Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

HIỆN TƯỢNG HỌC VÀ HIỆN TƯỢNG HỌC CỦA TRẦN ĐỨC THẢO


NGÔ HƯƠNG GIANG


GS. ThS Triết học. Trần Đức Thảo

Năm 1950, khi Nhà xuất bản Minh Tân cho ấn hành tác phẩm thứ nhất của Trần Đức Thảo Triết lý đã đi đến đâu? đã không mấy tác động mạnh tới giới học giả Pháp cũng như giới học giả Việt Nam, thì tới Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng cũng do Nhà xuất bản Minh Tân ấn hành năm 1951, Trần Đức Thảo và triết lý của ông đã trở thành tâm điểm của những suy xét lịch sử về triết lý phương Tây. Nhiều học giả đã trở lại với Triết lý đã đi đến đâu? Và, người ta bắt đầu nghi vấn: Liệu tác phẩm này có đơn thuần là bản văn mô tả vắn gọn về lịch sử triết học phương Tây  hay nó còn mang dụng ý khác – một dụng ý sâu xa về việc đặt lại ý tưởng làm cuộc nổi loạn chống lại lịch sử triết học phương Tây của thầy trò Husserl – Heidegger? Và, phải chăng, sự phá sản triết lý ấy đã bắt đầu từ Marx? Giữa Marx và Husserl, ai mới là người tiên liệu cho viễn cảnh phá sản của triết lý, của tư tưởng phương Tây, để rồi khi Hữu thể và thời gian ra đời năm 1927, thì Heidegger mới chính thức hoàn thành vai trò người “nhấn nút”, công khai làm phá sản toàn bộ triết lý phương Tây kéo dài từ thời Hy Lạp – La Mã? Nghi vấn đó đến Trần Đức Thảo đã trở thành sự quan tâm rộng rãi. Nhiều học giả đã phần nào hiểu được cái ý nghĩa “tiên khởi” của lịch sử triết học trước Marx như một dụng ý rõ ràng, dứt khoát, mạch lạc ở Trần Đức Thảo: Lịch sử triết học phương Tây thực sự đã bị phá sản khi học thuyết của Marx ra đời.
Dụng ý công khai nhưng cũng đầy mơ hồ ấy trong Triết lý đã đi đến đâu? đã khiến cho tác phẩm này trở thành mối bận tâm, thậm chí công kích của nhiều người, sau đó trở thành suy xét nghiêm túc khi Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng được ấn hành, rồi chấm dứt sự bàn cãi ấy trong Lôgíc của cái thực tại sống động. Vậy, dụng ý ấy là gì mà phải sau nửa thế kỷ triết lý của Trần Đức Thảo (1950 - 2005) cũng như những tranh luận về ông mới thực sự ngã ngũ và được Tim Herrick xem là “Một quyển sách nay không còn gây tranh luận”([1]), còn Hiện tượng học duy vật của Trần Đức Thảo thì được Paul Majkut gọi là “chủ nghĩa Marx kiểu Husserl”([2]).
Trần Đức Thảo bắt đầu triết lý của mình bằng việc xác lập lại bản thể học (Ontology) của triết học phương Tây([3]). Song, do xem Hiện tượng học như một môn học về bản chất các sự vật, nên việc công khai lật nhào bản chất của bản thể học phương Tây  từ cái nhìn của Marx đã khiến ông phải hứng chịu sự phản ứng của nhiều học giả, nhất là các học giả vốn là môn đệ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bản thể học truyền thống trong triết học phương Tây. Trong đó, tiêu biểu là trường hợp Phạm Công Thiện. Ông này đã không ngần ngại “kết án” Trần Đức Thảo, coi Triết lý đã đi đến đâu? và Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng là “hai quyển sách hời hợt”([4]). Rằng, “Trần Đức Thảo đã không hiểu được thể tính của văn hóa Tây phương, rằng ngay lập trường mà ông bênh vực cũng chỉ là sản phẩm của văn hóa Tây phương. Trần Đức Thảo cũng không nhận ra thể tính của Đông phương, do đó, tư tưởng Ông đã kẹt vào trong nỗi vong quốc (DieHeimatlosigkeit) của Tính Mệnh Thế Giới… sau hai quyển sách hời hợt ”([5]).
Lý lẽ mà Phạm Công Thiện biện minh cho nhận định đó là: Trần Đức Thảo “không hiểu Husserl và bỏ quên chặng cuối của Husserl, nhất là ý niệm của Husserl về “Ur- Arche”, bởi ông “vẫn bị kẹt trong ý niệm về “chân lý” như là “adaequatio” và  “không lãnh hội được rằng thể tính (essence) của duy vật biện chứng nằm trong thể tính của của kỹ thuật”, “không bao giờ lãnh hội được ý nghĩa của tư tưởng Heidegger mà ông thường đả kích một cách vô cùng nông cạn, vì ông đã hiểu Heidegger một cách quá hời hợt và vô cùng thiển cận”. Rằng, cũng vì nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở chỗ “đối với Trần Đức Thảo, hiện tượng luận đã không thành tựu được sứ mệnh và duy chỉ có chủ nghĩa Marxism là giải đáp duy nhất cho những vấn đề mà hiện tượng luận đã nêu ra và đã không thể hiện được”([6]). Thế nhưng, chính vấn đề mà Trần Đức Thảo đưa ra nhưng đã phải hứng chịu sự phê phán nặng nề nhất – tính vật chất trong quan hệ với ý thức, lại là yếu tố quyết định, là cái lật nhào chính lý thuyết của Husserl và bản chất kỹ thuật của Heidegger, đẩy Husserl và Heidegger vào sự “phá sản” của tư tưởng.
Với việc phát hiện ra “tính vật chất” trong khi truy cứu bản thể luận triết học phương Tây, Trần Đức Thảo đã cứu vãn tư tưởng phương Tây một cuộc khủng hoảng toàn diện. Cũng chính tính vật chất đã đặt Trần Đức Thảo vào cái thế đầy may rủi của chủ nghĩa kỹ trị và giúp ông thêm vào lý thuyết của Husserl “nội dung hiện thực” của phép quy giản hiện tượng học để làm cho ý thức chủ thể trở về với chính bản chất sự vật. Sau đó, luận cứ quan trọng về tính vật chất của Trần Đức Thảo đã được củng cố và khẳng định vững chắc trong Lôgíc của cái thực tại sống động (La Logique du Présent Vivant).
Mở đầu Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et matérialisme dialectique), Trần Đức Thảo viết: “Tính vật chất (Dinglichkeit) không phải là một thể nền đơn giản xa lạ với những ý nghĩa nó chứa đựng. Nó xác định tầng gốc mà sự vận động sinh ra các phương thức tồn tại cao hơn, xét theo ý nghĩa đặc thù nó là cấu trúc hạ tầng hiện thực tạo nên những thượng tầng kiến trúc ý niệm xuất hiện trong lịch sử với giá trị chân lý của chúng. Cho nên các phân tích hiện tượng học cụ thể chỉ có thể thấy hết được ý nghĩa của chúng và được phát triển đầy đủ trong phạm vi của chủ nghĩa duy vật biện chứng”([7]) mà theo đó, việc xác định bản thể luận hiện tượng học phải được khởi đầu từ việc tìm ý nghĩa trả lời cho bản chất, nguồn sống của tồn tại nằm ở đặc trưng tính vật chất này.
Với việc tìm ra tính vật chất như là bản thể luận của mọi sự kiến lập thế giới, là nơi “thế giới hình thành thế giới”, Trần Đức Thảo đã đặt quan niệm “tính tương liên” của Husserl, “tính thời gian” của Heidegger, “tính tri giác” của Maurice Merleau-Ponty vào những giới hạn của việc đi tìm chân lý hiện tượng học trong thực tiễn kinh nghiệm, mà nói đúng hơn, đặt triết lý của Husserl, Heidegger và Ponty lên trên cái nền của hiện tượng học duy vật mà ông xác lập. Trong “ngôi đền” hiện tượng học như một phương pháp lập thức đó, tính vật chất của Trần Đức Thảo đã ôm chứa và phóng xuất, lấp đầy những giới hạn triết lý cho “tôi ý thức là tôi ý thức cụ thể về một cái gì đó” (La conscience est conscience de quelque chose) của Husserl, rồi tới cái Dasein của Heidegger, cái tri giác tính như là chân lý của việc xác lập ý nghĩa thế giới của Ponty, góp phần đưa tới sự phá sản của triết lý phương Tây sớm hơn so với tuyên cáo của Husserl và Heidegger gần một thế kỷ([8]), tránh cho nhân loại một sự ngộ nhận về chủ nghĩa kỹ nghệ đầu thế kỷ XX.
Để xuyên thấu cấu trúc tồn tại và nhận thức được tính vật chất, thì chủ thể nhận thức (Subjectivity) cần giải - cấu trúc xã hội ôm chứa nó, thông qua các hoạt động sáng tạo vật chất mà giai cấp chủ nô chiếm cứ, sở hữu. Vật chất([9]) là kết quả thực hiện ý niệm có chủ đích của giai cấp bóc lột, giai cấp này đã lợi dụng người lao động như là công cụ để hiện thực hóa ý định làm ra vật chất theo ý họ. Qua hai lần “sản xuất”([10]), người lao động đã bị xuyên tạc về “ý hướng sáng tạo” theo nghĩa hiện tượng học: Tạo dựng một thế giới mới bên trên một thế giới cũ không còn phù hợp. Giai cấp chủ nô đã lấy phần “sáng tạo” của người lao động để làm giá trị cho mình, theo đó, “tính vật chất” đã bị xuyên tạc thông qua ý muốn chủ định về việc sở hữu giá trị sản xuất của giai cấp tư sản, bằng việc lợi dụng cái mà họ gọi là “sự sáng tạo” trong lao động của người công nhân. Người công nhân trong tình huống “sáng tạo” ấy không có được ý thức tự do tác động vào “vật chất thuần túy”, siêu nghiệm để sáng tạo thế giới theo ý mình, ngược lại, họ đã sáng tạo cái “vật chất thuần túy” đó theo ý hướng của kẻ chủ nô. Do đó, vật chất có được trong tay của nhà tư sản đã bị biến đổi theo tham vọng chiếm lĩnh chủ quan nhằm bóc lột “giá trị thặng dư nằm trong mục đích sáng tạo” ở người lao động. Quan điểm này đã lật nhào toàn bộ quan niệm về “ý hướng tính chủ thể” (Intentionalité) do Husserl dựng lên trước đó.
Husserl xem mọi hoạt động nhận thức thế giới bao giờ cũng là hoạt động nhận thức cụ thể: “Tôi ý thức là tôi ý thức cụ thể về một cái gì đó”, nhưng bản thân “cái cụ thể nào đó” ấy, về thực chất, cũng chỉ là kết quả được tạo ra bởi “cái tôi ý thức” trước đấy. Sản phẩm ấy có thể là hệ quả của sự kiến tạo độc lập hoàn toàn tự do, nhưng cũng có thể là kết quả của quá trình “bóc lột” giá trị sáng tạo, xuyên tạc bản chất thế giới của giai cấp cầm quyền - chủ nô. Cái cụ thể vật chất ấy bao giờ cũng là cái hình thức được dựng lên bởi một ý hướng tính hoặc nhiều ý hướng tính trước đó, nó không thể trả lại giá trị tiên nghiệm cho hoạt động quy giản của chủ thể nhận thức hiện thời. Mặc dù chủ thể ấy có thực hiện ý thức quy giản triệt để nhằm trở về với chính sự vật, thì sự trở về ấy cũng là sự trở về với cấu trúc hình thức vật chất do chủ thể khác dựng lên trước đó. Sự trở về trong tính tương liên ấy không thể xem là sự chấm dứt, phá hủy triệt để mầm mống cũ có trong đối tượng nhận thức (Objectivity) hiện tại, mà về thực chất, vẫn chỉ là sự cộng hữu (Dasein) các ý niệm sáng tạo quá khứ với ý niệm hiện thời, đúng như Trần Đức Thảo đã chỉ ra trong Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng([11]).
Do vậy, sự trở về bản chất thế giới nhằm hư vô hóa các kinh nghiệm cho nghĩa có chủ đích về thế giới không bao giờ là hoạt động siêu nghiệm tuyệt đối, bởi vẫn còn đó những vướng víu giữa ý niệm cũ trong sự trở về của ý niệm mới. Thế giới mới được dựng lên bên trên thế giới kinh nghiệm đã từng trải luôn chịu sự tác động và chi phối một phần yếu tố ý hướng cũ của một chủ thể trước đó. Về thực chất, sự trở về ấy của Husserl, không thể xem là “sự vượt thoát” sáng tạo tuyệt đối, mà chỉ thuần túy là sự thống nhất các ý niệm được chi phối và điều tiết bởi ý muốn chủ định của chủ thể nhận thức hiện thời. Một khi ngôn ngữ diễn giải về tính vật chất như là “vật chất cụ thể” còn tồn tại, thì sự trở về theo nghĩa tương liên của chủ thể nhận thức, về thực chất, vẫn chỉ là sự kiếm tìm một ý nghĩa khác được dựng lên bên trên một ý nghĩa cũ đã được chủ thể nhận thức trước đó sống trải, mà không thể xem hoạt động kiến tạo ấy là đi tìm một ý nghĩa mới cho một thế giới mới hoàn toàn. Chỉ khi nào chủ thể nhận thức bắt đầu quá trình ý thức bằng việc kiếm tìm một ý nghĩa diễn giải mới khởi đầu từ tính vật chất nguyên thủy, phá tan những diễn giải về các hình thức ôm chứa nó, thì khi ấy mới có một thế giới mới tuyệt đối. Do vậy, chủ thể của ý hướng mang tính ý thức muốn làm một cuộc cách mạng mở ra một thế giới mới, thì họ không thể tư duy về cái cụ thể vật chất, mà hoạt động tư duy ấy phải là sự truy cứu nguồn gốc của tồn tại là tính vật chất theo nghĩa là thông qua hình thức ngôn ngữ diễn giải về ý thức siêu nghiệm tuyệt đối. Công việc ấy luôn phải bắt đầu từ hoạt động nhận thức thực tiễn về tính vật chất, và chỉ có phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Marx mới cho phép chủ thể nhận thức lật nhào sự bóc lột của giai cấp chủ nô ẩn dưới các hình thức vật chất hiện thời để tìm về bản chất của nó.
Với việc xem tính vật chất như là bản thể([12]) của mọi hoạt động nhận thức, Trần Đức Thảo đã đặt “tính ý hướng cụ thể về vật” của Husserl vào sự bế tắc trong khi đi tìm chân lý kiến tạo thế giới([13]). Thế giới mới được dựng lên, được mở ra theo sự tương liên của Husserl, về thực chất, chỉ là thế giới của sự tập hợp ý niệm cho nghĩa của các chủ thể nhận thức mà trong đó, ý thức mang tính ý hướng hiện thời quy định, chi phối, lấn át sự kiểm soát thế giới do nó dựng lên. Về bản chất, cái ý thức hướng đích của chủ thể mà Husserl xác lập, mặc dù có thể bước qua giai đoạn quy giản hiện tượng học, thì nó cũng không mất đi hoàn toàn bản chất chủ quan của tâm lý. Cái tôi ấy không thể gạt bỏ tuyệt đối để trở về với cái tôi siêu nghiệm trước đối tượng, chí ít thì việc nhận biết về sự tồn tại của đối tượng bao giờ cũng kèm theo những ý định chiếm cứ có chủ định và, dù cho ý định chiếm cứ ấy có khách quan hay vô tư, thì nó vẫn không thể gạt bỏ cái tôi định kiến chủ quan ra ngoài chủ thể nhận thức. Theo đó, chân lý hiện tượng học không thể là chân lý khách quan, mà là chân lý chủ quan tiên nghiệm. Sự ảnh hưởng của Hégel trong cái cõi siêu vượt ý thức tinh thần vẫn ôm trọn sự bế tắc của việc giải quyết vấn đề chân lý hiện tượng học, tính cho đến thời Husserl.
Trần Đức Thảo đã nhìn thấy giới hạn trong phạm trù ý hướng tính của Husserl, khi ông đi tìm câu trả lời cho vấn đề chân lý hiện tượng học bằng việc “đảo ngược” (reversal) biện chứng mối quan hệ giữa phạm trù ý thức mang tính ý hướng với hiện thực của tính vật chất – điều mà trước đó, K. Marx đã gợi mở khi đảo ngược phép biện chứng của Hégel: “Cái hiện thực chỉ có ý nghĩa trong các mối quan hệ của nó với chủ thể cụ thể, trong đời sống thực tế của chủ thể đó. Tồn tại được xác định là tồn tại vì tôi, không phải theo nghĩa tư biện mà theo nghĩa thực tiễn đã sống trải”([14]). Theo đó, chân lý của tồn tại không nằm ở bản chất/thể tính([15]) mà chủ thể tạo ra, cấp cho đối tượng, mà sự cấp cho ấy tùy thuộc vào việc đối tượng nhận thức hướng tới chủ thể thông qua con đường cảm giác để qua đó, chủ thể có thể hội nhập vào nó. Sẽ không thể có tình cảnh hiện tượng học (La Condition de La Phénoménologie) khi mà ý thức hướng đích của chủ thể nhận thức hướng tới đối tượng cá biệt, theo nghĩa tìm kiếm bản chất trong hình thức vật chất của tồn tại. Bởi lẽ tồn tại đó không phải là tồn tại của tôi, mà chỉ là tồn tại của sự tập hợp ý niệm của tôi với ý niệm của các chủ thể khác. Cái duy nhất làm cho “tồn tại” là “tồn tại” của tôi, khi và chỉ khi tôi phải lĩnh hội cho được tầng sâu cái làm cho các hình thức vật chất khu biệt nhau - đó là tính vật chất.
Sự khu biệt ấy nằm ở sự lập thức tuyệt đối, trong khi sự sáng tạo thế giới của chủ thể, dựa trên những yếu tố chung nhất có từ thời homo sapiens không chịu sự chi phối bởi việc phân tách cấu trúc xã hội ôm chứa nó qua các thời kỳ lịch sử, chứ không phải là sự diễn giải khác nhau về một trạng thái cụ thể của vật chất. Vì vậy, không phải ý thức hướng đích của chủ thể quy định sự tồn tại của đối tượng như là biểu hiện cụ thể của tính vật chất, mà là, tính vật chất, thông qua đối tượng cụ thể, quy định kinh nghiệm hiểu biết của chủ thể ý thức cá biệt. Ý thức không bao giờ là ý thức hướng về tính vật chất trừu tượng để kiếm tìm chân lý, mà sự hình thành chân lý của nó chỉ có thể có khi tính khách quan của đối tượng là tính vật chất phù hợp với kinh nghiệm phóng chiếu, đồng thời quy định ý nghĩa từ kinh nghiệm phóng chiếu ấy của chủ thể nhận thức. Cũng chỉ qua sự phóng chiếu phù hợp của tính hiện thực vật chất đối với kinh nghiệm hiểu biết của chủ thể nhận thức, thì chủ thể mới tìm ra chân lý của mình qua hệ thống Ý niệm trong các Khái niệm. Trần Đức Thảo đã rất tinh tế khi phát hiện ra khả năng chi phối ngược trở lại chủ thể nhận thức của cái hiện thực này([16]). Theo đó, ông đã đem lại cho hiện tượng học nội dung hiện thực của chân lý, điều mà ông đã kế thừa từ hạt nhân duy lý trong triết học Hégel([17]).
Từ đó, có thể thấy, khái niệm chân lý trong lý luận của Trần Đức Thảo không thể bị quy chụp vào một dạng chân lý thuần túy (Pure truth) như Phạm Công Thiện đã phê phán. Chân lý ấy không thể xem là “bị kẹt trong ý niệm về “chân lý” như là “adaequatio” (sự tương liên)”([18]), mà nó phải là “adaequatio rei et Intellectus” – “sự tương liên giữa khách thể và tư tưởng chủ thể”. Cái “như là “adaequatio”” ở đây không đúng và không thể diễn tả hết ý nghĩa của cái “adaequatio rei et Intellectus” mà Trần Đức Thảo đã nhận thấy trong triết học Hégel. Chỉ cần thay “bằng “như là trong trường hợp này đã cho thấy Phạm Công Thiện hiểu chưa đúng ý tưởng của Trần Đức Thảo về việc xác lập khái niệm chân lý. Cái “như là” trong trường hợp adaequatio chỉ dừng lại ở “sự gần giống” giữa ý niệm được xác lập thông qua khái niệm của chủ thể nhận thức với tính khách quan vật chất của đối tượng, nghĩa là ý niệm, trong quan niệm của Phạm Công Thiện, luôn chủ động trong việc đánh giá tính hợp lý của tồn tại. Trong khi đó, Trần Đức Thảo xem ý niệm thông qua khái niệm của chủ thể nhận thức chỉ được hình thành, khi nó được tính khách quan quy định những phẩm chất phù hợp với cái mà nó dựng lên. Và, ý niệm ấy chỉ phù hợp bên trong tính khách quan và không đi ra ngoài tính khách quan đó, nghĩa là chân lý ở đây là chân lý của sự tượng liên giữa tôi và nó, giữa tính khách quaný niệm chủ quan, là “adaequatio”: “Trong khi quan hệ nhận thức thuần túy đánh giá thấp tính hiện thực của khách thể bằng cách thu nó vào tính phổ biến và tính tất yếu của quá trình tiếp diễn các hiện hình của nó trong ý thức, thì thực tiễn đã sống trải bộc lộ cho chúng ta thấy chính cái hiện thực trong đời sống tuyệt đối của nó, như là tính chủ quan khác với tính chủ quan của tôi”([19]). Trần Đức Thảo đã thêm vào mệnh đề “adaequatio rei et Intellectus” của Hégel hạt nhân thực tiễn của nó, bằng việc xem chân lý không chỉ là sự tương thông giữa “rei et Intellectus” (“khách thể và tư tưởng chủ thể”), mà trong sự tương thông ấy, “rei” (khách thể) luôn quy định và quyết định ngược trở lại đối với sự trưởng thành của các “Intellectus” (“tư tưởng chủ thể”). Điều ấy cho thấy, Trần Đức Thảo không chỉ hiểu Husserl, mà ông còn chỉ ra giới hạn trong khi xác lập chân lý hiện tượng học.
Với ý nghĩa trên, tính vật chất trong quan niệm của Trần Đức Thảo đã bao trùm và giải quyết triệt để cả bản chất của kỹ thuật. Bởi lẽ, bản chất của kỹ thuật chỉ góp phần cải tạo và biến đổi các dạng thức của tính vật chất từ dạng này qua dạng khác, chứ không thể thay thế hoàn toàn tính vật chất của hiện thực khách quan. Với nhận thức “tinh quái” về kỹ thuật xảy ra từ chế độ chiếm hữu nô lệ, rồi xuyên qua xã hội phong kiến, chủ nghĩa tư bản đã nâng cấp và phóng cho kỹ thuật những “ý nghĩa” bóc lột “tinh vi” mà giai cấp chủ nô ôm chứa nó, sử dụng nó nhằm thu lợi cao nhất trong phạm vi bóc lột có thể. Nhưng, về bản chất, cái mà kỹ thuật của giai cấp tư sản tác động vào tự nhiên để biến chuyển thành các giá trị cho họ vẫn không nằm ngoài tính vật chất do giai cấp nô lệ sử dụng bàn tay của mình tác động vào nhằm làm ra sản phẩm. Như vậy, về bản chất, ý nghĩa của kỹ thuật là ý nghĩa của đôi tay người lao động đã được chỉ đạo, nâng cấp bởi chủ thể bóc lột nhằm cai quản và chỉ huy nó. Bản chất của kỹ thuật, do đó, không thể bị đánh đồng với bản chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng. Bởi lẽ, cho dù “đôi tay” ấy có được giải phóng ngay từ thời nguyên thủy hay được tự do tuyệt đối như trong thời đại số hóa, thì cái quy định bản chất của các giá trị do “quý ông kỹ thuật” tạo ra vẫn luôn nằm ở bản chất đối tượng quy định nó là nó, với các dạng thức cụ thể mà nó ôm chứa. Và, bản chất đối tượng quy định nó là nó ấy không gì khác hơn là tính vật chất mà Trần Đức Thảo đã dày công đi tìm các lý lẽ để chứng minh cho sự tồn tại phù hợp của nó như là bản thể luận của triết học qua Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Thậm chí, chính Heidegger cũng từng phê phán cái “bản chất của kỹ thuật” mà Phạm Công Thiện đã lẫn lộn và đánh đồng với “bản chất của chủ nghĩa duy vật biện chứng”: “Con người sẽ đi đâu, sẽ ra sao? Con người như là một cây mai đương nở hoa: quý ngài kỹ thuật gia sẽ dẫn con người đi đâu! Không phải tôi nói về bộ óc đâu, tôi nói là nói về con người tiến hóa kia: một sớm mai nó sẽ bị tiêu diệt” ([20]). Cái “bản chất của kỹ thuật” mà Phạm Công Thiện nhắc đến không thể thúc đẩy một hành trình sáng tạo theo nghĩa tiến hóa của loài người, mà chỉ là hành động giản đơn “nâng cấp đôi tay” người lao động, biến họ trở thành người làm ra sản phẩm suốt đời theo ý muốn sở hữu của giai cấp chủ nô. Dù cho “quý ngài kỹ thuật” có giải phóng đôi tay người lao động một cách tuyệt đối như những gì mà loài người đang được hưởng trong nền công nghệ số hóa như ngày nay, thì về thực chất, quá trình đó vẫn chỉ là sự chuyển di từ “đôi tay” lên “bộ não”. Và, cái mà chúng ta tưởng lầm rằng “quý ngài kỹ thuật” đã, đang và sẽ giải phóng mình ra khỏi tự nhiên, ra khỏi hiện thực lao động, thì chúng ta đã lầm, một sự lầm lẫn tai hại. Trái ngược với sự giải phóng tưởng như tuyệt đối ấy, chúng ta lại trở thành kẻ mất tự do tuyệt đối và trở thành nô lệ tuyệt đối, khi “đôi tay kỹ thuật” bị thay thế bởi “bộ óc” theo yêu cầu của giai cấp chủ nô. Kết quả thay thế trên là sự sản sinh ra những sản phẩm mà giai cấp chủ nô gọi là “tiến bộ” hiện đại, nhằm thu hẹp dần ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn. Phép biện chứng duy vật của K. Marx ra đời đã làm nên một cuộc cách mạng đảo ngược sự mê hoặc ấy từ “quý ngài kỹ thuật”. Nó kêu gọi sự lật nhào tuyệt đối về ý thức phụ thuộc. Nó biến sự sáng tạo cá biệt của giai cấp vô sản từ bàn tay được giải phóng khỏi kiếp làm thuê để trở thành ông chủ của chính mình. Giai cấp ấy hoàn toàn tự do trong khi tác động vào tính hiện thực khách quan vật chất nhằm cải tạo, biến đổi xã hội và thế giới. Theo đó, ý nghĩa của phép biện chứng duy vật là xác lập một ý thức tự chủ, công bằng trong khi kiến lập thế giới. Nó bao chứa giá trị nhân văn sáng ngời, trở thành sức mạnh chống lại chủ nghĩa kỹ trị, lật nhào toàn bộ hệ thống cai trị máy móc.
Heidegger đã từng hướng đến hiện hữu tại thế (Être au monde) gói gọn tính lịch sử (Historicité) và tính thời gian (Temporalité) trong khoảnh khắc ý thức hướng về nó của chủ thể nhận thức. Thế nhưng, cái quy định tính thời gian và tính lịch sử trong “cái ở đó” của Heidegger lại nằm ở những đặc tính khách quan vật chất được chủ thể nhận thức tri giác về nó. Và, đến Trần Đức Thảo, đặc tính khách quan vật chất được chủ thể nhận thức tri giác về nó ấy được gọi tên là Tính vật chất. Bản thân Tính vật chất không chỉ chứa đựng trong nó mầm mống của sự tái tạo thế giới, nghĩa là nó bao chứa khả năng giải - thế giới triệt để (Destruction/ Destruktion) nhằm mở ra sự sáng tạo bất tận của các hình thức bao chứa nó, mà, ngay trong chính giây phút chủ thể nhận thức tri giác về Tính vật chất ấy, nó (chủ thể nhận thức) cũng cùng lúc tư duy về tính lịch sử hình thành nó, nghĩa là nó đã đồng quy tính thời gian vào trong hiện tại cụ thể được tri giác. Ở mỗi hình thức được tri giác, thì sự vật trong tương quan với chủ thể nhận thức luôn bộc lộ những yếu tố nguyên thủy, thuần túy, nghĩa là nó ẩn dấu cả quá khứ lịch sử hình thành lẫn hiện thực bao chứa hình thức tồn tại của nó.
Đồng thời, chính Tính vật chất cũng dự phóng tương lai của một sự phá hủy triệt để luôn hiện hữu trong thế giới, để mở ra những hình thức tương cận hoặc dị biệt mới. Tất cả tính lịch sử tồn tại của sự vật được ẩn dưới tính hiện thực vật chất (tính vật chất) lúc chủ thể nhận thức suy tư và tìm hướng đi tác động vào nó. Điều này cho chúng ta thấy Trần Đức Thảo rất “chung thủy” với ý hướng ban đầu của mình, kéo dài từ Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng cho đến Lôgíc của cái thực tại sống động. Tính lịch sử của hiện hữu hay tính thời gian nơi tôi suy tư phải là tính lịch sử và tính thời gian của một đối tượng khách quan, chứ không thể là tính lịch sử và tính thời gian của một đối tượng chủ quan nằm trong cái thế giới tinh thần phổ quát nơi tôi. Theo đó, tính lịch sử và tính thời gian ấy không phải chỉ “nằm ở ngoài kia” như Heidegger quan niệm, mà còn nằm ở bản chất sâu thẳm bên trong “cái ở ngoài kia” ấy, nghĩa là nó nằm ở tầng nguyên thủy tính vật chất làm nên sự vật. Phát kiến của Trần Đức Thảo chính là ở chỗ này. Điều ấy cho thấy Trần Đức Thảo không chỉ hiểu Heidegger nói gì, mà ông còn thêm vào tính cụ thể của hiện hữu bên trong khái niệm tính lịch sử và tính thời gian mà Heidegger đã có công “phá đường, mở lối”. Với việc thêm vào tính cụ thể của hiện hữu ấy, Trần Đức Thảo đã hoàn thiện học thuyết của Heidegger về mối quan hệ giữa Thời gian và Hữu thể/ Zeit und Sein sau 66 năm([21]), kể từ lần đầu nó xuất hiện trong ý tưởng của Heidegger qua tác phẩm Hữu thể và Thời gian năm 1927([22]).
Bản thảo Lôgíc của cái thực tại sống động đã nói thay Trần Đức Thảo về vấn đề trên như sau: “Thực tại sinh động chủ yếu là cá tính cụ thể, đặc thù, của hiện hữu, được cấu thành vào mỗi giây lát qua sự hội nhập thời gian, tức trong sự vận động nội tại của giây lát ấy, hay sự trở thành nội thân của nó, để tự nó kiện toàn sự chuyển dịch của mình sang giây lát kế tiếp…Sự lắng đọng tức thời, tái tạo cấu trúc sinh học qua sự đồng hóa, và biểu hiện như sự tồn đọng bên trong chức năng sinh học, được lưu truyền bởi chính sự chuyển trôi của nó. Đồng thời cái chức năng được tái tạo và vẫn còn hiện hữu ấy, hiện lên như tương lai sắp xảy đến, trong đó sự trở thành của cá thể sinh học vào giây lát hiện tại, kiện toàn vận động “trôi chảy, chảy đi, và đến với sự chảy đi” trong nó, để chuyển sang giây lát kế tiếp”([23]); nó chứng minh một nhân tài triết học “sớm nở” và “mãi nở”, dù sự nở ấy có lúc không theo ý muốn, nhưng chí ít thì ý hướng mang tính ý thức của Trần Đức Thảo vẫn tươi thắm và nồng nhiệt giá trị nhân văn như buổi đầu sự nghiệp triết lý của ông.

(Bài đã đăng trên TC Triết học số 9/ 2013)




([1]) Xem: Tim Herrick.  “A Book Which Is No Longer Discussed Today”: Trân Duc Thao, Jacques Derrida, and Maurice Merleau Ponty” tại: http://www.scribd.com/doc/81138799/Herrick-Tran-Duc-Thao-Derrida-Merleau-Ponty.
([2]) Xem: Paul Majkut. Thảo’s Smile: Phenomenology and  Non-European Thought, mục “Thảo’s Smile: Husserlian Marxism” tại: www.o-p-o.net/essays/MajkutArticle.pdf.
([3]) “Hiện tượng học đã bắt đầu bằng bản thể học. Ngoài những diễn giải tâm lý học biến cái thực thành một tập hợp các trạng thái ý thức, vấn đề ở chỗ phải quay trở lại với chính các sự vật và tìm thấy lại ý nghĩa của bản thể trong sự phong phú về chân lý của nó” (Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, tr.31).
([4]) Martin Heidegger (Phạm Công Thiện dịch). Về thể tính của chân lý. Nxb Hoàng Đông Phương, Sài Gòn, 1968, tr. XXV.
([5]) Martin Heidegger. Sđd., tr.XXV.
([6]) Martin Heidegger. Sđd., tr.XXIII.
([7]) Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.17.
([8]) Năm 1936, Husserl viết Die Krisis der europäischen Wissenschaften und die transzendentale Phänomenologie: Eine Einleitung in die phänomenologische Philosophie (The Crisis of European Sciences and Transcendental Phenomenology: An Introduction to Phenomenological Philosophy), chính thức đưa ra viễn cảnh về sự cáo chung của lịch sử triết học phương Tây. Thế nhưng, có thể chính Husserl cũng không nhận ra rằng, ngay từ năm 1845 (nghĩa là khoảng cách về mặt thời gian tính cho đến trước thời điểm Husserl tuyên bố sự cáo chung của tư tương phương Tây đúng 91 năm (1936 – 1845)), K. Marx đã tiên liệu viễn cảnh phá sản ấy của tư tưởng phương Tây, khi ông viết The German Ideology (Hệ tư tưởng Đức) Theses on Feuerbach (Luận cương về Feuerbach), trong đó định đề được các học giả trích dẫn nhiều nhất, đáng quan tâm nhất là: “Các nhà triết học đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách khác nhau, song vấn đề là cải tạo thế giới”. Chính cái “cải tạo thế giới” này là “điểm bùng nổ” mạnh mẽ nhất mà K. Marx đặt ra nhằm xác lập lại toàn bộ hệ thống tư tưởng phương Tây, tiên liệu cho một sự phá sản tất yếu của nó. “Cải tạo thế giới” cũng đồng nghĩa với việc loài người sẽ phải bắt đầu một dấu mốc mới của tư tưởng bên trong một thế giới mới được dựng lên, thông qua hoạt động thực tiễn kinh nghiệm. Trong đó, ý niệm về một thế giới mới luôn phải bắt đầu từ sự trăn trở của ý thức kiếm tìm đường hướng khai phá nó. Và, mọi sự trăn trở của ý thức kiếm tìm đường hướng khai phá thế giới mới ấy cần phải được khởi đầu từ cái căn nguyên, cội rễ là tính vật chất ôm chứa trong nó.
([9]) Ở đây, chúng ta cần phân định rạch ròi giữa hai khái niệm Tính vật chất (materiality) với Vật chất (matter). Tính vật chất là cái làm cho “vật chất” trở nên có nghĩa như một tồn tại trong thế giới, còn vật chất là hình thức biểu hiện một phần nào đó tính vật chất thông qua hoạt động sáng tạo tự do.
([10]) Sản xuất trong trường hợp này không được xem là hoạt động sáng tạo, vì giai cấp làm thuê đã không được thiết lập thế giới dựa trên nền tảng tính vật chất một cách tự do. Họ bị giai cấp chủ nô cai quản ý hướng tự do cấp nghĩa, dựa trên sự tự do hủy thể hình thức cũ ôm chứa tính vật chất ấy, theo đó, thế giới mà họ kiến lập dựa trên tính vật chất chẳng qua chỉ là thế giới ngụy tạo, xa lạ dựa trên hình thức tưởng như hợp thức của hoạt động sáng tạo. Thế giới mà người lao động tạo ra đó không phải là chân lý, mà chỉ là sự ngụy trang của chân lý, vì thể tính chân lý của thế giới ấy không nằm ở sự tự do chọn lựa phương thức sáng tạo dựa trên cái tiên khởi là tính vật chất, mà, họ làm việc ấy thụ động như một con ong cần mẫn mang mật về theo sự điều phối của con ong Chúa. Và, cái tổ ong ấy là thước đo chuẩn mực do con ong chúa dựng lên, bằng những thủ đoạn “khéo léo” của quyền lực, cũng giống như thế giới loài người do bàn tay người nô lệ tạo dựng, về thực chất, chỉ là hình thức của “sáng tạo” do chủ nô tiến hành theo những “thủ đoạn” của vật linh hoặc thần quyền, chứ không thể xem là quá trình sáng tạo theo ý hướng chủ quan, hoàn toàn tự do của giai cấp bị bóc lột.
([11]) “Nhưng người ta đi đến không làm rõ được sự khác nhau, bởi vì một lần nữa đây không phải là một hệ thống các tổng hợp trong đó khách thể cuối cùng chỉ là cái tương liên của sự diễn biến các điều tôi đã sống trải, khi chúng kết hợp gắn bó với nhau: nó là sự thống nhất ý niệm được nhắm tới trong phạm vi riêng của tôi” (Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sđd., tr. 99 – 100).
([12]) “Tính vật chất là tầng cơ bản, nên đời sống động vật được tạo lập trên tính vật chất ấy. Ở đây không chỉ nói đến những động vật thực sự mà cả con người cũng là tồn tại của tự nhiên. Tâm hồn, đối tượng của tâm lý học, là một tầng “được dựa vào” cơ thể, mà nhờ vào mối quan hệ “dựa vào” ấy nó mới được xen vào thế giới không gian – thời gian” (Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sđd., tr.103 -104)
([13]) “Bây giờ ta hiểu ý nghĩa của sự hiểu lầm đã đối lập các môn đồ với kẻ học sách vở khi xuất bản tập thứ nhất của tác phẩm “Các ý niệm”, làm ảnh hưởng tai hại đến số phận của trường phái hiện tượng học. Thí dụ đặc cách về sự tạp lập vật đã làm cho chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm bị coi là phủ định sự tồn tại tuyệt đối của khách thể. Một sự phủ định như vậy xuất hiện là trái với các chủ định sâu xa của học thuyết. Nó làm cho hiện tượng học xích lại gần với chủ nghĩa phê phán, hơn nữa chưa được gắn bó chặt chẽ, vì ý thức mà ta trở lại là một ý thức nhất thời” (Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sđd., tr.101)
([14]) Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sđd., tr.105
([15]) Bản chất là theo cách gọi của chúng tôi, còn Thể tính là theo cách gọi của Phạm Công Thiện. Cả hai cách gọi đều xuất phát từ cách dịch thuật ngữ essence. Trong bài, chúng tôi sử dụng cách gọi bản chất khi đưa ra diễn giải của mình về essence của cái gì đó, và sử dụng cách gọi Thể tính khi đưa ra quan điểm phản biện lại quan điểm của Phạm Công Thiện khi phê phán Trần Đức Thảo.
      Bản chất/ essence: Nghĩa là cái mà giúp cho sự vật bộc lộ ra là nó để ta có thể hiểu được. Để hiểu được, thì chủ thể nhận thức phải cho sự vật nghĩa, giúp cho nó phơi bày bản chất trước ta như là nó. Vì vậy, bản chất của sự vật là cái nghĩa mà chủ thể cấp cho nó, gán cho nó, và nó trong quan hệ với chủ thể nhận thức là một hành động “chào đón”, “mở ra”, “thu nhận vào”. Nhờ việc cấp nghĩa cho sự vật để sự vật có “ý nghĩa” ấy, thì cũng cùng lúc, chủ thể tự tạo ra “ý nghĩa” của chính mình. Nói ra sự hiểu đúng đắn của mình về sự vật đúng như sự vật “cho ta” (nghĩa là mô tả hiện tượng học), thì đó là ý nhĩa độc lập, là lập thức, là bản chất của chủ thể được phơi bày ra thế giới.
([16]) “ Các sự vật không tự xác định đối với tôi bằng đặc tính vật chất mà bằng các dạng đã sống trải của chúng, với các tiền đề về giá trị và hành động. Chúng chỉ tồn tại đối với tôi, khi tôi tri giác chúng, với ý nghĩa chúng có đối với cuộc sống thực tế của tôi, và tất cả sự tồn tại tinh thần của chúng là ở nghĩa đó” (Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sđd., tr.104 – 105.)
([17]) Xem: G.W.F. Hégel. Khoa học logic. Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008.
([18]) Martin Heidegger. Về thể tính của chân lý. Sđd., tr. XXIII.
([19]) Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sđd., tr.105.
([20]) Dẫn theo Tam Ích. Sartre và Heidegger trên thảm xanh. Nxb Hồng Đức, Sài Gòn, 1969, tr. 216 – 217.
([21]) Năm 1927, Heidegger cho xuất bản phần 1 của Sein und Zeit nhưng chỉ giới hạn tới mục thứ 2 của phần Những nền tảng phá huỷ hiện tượng học lịch sử hữu thể học trên sự dẫn nhập của khả thể nghi vấn thời tính là: “Hiện hữu hiển thể và thời tính”. Trong đó, mục thứ 3 của phần này: Zeit und Sein/ “Thời gian và Hữu thể” thì vào năm 1962, nghĩa là 35 năm sau lần xuất bản cuốn Sein und Zeit, Heidegger mới đề cập trong một bài diễn thuyết cùng tên. Điều đó cho thấy, kể từ đó đến nay, nó chưa từng được viết ra và chưa từng được xuất bản hay công bố rộng rãi dưới dạng văn bản. Rất có thể Trần Đức Thảo chưa được biết đến bài diễn thuyết này của Heidegger, khi ông cho công bố Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng bằng tiếng Pháp năm 1951 tại nhà Minh Tân. Trong tác phẩm này, Trần Đức Thảo đã tìm ra tính cụ thể của hiện hữu bên trong khái niệm sử tính và thời tính của Heidegger (nghĩa là sau 24 năm khi Hữu thể và Thời gian xuất bản (1927 – 1951)), và củng cố, rồi đi đến khẳng định lý luận ấy trong tác phẩm cuối đời Lôgíc của cái thực tại sống động (xuất bản năm 1993). Nghĩa là, Trần Đức Thảo đã góp phần hoàn thiện ý tưởng về Thời gian và Hữu thể/ Zeit und Sein – phần II tác phẩm Sein und Zeit của Heidegger đúng 66 năm (1927 – 1993)), dù rằng tác phẩm này của Trần Đức Thảo cũng dở dang giống như Hữu thể và thời gian của  Heidegger. Nhưng điều này lại chứng minh Trần Đức Thảo không những hiểu Heidegger nói gì, mà ông còn có công bổ sung chính tác phẩm của Heidegger, khi mà nhân loại chưa được biết đến di cảo cuối cùng Thời gian và Hữu thể của ông.
([22]) Theo Đặng Phùng Quân thì “Friedrich-Wilhem von Hermann, người cộng sự của Heidegger trong việc chuẩn bị cho công việc xuất bản Toàn tập GA, đã viết tham luận cho Hội nghị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Heidegger tổ chức tại Chicago năm 1989, với tiêu đề SuZ và Những vấn đề cơ sở của Hiện tượng luận kể lại khi đưa in tác phẩm SuZ, Heidegger có kèm bản viếtThời gian và Hữu thể cho phân đoạn 3/Dritter Abschnitt, phần 1/Erster Teil nhưng sau đó ông rút lại đoạn văn này, với ý định sẽ khai triển tư tưởng phần này để xuất bản thành tập 2 của SuZ; quá trình ấy là thành quả cơ sở của giáo trình 1927” (Luận về khái niệm Destruktion của Heidegger).
([23]) Tran Duc Thao. La Logique du Présent Vivant, “La dialectique logique Comme dynamique Générale de la temporalisation”, Edité par l’auteur, 1993, P. 7 – 8 (Bản dịch của Nguyễn Hoài Vân).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét