Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

NHÓM LỢI ÍCH VÀ NHÓM LỢI ÍCH Ở VIỆT NAM


Ngô Hương Giang





Nhóm lợi ích là gì?
Ngày nay, sự tồn tại của các nhóm lợi ích ở các quốc gia phát triển được xem là một phần tất yếu của xã hội dân chủ. Các nhóm lợi ích có ảnh hưởng lớn không chỉ ở việc bảo vệ các đặc quyền và đặc lợi cho thành viên của nó, mà các Nhóm này còn góp phần cố vấn trực tiếp cho chính phủ, thậm chí trở thành tổ chức vượt qua khuôn khổ nghề nghiệp, trở thành các tổ chức chính trị chuyên biệt.
Do tính chất đặc thù của từng ngành, nghề, lĩnh vực hoạt động, mà việc hiểu cũng như xác lập các quy tắc tổ chức ở mỗi nhóm lợi ích là khác nhau. Vì vậy, việc đi tìm một khái niệm chính xác về nhóm lợi ích là không thể, mà chỉ có thể xác lập những cơ sở lý luận cơ bản, để từ đó, tùy thuộc vào đặc thù thực tiễn chính trị xã hội ở mỗi quốc gia, có thể áp dụng linh hoạt các khía cạnh nhận thức ấy.
Theo Joseph Losco và Ralph Baker thì : “Nhóm lợi ích là một tổ chức của các hiệp hội nghề nghiệp được xác lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, hướng đến sự công khai và tạo những điều kiện thuận lợi nhằm phục vụ cho lợi ích chung của mình. Các Nhóm lợi ích này bao gồm các tập đoàn, tổ chức từ thiện, các nhóm dân quyền, các hiệp hội khu phố, các hội nghề nghiệp và thương mại”[1]. Nói như vậy có nghĩa, Nhóm lợi ích ra đời trước hết là để bảo vệ các đặc quyền cơ bản của Nhóm được giới hạn ở các phạm vi đặc thù của từng hiệp hội nghề nghiệp; là tiếng nói dân chủ đại diện cho đa số nguyện vọng các thành viên tham gia, trong đó mặt nổi trội nhất của nó là tiếng nói về chính trị[2].
Không hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Joseph Losco và Ralph Baker, nhóm tác giả của của cuốn sách Về chính phủ Mỹ thì cho rằng, Nhóm lợi ích là “một tổ chức dân sự có chung mục đích, gia nhập vào tiến trình chính trị nhằm thực hiện các mục đích đó. Các Nhóm lợi ích theo đuổi mục tiêu của mình trong nhiều lĩnh vực. Đứng đầu các nhóm lợi ích thường là những nhà hoạch định chính sách, giống như các Đảng phái chính trị thường có những nhà tổng hợp chính sách”[3]. Quan điểm của nhóm tác giả này nhằm hướng tới giải quyết ba vấn đề lớn của Nhóm lợi ích là: Thứ nhất, xem Nhóm lợi ích là một tổ chức dân sự; Thứ hai, vì là một tổ chức dân sự, cho nên, Nhóm lợi ích được xem là nơi hoạch định các chính sách cho những người có cùng chung mục đích chính trị; và thứ ba là, thông qua con đường gia nhập vào tiến trình chính trị, các Nhóm lợi ích được xem vừa như là một sự cố vấn cho các nhà tổng hợp chính sách của chính phủ, đồng thời vừa đảm vào các đặc quyền của Nhóm, trong đó có đặc quyền của các cá nhân tham dự.
Như vậy, về cơ bản, Nhóm lợi ích có thể được xem như là một tổ chức dân sự tự nguyện, được xác lập dựa trên những tổ chức nghề nghiệp có chung mục đích, lợi ích và chính sách; tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị để thực hiện các mục đích cũng như quyền lợi của Nhóm, đồng thời góp phần cố vấn trực tiếp cho chính phủ nhằm giải quyết những vấn đề chung của đất nước và xã hội.
Nhóm lợi ích được xác lập dựa trên những nguyên tắc lý luận nào?
Nhóm lợi ích được xác lập chủ yếu dựa trên hai nguyên tắc cơ bản, xét về lý luận nhận thức là:
a.     Nguyên tắc chấp nhận tính chất đa nguyên chủ nghĩa
          Các nhóm lợi ích ở Mỹ xem tính đa nguyên là một trong những phẩm chất của Nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích chấp nhận sự đa nguyên về chính trị, nghề nghiệp, vì họ lập luận: Thứ nhất, vì “các Nhóm cung cấp một liên kết quan trọng giữa người dân và chính phủ”[4], cho nên việc đa nguyên hóa các đối tượng tham dự phản ánh sự đa dạng hóa của chính sách; Thứ hai, vì giữa “các nhóm luôn có sự cạnh tranh”[5], cho nên, đa nguyên hóa nhằm thực hiện sự công bằng trong khi can dự vào chính trị; Thứ ba, vì nhằm mục đích hạn chế “sự nổi chội/ bá quyền của một Nhóm[6]; Thứ tư, vì “các Nhóm thường phải can dự vào “các luật chơi”[7] (rules of the game), cho nên đa nguyên hóa đảm bảo sự công bằng đối với người chơi (các chính khách và Chính phủ) và người bị chơi (Nhóm lợi ích) khi tham gia vào “trò chơi lợi ích”.
b.     Nguyên tắc tinh hoa và giới đa nguyên
Nguyên tắc này xem quyền lực chính trị thực sự chỉ thuộc về một số người (tầng lớp tinh hoa), cũng như nằm ở một số Nhóm then chốt. Những người theo nguyên tắc tinh hoa lập luận rằng: Thứ nhất, vì một số nhóm luôn có sự bất bình đẳng về quyền lực cho nên cần phải có sự ràng buộc giữa lớp tinh hoa với các bên tham dự về mặt lợi ích; Thứ hai, vì sức mạnh chi phối chính trị thực sự không phải nằm ở tất cả các nhóm, mà chỉ nằm ở một số nhóm tinh hoa nắm giữ vị thế về kinh tế (thường là các tập đoàn kinh tế lớn), cho nên cần phải đa nguyên hóa để tạo thế cân bằng về quyền lực trong khi thực hiện các chính sách của mỗi nhóm.
Nhóm lợi ích quan tâm tới những lợi ích gì?
Về cơ bản, lý thuyết về Nhóm lợi ích hướng đến giải quyết ba nhóm lợi ích chính là: Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và lợi ích tổng thể.
Lợi ích cá nhân được đồng nhất với quyền của những cá nhân trong các nhóm lợi ích và thường có mối quan hệ biện chứng với lợi ích Nhóm. Trong các Nhóm lợi ích thì lợi ích cá nhân không phải là mục đích duy nhất của việc thực thi các chính sách, mà được xem như là mối quan hệ tất yếu giữa cái cá biệt và cái chung.
Lợi ích nhóm: Là quyền lợi được chia nhỏ mang tính chất cục bộ của một bộ phận lớp người bị tha hóa, hoặc nằm trong tay giới “tinh hoa” bị biến chất nhằm phục vụ mục đích tập quyền.
Lợi ích tổng thể: Là sự kết hợp giữa lợi ích chung đạt được về mặt chính trị và lợi ích của các nhóm trong việc thực thi các mục đích của mình. Lợi ích tổng thể, một mặt góp phần giúp chính phủ hoạch định các chính sách dựa vào thực tiễn nhu cầu của các Nhóm ngành nghề; mặt khác, các nhóm lợi ích có thể tác động trực tiếp đối với hoạt động của chính phủ thông qua con đường Lobby nhằm giải quyết những vấn nạn mà thực tiễn xã hội đặt ra.
Có thể nói, trong 3 loại hình thức lợi ích trên, xét về mặt lý luận và cương lĩnh ban đầu của các Nhóm lợi ích thì họ thường hướng đến “Lợi ích tổng thể”. Về mặt bản chất, các Nhóm lợi ích, ban đầu, khi ra đời thường đặt ra mục đích cao nhất là làm giàu các “lợi ích tổng thể”, tiến tới xây dựng một thể chế chính trị vững mạnh nhằm cố vấn cho chính phủ, giúp chính phủ hoạch định các sách quyết cho xã hội. Ở các nước tư bản phát triển thì lợi ích tổng thể là mục đích đầu tiên và cũng là sau cùng, nhằm can thiệp trực tiếp vào quá trình ổn định xã hội và an sinh quốc gia. Vì vậy, ở một số quốc gia như Mỹ, singapoe, Anh, Đức…các Nhóm lợi ích đóng vai trò như là “bà đỡ” về mặt chính trị cho các chính khách, giúp họ chạy đua vào nội các chính phủ, cũng như chạy đua vào vị trí tổng thống.
Các Nhóm lợi ích không chỉ giúp vận động hành lang ở các Bang cho các chính khách, mà họ còn “đầu tư tài chính” trực tiếp để hậu thuẫn cho các chính khách ấy. Nói như vậy không có nghĩa là các Nhóm lợi ích bỏ qua “lợi ích cá nhân” và “lợi ích thuộc về lớp tinh hoa đại diện”, mà cần hiểu rằng, việc bảo vệ “lợi ích tổng thể” của các Nhóm lợi ích cũng đồng nghĩa với bảo vệ hai hình thức lợi ích trên. Ở các nước tư bản, tỉ lệ tham nhũng hoặc độc tài về chính trị xuất hiện trong các Nhóm lợi ích rất ít và mờ nhạt, một mặt là vì tính chất công khai về mặt luận pháp của các Nhóm lợi ích, mặt khác là vì trình độ tổ chức và quản lý của các Nhóm lợi ích rất chặt chẽ. Sự cạnh tranh giữa các Nhóm lợi ích cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến sự kiềm chế nạn tham những cũng như khả năng “bá quyền về chính trị” của các Nhóm, bởi vì, đa phần các Nhóm lợi ích đều không nằm trong diện bảo trợ của chính phủ và hoạt động độc lập, cho nên dẫn đến giữa các Nhóm luôn có sự cạnh tranh khốc liệt nhằm duy trì sự tồn tại của mình. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến thực tiễn là: Giám sát các Nhóm lợi ích không phải là chính phủ mà là do chính các Nhóm lợi ích giám sát lẫn nhau.
Mục đích chính của Nhóm lợi ích là gì?
Các nhóm lợi ích ra đời nhằm thực hiện ba mục đích chính:
Thứ nhất, bảo vệ các quyền và đặc quyền của Nhóm như: quyền ngôn luận, quyền hoạt động chính trị, quyền tạo ra sản phẩm theo đúng chức năng quy định của Nhóm.
Thứ hai: Nhằm bảo vệ các lợi ích và gia tăng các lợi ích tổng thể của Nhóm.
Thứ ba: Nhằm tham gia vào quá trình ổn định xã hội và an sinh quốc gia trong vai trò là hậu thuẫn trực tiếp hoặc gián tiếp về mặt chính trị cho các chính khách chính phủ.
          Phương thức thực hiện mục đích của các Nhóm lợi ích là gì?
Các Nhóm lợi ích xem Lobby vừa như là phương thức thực hiện mục đích chính trị, vừa như là công cụ để kết nối giữa chính phủ và Nhóm. Lobby (vận động hành lang) cần được hiểu như là nghệ thuật thương thuyết giữa đại diện của các Nhóm lợi ích với chính phủ, nhằm đưa đến sự “thỏa thuận” hoặc sự ràng buộc mang tính lợi ích giữa hai bên. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, giữa chính phủ và Nhóm lợi ích luôn bị tác động bởi một loại trò chơi là “trò chơi lợi ích”, mà trong trò chơi đó, các bên tham gia bị ràng buộc bởi các “luật chơi”. Cái giá của “trò chơi lợi ích” chia đều cho cả “bên chơi” và “bên bị chơi”.
Nhóm lợi ích ở Việt Nam: Từ lý luận đến thực tiễn ra sao?
Ở Việt Nam, Nhóm lợi ích, về mặt khái niệm đã bị hiểu sai. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một bài phát biểu tại Hải Phòng cho rằng, cần phải loại bỏ các Nhóm lợi ích, bởi vì: “Nhóm lợi ích có thể hiểu là nhóm người có chức quyền câu kết với nhau nhằm trục lợi cá nhân, điều này là trái với luật pháp, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người khác, đi ngược với lợi ích của đất nước, của nhân dân"[8]. Trong quan điểm của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì Nhóm lợi ích đã bị quy vào phạm vi của “lợi ích Nhóm” - một trong ba loại hình thức lợi ích của Nhóm như chúng tôi đã làm rõ ở phần 1. Cần phải khẳng định ngay rằng, lợi ích của lớp tinh hoa hay lớp tập quyền không phải là mục đích sau cùng đặt ra của Nhóm lợi ích, xét về mặt lý luận nhận thức, mà chỉ là sự tha hóa nảy sinh trong quá trình thực tiễn của Nhóm lợi ích. Vì vậy, nếu có sự “loại bỏ” ở đây, thì theo chúng tôi cần loại bỏ “lợi ích” của Nhóm tinh hoa tập quyền chứ không phải là loại bỏ các “Nhóm lợi ích”.
Nhóm lợi ích ở Việt Nam thường được hiểu phổ biến như là sự tập hợp của các cá nhân có cùng lợi ích, nhằm hướng đến các giá trị lợi ích cá biệt. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lam trong một phát biểu cũng cho rằng, “Nhóm lợi ích được hiểu đơn giản là nhóm bao gồm những người có cùng những lợi ích với những hoạt động, sự kiện, hoặc một đối tượng nào đó. Như vậy, sự tồn tại của các nhóm lợi ích là khách quan và luôn tồn tại trong đời sống xã hội. Các nhóm này gắn bó với nhau, cùng nhau bảo vệ và mở rộng những lợi ích của họ”[9]. Trong khi đó, xét về mặt lý luận nhận thức, thì “Nhóm lợi ích là một tổ chức của các hiệp hội nghề nghiệp được xác lập dựa trên nguyên tắc tự nguyện, hướng đến sự công khai và tạo những điều kiện thuận lợi nhằm phục vụ cho lợi ích chung của mình”[10], hoặc là “một tổ chức dân sự có chung mục đích, gia nhập vào tiến trình chính trị nhằm thực hiện các mục đích đó”[11], theo đó, quan niệm về Nhóm lợi ích ở Việt Nam đã bị đồng nhất hóa giữa vai trò tác động chính trị của Nhóm lợi ích với vai trò cá biệt của các cá nhân có cùng lợi ích. Điều này đã dẫn tới hệ quả nhận thức là đồng nhất vai trò lãnh đạo tập thể với vai trò tập quyền của một số cá nhân tinh hoa.
Vì chúngta nhận thức chưa đúng về bản chất của các Nhóm lợi ích, cho nên dẫn đến thực tiễn tác động của các Nhóm lợi ích ấy đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính phủ chưa hiệu quả.
Nhóm lợi ích ở Việt Nam có thể được nhìn nhận ở ba hình thức: Hình thức các công đoàn nghề nghiệp, hình thức các hội nghề nghiệp và hình thức các tập đoàn kinh tế. Đứng đầu các công đoàn nghề nghiệp là Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức nghề nghiệp lớn nhất ở Việt Nam, đại diện cho lợi ích tổng thể của đa số các công nhân, viên chức và trí thức[12], song lại  “tham gia quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục, động viên công nhân viên chức lap động phát huy quyền làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[13]. Điều này đi ngược lại với các đặc trưng quy định bản chất đúng đắn của một Nhóm lợi ích như chúng tôi đã đề cập ở phần 1. Có thể nói Tổng liên đoàn lao động Việt nam là một trong những Nhóm lợi ích lớn và có lịch sử tồn tại lâu đời, thường được cụ thể hóa dưới dạng các công đoàn cơ sở.
Các công đoàn cơ sở này xuất hiện ở hầu hết các nhóm ngành nghề, lĩnh vực tư nhân cũng như nhà nước. Và vai trò của các công đoàn là: “trường học đấu tranh giai cấp, Công đoàn vận động, tổ chức công nhân, lao động đấu tranh chống lại giai cấp tư sản, bảo vệ quyền, lợi của công nhân, lao động. Cuộc đấu tranh của Công đoàn ngày càng phát triển, từ đấu tranh kinh tế sang đấu tranh chính trị với mục đích lật đổ giai cấp thống trị xoá bỏ chế độ người bóc lột người, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân”[14], bởi vì, “công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, là trường học chủ nghĩa xã hội của người lao động”[15].
Do đó, về mặt thực tiễn, các công đoàn này ra đời nhằm giám sát và kiểm tra các hoạt động của các Nhóm lợi ích khác và tập trung quyền giám sát dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên, bản chất của Nhóm lợi ích ở Việt Nam là sự giám sát lẫn nhau của các tổ chức công đoàn dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng cộng sản, chứ không phải là sự tồn tại độc lập với như cách là các nhóm nghề nghiệp “tự nguyện”, tham gia cố vấn trực tiếp về đường lối chính sách cho chính phủ. Vì có sự giám sát của các tổ chức công đoàn, cho nên phần lớn các Nhóm lợi ích ở Việt Nam ra đời đều được đặt dưới sự bảo trợ và quản lý trực tiếp của Chính phủ, cũng như của Đảng cầm quyền. Ở một mặt nào đó, thì thực chất các Nhóm lợi ích ở Việt Nam là các hiệp hội nghề nghiệp nhà nước hoặc bán  nhà nước, được bao cấp một phần hoặc toàn bộ về tài chính cũng như chế độ an sinh.
Những Nhóm lợi ích ở Việt Nam ra đời không nhằm hướng tới giải quyết các mục đích tổng thể, mà chỉ nhằm mục đích giám sát và ràng buộc lẫn nhau của các tổ chức công đoàn cơ sở. Đó là kẽ hở để nạn quan liêu và bao cấp có cơ hội phát triển, kéo theo nhu cầu trục lợi của các “Nhóm cá nhân tinh hoa” ngày càng gia tăng. Sự kiện Vinalines, Vinashin…là  kết quả của một quá trình thực hiện sai chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Nhóm lợi ích, phản ánh trình độ tổ chức kém cũng như cơ chế giám sát lỏng lẻo giữa các Nhóm lợi ích với tư cách là các Nhóm độc lập có quan hệ ràng buộc.
Giải pháp nào cho các Nhóm lợi ích ở Việt Nam?
Theo tôi, để các Nhóm lợi ích ở Việt Nam có thể phát triển thì Đảng và Nhà nước cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, xóa bỏ cơ chế giám sát trực tiếp của Đảng và Nhà nước đối với các Nhóm lợi ích thông qua các tổ chức công đoàn.
Thứ hai, thực hiện nguyên tắc giám sát lẫn nhau về mặt luật pháp giữa các Nhóm lợi ích.
Thứ ba, thực hiện quyền đa nguyên về mặt tổ chức chính trị đối với các Nhóm lợi ích theo hình thức tự quản.
Thứ tư, cần ban hành các quy chế, văn bản pháp luật đối với hoạt động của các Nhóm lợi ích theo tinh thần quốc tế hóa.
Thứ năm, xóa bỏ cơ chế bao cấp một phần hoặc toàn phần đối với các Nhóm lợi ích là các Hội, đoàn nghề nghiệp, góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh dân chủ và công bằng giữa các Nhóm.









[1] Joseph Losco, Ralph Baker (2008). Am gov (2008 ed., [1st ed.] ed.). New York: McGraw-Hill Higher Education
[2] Xem: Joseph Losco, Ralph Baker (2008). Am gov. Sđd.
[3]Xem:  About Government in America, Eleventh Edition, chapter 11: Interest Groups. Nguồn: http://wps.ablongman.com/long_edwards_government_11/0,7701,719053-,00.html
[4] Xem:  About Government in America. Tlđd.
[5] Xem:  About Government in America. Tlđd.
[6] Xem:  About Government in America. Tlđd.
[7] Xem:  About Government in America. Tlđd.
[8] Xem: Thủ tướng: “Kiên quyết loại bỏ nhóm lợi ích”. Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-tuong-kien-quyet-loai-bo-nhom-loi-ich-2398062.html
[9] Xem: Nhóm lợi ích và luật "lobby". Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/592448/nhom-loi-ich-va-luat-lobby-tpol.html
[10] Joseph Losco, Ralph Baker (2008). Am gov (2008 ed., [1st ed.] ed.). New York: McGraw-Hill Higher Education.
[11] Xem: About Government in America, Eleventh Edition. Nguồn:
http://wps.ablongman.com/long_edwards_government_11/0,7701,719053-,00.html
[12] “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết lực lượng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh về mọi mặt; có tính chất giai cấp của giai cấp công nhân và tính chất quần chúng; có chức năng: Đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ)” (Giới thiệu về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nguồn: http://cdhanghaivn.org.vn/gioi-thieu-ve-tong-lien-doan-ld-viet-nam/).
[13] Xem: Giới thiệu về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tlđd.
[14] Xem: Giới thiệu về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tlđd.
[15] Xem: Giới thiệu về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tlđd.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét