Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Tôn trọng sự thật và giá trị phẩm hạnh con người


 Thi Thi thực hiện

(HNM) - Thúc đẩy lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới". Vì vậy, sự xuất hiện những tác phẩm - công trình nghiên cứu của các nhà lý luận phê bình trẻ gần đây như Ngô Hương Giang, Đoàn Ánh Dương… được xem như tín hiệu tích cực của đời sống LLPB nước nhà... Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình trẻ Ngô Hương Giang (Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhân dịp anh ra mắt công trình "Chân lý và Hư cấu".

- Ngô Hương Giang, cái tên rất dễ nhầm với... tên con gái! Trong LLPB, có phải ngòi bút cũng cần sự mạnh mẽ ẩn sau một thái độ đúng mực, khiêm nhường?


- Câu hỏi của chị đã bao hàm câu trả lời. Một người làm LLPB nói chung, trong đó có LLPB văn học, cần có hai phẩm chất: Trí tuệ và khoan dung. Đối với vấn đề học thuật được đưa ra bàn thảo thì phải thẳng thắn, trung thực, dứt khoát, chọn cách giải quyết khoa học, lập luận sắc sảo, biện chứng. Tuy nhiên, đối tượng của nhà phê bình không chỉ có văn bản, mà còn có tác giả hoặc cá nhân có liên quan đến văn bản. Vì vậy, bên cạnh cái lý vẫn còn cái tình; ở tầng dưới của chân lý khoa học vẫn còn các giá trị nhân tính, phê bình phải làm sao vẫn tôn trọng được sự thật, vừa giữ được giá trị phẩm hạnh của con người, đó là điều khó. Nhiều ý kiến đã đề cập đến văn hóa ứng xử trong phê bình, nhưng muốn thế, theo tôi, trước hết phải có văn hóa trong ứng xử giữa con người với con người, tôn trọng giá trị nhân cách của nhau.

- Tại sao lại là "Chân lý và Hư cấu", thưa anh?

- Bất cứ sự kiện, hiện tượng nào liên quan đến con người cũng có thể là "hư cấu". Bản chất của hư cấu là sáng tạo một thế giới hiện tượng "giống như" thế giới hiện thực của con người. Mà nói như Nguyễn Công Hoan thì thế giới ấy là thế giới "bịa mà như thực". Muốn nắm bắt cho được sự thật của các hiện tượng được/bị "hư cấu" bởi xã hội, thì con người phải có cách thức suy tư và một thái độ sống đúng mực. Triết học đã giúp con người có thái độ sống và suy tư ấy. Chân lý của hư cấu không phải là cái hiện hữu để con người có thể nhìn thấy hay nghe thấy, mà nó nằm ở tầng sâu của ý thức suy nghiệm. 

Bìa cuốn sách "Chân lý và Hư cấu"

- Công trình này có ý nghĩa thế nào đối với hoạt động nghề nghiệp của bản thân anh và trong mối tương quan với các công trình LLPB khá hiếm hoi gần đây?

- Đối với tôi, "Chân lý và Hư cấu" là một nỗ lực cá nhân. Và, vì là nỗ lực cá nhân nên nó mang ý nghĩa đặc biệt đối với tôi, không chỉ là về mặt khoa học, mà còn là ở tinh thần đối với khoa học. Trong mối tương quan đối với các công trình LLPB của các học giả và đồng nghiệp của tôi, "Chân lý và Hư cấu" chỉ là ý kiến nhỏ về những vấn đề xảy ra xung quanh đời sống văn học, theo một hướng tiếp cận đặc thù từ triết học. 

- Trong cuốn sách này, anh có đặt vấn đề "Việc tái thiết thế giới bằng hình tượng nghệ thuật phụ thuộc vào nhân cách, tầm đón đợi, kinh nghiệm sống, sự uyên thâm tri thức, khả năng suy niệm xuyên hiện thực, kết nối đa văn hóa, đa trí tuệ... của chủ thể tính thẩm mỹ"? Có thể hiểu đây là một khẳng định, một lời thúc giục không thể khác dành cho chủ thể sáng tạo, nhất là trong bối cảnh sự đọc và nhu cầu đọc rất đa dạng như hiện nay?

- Quan điểm trên của tôi không phải là một tuyên ngôn. Vì vậy, nó không thể là "một khẳng định, một lời thúc giục không thể khác", mà chỉ là sự gợi mở để các "chân trời thẩm mỹ" khác cùng "hòa trộn", hướng tới sự thay đổi để phát triển nền văn học dân tộc. 

- Không phải là một tác phẩm dành cho bạn đọc phổ thông, song công trình này cũng đặt ra một vấn đề rất cụ thể hiện nay là sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử. Anh có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm "hư cấu sử ký mới đích thực là văn học, vì nó mang thiên chức sáng thế của nhà văn - điều mà không sử gia hay triết gia nào có thể dễ dàng làm được?".

- Trong cuốn "Chân lý và Hư cấu", tôi đề cập đến nhiều vấn đề của hư cấu. Song, trọng tâm nhất là vấn đề lịch sử và chính trị trong quan hệ với hư cấu văn học. Lịch sử văn học cũng như tính chính trị của văn học là một quy luật tất yếu trong đời sống văn học. Thế nhưng, lịch sử văn học cũng như tính chính trị trong văn học chủ yếu vẫn được/bị xem là một thuộc tính phản ánh thực tiễn của văn học. Hư cấu sử ký là một sự "sáng tạo" lại lịch sử dựa trên một nhận thức mới, từ một hệ hình tri thức mới phù hợp.

- Anh có nêu vấn đề "Văn học Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa". Nếu có thể nói ngắn gọn nhất về vấn đề này, anh sẽ nhấn mạnh điều gì?

- Toàn cầu hóa là một tất yếu, trong đó có toàn cầu hóa văn hóa và toàn cầu hóa văn học. Vì vậy, văn học Việt Nam cần phải thích nghi với những thay đổi đang xảy ra trong dòng chảy chung toàn cầu hóa đó. Để khỏi bị tụt hậu hoặc trở thành "người quan sát đứng bên lề" sự vận động không ngừng của văn học toàn cầu hóa, không có cách nào khác là văn học Việt Nam phải tự đổi mới mình để có thể tồn tại và phát triển.

- Xin chân thành cảm ơn anh!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét