranh luận không hợp lý, Brentano đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng và đã được trích dẫn nhiều lần, như sau:
Mọi hiện tượng tinh thần được đặc trưng bởi cái mà các nhà kinh viện Trung cổ gọi là sự tồn tại nội tại mang tính ý hướng (hoặc tính tinh thần) của đối tượng, và cái mà chúng ta có thể gọi, mặc dù không hoàn toàn rõ ràng, là sự tham chiếu của nội dung, sự hướng tới một đối tượng (đối tượng ở đây là cái mà chúng ta không nên hiểu là vật thể) hoặc là tính khách quan nội tại. Tất cả các hiện tượng tinh thần, bằng các cách thức khác nhau, đều hàm chứa một cái gì đó như là đối tượng. Trong một biểu đạt thì có (sự hiện diện của) cái được biểu đạt; trong phán đoán thì có cái được khẳng định hoặc cái bị phủ định; trong yêu có cái được yêu, trong ghét có cái được ghét, trong ham muốn có cái được ham muốn. Sự tồn tại nội tại mang tính ý hướng này là đặc trưng riêng của hiện tượng tinh thần. Không có hiện tượng vật chất nào có đặc trưng giống như thế. Do đó, chúng ta có thể định nghĩa hiện tượng tinh thần như sau: Hiện tượng tinh thần là các hiện tượng chứa đựng trong nó đối tượng một cách có ý hướng (phenomena which contain an object intentionally within themselves)(1).
Tất cả các hiện tượng tinh thần, như chúng ta thấy, đều có tính hướng đến (directedness) hoặc “hướng về” (“aboutness”), chúng hướng đến đối tượng nội tại. Điều này được gọi là “luận đề về tính ý hướng” hay “luận đề Brentano.
Có một số vấn đề mà tôi cần phải làm rõ ở đây. Trước hết, “mang tính ý hướng” (intentional) không phải là chủ định, chủ đích (intention) – theo nghĩa mục tiêu hay mục đích của hành động. Việc sử dụng từ intentional, Brentano muốn nói đến một thuật ngữ kinh viện cổ intentio – từ này có thể được dịch từ tiếng Ả Rập. Theo từ nguyên học, nghĩa của từ Ả Rập này có gì đó giống như việc kéo cung tên: Khi kéo cung, mũi tên hướng tới một cái gì đó; và hiện tượng tinh thần ý hướng cũng hướng đến một cái gì đó. Thứ hai, “tồn tại nội tại” (in-existance) ở đây cần phải hiểu theo nghĩa đen. Nó không phải là không tồn tại, mà là “tồn tại bên trong”. Đối tượng ý hướng tính như vậy là tồn tại trong hiện tượng tinh thần, như tôi đã nói rõ ở câu trong ngoặc trên. Thứ ba, chúng ta có thể hiểu những thuật ngữ của Brentano một cách nông cạn: Đối tượng tồn tại trong hiện tượng tinh thần là đối tượng nội tại. Brentano đã gọi nó là đối tượng hàm tàng và nói rằng, nó không nên được hiểu là một loại vật thể (xem ở trên). Điều này ban đầu nghe có vẻ mâu thuẫn với trực giác và không bình thường: Nếu tôi muốn ăn những quả dâu tây, tôi sẽ muốn ăn những quả dâu tây thật chứ không chỉ quả dâu tây nội tại, trong tưởng tượng. Liệu điều này có nghĩa là Brentano là nhà phản ánh luận hay là nhà hiện tượng học?([1])
Không thực sự như vậy, Peter Simons đã từng gọi Brentano là một “nhà hiện tượng học phương pháp luận” và dường như đúng là vậy. Chúng ta phải nhớ lại nhận thức phổ quát về triết học và khái niệm của Brentano về hiện tượng để hiểu được điều này. Như tôi đã nói trong phần một, Brentano đã nhận thấy rằng sự nội quan thế giới tinh thần, hay tâm lý học miêu tả như ông gọi, là xuất phát điểm của triết học. Các triết gia nghiên cứu các hiện tượng và các hiện tượng được phân chia thành hiện tượng vật lý và hiện tượng tinh thần. Nghiên cứu các hiện tượng vật lý có thể là chìa khóa để giải quyết các vấn đề của chúng ta. Hiện tượng vật lý, theo Brentano, không phải là những vật thể vật chất hay tương tự, mà thực sự là “hiện tượng” theo nghĩa là những sự xuất hiện (hiện ra) hoặc những gì xuất hiện trong tâm trí của chúng ta. Theo nguyên văn Brentano:
Các ví dụ về hiện tượng vật lý là một sắc màu, một hình tướng, một phong cảnh mà tôi nhìn thấy, âm thanh mà tôi nghe, sự ấm áp, lạnh lẽo và mùi vị mà tôi cảm nhận, cũng như những hình ảnh tương tự (Tiếng Đức là Gebilde) xuất hiện trong trí tưởng tượng của tôi.
Những thông điệp in nghiêng này cho thấy, Brentano không đánh đồng hiện tượng vật lý với đối tượng vật lý trong thế giới bên ngoài. Hiện tượng vật lý không phải là những đối tượng có màu sắc, mà là những màu sắc được nhìn thấy, v.v.. Theo Brentano, cái mà chúng ta có giống như chất liệu đầu vào cho/của triết học chính là hiện tượng (phenomena), khi xuất hiện trong tâm thức chúng ta, chúng có thể mang tính vật lý hoặc tinh thần. Cái nằm sau những hiện tượng này, liệu có tồn tại thế giới bên ngoài hay không..., lại là một câu hỏi khác. Có thể nói rằng, ngay từ đầu, cũng giống như Ernst Mach và Edmund Husserl, Brentano giữ quan điểm trung lập về những tuyên bố mang tính bản thể luận. Đến đây, chúng ta có thể hiểu được đặc tính riêng của hiện tượng tinh thần: Trái với hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật lý, theo như Brentano hiểu, thiếu tính hướng về, tính hướng đến hay tính ý hướng. Một hình tướng, một phong cảnh mà tôi nhìn thấy không hướng đến một cái gì đó, nhưng một điều ước hoặc một phán đoán thì có.
Tuy nhiên, Brentano thường hay bị hiểu nhầm. Một số nhà phê bình đã lầm tưởng ông phân chia thế giới thành vật thể vật lý và đối tượng tinh thần,v.v.. Họ coi các định nghĩa của ông là những tuyên bố bản thể luận (nhưng thực chất lại không phải như vậy). Sự hiểu lầm thứ hai, đó là tính ý hướng hướng đến các đối tượng bên ngoài. Đương nhiên, kiến giải như vậy có vẻ là hợp lý và minh nhiên, nhưng trong tác phẩm của Brentano về tâm lý học năm 1874 lại phủ nhận điều này. Đối tượng ý hướng tính là đối tượng nội tại. Sự hiểu lầm đó diễn ra thường xuyên trong giới học thuật, vì rất nhiều cuộc thảo luận trong trường phái của Brentano và ngay cả Brentano hậu kỳ cũng đã thay đổi nhận thức của mình. Cũng rất thú vị khi xem xét cái nào là vấn đề Brentano đặt ra và cái nào là luận đề của Brentano; đôi khi luận đề của Brentano về các hiện tượng tinh thần không thể quy giản thành các hiện tượng vật lý, các hiện tượng vật lý không bao giờ mang tính ý hướng và vấn đề Brentano đặt ra [ở đây] chính là, làm thế nào để hiện tượng tinh thần hướng đến được các đối tượng bên ngoài,v.v.. Tất cả những vấn đề đó không phải là quan tâm hàng đầu của ông. Điều ông quan tâm đó là tìm ra định nghĩa phù hợp cho hiện tượng tinh thần.
Một điểm có liên quan mà có thể gây ảnh hưởng là sự phân loại của Brentano về các hiện tượng tinh thần. Trong tác phẩm Tâm lý học, ông đã chia hiện tượng tinh thần thành ba loại: a) các ý tưởng (biểu tượng) (Tiếng Đức: Vorstellungen), b) phán đoán (Tiếng Đức: Urteile), c) hiện tượng của sự quan tâm (phenomena of interest) (Cả tiếng anh và tiếng Đức đều không có thuật ngữ chuẩn cho hiện tượng này). Những ví dụ điển hình cho hiện tượng này đó là sự yêu, ghét và ao ước. Sự phân loại mới chỉ được ông phác họa vào năm 1874, và mãi cho đến năm 1911, trong tuyển tập thứ hai của mình, ông mới đi sâu vào phân tích nó. Trong tuyển tập đó, Brentano đã đề cập đến hiện tượng học và ông thấy rằng, sự phán đoán và hiện tượng của sự quan tâm thường là một tổ hợp đa tầng, giống như các lớp vỏ của củ hành: Mọi phán đoán đều chứa ít nhất một ý tưởng và mọi hiện tượng của sự quan tâm đều có phán đoán. Thử lấy một ví dụ rằng tôi vui mừng khi thấy cửa mở. Khi tôi thấy cửa mở, tôi có ý tưởng về cửa mở, chứ không phải là tưởng tượng: Tôi phán đoán rằng cửa đã thực sự mở. Và tôi thích điều rằng cửa đã mở, v.v.. Trong tôi xuất hiện hiện tượng của sự quan tâm tới nội dung của phán đoán này. Tôi không bàn chi tiết ở đây, tuy nhiên, sự phân loại của Brentano nhìn chung vẫn còn bị hạn chế giống như Áo nịt ngực của người phụ nữ, đặc biệt là vai trò của phán đoán được đánh giá quá cao và có phần tạo dựng. (Có các hiện tượng tinh thần còn phức tạp hơn sự trình bày, tuy nhiên, chúng không giống như sự phán đoán). Chúng ta sẽ xem xét điều này ở thế hệ học trò của Brentano: Meinong - người đã giải quyết một phần những hạn chế đó.
3.    Những phụ chú về luận đề tính ý hướng (I): “Thuyết đối tượng” của Meinong
Chúng ta hãy gác lại vấn đề mang tính lịch sử và mang tính diễn giải nhằm tìm sự kiến giải chính xác Brentano để hướng đến một vấn đề mang tính hệ thống hơn: Làm thế nào để hiểu chính xác về luận đề tính ý hướng và liệu nó (cách hiểu đó) có hợp lý không? Như chúng ta thấy cách Brentano hiểu luận đề này khá lạ lùng: Theo ông, đối tượng ý hướng tính là cái tồn tại hàm tàng (nội tại). Dường như theo một cách hiểu hiển nhiên hơn ta chờ đợi đối tượng ý hướng tính là đối tượng bên ngoài hoặc siêu việt, có nghĩa là, ta có thể nói là đối tượng thực sự bên ngoài. Tuy nhiên, cả hai cách hiểu đó đều có lợi thế riêng của nó. Cách hiểu ngoại tại (về đối tượng tính ý hướng) dường như gần với lẽ thông thường: Nếu chúng ta nghĩ về Paris và muốn thấy Paris thì chúng ta muốn thấy Paris thực sự chứ không phải là trong tưởng tượng. Nếu ai đó sợ con chó của hàng xóm, vậy thì, anh ta sợ con chó thật chứ không phải con chó anh ta nghĩ tới. Tuy nhiên, có một số trường hợp không có đối tượng bên ngoài tồn tại: Nếu chúng ta muốn một cuốn từ điển hoàn hảo, hay là gặp vị hoàng đế hiện thời của Áo thì những đối tượng như thế không tồn tại trên thực tế. Cách hiểu ngoại tại về luận đề tính ý hướng gặp phải rắc rối ở đây, còn cách hiểu nội tại về tính ý hướng có thể dễ dàng lý giải cho những trường hợp đó. Mong muốn của chúng ta có thể có đối tượng nội tại mang những đặc trưng nhất định, nhưng không nhất thiết phải cần có đối tượng thực tại tương ứng với nó. Người đầu tiên nỗ lực giải quyết vấn đề này chính là học trò của Brentano, Kazimeirz Twardowski - người trở về Lemberg (ngày nay là Lvốp ở Ukraina) và trở thành nhà sáng lập trường Lemberg - Warsaw về lôgíc - cái nôi của triết học Ba Lan hiện đại. Năm 1895, Twardowski đã đề xuất sự khác biệt giữa nội dungđối tượng của ý tưởng (biểu đạt, biểu tượng). Mọi ý tưởng đều có nội dung, nhưng không nhất thiết phải có đối tượng. Nội dung của ý tưởng có gì đó giống với ngữ nghĩa của ngôn ngữ và Twardowski đã phát hiện ra cái gì đó giống với sự phân biệt giữa ý nghĩa và sự tham chiếu (reference).
Được truyền cảm hứng bởi Twardowski, Alexius Meinong (1853-1920) đã đưa ra cách giải quyết chi tiết hơn trong Luận thuyết đối tượng (Gegenstandstheorie). Meinong sinh trong gia đình quân nhân dòng dõi quý tộc Áo, ở thành phố Lemberg, tuy nhiên, ông lại rời đến thành phố Vienna khi còn nhỏ và theo học Brentano tại đấy. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Graz và thành lập phòng thí nghiệm tâm lý học thực nghiệm đầu tiên tại Áo. ít ai trong số chúng ta biết rằng ông là nhạc sĩ tài ba và một số bài hát của ông (theo phong cách Anton Webern) được trình diễn trong Đại hội triết học Áo năm 2007. Tuy nhiên, tác phẩm nổi tiếng của ông, như đã đề cập ở trên, đó là Luận thuyết về đối tượng. Đây có thể xem là kết quả của sự hoàn thiện cách hiểu ngoại tại về luận đề tính ý hướng - thậm chí một số kết luận mang tính bản thể luận của nó có thể chưa hoàn toàn hợp lý. Nguyên lý cơ bản của thuyết đối tượng đó là mọi hiện tượng tinh thần mang tính ý hướng đều có đối tượng; thậm chí, đối tượng có thể chứa những thuộc tính mâu thuẫn hoặc khác lạ. Nếu như ai đó nghĩ đến những đối tượng kỳ dị như núi bằng vàng, suối nguồn của tuổi trẻ hay một hình vuông tròn, thì theo Meinong, những đối tượng đó có thể vẫn tồn tại mặc dù [chúng] không giống với sự tồn tại của thành phố Paris hoặc quả táo. Cái giá về mặt triết học phải trả cho giải pháp này là sự đưa ra những quan niệm khác nhau về tồn tại. Tuy nhiên, theo Meinong, cái giá đó là hoàn toàn thỏa đáng, bởi dù sao thì việc chú trọng đến sự tồn tại trong không gian và thời gian vẫn là một cách nhìn thiển cận. Phạm vi những đối tượng mà chúng ta quan tâm thường rộng hơn nhiều các đối tượng vật chất có thuộc tính không-thời gian: Chúng ta còn quan tâm đến con số, mối quan hệ giữa cân bằng và mất cân bằng, tính tương đồng, chuỗi hệ quả và luật nhân quả. Chúng ta còn có cả một bộ môn khoa học ứng phó thành công với các đối tượng không hình khối (vô thê), trừu tượng, mang tính tư tưởng: Đó là toán học và hình học. Một số ví dụ về đối tượng của Meinong là: Năm quả táo đựng trong chiếc cặp của tôi tồn tại theo thời gian và không gian; tuy nhiên, giữa năm quả táo đó còn có tính số năm (fiveness) sự giống nhau về màu sắc, đồng nhất về kiểu gen giữa các tế bào, sự khác nhau về trọng lượng giữa hai trong số chúng, mối quan hệ giữa vị trí của chúng, mối quan hệ sở hữu giữa tôi và những quả táo và nhiều cái khác nữa. Tất cả những cái đó là đối tượng quan tâm của nhận thức chúng ta, thậm chí ngay cả khi chúng không tồn tại trong không gian và thời gian. Đôi khi những đối tượng đó trở thành vấn đề trong các thủ tục pháp lý: Trong trường hợp vi phạm bản quyền thì có thể có sự tương đồng giữa những chiếc túi xách thật (có đăng ký bản quyền) và túi xách làm nhái (hàng giả) hoặc sự giống nhau về kiểu gen với đặc tính nổi trội giữa các (giống) cây ngô khác nhau.
Thuyết đối tượng của Meinong có thể được xem như là thuyết duy thực, sự cải biến bản thể luận của cách hiểu ngoại tại về luận thuyết tính ý hướng của Brentano. Ông đã cố gắng thiết lập hệ thống các phạm trù cho tất cả đối tượng của nhận thức chúng ta, và đưa ra những quan niệm khác nhau về tồn tại: Những thứ như quả táo thực sự tồn tại, các mối liên hệ như tính tương tự cũng hiện hữu (trong tiếng Đức là Bestehen) và những thứ không hiện thực hoặc có tính mâu thuẫn như hình vuông tròn, suối nguồn của tuổi trẻ và núi bằng vàng là những thứ ngoài phạm vi tồn tại (außerseiend). Hình thức tồn tại này là dạng thức hiện hữu yếu thế nhất. Meinong dường như cho rằng, mọi sự miêu tả đúng về mặt ngữ pháp hướng tới ít nhất một đối tượng ngoài phạm vi tồn tại nào đó. Theo Meinong, chúng ta nên chấp nhận một nghịch lý là có những thứ không hiện hữu ra ngoài - ít nhất là theo nghĩa thực tồn hoặc sinh tồn. Tuy nhiên, không chỉ các ý tưởng có đối tượng, mà phán đoán cũng có đối tượng của nó. Meinong gọi thực thể -hướng đến của phán đoán là “đối tượng” (Ojecktive), có nghĩa là các vật thể giống như đối tượng (object-like things). Nếu tôi phán đoán rằng trời mưa thì (sự kiện) rằng “trời mưa” là “đối tượng” trong phán đoán của tôi. “Đối tượng” có nhiều nét giống như những mệnh đề hay “tư tưởng” của Frege.
Rõ ràng, thuyết đối tượng của Meinong đã mang đến một vũ trụ rất phong phú, thậm chí là chật chội về mặt bản thể luận, đôi khi nó bị chế giễu như là khu rừng rậm Meinong. Tuy nhiên, tư tưởng này, một cách gián tiếp, có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn. Lấy cảm hứng từ Meinong, Bertrand Russell đã phát triển thuyết về sự miêu tả xác định trong tác phẩm Về sự tham chiếu (On Denoting) năm 1905: Điều này không hoàn toàn đúng, theo Russell, tất cả các câu tham chiếu đúng về mặt ngữ pháp đều chỉ tới một đối tượng; thậm chí, đối tượng đó là đối tượng theo nghĩa Meinong nói. Qua phép phân tích lôgíc, Russell đã chỉ ra rằng, những giả định của Meinong là không cần thiết. Và như vậy, Meinong đã mang đến một sự khích lệ quan trọng nhằm phát triển ý niệm về phép phân tích lôgíc. Cho đến nay, những tư tưởng của Meinong được xem là sự phục hưng nhất định trong dòng lôgíc tồn tại tự do, lôgíc tình thái và siêu hình học tình thái. Một số triết gia đã coi việc thiết định đối tượng của Meinong là một cách để tái thiết lập diễn ngôn về các khả thể và các đối tượng hư cấu.
4.    Những phụ chú về luận đề tính ý hướng (II): Khám phá của Meinong về các giả định
Meinong không chỉ nghiên cứu khía cạnh đối tượng trong quan hệ ý hướng, mà còn có những phản tư khác nhau về cơ chế hoạt động của tính ý hướng. Sự phân loại của Meinong về hiện tượng tinh thần hơi khác so với Brentano. Ông đã phát hiện ra hình thái mới của mối quan hệ tính ý hướng: Mối quan hệ về giả định. Giả định không phải là những ý tưởng (biểu tượng), phán đoán và hiện tượng của sự quan tâm, mà có những nét đặc thù. Nếu tôi giả định rằng tôi bây giờ đang ở Hong Kong, tôi không nghĩ và không phán đoán rằng tôi ở đó, tôi không ao ước hoặc sợ hãi khi tôi ở đó, nhưng đó là hành vi mang tính ý hướng đặc biệt: Tôi giả định rằng tôi ở đó. Tuy nhiên, điều thú vị là chúng ta có thể đưa ra các kết luận từ sự giả định. Nếu như cảnh sát giả định rằng, Jones là kẻ cướp nhà băng, thì chúng ta có thể suy ra rằng, anh ta không có ở văn phòng của mình ở thời điểm ngân hàng bị cướp, và chúng ta có thể kiểm chứng điều này. Rõ ràng, giả định có mối tương quan rất lớn với toán học và khoa học tự nhiên; tuy nhiên, Meinong lại phát triển thuyết xác suất và khả thể dựa trên học thuyết giả định của mình. Chuyên luận dài 700 trang của ông đã không nhận được sự chú ý và đánh giáo cao, một phần cũng bởi ông vẫn chưa thể khoác cho nó hình thức toán học trau chuốt. Điều này có thể xuất phát từ lúc ông bị suy giảm thị lực, căn bệnh đã ảnh hưởng xấu đến công việc của ông trong nhiều thập kỷ và [nó] cũng giải thích phần nào đó tính cách phức tạp trong các tác phẩm của ông.
5.    Những phụ chú về luận đề tính ý hướng (III): Hiện tượng học của Husserl
Trong phần cuối của bài viết này, tôi phác thảo ba lĩnh vực khác nữa - những lĩnh vực mà tại đó, tư tưởng của Brentano trở nên có ảnh hưởng. Thứ nhất, là Hiện tượng học của Husserl – có thể rất nhiều trong số các bạn biết tới. Thứ hai, là “Thuyết hình thái”(**) (“Gestalt Theory”) của Ehrenfels và lôgíc nghĩa vụ (deontic logic) của Mally – có thể các bạn chưa biết. Hay nói chính xác hơn, tôi có thể thấy rất nhiều trong số các bạn đã từng biết sơ qua về các thuyết Hình thái (Gestalt theories) và lôgíc nghĩa vụ (deontic logic) rồi, nhưng có thể các bạn không biết nó khởi nguồn từ Áo (và một cách gián tiếp từ Brentano).
Những bậc thầy triết học ảnh hưởng lớn nhất đến Edmund Husserl là Carl Stumpf (học trò của Brentano) và chính Brentano. Husserl thậm chí đã dành đề tặng cuốn sách đầu tiên – Triết học về số học (1891) cho người thầy đáng kính của mình. Husserl đã cố gắng lấy toán học làm nền tảng cho tâm lý học, nhưng phương pháp này bị chỉ trích là sa vào chủ nghĩa duy tâm lý (psychologism) và ông chấp nhận phê phán đó: Lôgíc và toán học, với tư cách là tập hợp của những lý tưởng và chân lý thiết yếu, không thể lấy tâm lý học với tư cách tập hợp của các chân lý thực nghiệm về tâm thức con người làm nền tảng. Thậm chí, Husserl đã trở thành một nhà phê bình gay gắt chủ nghĩa duy tâm lý và vì vậy, ông đã áp dụng rất nhiều quan niệm của Brentano về tâm lý học mô tả, về tính ý hướng, về hiện tượng và về bằng chứng. Tôi không thể đi sâu vào phân tích các giai đoạn phát triển khác nhau về hiện tượng học của Husserl, nhưng ít nhất thì giai đoạn đầu của hiện tượng học mô tả của ông là do chịu ảnh hưởng của tư tưởng Brentano. Husserl cho rằng, có mối tương quan giữa đối tượng ý hướng tính và hành vi ý hướng tính, trong đó hiện tượng quy định hành vi hướng tính (chứ không phải ngược lại như chủ nghĩa duy tâm lý quan niệm). Nếu chúng ta có thể tiếp cận hiện tượng mà không có bất cứ thành kiến nào, nếu chúng ta quay trở lại xem xét tất cả các tiền giả định mà chúng ta cho là đúng thì các hiện tượng tự bộc lộ (khai mở) trong bản chất khách quan của chúng và có sự hiện diện của bằng chứng nội tại.Tuy nhiên, bằng chứng đó không phải là thái độ đơn thuần với ngây thơ đối với sự vật như các tư tưởng tiền triết học nói đến (Husserl gọi đó là thái độ mang tính trần tục thông thường), mà bằng chứng đó phải được khai thác sâu hơn thông qua một kỹ thuật trí tuệ thường được gọi là phương pháp hiện tượng học với các bước hoàn nguyên khác nhau. Giống như Meinong, chúng ta có thể coi hiện tượng học của Husserl như là phụ chú của một nhà khách quan chủ nghĩa, của cách hiểu ngoại tại về luận đề tính ý hướng. Nó thành công ra sao, [và] liệu Husserl có giải quyết được vấn đề liên chủ thể tính (intersubjectivity) hay không, [điều ấy vẫn còn] là [vấn đề] gây tranh cãi cho đến tận ngày nay.
6.    Những phụ chú về luận đề tính ý hướng (IV): Học thuyết Hình thái của Ehrenfels
Christian von Ehrenfels sinh năm 1859, mất năm 1932 là nhân vật đa sắc thái trong giới triết gia của chúng ta. Ông là học trò ưu tú của Brentano và Meinong, sau đó ông trở thành giáo sư triết học tại Prague. Ông nghiên cứu rất nhiều môn học khác nhau, như triết học toán học, thuyết giá trị, mỹ thuật, tâm lý học âm nhạc, đạo đức học tình dục (ông là người phản đối hôn nhân một vợ một chồng), triết học tôn giáo (ông đã viết cuốn tư biện về nguồn gốc vũ trụ); ngoài ra, ông còn viết rất nhiều các vở kịch khác nhau; tuy nhiên, thành công được nhiều người biết đến nhất của ông là “học thuyết Hình thái”. Gestalt (có lẽ tốt nhất nên được dịch là “hình dạng” (“shape”) hoặc là “lớp vỏ” (“guise”), nhưng hầu như trong nhiều trường hợp là để nguyên không dịch) là một đối tượng đặc biệt theo nghĩa của Meinong. Chúng ta hãy xem một số ví dụ của chính Ehrenfels: Một giai điệu có thể được hát và được thể hiện bởi một cây violin hoăc một cây đàn piano, nó có thể cải biên từ C.Major sang G Minor, nó cũng có thể được chơi một cách sôi động hoặc nhẹ nhàng. Một ví dụ tương tự mà chúng ta có thể thấy trong đồ họa: Một bản hình mẫu, một phác thảo bằng bút chì hay một bức tranh đều biểu đạt cùng một khuôn mặt hay một phong cảnh. Ehrenfels đã phân biệt “Hình thái” với những yếu tố cấu thành nên nó. Ví dụ như âm thanh và màu sắc. Những bộ phận cấu thành có thể thay đổi nhưng “Hình thái” (giai điệu và hình ảnh) thì không thay đổi. Những ví dụ trên là những ví dụ đơn giản và mang tính tham khảo; tuy nhiên, bản chất tâm lý học và bản thể luận vẫn là vấn đề nan giải và gây nhiều tranh cãi giữa Meinong, Ehrenfels và nhiều triết gia khác nữa. Brentano bác bỏ hoàn toàn tư tưởng này. Một trong những học trò của Ehrenfels ở Prague là Max Wertheimer – một trong những nhân vật tiêu biểu của Trường phái Berlin về tâm lý học Hình thái (Gestalt psychology) cùng với Carl Stumpf, Kurt Koffka, Wolfgang Kohler và những người khác. Trường phái Berlin đã xem “Gestalten” như là cái gì đó có sẵn một cách khách quan; trái lại, trường phái Graz (Ehrenfels, Meinong và những người khác) lại coi chúng là những sản phẩm của tâm thức khi nắm được các yếu tố cấu thành.
Triết gia cuối cùng của chúng ta là một phụ chú (song chỉ ở mức độ nhất định) [nữa] về Brentano: Ernst Mally. Ernst Mally sinh năm 1879, mất năm 1944, là trợ lý của Alexius Meinong, sau đó ông trở thành người thay thế chức vụ của Meinong ở Graz. Mally đã củng cố thuyết đối tượng của Meinong. Ông là người tránh được tính đa dạng của các khái niệm về sự tồn tại có trong Meinong, nhưng ông lại phải trả giá bằng sự bội giao của các thuộc tính. Tuy nhiên, đây không phải là mối quan tâm chính của tôi, cái tôi muốn các bạn hướng tới đó là thành công khác của Mally. Ông là triết gia đầu tiên đề xuất khái niệm lôgíc nghĩa vụ, đó là một hệ thống lôgíc tiên đề hình thức dùng trong diễn ngôn của chúng ta về cái chúng ta nên làm. Lôgíc nghĩa vụ là bộ môn nền tảng của đạo đức học hiện đại và triết học luật pháp; tuy nhiên, mãi đến năm 1950, nó mới được phát triển bởi Kanger và von Wright. Bậc tiền bối trong lĩnh vực này vẫn là Mally. Năm 1926, ông cho xuất bản tác phẩm Những quy luật cơ bản về bổn phận (cái phải là): Các yếu tố của ý chí. Mặc dù chính bản thân Mally thấy những hệ quả lôgíc trong hệ thống của ông rất khác thường, và cho đến nay, người ta cho rằng hệ thống của Mally về cơ bản là sai lầm nhưng thành tựu mà Mally đạt được 25 năm trước khi xuất hiện những sai lầm vẫn xứng đáng được nhắc tới. Không giống như lôgíc nghĩa vụ hiện đại – được coi là lôgíc về các hành động (cái chúng ta nên làm), lôgíc nghĩa vụ của Mally là lôgíc về chất lượng cụ thể của các trạng huống (hoặc “đối tượng” (“Objektive”) của Meinong), và đó là đối tượng phải hiện hữu (phải là như vậy). “Cái phải là” hoặc “das Sollen”, vì thế, là một loại đối tượng đặc biệt mà chúng ta tương tác, ứng phó với nó thông qua các hành vi mang tính ý hướng nhất định, ví dụ như là ý chí (hướng tới). Vì vậy, trong trường hợp này, lôgíc nghĩa vụ của Mally có thể được xem như là một sản phẩm gián tiếp của luận đề về tính ý hướng.
Kết luận: Một chuỗi những tư tưởng nêu trên không có nghĩa là lời biện hộ cho luận đề về tính ý hướng. Thực chất, chúng ta thấy còn rất nhiều khúc mắc xoay quanh nó. Bất kỳ một dự tính nào muốn lấy tâm lý học miêu tả làm cơ sở cho triết học, thì sớm muộn gì cũng phải động chạm đến vấn đề đối tượng (the objectivity problem), kết quả chỉ là những giải pháp (cho vấn đề này) có tính thuyết phục nhiều hay ít mà thôi. Cụ thể hơn, ai đó có thể đặt ra câu hỏi, liệu mối quan hệ giữa ý thức và thế giới (tâm thức và thế giới) có thực sự được lý giải tốt nhất với tư cách là mối liên hệ với các đối tượng. Có thể là như vậy. Tôi hy vọng rằng, cuộc hành trình nhỏ bé của tôi qua những biến thể của luận đề tính ý hướng chỉ ra rằng, luận đề đó có thể là sai, nhưng dù sao đi chăng nữa, nó vẫn là một luận đề có ảnh hưởng - và do đó, Brentano vẫn là một nhà tư tưởng quan trọng và có sức truyền cảm rất mạnh mẽ.

Người dịch:  NGÔ HƯƠNG GIANG
Người hiệu đính: ThS. TRẦN TUẤN PHONG
(Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)


(Bài đã đăng trên TC Triết học sô 7/2013)





(*) Giáo sư, tiến sĩ, Khoa Triết học Kitô giáo, Đại học Innsbruck, Áo.
([1]) Franz Brentano. Tâm lý học nhìn từ lập trường kinh nghiệm luận (1874), được ấn hành bởi L.L.McAlister, với phần dẫn nhập mới của P.M.Simons. Nxb Routledge, London, U.K, 1995, tr.68.
(**) Gestalt Theory: Ở đây, chúng tôi dịch là “Thuyết hình thái”. Thuyết này được đưa ra bởi Christian von Ehrenfels năm1886 và được phát triển bởi Max werthermer (thuộc trường phái Berlin) đầu thế kỷ XX. Theo hai ông thì, “sự nhận thức là cả một cấu trúc hình thái chứ không phải là được cấu tạo từ những đơn vị nhỏ hơn. Sự nhận thức cấu trúc hình thái bao gồm hai phần khác nhau: Hình ảnh (figure) và nền tảng (ground). Hình ảnh chỉ được xác định khi có nền tảng, cái làm cơ sở cho nhiều ví dụ về ảo thị” – Chú thích của người dịch (N.H.G.).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét