Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

HƯỚNG TỚI MỘT NỀN NHẬN THỨC TOÀN DIỆN VỀ CON NGƯỜI TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA


Ngô Hương Giang




Tóm tắt: Bài viết hướng tới giải quyết 3 vấn đề chính:
Thứ nhất, giải quyết mối quan hệ giữa con người và kỹ thuật trong điều kiện toàn cầu hóa về văn hóa. Từ nhận thức về  quá trình gia nhập vào toàn cầu hóa văn hóa, tác giả muốn hướng tới xác lập những nguyên tắc cơ bản trong khi nhìn nhận, đánh giá về vai trò của “nền sản xuất tri thức” trong mối quan hệ với con người –  vừa là chủ thể tạo ra tri thức nhưng đồng thời cũng là đối tượng chịu sự tác động của tri thức.
Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giữa con người trong vai trò nguồn nhân lực chính của xã hội với các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là các mạng lưới tôn giáo, các hội đoàn, nghề nghiệp phi chính phủ đang có khuynh hướng nổi lên, lất át các giá trị dân tộc (văn hóa – chính trị - xã hội) và có nguy cơ trở thành một cơn bão “toàn cầu hóa bạo lực”. Với việc phân tích bản chất của môi sinh bạo lực, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, của các tổ chức nhân danh tân- tự do ngày càng tác động mạnh, trực tiếp tới con người thông qua hệ thống truyền thông đại chúng xuyên biên giới, bài viết hướng tới xác lập những nguyên tắc nhận thức cơ bản về bản chất “thế giới hiện thời” mà con người đang phải đương đầu, để từ đó có những hành động, đánh giá chính xác trước thực trạng chính trị - xã hội quốc tế cũng như trong nước, nơi con người vừa là chủ nhân nhưng đồng thời cũng là nạn nhân của “sự khủng bố về thông tin”.
Thứ ba, giải quyết mối quan hệ giữa con người với hệ thống truyền thông số hóa, đặc biệt là sự bùng nổ của Internet. Trong mối quan hệ ấy, con người vừa là chủ thể tạo ra các sản phẩm tri thức, nhưng đồng thời cũng là đối tượng “bị lợi dụng” của chính sản phẩm do mình tạo ra, khi các sản phẩm ấy trở thành vũ khí chống lại các giá trị của con người. Trên cơ sở những phân tích ấy, bài viết xác lập các nguyên tắc nhận thức cơ bản về bản chất của “đời sống ảo”, nhằm định hướng con người cần có các hành động phù hợp trong khi sống, lao động và tiếp nhận thông tin trong môi trường số hóa.
Giải quyết ba vấn đề nhận thức trên, bài viết hướng tới tạo dựng các cơ sở, nguyên tắc phù hợp nhằm phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là định hướng phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam khi gia nhập mái nhà chung của toàn cầu hóa, để quá trình gia nhập đó vừa mang nội dung quốc tế, nhưng đồng thời cũng bảo lưu các giá trị dân tộc.

***

Những năm đầu thế kỷ XX, Husserl và đặc biệt là Heidegger đã nhìn thấy viễn cảnh phá sản của triết học và tư tưởng Tây phương (1), thể hiện sự bế tắc của cái nôi tư tưởng thế giới. Còn, Michel Foucault trong cuốn sách kinh điển Chữ nghĩa và sự vật của mình đã từng tuyên cáo về sự vắng mặt của con người trong tính duy lí và khả năng khai phóng những ý niệm tinh thần cá biệt, tiên liệu cho sự kết thúc bản sắc cá nhân mạnh mẽ mà loài người đã làm được cho đến đầu thế kỷ XIX: “Trong thế kỷ XIX, sự cáo chung của triết học và sự báo trước văn hóa tương lai thống nhất với tư tưởng về sự cáo chung của bản thể con người và sự xuất hiện của con người trong tri thức [...] con người đang biến đi, giống như khuôn mặt vẽ trên cát đang biến đi” ([1]).
Con người thực sự bước vào Ngôi nhà chung của văn hóa toàn cầu – nơi mà một cá nhân có thể mang giữ bản sắc của nhiều cá nhân khác. Và cho tới những năm đầu thế kỷ XXI, Francis Fukuyama  trong cuốn sách Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng đã mở ra sự phản ứng mạnh mẽ trước những gì mà chủ nghĩa lịch sử tiên liệu tương lai tất yếu về một xã hội công hữu. Đặc biệt là sau vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2000 tại Mỹ, các nhà văn hóa đã lo ngại đến vấn đề những kẻ thù của xã hội mở (các thế lực ngầm, mạng lưới khủng bố, tổ chức phi quốc gia) sẽ nắm quyền viết lại lịch sử. Kể từ đó, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa tôn giáo cục bộ đã tạo nên sự ám ảnh trong đời sống tâm lí con người hiện đại. Con người trở nên bất an, nảy sinh thái độ nghi ngờ về tồn tại quanh mình, và nghi ngờ về chính sự hiện diện của mình.
Đâu là bản sắc của mình và đâu không phải bản sắc của mình? Một câu hỏi dường như không thể giải đáp trọn vẹn. Con người cuối cùng trong tiên liệu về sự kết thúc của Francis Fukuyama là ai? Khi mà hàng ngày tin tức từ Baghdad (Iraq), từ những cuộc đụng độ của Taliban (Afghanistan) vẫn rong rỏng vang trên truyền hình như sự ám ảnh văn hóa, ám ảnh về tương lai vắng bóng thực sự của con người, một con người trong trạng thái khởi thủy: Tự do thống trị và kiêu hãnh với chính mình. Đi tìm câu trả lời cho những nghi vấn ấy dường như trở nên vô vọng, vì lẽ, con người hiện đại đã thực sự trở thành công dân toàn cầu (theo cả nghĩa thực và nghĩa hàm ẩn).

I.Toàn cầu hóa văn hóa và Vấn đề bản sắc con người
Toàn cầu hóa[2] văn hóa không còn tồn tại trong ý nghĩa về sự chọn lựa rạch ròi có/ không, nên/không nên…, mà nó là tất yếu. Trong vòng xoay tất yếu ấy, con người phải chấp nhận chung sống cùng nó. Do đó, toàn cầu hóa văn hóa xuất phát và ăn nhập với toàn cầu hóa kinh tế. Ngày nay, người Việt Nam có thể sử dụng món gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken), hay đồ uống Pepsi trong các cửa hiệu danh tiếng McDonalds, mà không cần phải truy vấn về nguồn gốc của những phẩm vật ấy. Chiếc áo dài của người Việt Nam với 3 vòng chuẩn mực vốn là niềm tự hào dân tộc Việt Nam, nhưng ước vọng cục bộ ấy không còn nữa, khi một người Mỹ, một người México hay một người Nhật mặc nó, dù biết rằng họ chẳng thể tạo ra sự duyên dáng đặc biệt như con gái Việt Nam. Đơn giản vì, chiếc áo dài Việt Nam đã trở thành Chiếc áo dài toàn cầu hóa (Global- long dress). Chiếc điện thoại di động ngày nay đã xóa nhòa ranh giới xuất xứ cũng như giai tầng xã hội sử dụng nó, giờ đây một sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể gửi ảnh của mình cho người bạn ở Pháp, Anh, Mỹ, miễn là chúng có cùng chế độ và công cụ sử dụng. Một chiếc Ipad hay một công cụ đọc sách Kindle có thể tạo nên làn sóng văn hóa sửng sốt, thu hút lượng người sử dụng khổng lồ mỗi năm, đơn giản, vì nó góp phần hòa trộn và đặt văn hóa các quốc gia gần nhau (Mix- culture).
            Con người là chủ thể của sáng tạo văn hóa, nhưng đồng thời, con người cũng là đối tượng chịu sự tác động ngược trở lại của văn hóa. Điều này đồng nghĩa với việc, khi đã có toàn cầu hóa văn hóa thì con người như một chủ thể sáng tạo văn hóa ấy cũng tồn tại với tư cách như là liên chủ thể. Một mạng lưới văn hóa có tính bao trùm và phổ quát, vượt qua ranh giới địa lý quốc gia như vậy, thì việc con người xác định các nguyên tắc cơ bản của việc gia nhập như một điều bất khả kháng trở thành vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, có một vấn đề cần đặt ra là, khi văn hóa đã trở thành một mạng lưới rộng khắp mà mỗi quốc gia là một mắt xích tất yếu trong vòng tròn văn hóa như vậy, thì giới hạn nào để con người có thể nhận biết thời điểm mà mình gia nhập như một thành tố văn hóa trong mạng lưới văn hóa chung ấy? Và khi gia nhập toàn cầu hóa thì có phải nhất nhất là gia nhập một cách tuyệt đối, hiến tặng cái riêng cho sự tồn tại của cái chung không, hay là gia nhập một cách có giới hạn và có lý trí? Vấn đề bản sắc dân tộc, bản sắc người như là căn tính văn hóa quốc gia khi gia nhập vào toàn cầu hóa liệu có mất đi hoàn toàn, hay nó là sự chuyển biến cần thiết để thích ứng với xu hướng và hoàn cảnh thế giới? Cuối cùng, con người với tư cách cái tôi sáng tạo chủ động có bị mất đi bản sắc cá biệt của mình, hay là trở thành một cá thể thụ động bị cuốn theo và chịu sự tác động của một nhóm người có cùng lợi ích lợi dụng toàn cầu hóa nhằm tăng cường sức mạnh và uy thế? Những nghi vấn trên cần được giải quyết và nhận thức một cách rạch ròi.
Sống trong bối cảnh khi mà công nghệ thông tin và truyền thông số hóa trở thành mạng lưới phủ kín trái đất, thì việc xác định thời điểm con người gia nhập/ chịu sự gia nhập vào hệ thống văn hóa chung là vấn đề cấp bách. Ngày nay, khi mà công nghệ thông tin và truyền thông số hóa không chỉ dừng lại ở giới hạn của công cụ giúp con người tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần, mà nó đã trở thành nguyên tắc chỉ đạo đời sống của chính con người và cộng đồng người. Vì vậy, sự bành trướng toàn cầu hóa truyền thông như là một hệ thống thiết chế xác lập các nguyên tắc và quy định các nguyên tắc cho con người. Con người tiếp nhận thông tin và ứng xử văn hóa nhanh hơn, và thuận tiện hơn, song con người cũng có nguy cơ bị áp đặt hoặc chịu sự áp đặt theo “cơ chế lây lan” của “thiết chế ảo”. Trước đây, để tôn vinh hoặc tiếp nhận một nền văn hóa của một quốc gia nào đó đòi hỏi cả quá trình hợp tác, giao thoa và tiếp nhận lâu dài thông qua các phương tiện in ấn, xuất bản phẩm, thì giờ đây con người chỉ mất tới 1s thông qua 1 click chuột. Thế nhưng nếu trước đây nạn bạo lực, bạo hành và suy thoái văn hóa thường được “du nhập” chậm và có thể được kiểm soát một cách chặt chẽ, thì giờ đây quá trình ấy hoàn toàn ngược lại, sức mạnh của “bạo lực ảo” ngày càng gia tăng theo một cách chóng mặt và khó có thể kiểm soát, ngăn chặn. Từ đó kéo theo những hệ quả suy thoái đạo đức xã hội trầm trọng, độ tuổi sinh nở của thanh thiếu niên sớm hơn, bạo lực gia tăng có khuynh hướng ngày càng trẻ hóa và tàn bạo hơn. Hệ quả này không hoàn toàn thuộc về lỗi của công nghệ truyền thông số hóa, nó thuộc về quá trình giáo dục và đào tạo con người ngay trong quá trình gia nhập vào toàn cầu hóa văn hóa.
Liên hệ với Việt Nam, chúng tôi thấy, đa phần các thế hệ được tiếp nhận với công nghệ truyền thông số hóa thường không được giáo dục một cách bài bản về các nguyên tắc khi gia nhập mạng lưới thông tin toàn cầu. Phương pháp giáo dục công dân trong thời đại số hóa toàn cầu nặng về giáo dục kỹ thuật sử dụng công nghệ hơn là giáo dục đạo đức ứng xử, nặng về cách thức tiến hành tạo ra thông tin hơn là phương thức sống, lựa chọn thông tin; nặng về “phong trào” hơn là đưa ra cách thức và nguyên tắc để nhận thức đúng bản chất của việc gia nhập “như một phong trào”. Đa phần các công dân mạng ngày nay thường chỉ được dạy các kỹ năng để gia nhập vào sức mạnh của quyền lực truyền thông, mà ít được chú trọng đào tạo và giáo dục nhận thức về bản chất thế giới mà họ gia nhập để có thể chung sống một cách hòa bình với thế giới phẳng hai mặt: Vừa tích cực vừa tiêu cực này; họ chỉ được dạy cách sử dụng và làm theo sức mạnh thông tin tri thức, mà ít được giáo dục cách để tạo ra thông tin, tri thức và kiểm soát, chế ngự được thông tin tri thức do mình tạo ra. Trước khi gia nhập vào bất cứ trào lưu, lĩnh vực hay khuynh hướng biến đổi toàn cầu nào, thiết nghĩ, các công dân cần được giáo dục nhận thức một cách đầy đủ về đối tượng mà mình muốn tham dự, giải quyết những giới hạn của mình bằng lý trí hơn là thông qua con đường cảm tính, xu thời. Thời điểm mà con người gia nhập vào bất cứ hình thức phát triển nào của nhân loại, trong đó có toàn cầu hóa văn hóa cần được xác định là thời điểm con người đã có nhận thức hoặc được giáo dục để nhận thức đúng bản chất của việc gia nhập cũng như đối tượng mà mình gia nhập.
Tất yếu, khi mỗi cá nhân tham dự vào quá trình toàn cầu hóa văn hóa đã có nhận thức đúng về đối tượng gia nhập cũng như quá trình gia nhập, thì vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc, “bản sắc cá nhân” người gia nhập cũng được xác lập dựa trên nguyên tắc biện chứng giữa Cho và Nhận.  Ngày nay, việc tiếp nhận các di sản văn hóa thông qua hệ thống phương tiện truyền thông trở nên dễ dàng và ít tốn kém, con người có thể “đi” du lịch và thử nghiệm các lễ hội văn hóa của những quốc gia xa xôi một cách dễ dàng chỉ với một chiếc ti vi hay một chiếc máy tính bảng. Thậm chí, việc tự do qua lại biên giới các nước láng giềng như ở châu Âu, cũng là cách để xóa bỏ khoảng cách về văn hóa giữa các quốc gia. Đó là sự rút ngắn các giới hạn cho và nhận về văn hóa cũng như cách thức giao tiếp giữa con người với con người. Vì vậy cái mà văn hóa của một quốc gia có thể “Cho đi” khi gia nhập vào “ngôi làng toàn cầu hóa” (Global Village) cần được nhận thức như là một sự “Cho đi một cách có giới hạn” và thường được đồng nhất với quá trình quảng bá các giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc. Quá trình “Cho đi” ấy phải là quá trình được nhận thức một cách có lý trí. Trong vai trò một cá nhân, thì sự quảng giao của con người thuộc quốc gia này với quốc gia khác cần được xác lập trên nguyên tắc tự nguyện, và cái “cho đi” của các cá nhân được xem như là quá trình giao thoa, tiếp nhận lẫn nhau các giá trị tri thức cũng như lối sống, lối ứng xử văn hóa. Do đó, cái “cho đi” trong trường hợp này được đồng nhất với quá trình trao đổi, học hỏi và tạo dựng sự ảnh hưởng lẫn nhau một cách có điều kiện và có giới hạn của mỗi “cá nhân văn hóa”. Cả hai quá trình “cho đi” giữa cá nhân và cộng đồng khi gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa cần được xác lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và tôn trọng lợi ích của nhau. Chỉ khi quá trình “Cho đi” được xác lập dựa trên các nguyên tắc ấy, thì con người chung sống trong mạng lưới toàn cầu hóa về văn hóa mới được bảo vệ một cách vững bền, tránh được sự lợi dụng của các nhóm lợi ích với âm mưu thôn tính và đồng hóa quốc gia, dân tộc cũng như đồng hóa bản sắc cá nhân con người.
Đó là “Cái cho đi” của con người và dân tộc. Vậy cái “Nhận lại” để làm giàu, mà không làm biến đổi bản sắc cá nhân cũng như văn hóa dân tộc là gì? Toàn cầu hóa là môi trường dân chủ và có liên hệ biện chứng với sự phát triển văn hóa quốc gia, cũng như phát triển con người một cách toàn diện. Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội để mỗi quốc gia có thể tận dụng các giá trị của văn hóa nhân loại, từ đó góp phần lấp đầy những giới hạn văn hóa của dân tộc mình, mà chỉ khi vượt ra khỏi ranh giới lãnh thổ, chúng ta mới nhận ra được giới hạn ấy. Đồng thời, toàn cầu hóa cũng đặt ra những thách thức khi mà giữa các quốc gia vốn có xuất phát điểm về văn minh chênh lệch nhau, từ đó phản ánh những tác động văn hóa giữa các quốc gia cũng khác biệt. Trong sự khác biệt ấy, mọi nỗ lực vượt qua những giới hạn lạc hậu của văn hóa đã trở thành mối quan tâm rộng lớn của các quốc gia, dân tộc cũng như mỗi công dân. Con người trong trong hệ thống văn hóa vừa chung vừa riêng ấy, nghiễm nhiên cũng tự đặt mình vào vòng tròn biện chứng: Hoặc đánh mất mình hoặc làm chủ mình và liên tục phải đối mặt với truy vấn: Văn minh hay lạc hậu, mở cửa ra với thế giới hay là khép mình một cách cục bộ, thay đổi hay là bảo lưu, tiến lên hay là tụt hậu?…Điều đó phản ánh quá trình tất yếu của việc “Nhận lại” những gì mà toàn cầu hóa đã mang đến cho con người. Con người giờ đây không chỉ là nguồn lực tạo ra của cải cho xã hội, rộng ra là cho toàn nhân loại, mà còn phải là chủ thể biết tiếp nhận những gì mà xã hội cũng như chính con người tạo ra. Từ đó cho thấy, bản chất của mọi hoạt động sáng tạo văn hóa luôn là quá trình biện chứng sâu sắc: Có tạo ra thì sẽ phải nhận lại. Song vấn đề là tạo ra cái gì và nên nhận lại những gì? Con người không thể tạo ra “giá trị” mà quá trình nhận lại là các yếu tố “phản giá trị”, hoặc ngược lại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa thì cái mà con người tạo ra không còn giới hạn cho cộng đồng chủng tộc của mình, mà cần được xem như là mục đích phục vụ lợi ích chung của toàn nhân loại, theo đó, cái được tạo ra phải được xác lập dựa trên nguyên tắc của chủ nghĩa nhân văn, làm cho con người hạnh phúc và tiến bộ hơn chứ không thể là quá trình hủy diệt và biến con người trở thành nạn nhân của sự hủy diệt ấy. Một khi sản phẩm được tạo ra hướng tới lợi ích nhân văn và phục vụ lợi ích chung của con người, thì cái nhận lại cũng phải là cái làm cho con người hạnh phúc hơn, hoặc tiến bộ lên chứ không phải là nhận lại sự hủy diệt hoặc cái làm cho con người tụt hậu đi. Đó là vòng tròn biện chứng tất yếu  giữa Cho và  Nhận.
Tuy nhiên, thực tế thì những lý luận nhận thức trên dường như không được con người quan tâm vận dụng một cách triệt để. Thường thì, cái ban đầu do con người tạo ra luôn là cái tích cực, vì mục đích nhân văn, song khi qua quá trình quá độ để tăng tốc thì nó lại trở thành đối tượng bị lợi dụng của các Nhóm lợi ích trong xã hội, khiến quá trình “Cho đi”/ “Tạo ra ấy” trở nên tha hóa và xa rời mục tiêu tích cực ban đầu. Và khi tới tay của chủ thể “Nhận được” sự “Cho đi” ấy lại trở thành sự “khủng hoảng”, xảy ra tình trạng đánh đồng, lẫn lộn giữa các giá trị: Tích cực và tiêu cực, mà sự gia tăng các khối lượng thông tin đã góp phần làm “nhiễu” quá trình nhận thức, đánh giá để đi đến tiếp nhận các giá trị. Các luồng thông tin phi biên giới với tốc phát triển nhanh chóng đặt con người vào tình thế nan giải trong khi đánh giá đúng các giá trị văn hóa mà mình tiếp nhận. Vì vậy, việc con người cũng như các nhà hoạch định chính sách văn hóa cần tạo ra được các “thang văn hóa” tiếp nhận phù hợp với các “kênh văn hóa” đang có xu hướng lây lan[3], tràn ngập mọi ngõ ngách của truyền thông, là yêu cầu tiên quyết cho sự gia nhập vào mạng lưới toàn cầu hóa. Thang văn hóa chung mà con người, cộng đồng, dân tộc tạo ra sẽ quy định những giới hạn cần “Cho đi” cũng như các giới hạn cần “Nhận lại”, phù hợp với thực tiễn đất nước cũng như tiến trình văn minh nhân loại. Dù cho xã hội có tiến bộ hay lạc hậu, thì con người vẫn là nguồn lực chịu sự tác động trực tiếp của quá trình biến đổi xã hội, đồng thời, cũng tác động ngược trở lại lên sự hưng vong của xã hội, của văn hóa dân tộc. Vì vậy, con người một khi đã nhận thức đúng về bản chất của toàn cầu hóa văn hóa, cũng như cách thức gia nhập vào nó thì sẽ kéo theo hệ quả tất yếu là quốc gia, dân tộc và xã hội nơi con người tồn tại cũng đi đúng hướng của sự tiến bộ.

II.Toàn cầu hóa thông tin: Bản tường trình về tri thức con người
Toàn cầu hóa đã bắt đầu bằng toàn cầu hóa thông tin. Điều này cũng đồng nghĩa với việc xem toàn cầu hóa có kết cấu từ toàn cầu hóa thông tin do tri thức con người dựng lên. Vì vậy, về bản chất, toàn cầu hóa đã bắt đầu bằng quá trình sản sinh, kết nối và làm giàu lẫn nhau của tri thức nhân loại, mà như cách nói của Jean-François Lyotard trong Hoàn cảnh hậu hiện đại[4] thì toàn cầu hóa, thực chất là “Bản tường trình tri thức” về/của con người.
Có thể nói thập niên đầu thế kỷ XXI, nhân loại chứng kiến một cuộc bùng nổ về truyền thông, báo chí. Các hình thức thông tin truyền thống như in ấn, phát hành sách, báo đã phải nhường chỗ cho các hình thức thông tin mới thông qua công nghệ truyền thông hiện đại cũng như “sự lên ngôi” của hệ thống phần mềm vi tính, giúp quá trình tiếp nhận thông tin trở nên nhanh chóng. Sự chuyển đổi từ hệ hình truyền thông truyền thống sang phương thức truyền thông số hóa qua hệ thống Internet dày đặc, kéo theo sự chuyển dịch của phương thức sản xuất từ phương thức sản xuất cũ nặng về tác động tự nhiên sang phương thức sản xuất mới xem tri thức vừa là tư liệu sản xuất, đồng thời vừa là sản phẩm chính phục vụ xã hội. Việc sản xuất tri thức đã tạo ra nguồn của cải lớn cho con người, giảm thiểu tối đa sức lao động, cũng như quá trình vận chuyển hàng hóa, song đồng thời cũng tạo ra sức ép và sự cạnh tranh khốc liệt. Thị trường số hóa đặt con người vào tình trạng không ngừng sản xuất tri thức và thường trực những rủi ro lớn do tình trạng “khủng hoảng” về thị trường. Nếu như trước đây để vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới thị trường có thể mất một khoảng thời gian cũng như  sự hao mòn hàng hóa thông qua quá trình vận chuyển, thì giờ đây, quá trình đó được rút ngắn và ít chi phí hơn khi xuất hiện các thị trường chung chuyển. Các thị trường chung chuyển này có mặt ở khắp các nước trên thế giới – nơi có chi nhánh của công ty mẹ đặt. Nếu như trước đây việc mở rộng thị trường kinh doanh mất nhiều thời gian và tốn kém, thì giờ đây nó được các nhà “thương thuyết” điều khiển chỉ với một cái máy tính có kết nối Internet. Điều này nói lên tính chất tất yếu của một nền sản xuất và trao đổi tri thức.
Việc sản xuất tri thức cần đến quá trình hợp thức hóa nó bằng điện toán, với hệ thống ngôn ngữ lập trình chung đảm bảo quá trình thông giao cũng như sử dụng của con người. Sự thuận tiện của mạng lưới thông tin đã tạo ra một “thị trường tri thức” rộng khắp mà không phải là của cải của riêng bất cứ quốc gia nào, một khi nó được cụ thể hóa bằng kỹ thuật và công nghệ hoặc được mã hóa qua một ngôn ngữ quy ước chuẩn từ hệ điều hành máy tính (ở trường hợp này là Anh ngữ). Điều này đã mở ra một quy luật thông thương của hệ thống tri thức, điều mà J.F. Lyotard so sánh như một dạng “tiền tệ” dùng để trao đổi các giá trị[5]. Trong quá trình lưu thông ấy, bản thân tri thức sẽ xác định các giá trị trao đổi[6], đặt đối tượng sử dụng tri thức vào vị trí như một công cụ để hiệp thương các “thang giá trị” trao đổi: Sự tiến bộ chắc chắn sẽ được trao đổi bằng bảng giá trị phù hợp với sự tiến bộ, còn sự lạc hậu sẽ bị hệ thống tri thức tiến bộ đào thải, thủ tiêu các giá trị trao đổi tương ứng mà nó xác lập. Điều này cũng giống như việc các mệnh giá tiền sẽ quy định giá trị hàng hóa tương ứng trong khi trao đổi, tỷ lệ thuận với nhu cầu mà người mua mong đợi. Quy chiếu với thang bậc của tiền tệ, tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin xem giá trị “giáo dục” như là “các mệnh giá” quy đổi mà con người nhận được thông qua quá trình tiếp nhận. Theo đó, hệ thống tri thức sẽ xác lập khả năng lựa chọn đối tượng mà nó trao đổi tương ứng: Cá nhân có  tri thức tiến bộ sẽ nhận được “sự giáo dục” tương ứng với tri thức tiến bộ mà họ tiếp nhận, ngược lại cá nhân có tri thức lạc hậu được giáo dục trong một môi trường kém phát triển, thì chắc chắn sẽ bị hệ thống tri thức tiến bộ mà họ tiếp nhận “từ chối” sự “giáo dục” ngược trở lại.
“Sự giáo dục” của tri thức ở đây cần được hiểu như là “cái tương tác” giữa tri thức khách quan với khả năng đón nhận cũng như sử dụng tri thức được tiếp nhận ấy của con người. Nó mở ra nguy cơ “bất khả tương tác” hoặc bị “từ chối tương tác” của tri thức đối với các quốc gia, con người có nền tri thức hoặc giáo dục tri thức yếu kém. Tri thức là chìa khóa tác động trực tiếp vào quá trình tạo ra nguồn của cải vật chất theo một cách thức tất yếu: Là công cụ để con người tác động vào nguồn tư liệu sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm theo ý muốn. Sự thắng thế của khoa học kỹ thuật là minh chứng rõ nhất cho sự sinh sôi của cải cho con người, khi con người sử dụng nó để tác động vào tự nhiên. Tri thức là nguồn gốc của kỹ thuật và công nghệ. Sự tiến bộ của kỹ thuật và công nghệ phản ánh sự vượt trội và tiến bộ của tri thức do con người tạo ra. Do đó, sự thay thế của kỹ thuật chính là sự thay thế lẫn nhau của các hệ hình tri thức, trong mỗi lần thay thế ấy, tư liệu sản xuất sẽ được “nhào nặn” theo một cách thức tiến bộ cao hơn, kéo theo giá trị của sản phẩm cũng được nâng lên tương ứng với tri thức tác động lúc ban đầu. Sức mạnh của một quốc gia biểu hiện ra bên ngoài là sức mạnh của khoa học và công nghệ, phản ánh tất yếu sức mạnh của nền sản xuất tri thức, đặt con người và các quốc gia vào tình thế không ngừng phải đổi mới chính mình. Sự “lệch chuẩn” hoặc “kênh nhau” giữa các hệ hình tri thức cho thấy tính chất không phù hợp, hoặc bất khả tương tác giữa các quốc gia cũng như giữa con người với nhau. Ở các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ, nền công nghệ hiện đại, sẽ “bỏ xa” hoặc “vượt qua” các quốc gia kém phát triển về giáo dục và công nghệ, phản ánh nguy cơ “bất công bằng” trong việc phân phối sản phẩm giữa quốc gia này với quốc gia khác cũng như giữa các tầng lớp xã hội, mặc dù giá trị “dân chủ “ trong khi sử dụng tri thức là như nhau.
Tri thức con người trong bối cảnh toàn cầu hóa thực sự là cuộc “chạy đua” về trí tuệ, một cuộc cạnh tranh có quy mô về việc đào tạo nguồn lực tri thức “tân tiến”; mở ra viễn cảnh tất yếu của các cuộc chiến tri thức[7] rộng khắp toàn cầu, cho thấy đối tượng chịu “thất bại” luôn thuộc về các quốc gia có nền giáo dục – công nghệ kém phát triển. Trong cuộc chiến “không tiếng súng” đó, các quốc gia thắng lợi là các quốc gia có thể tạo ra cho mình một hệ thống tri thức và công nghệ ưu việt so với các nước khác. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ngày nay là minh chứng cho quá trình sản xuất tri thức vượt trội. Đây cũng là quốc gia biết tận dụng tri thức tiến bộ của các nước khác, để vươn lên trở thành một “đế quốc” kinh tế hùng cường nhất nhì thế giới. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã khẳng định tầm quan trọng cũng như “khả năng cân bằng quyền lực” bất khả thay thế của “sức mạnh tri thức”[8]. Ngược lại với Trung Quốc, những quốc gia vốn trở thành cường quốc về công nghệ và kỹ thuật trong thế chiến thứ hai, với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh như: Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, thậm chí là Mỹ, dường như đang trong giai đoạn chững lại và bộc lộ dấu hiệu suy thoái, tình trạng nợ xấu, khoảng cách giàu nghèo, thất nghiệp tăng cao. Mặc dù, những vấn đề trên chưa phải là dấu hiệu để khẳng định tình trạng “suy yếu” của “hệ thống tri thức – công nghệ” ở các quốc gia ấy, nhưng nó phản ánh phần nào sự chuyển dịch mục đích sản xuất “từ tạo dựng tri thức” có trọng điểm, có mục tiêu sang một nền sản xuất tri thức ồ ạt; mở rộng thị trường tiêu thụ tri thức song không chú ý đúng mức tới chất lượng của sản phẩm; và có khuynh hướng phục vụ mục đích chính trị nhằm tăng cường uy thế về sức mạnh, thiên về răn đe đối với các quốc gia khác hơn là phục vụ lợi ích của công dân. Sự xuất hiện các loại vũ khí sinh học, hóa học, hạt nhân nguyên tử đã trở thành “mục tiêu lợi dụng” trong ngành công nghiệp sản xuất tri thức ở các quốc gia nói trên, cho thấy sự bất ổn trong việc sử dụng nguồn lực tri thức cũng như nguồn lực con người.
Nhận thức được tầm quan trọng của “tri thức” trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam cần xác lập các nguyên tắc cơ bản cho hoạt động sản xuất tri thức để có thể gia nhập vào “nền công nghiệp tri thức” thế giới một cách bền vững. Trong đó, điều kiện tiên quyết để chúng ta có thể hội nhập vào nền tri thức toàn cầu đó là: Tạo lập một “hệ thống tri thức” có thể tương tác được với “hệ thống tri thức” thế giới mà ta tiếp nhận, trao đổi. Muốn tránh được tình trạng bất tương tác, hoặc kênh nhau giữa sản phẩm tri thức của chúng ta so với các nước khác, thì cá nhân hoặc tập thể sản xuất tri thức phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tri thức, để sản phẩm tri thức tạo ra có giá trị trao đổi tương đương với hàng hóa/hoặc sản phẩm tri thức mà các quốc gia khác đem ra trao đổi. Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở việc xem giáo dục và đào tạo như là mục tiêu phát triển con người trong tương lai, mà cần xem giáo dục đào tạo như là “thang giá trị” quy định vận mệnh tất yếu của nền kinh tế - xã hội và chính trị quốc gia, dân tộc. Chỉ khi chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo ra một nền tri thức đủ mạnh để có thể cạnh tranh được với các nền tri thức khác, thì việc giáo dục - đào tạo mới trở thành vấn đề tiên quyết tác động trực tiếp đến sự phát triển con người, với tư cách vừa là chủ thể sản xuất nhưng đồng thời cũng vừa là chủ thể tiêu thụ các sản phẩm do mình tạo ra.
Đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới đối tượng tiếp cận của giáo dục. Đối tượng được nhắc đến ở đây của giáo dục không chỉ là đào tạo một công dân có thể nhận thức được thế giới khách quan theo thang giá trị phẩm hạnh cũng như khả năng độc lập tư duy, mà cần thiết xem đây như là quá trình không ngừng dung nạp các tri thức tiến bộ cũng như các phát kiến kỹ thuật đang chuyển động từng giờ, từng giây trên thế giới. Việc đào tạo một công dân chỉ biết làm theo bổn phận và sống theo phẩm hạnh mà bỏ qua việc nâng cao trình độ, cũng như hướng tới khám phá các đối tượng mới của tri thức (khám phá vũ trụ, công nghệ rôbốt, công nghệ sinh học…), thì hoạt động giáo dục con người đó không khác nào một “nhà giữ trẻ của thế kỷ”. Giáo dục tri thức cần phải xem Đại học như là nơi giải quyết triệt để các ý niệm khoa học, cũng như là nơi tập trung dân chủ, tự do cao nhất; là nơi mà người học có thể tìm thấy một hệ thống các giá trị toàn diện: Tri thức, cũng như phẩm hạnh/đạo đức tri thức. Môi trường đại học không chỉ là nơi có sự nối kết và thâm nhập lẫn nhau của việc đào tạo con người, một con người vừa biết cách để tạo ra sản phẩm tri thức theo ý nghĩa: Sáng tạo ra các giá trị làm cho nhân loại hạnh phúc hơn và đẹp hơn; đồng thời cũng là những con người biết tôn trọng, đề cao các giá trị tri thức của người khác. Không chỉ dừng ở việc đào tạo con người vừa là cá thể biết sản xuất tri thức và sống theo phẩm hạnh trí thức, giáo dục đại học cần thiết phải được xem như là môi trường xây dựng các nguyên tắc nhận thức toàn diện của con người, trong đó, mọi công dân có quyền được nhận thức đầy đủ về chính trị cũng như có quyền được gia nhập vào các nguyên tắc chính trị của quốc gia/quốc tế. Con người của thế kỷ XXI, là con người thuộc về chính trị. Bởi vì chính trị vừa là sự tác động, nhưng đồng thời cũng vừa là kết quả tất yếu của nền tri thức tiến bộ. Giáo dục tri thức, giáo dục đại học phải là nơi mà người học xem vừa như là môi trường, vừa như là cơ hội để đối thoại và xây dựng lý tưởng khoa học, mà nói như Nguyễn Văn Trung là “một tinh thần đối thoại”, “một lý tưởng tìm kiếm không ngừng”[9] các giá trị.
Sau cùng, điều mà giáo dục tri thức nói chung và giáo dục đại học nói riêng cần hướng đến không phải là đưa ra một “phổ hệ tri thức” dày đặc, nhồi nhét vào tư duy con người, mà là hướng đến xác lập một “đời sống tinh thần” toàn diện[10] cho con người như theo cách nói của K. Jasper[11]. Giáo dục đại học cần hướng đến như là giáo dục về “tinh thần đại học” - Một tinh thần đối thoại, tự do tranh luận, tự do sáng tạo, tự do tìm kiếm ý niệm tổng thể cho sự hoàn thiện cá nhân, sẵn sàng “sống chết” vì chân lý và cho chân lý khoa học, đúng như ý nghĩa của từ Universitas/ University[12]

III.Toàn cầu hóa các cuộc phản kháng và vấn đề Nhân quyền
Thập niên đầu thế kỷ XXI được các chuyên gia chính trị quốc tế nhận định là thập niên của “toàn cầu hóa các cuộc phản kháng”[13], một thập niên mà nguy cơ bùng phát thành chiến tranh quân sự có quy mô toàn thế giới như những gì mà loài người đã trải qua ở thế chiến thứ nhất và thứ hai sẽ không xảy ra. Những điểm bùng phát về bạo lực trên thế giới thập niên đầu thế kỷ này, cho thấy tính chất phân cực của quyền lực chính trị, khác hẳn với cơ chế “đơn cực” về sức mạnh quân sự mà các đế chế hùng mạnh như Đức, Mỹ, Liên Xô, Pháp, Anh đã làm trong suốt thế kỷ XX. Điều đó phản ánh một sự chuyển giao về sức mạnh một cách rõ nét giữa các quốc gia. Một cuộc chiến tranh có quy mô toàn thế giới, hoặc một sự bành trướng xâm lược có tính chất lâu dài nhằm “áp đặt quyền cai trị lên các dân tộc khác”, tất yếu không thể xảy ra trong khuynh hướng toàn cầu hóa ngày nay[14], bởi tính liên kết chặt chẽ và ràng buộc giữa các quốc gia với nhau, cũng như sự khẳng định vai trò “hòa giải”, “can thiệp” của các tổ chức chính trị quốc tế như Liên hợp quốc (United Nations (UN)), Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ (Organization of American States (OAS)), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN))…vào quá trình bảo an.
Tuy nhiên, trong xu hướng “khủng hoảng” về chính trị thế giới như ngày nay, việc kiểm soát bạo lực leo thang dưới dạng “nhỏ lẻ”, cục bộ và phân tán theo các nhóm lợi ích hoặc các nhóm khủng bố tại các quốc gia đã và đang trở thành vấn đề nan giải. Sự bùng phát đó phản ánh khuynh hướng bành trướng và răn đe về sức mạnh bạo lực của các nhóm tổ chức xã hội, trở thành sự đe dọa trực tiếp đối với các quốc gia hùng mạnh về quân sự và kinh tế. Một mặt, những tổ chức này góp phần kiềm chế sự độc tài về sức mạnh quân sự của các đế chế kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ hoặc Trung Quốc, mặt khác, sự phát triển các cuộc phản kháng này sẽ đẩy nền chính trị của các quốc gia vào sự bất ổn và có nguy cơ bùng phát thành hệ thống mạng lưới “khủng bố” toàn thế giới. Vấn đề an sinh cho con người sẽ bị đe dọa trực tiếp, một khi hệ thống/mạng lưới này can thiệp sâu rộng vào tình hình chính trị các quốc gia. Nó trở thành sự bất an mang tính toàn cầu.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của những cuộc phản kháng. Từ “phản kháng”/ “Révolté” ở đây được hiểu theo nghĩa: 1) sự phản phản ứng chống lại của một nhóm chính trị này với một nhóm chính trị khác, mà bạo lực quân sự chỉ là những cách thức tiến hành sự “phản kháng ấy”; 2) Góp phần xác minh tính chất hợp lý hay bất hợp lý, cách mạng hay khủng bố của một cuôc “phản kháng”, phản ánh gián tiếp quá trình xác thực tính đúng đắn hay sai lầm của việc thực thi chính sách từ các nhóm/tổ chức chính trị. Bởi vì, chính sách là công cụ thực thi chính trị và chiến tranh/biểu tình là công cụ để thực thi các chính sách ấy. Những lý luận của Joseph S. Nye đã phần nào chứng minh tính hợp lý biện chứng của mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị thông qua khâu trung gian là: Thực thi các chính sách của bên cầm quyền[15]. Điều này phản ánh sự liên đới, có tính kiểm chứng giữa chiến tranh và chính sách thực thi chính trị theo nghĩa biện chứng: “Nếu chính sách đúng - tức là thành công – thì bất cứ tác động có chủ đích nào mà nó có đối với việc tiến hành chiến tranh chỉ có thể đi theo hướng tốt. Nếu nó có ảnh hưởng ngược lại thì bản thân chính sách này đã sai lầm”[16]. Tuy nhiên, một khi sự “phản kháng” đã bùng phát có quy mô toàn cầu, thì vấn đề không chỉ dừng ở mức độ xác định tính đúng - sai của chính sách thông qua sự biểu hiện của sức mạnh quân sự. Bởi vì, sự “phản kháng này” không chỉ dừng lại ở mức độ phản kháng có quy mô giữa các quốc gia hay các dân tộc với nhau, mà nó đã bị phân cực sang các nhóm chính trị ngoại biên vượt ra khỏi khuôn khổ kiểm soát của chính quyền hợp pháp và hợp hiến.
Việc bùng phát các cuộc biểu tình bất bạo động như ở Hy Lạp, Bỉ cùng một số quốc gia châu Âu chống lại các chính sách kinh tế của chính phủ, cho đến các cuộc “nổi loạn” bằng vũ lực như ở Syria, miền nam Philippines, hoặc các cuộc khủng bố kéo dài từ Á sang Âu…là sự biểu hiện khác nhau của các hình thức phản kháng. Điều này mang đến hai dòng nhận thức rõ ràng: Một bên là sự phản kháng mang tính chất quốc gia và quốc tế, xem chiến tranh công khai và được hợp thức hóa thông qua hội đồng bảo an liên hợp quốc (như trường hợp Mỹ tấn công Iraq, Afghanistan và gần đây là sự đe dọa đem quân can thiệp vào syria) nhằm thực thi chính sách ngoại giao của các nước lớn; mặt khác, một bên là sự phản kháng của các Nhóm chính trị phi chính thống, bất hợp pháp và bất hợp hiến (như các cuộc biểu tình, các cuộc nổi loạn của phiến quân, cho đến các cuộc khủng bố của các thủ lĩnh hồi giáo al-Qaeda…), tiến hành bạo lực hoặc bất bạo lực nhằm thực thi “yêu sách” yêu cầu chính phủ phải đáp ứng các lợi ích cho Nhóm tiến hành phản kháng, hoặc nhằm chống lại khuynh hướng gia tăng quyền lực đế chế, cũng như khuynh hướng muốn làm bá chủ thế giới của các cường quốc.
Từ hai vấn đề nhận thức trên về sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa các cuộc phản kháng đã đặt ra thách thức cho các nhà lý luận, nhằm giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa việc hoạch định chính sách và việc thực thi yêu sách của các Nhóm chính trị (ở đây bao gồm cả Nhóm chính trị cầm quyền hợp thức của quốc gia và Nhóm cầm quyền phi hợp thức được dựng lên bởi các nhóm có cùng lợi ích, bất đồng với các chính sách của chính phủ), từ đó xác định bản chất của quá trình can thiệp quân sự để giải quyết các chính sách và yêu sách là đúng hay sai, hợp lý hay bất hợp lý. Trong đó, vấn đề nhân quyền trở thành trung tâm của sự điều chỉnh và hòa giải mối quan hệ giữa yêu sách và chính sách.
Các yêu sách phản ánh những thang bậc lợi ích mà công dân của một quốc gia đặt ra, yêu cầu chính phủ cần có chính sách giải quyết lợi ích cho công dân dựa trên các yêu sách đó. Các yêu sách này bên cạnh việc phản ánh nguyện vọng an sinh của công dân phù hợp với điều kiện từng quốc gia, còn là các nguyên tắc nhân quyền chung và một trong những nguyên tắc đó, thì nguyên tắc cơ bản là: “Tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hoá ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu” [17]. Vì vậy, mọi hoạt động thực thi các chính sách của chính phủ dưới mọi hình thức quân sự hoặc tuyên truyền cần phải dựa trên hai nguyên tắc cơ bản của “yêu sách” công dân là: Nguyện vọng chính đángtôn trọng các quyền cơ bản của con người được đưa ra trong Công ước quốc tế về nhân quyền của Đại hội đồng liên hợp quốc. Việc tiến hành bằng phương thức bạo lực quân sự giải quyết vấn đề chính sách của quốc gia này với quốc gia khác cũng phải dựa trên các nguyên tắc chung về nhân quyền, trong đó việc cấm xâm phạm thân thể cũng như phẩm hạnh con người[18] và phải có chế độ bồi thường[19] cho cá nhân sau khi chiến tranh kết thúc, được xem là vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia.
Nếu như việc giải quyết các vấn đề chính sách được dựa trên nguyên tắc nhân quyền do Hội đồng liên hiệp quốc thông qua, thì việc xác lập các yêu sách của cá nhân, tổ chức trong quốc gia cũng phải được xây dựng dựa trên các nguyên tắc luật pháp quốc gia và quốc tế. Việc sử dụng bạo lực của bất cứ cá nhân, nhóm chính trị thuộc bất cứ quốc gia nào cũng phải dựa trên các nguyên tắc chung về nhân quyền. Việc nhận thức đầy đủ về các nguyên tắc nhân quyền sẽ giúp cho việc đưa ra yêu sách của các cá nhân, tổ chức chính trị không vượt ra ngoài những giá trị phổ quát, được tạo ra nhằm bảo vệ chính quyền lợi cũng như phẩm hạnh con người. Bất cứ hình thức thực hiện vũ trang quân sự hoặc bạo lực nào để giải quyết các vấn đề “yêu sách” mà không tôn trọng những nguyên tắc nhân quyền[20] đều bị xem là hành động khủng bố[21] và diệt chủng[22]. Đồng thời, bất cứ việc can thiệp về quân sự nào của chính phủ thuộc bất cứ quốc gia nào, mà không dựa trên các nguyên tắc nhân quyền và không được sự cho phép của Hội đồng bảo an liên hiệp quốc (United Nations Security Council (UNSC)), cũng đều bị xem là hành động xâm lược đối với quốc gia khác, là xâm hại trực tiếp tới quyền lợi, danh dự và phẩm hạnh con người hoặc cộng đồng người thuộc quốc gia bị xâm hại đó. Tội danh khủng bố, diệt chủng, cũng như tội danh xâm lược nền độc lập, chủ quyền của các quốc gia đều bị xếp vào “thang tội phạm chiến tranh” và đều bị xét xử theo các nguyên tắc của luật quốc tế đối với tội phạm chiến tranh[23].
Khuynh hướng bùng phát các phong trào phản kháng trên thế giới ngày càng gia tăng, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình bảo an của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, việc nhận thức đúng về chức năng, vị trí của các hình thức phản kháng từ hình thức nhỏ là biểu tình bất bạo động cho tới hình thức tiến hành vũ trang quân sự; đồng thời cần được phân loại, đánh giá đúng mức những hình thức phản kháng ấy dựa trên các nguyên tắc nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc xác lập, cũng  như trên cơ sở luật pháp từng quốc gia đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trước xu hướng bất ổn về chính trị trên thế giới. Việc hiểu đúng mối quan hệ biện chứng giữa hoạch định chính sách của chính phủban hành yêu sách của công dân, sẽ giúp cá nhân, cộng đồng người xác định rõ các hành vi cũng như sử dụng các hình thức thực hiện “phản kháng” phù hợp với thực tiễn, tránh được sự xâm phạm vào các nguyên tắc nhân quyền và các điều luật của luật pháp quốc gia, quốc tế. Trong đó, việc thực thi các chính sách của chính phủ phải dựa trên lợi ích thiết thực của con người/công dân thông qua các “yêu sách” phù hợp và ngược lại, việc đưa ra các “yêu sách chung” của công dân cũng phải dựa trên các nguyên tắc tôn trọng sự lãnh đạo chính trị của chính phủ, cũng như đảm bảo sự ổn định và vì lợi ích quốc gia.
Nhận thức đúng những giới hạn quy định nhân quyền, sẽ giúp con người lựa chọn phương thức ứng xử xã hội phù hợp, đặc biệt là sử dụng các phương thức phản kháng bằng bạo lực. Trong xu hướng ngày nay thì bất cứ cá nhân nào cũng có nguy cơ bị lợi dụng bởi các thế lực khủng bố, nếu như những cá nhân/ tổ chức tiến hành các hành vi phản khángkhông dựa trên các nguyên tắc nhân quyền cũng như tôn trọng luật pháp quốc gia, quốc tế. Vì vậy, nắm rõ và vận dụng đúng những nguyên tắc chung về nhân quyền trong khuynh hướng toàn cầu hóa các cuộc phản kháng này, sẽ giúp con người tránh khỏi các “cạm bẫy” biến mình trở thành chủ thể tiếp tay cho Chủ nghĩa khủng bố hoặc trở thành tội phạm diệt chủng[24], gieo rắc bạo lực lên con người cũng như lên quốc gia, dân tộc nơi mình sinh sống.
(Bài đã đăng trên TC Nghiên cứu con người 12/2013)






1 Xem: a. Edmund Husserl (1970), The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology, Northwestern University Press, USA, Part 1: "The Crisis of the Sciences as Expression of the Radical Life-Crisis of European Humanity", P. 3 -20.
b. Martin Heidegger (1977), The Question: Concerning Technology, Garland Publishing, USA, Part III: "Science and Reflection", p. 155 - 182.
Ở Việt Nam, những  năm1969 - 1970 lớp giáo sư, trí thức miền nam đã bàn khá kỹ về quan điểm của Heidegger trước viễn cảnh phá sản của triết học và tư tưởng Tây phương trên các tạp chí hay các chuyên luận về tư tưởng, trong đó có thể kể đến Phạm Công Thiện với "Sự thất bại toàn diện của Heidegger và Con đường tư tưởng Việt Nam", Ngô Trọng Anh với "Vị trí của vô thể Heidegger trong tư tưởng Đại thừa", Trần Công Tiến với "Từ Heidegger I đến Heidegger II"…đặc biệt là cách nhìn, cách đánh giá của Lê Tôn Nghiêm qua thiên tiểu luận "Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương", sau đó, ông đã nâng lên thành chuyên luận cùng tên và được ấn hành vào 1970 bởi nhà xuất bản Lá Bối (xem thêm: Viện đại học Vạn Hạnh, "Tư tưởng", số 5/ 1969, Sài Gòn; Lê Tôn Nghiêm (1970), Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương, Lá Bối ấn hành, Sài Gòn).
[1] Dẫn theo J. K. Melvil (1997), Các con đường của triết học phương Tây hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.142 - 143.
[2] Khái niệm Toàn cầu hóa theo David Held - một học giả có uy tín về chính trị học thì Toàn cầu hóa là “sự kết nối lẫn nhau [theo một cách thức] ngày càng mở rộng, sâu sắc và tăng tốc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay” (Dẫn theo Moisés Naím trong “Think again: Globalization”. Xem bản Việt ngữ: Moisés Naím. “Hãy suy nghĩ lại: Toàn cầu hóa”. Nguồn: http://nghiencuuquocte.files.wordpress.com/2013/07/nghiencuuquocte-net-28-hay-suy-nghi-lai-toan-cau-hoa.pdf).
[3] Kiểu thức lây lan là kiểu thức mà chủ thể nhận thức không ý thức được tình trạng thông tin đến với mình lúc nào, cũng như giới hạn mình gia nhập vào nó.
[4] Xem: Jean-Francois Lyotard (2007). Hoàn cảnh hậu hiện đại. (Bản dịch của Ngân Xuyên, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu ). Nxb Tri thức, Hà Nội.
[5]Tri thức tự thân không còn là một sản phẩm sau cùng, bản thân nó mất đi “giá trị sử dụng” [để chỉ giữ lại giá trị trao đổi]” (Jean-Francois Lyotard. Ðiều kiện hậu hiện đại - Bản tường trình về tri thức. (Bản dịch của Nguyễn Minh Quân). Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac-truong-phai-trao-luu/1900-jean-francois-lyotard-dieu-kien-hau-hien-dai-ban-tuong-trinh-ve-tri-thuc-.html).
[6] Jean-Francois Lyotard có lý khi cho rằng, tri thức trong bối cảnh hậu hiện đại thực chất là các giá trị dùng để phục vụ cho mục đích trao đổi: “Chẳng có gì khó để thấy rằng lưu hành kiến thức cũng sẽ tiến hành như sự lưu hành tiền tệ, thuần tuý là thay thế giá trị tiền tệ bằng giá trị “giáo dục” và tầm quan trọng chính trị (hoặc các tầm quan trọng về ngoại giao, quân sự, quản trị) của trí thức; sự phân biệt giữa trí thức và dốt nát sẽ không còn thích ứng nữa, thực ra, cũng giống như trường hợp của tiền tệ, là sự phân biệt giữa “tri thức dùng để chi trả” và “tri thức dùng để đầu tư” – nói một cách khác, là sự phân biệt giữa những đơn vị tri thức dùng để trao đổi hàng ngày nhằm bảo trì một cơ/thể chế (như việc tái cấu trúc lực lượng lao động để sống còn) đối lại với những nguồn vốn tri thức tập trung vào việc tối ưu hoá sự thực hành một đề án.” (Jean-Francois Lyotard. Ðiều kiện hậu hiện đại - Bản tường trình về tri thức. (Bản dịch của Nguyễn Minh Quân). Nguồn: http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac-truong-phai-trao-luu/1900-jean-francois-lyotard-dieu-kien-hau-hien-dai-ban-tuong-trinh-ve-tri-thuc-.html).
[7] Joseph S. Nye đã gọi cuộc chiến tri thức này là quá trình thực thi sức mạnh mềm của các cường quốc. Truyền thống thực thi sức mạnh mềm này được các “đế chế” hùng cường về kinh tế - quân sự như Anh, Pháp, Mỹ phát huy triệt để như một cuộc “xâm lược” ngầm về chính trị và ngoại giao. Xem:  Joseph S. Nye. “Thực thi sức mạnh mềm”. (Bản dịch của Lê Vĩnh Trương).
Nguồn: http://nghiencuuquocte.files.wordpress.com/2013/07/nghiencuuquocte-net-30-thuc-thi-suc-manh-mem1.pdf.
[8] Liên hệ với điều này, chúng ta có thể xây dựng một bảng quy chiếu giữa các quốc gia như Triều Tiên và Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore…,để thấy tầm quan trọng của việc phát triển tri thức trong thời đại Hậu hiện đại này (theo như cách nói của Jean-Francois Lyotard).
[9] Toàn văn ý trên của ông Nguyễn Văn Trung như sau: “Đón nhận trong một tinh thần đối thoại những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật, đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự - phủ - nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi” (Nguyễn Văn Trung (1965). Lược khảo văn học, tập 1. Nxb Nam Sơn, Sài Gòn.).
[10] Một đời sống tinh thần toàn diện theo K.Jasper là điều kiện tiên quyết của giáo dục: “Việc đào tạo các chuyên ngành này sẽ là vô hồn và vô nhân đạo, nếu không hướng đến cái toàn bộ” (Karl Jaspers (2013). Ý niệm đại học (Bản dich của Hà Vũ Trọng). Nxb Hồng Đức, Thanh Hóa, tr. XIII).
[11] Triết gia, nhà cải cách giáo dục Đức. Cuốn sách quan trọng của ông về giáo dục cần được quan tâm rộng rãi là cuốn the Idea of the University, đây là tác phẩm có giá trị, chỉ rõ mục đích của giáo dục không chỉ dừng ở việc “sản xuất” trí tuệ cho con người, mà hơn cả, đó là nơi “đào luyện đời sống tinh thần” cho con người theo nghĩa vừa có trí tuệ, vừa có lý tưởng phục vụ trí tuệ, khoa học. Xem: Karl Jaspers (2013). Ý niệm đại học (Bản dich của Hà Vũ Trọng). Nxb Hồng Đức, Thanh Hóa.
[12] Theo Jasper thì “ý nghĩa nguyên thủy của từ Universitas như là cộng đồng của thầy và trò cũng quan trọng như ý nghĩa của sự thống nhất mọi ngành khoa học. Trong Ý niệm đại học có sự đòi hỏi về tính cởi mở toàn diện với nhiệm vụ liên kết không giới hạn, nhằm gián tiếp tiệm cận cái Một – Toàn bộ” (Karl Jaspers (2013). Ý niệm đại học (Bản dich của Hà Vũ Trọng). Nxb Hồng Đức, Thanh Hóa, tr. XIV).
[13] Tiêu biểu trong trường hợp này là quan điểm của Samir Amin và Francois Houtart. Cuốn sách mà hai ông chủ biên Toàn cầu hóa các cuộc phản kháng: Hiện trạng các cuộc đấu tranh 2002 được xem như là bản tường trình chi tiết về các khuynh hướng phản kháng đầu thế kỷ 21 có tính bùng phát và lây lan xuyên quốc gia, đồng thời dự báo sự mở rộng của khuynh hướng này trong các thập niên kế tiếp, đặc biệt ở các quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo, cũng như các tổ chức chính trị - tôn giáo nhỏ lẻ: Tổ chức  al-Qaeda, Tổ chức Anh em Hồi giáo (Muslim Brotherhood)…. Xem: Samir Amin và Francois Houtart (2004). Toàn cầu hóa các cuộc phản kháng: Hiện trạng các cuộc đấu tranh 2002. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[14] Sự thất bại của Nhà trắng (Mỹ) trong việc can thiệp quân sự vào một số quốc gia trung Á như Afghanistan, Iraq và gần đây là Syria (đã tạo nên sự phản kháng mạnh mẽ của chính công dân Mỹ, phản ánh tình trạng mất niềm tin vào khả năng đảm bảo các giá trị an sinh cho công dân nước này), cho thấy sự “thất bại” của chính quyền Mỹ trong việc “tiếp nối” truyền thống bành trướng quân sự nhằm xác lập “một đế chế ngắn hạn” về chính trị tại các quốc gia này.
[15] Trong tiểu luận “Chiến tranh là công cụ của chính sách”, Joseph S. Nye đã chỉ ra bản chất của chiến tranh chỉ là một tác động quân sự nhằm giải quyết chính sách của một quốc gia này với một quốc gia khác, hoặc của tổ chức/nhóm chính trị này với một tổ chức/ nhóm chính trị khác. Việc thực thi quân sự, phản ánh bản chất của mục đích thực thi các chính sách nhằm thâu tóm hoặc nhằm củng cố, gia tăng sức mạnh răn đe về chính trị của các quốc gia/tổ chức/nhóm xã hội. Vì vậy, bản chất chiến tranh, phản ánh bản chất của chính trị cũng như “mưu đồ” lợi ích của các bên cầm quyền. Joseph S. Nye  đã chỉ ra rằng: “Chiến tranh chỉ là một cách khác để các chính phủ biểu đạt suy nghĩ của mình, thông qua một cách nói hay cách viết” và “nếu chiến tranh là một phần của chính sách sẽ quyết định đặc điểm của nó. Khi chính sách trở nên tham vọng và mạnh mẽ hơn, thì chiến tranh cũng vậy và điều này có thể đạt đến điểm mà ở đó chiến tranh đạt tới dạng tuyệt đối của nó” (Joseph S. Nye. “Chiến tranh là một công cụ của chính sách”. (Bản dịch của Phạm Trang Nhung).
Nguồn:http://nghiencuuquocte.files.wordpress.com/2013/07/nghiencuuquocte-net-32-chien-tranh-la-cong-cu-cua-chinh-sach.pdf
[16] Joseph S. Nye. “Chiến tranh là một công cụ của chính sách”. (Bản dịch của Phạm Trang Nhung). Tlđd.,
[17] Trích điều 1 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948. Nguồn: http://law.toaan.gov.vn/SPCDOC/docView.do?docid=21380&type=html. Bản toàn văn bằng Anh ngữ: United Nations. Universal Declaration of Human Rights, 1948 tại Website chính thức của UN: http://www.un.org/en/documents/udhr/. 
[18] Xem điều 5 và 6 Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của liên hợp quốc, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948. Nguồn: http://law.toaan.gov.vn/SPCDOC/docView.do?docid=21380&type=html.
[19] Xem: Công ước về Luật lệ và Tập quán chiến tranh trên đất liền, điều 3, ngày 18.10.1907, 36 Stat. 2277, 1 Bevans 631 năm 1907.
[20] Các nguyên tắc nhân quyền được đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong Công ước chung về quyền con người bao gồm 32 điều khoản và công bố theo Nghị quyết số 217 (III), ngày 10 tháng 12 năm 1948, được ấn hành dưới tên gọi Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền của liên hợp quốc. Xem: United Nations. Universal Declaration of Human Rights, 1948. Nguồn:Website chính thức của UN: http://www.un.org/en/documents/udhr/. Bản Việt ngữ tại: http://law.toaan.gov.vn/SPCDOC/docView.do?docid=21380&type=html.
[21] Theo nguồn tin được viện dẫn từ Wikipedia thì một hành động bị xem là hành động khủng bố khi hành động đó là “hành động phá hoại, đe dọa bằng lời nói, hoặc truyền đi các hình ảnh hoặc video giết người do cá nhân hoặc tổ chức thực hiện làm thiệt mạng người gây hoang mang khiếp sợ hoặc tổn thất cho xã hội và cộng đồng, nhằm mục đích chính trị hoặc tôn giáo. Đối tượng bị khủng bố gây thiệt hại có thể là tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản (của cá nhân, tổ chức hay của nhà nước) hoặc sự vững mạnh của một chính quyền nhà nước. Các nhóm 'khủng bố sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để tối đa hóa sợ hãi và công khai. Các tổ chức khủng bố thường là có phương pháp kế hoạch tấn công trước, và có thể đào tạo người tham gia, những người hoạt động "bí mật", và quyên góp tiền ủng hộ từ hoặc thông qua các tổ chức tội phạm. Giao tiếp có thể xảy ra thông qua viễn thông hiện đại, hoặc thông qua các phương pháp cũ thời như người đưa thư….” (Xem: Từ khóa “Khủng bố”. Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%A7ng_b%E1%BB%91#cite_note-1).
[22] Cũng theo nguồn tin được viện dẫn từ Wikipedia thì một hành động được gọi là hành động diệt chủng khi hành động đó nhằm “phá hủy có chủ ý và có hệ thống, toàn bộ hoặc một phần, của một dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, hay quốc gia" hoặc theo điều 2 của Công ước Liên Hiệp Quốc về ngăn ngừa và trừng phạt các tội phạm diệt chủng (CPPCG) 1948 thì “trong các hành vi sau đây đã cam kết với ý định tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một quốc gia, chỉ về nhân chủng, nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, chẳng hạn như: giết chết thành viên của nhóm, gây ra cơ thể nghiêm trọng hoặc tâm thần gây tổn hại cho các thành viên của nhóm; cố ý gây thương trên nhóm các điều kiện của cuộc sống, tính toán để mang lại phá hủy vật lý của nó trong toàn bộ hoặc một phần, áp đặt các biện pháp nhằm ngăn chặn sinh trong nhóm, [và] buộc chuyển giao trẻ em từ nhóm này sang nhóm khác" được xếp vào tội diệt chủng. (Xem: Từ khóa “Diệt chủng”. Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Di%E1%BB%87t_ch%E1%BB%A7ng).
[23] Xem: Công ước Giơ-ne-vơ liên quan đến việc đối xử với tù nhân chiến tranh, điều 68, ngày 12.8.1949, 75 U.N.T.S.135 và Nghị định thư bổ sung Công ước Giơ-ne-vơ ngày 12.8.1949, cũng như Nghị định thư 1, điều 91, ngày 8.6.1977, 1125 U.N.T.S.3.
[24] Vụ khủng bố của al-Qaeda  vào  nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 vừa được xem là một hành động khủng bố, nhưng đồng thời cũng bị khép vào tội diệt chủng có quy mô lên đất nước này, khi mà người da trắng trở thành mục tiêu sát thương chính của mạng lưới khủng bố do Osama bin Laden cầm đầu. Cái chết của gần 3000 công dân Mỹ (chủ yếu là người da trắng) đã phản ánh tội ác cũng như hành động vi phạm các nguyên tắc tối cao của nhân quyền. Đây là minh chứng tiêu biểu cho hoạt động xác lập “yêu sách” và tiến hành chiến tranh như một công cụ để thực thi “yêu sách” vượt ra khỏi các giá trị phục vụ lợi ích chính đáng chung của con người. Và đây cũng là minh chứng của các “yêu sách đen” do những kẻ khủng bố hoặc các phiến quân, các thế lực tôn giáo cực đoan xác lập, phát triển thành các “chính sách đen”; họ xem đó như là nguyên tắc được sử dụng nhằm thực thi quyền lực chính trị cũng như ứng xử quốc tế thông qua con đường bạo lực. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét