Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

Không thể có một nền văn hóa bá quyền!


HNM - Ngày nay, mối quan hệ giữa triết học và văn hóa đã trở thành mối quan hệ bản chất, tất yếu của các quốc gia dân tộc trong xu hướng toàn cầu hóa. Đây cũng là một mối quan hệ đặc biệt, liên quan đến việc xây dựng vị thế mỗi quốc gia trên thế giới. Hànộimới xin giới thiệu cuộc trò chuyện của Nhà nghiên cứu triết học Ngô Hương Giang với Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Minh Hợp, Viện Triết học Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam về vấn đề này.

GS. TS. Đỗ Minh Hợp
-         Trong xu thế toàn cầu hóa như ngày nay, Việt Nam cần tạo dựng những
nền tảng cơ bản nào để xác lập một nền triết học khai phóng cho sự phát triển văn hóa dân tộc trong những thập niên tới của thế kỷ XXI?

-         Người ta bàn nhiều và nói nhiều về toàn cầu hóa như một tất yếu khách
quan. Không phủ định xu hướng và thực tại dường như bất khả kháng của các quá trình toàn cầu hóa, song toàn cầu hóa cần được và nên được quan tâm cả từ góc độ chủ quan và khách quan. Toàn cầu hóa là quá trình không phải do các lực lượng nhà nước mà do các lực lượng thị trường quyết định. Toàn cầu hóa có nghĩa là quá trình nhất thể hóa tất cả mọi mặt cuộc sống. Cuộc hội ngộ mới giữa các nước kém phát triển hơn và các nước phát triển hơn, giữa các dân tộc được bảo vệ nhiều hơn và các dân tộc được bảo vệ ít hơn trong không gian thế giới mở cửa đang hình thành đã kéo theo những chấn động và những xung đột mới.
Vì vậy, trong trường hợp Việt Nam thì triết học cùng với toàn bộ lĩnh vực tri thức nhân văn (văn học, nghệ thuật, tôn giáo…) cần tạo dựng cơ sở, nền tảng tinh thần, văn hóa nhân văn cho một thế giới mới thống nhất trong đa dạng. Hay nói như một chuyên gia “Đã đến lúc chúng ta cần phải đồng hành, cộng tác với nhau, các tôn giáo hãy đem tinh thần yêu thương hòa hợp làm như men vùi vào trong những nỗ lực toàn cầu hóa kinh tế của các nhà chính trị, kinh tế, để nhờ đó mà lòng từ bi, bác ái của tôn giáo có thể ra khỏi nhà thờ, nhà chùa, làm cho kinh tế, tài chánh cũng có thể lên men tình thương, biến thành những giá trị có lợi cho con người, vừa no lòng mà cũng ấm bụng, nghĩa là thoát khỏi nghèo nàn vật chất, mà cũng được hạnh phúc trong tâm hồn”.

-         Hiện nay, đối thoại văn hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển xã
hội hiện đại. Quan niệm về sự độc tôn, khép kín của văn hóa hay tinh thần xem văn hóa quốc gia, dân tộc mình là trung tâm, là “bá chủ” khu vực và thế giới không còn phù hợp nữa. Ông nghĩ gì về điều này?

Chúng ta đang sống trong thời kỳ quá độ, khi mà kỉ nguyên thống trị của
máy móc sắp kết thúc, kỷ nguyên của chủ nghĩa nhân văn giải phóng các tiềm lực sáng tạo, tinh thần của con người đang đến.  
Do vậy, điều chủ yếu trong cuộc cách mạng chung nhân loại cuối thể kỷ XX đầu thế kỉ XXI là phục hồi chủ nghĩa nhân văn, ưu tiên và giải phóng cá nhân sáng tạo. Giống như một bước ngoặt trong quan hệ với giới tự nhiên và trong các lĩnh vực khác của xã hội loài người, cuộc cách mạng thông tin chỉ là các yếu tố cấu thành của bước ngoặt ấy, tăng cường xu hướng cơ bản của nó, là phương tiện để đạt tới mục đích chủ yếu. Do đó, sẽ không thể có sự độc tôn, khép kín, xem văn hóa quốc gia, dân tộc mình là bá chủ khu vực và thế giới một khi sự giải phóng tiềm lực sáng tạo tinh thần của con người lên ngôi.

-         Là một nhà nghiên cứu triết học liên văn hóa, ông có đề xuất nào cho
viễn cảnh phát triển của văn hóa Việt Nam trong những năm tới, để nền văn hóa của chúng ta vừa có thể dự phần vào cuộc đối thoại, giải quyết những vấn đề chung mà văn hóa toàn nhân loại đang đặt ra, đồng thời vẫn bảo lưu được các giá trị bản sắc truyền thống của dân tộc mình?

      Có thể nhận thấy các tác động kỳ lạ của cuộc cách mạng thông tin trong lĩnh vực nhân văn. Ở Việt Nam, theo tôi, việc sử dụng viễn thông, vô tuyến, Internet làm cho các kiệt tác nghệ thuật dân tộc và thế giới dễ dàng đến với mỗi trường học, mỗi gia đình. Giáo dục dựa trên các công nghệ thông tin trở thành giáo dục phổ thông, thường xuyên, từ xa, tốc độ khiến hiệu quả nắm bắt tri thức, thói quen mới của thế hệ mới hơn đang tăng lên gấp nhiều lần. Khả năng phổ biến các chuẩn tắc đạo đức mới cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Không gian tinh thần toàn cầu, quỹ văn hóa thế giới đang hình thành, thể hiện các giá trị của mỗi dân tộc, mỗi sắc tộc, mỗi tầng lớp xã hội, mỗi nền văn minh và từ đó mỗi người đều có thể khai thác, xuất phát từ nhu cầu và sở thích cá nhân.
 Chúng ta cần nhận thức rõ và tận dụng sức mạnh của cách mạng thông tin trong việc triển khai quá trình toàn cầu hóa trong mọi lĩnh vực. Cụ thể, toàn cầu hóa xâm chiếm cả lĩnh vực quan hệ liên quốc gia, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nó làm cho chính sách của các quốc gia và các liên minh quốc gia trở nên rõ ràng hơn, giảm thiểu khuynh hướng bá quyền trên thế giới. Triết học liên văn hóa giúp ta nhận thức rõ, rằng, sẽ không thể tồn tại một thứ chủ nghĩa bá quyền về văn hóa, và tất cả các quốc gia đều phải chịu sự chi phối của luật pháp quốc tế, cũng như sự ràng buộc giữa các quốc gia với nhau.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc của chúng ta phải dựa trên cơ sở vừa kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Bởi lẽ, “Tinh hoa văn hóa” theo quan niệm của triết học hiện đại, là sự kế thừa chứ không phải là thứ bất biến.

          -Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

                             Ngô Hương Giang thực hiện