Ngô Hương Giang
[Đừng tưởng mọi thứ chỉ tồn tại dưới ánh mặt trời][2]
(Toquoc)- Nếu ai đó đọc Hoang tâm mà mong chờ một sự hiểu chính xác, thì đó là sự hiểu phi lí. Nhưng nếu ai mong chờ ở cuốn tiểu thuyết này một sự phi lí của cách hiểu, thì đó lại là cái hợp lý của logic. Cách diễn giải nửa thực nửa mơ của hành động đọc là cách chúng ta “quẳng” cái âu lo về việc phải hiểu cuốn tiểu thuyết này như thế nào? Hãy cứ quẳng tất cả những suy tư nặng nề về cuốn sách của Tú sang một bên, thì khi ấy, chúng ta mới hiểu được mình nghĩ gì, một cách im lặng, trầm lắng trong giây phút khắc khoải nghiệm sinh.
Tất cả những gì phi lí của cuộc sống đã ngưng tụ vào khoảnh khắc mà mặt chữ phân định các ranh giới ngữ nghĩa, biểu trưng, hình tượng, để rồi đúc kết trong sự trở về pha trộn của các mệnh đề logic diễn giải. Ngay cả khi chúng ta cố gắng đặt lí tính phê phán như nhiệm vụ thường trực trong việc đoán biết, thậm chí ép mình vào việc đi tìm chân lý của sự hiểu đối với câu chuyện mà tác giả kể, thì cũng khó có thể giữ được sự điềm đạm mà không nổi cáu vì sự mê dụ và phá phách của cốt truyện trong khi “dắt lối chỉ đường” cho ý thức tỉnh táo kia. Nhưng khi ta nhắm mắt và xuôi dòng lí tính, để nó ngụp lặn vào tiềm thức mơ mơ tỉnh tỉnh của mình, thì ý nghĩa câu chuyện mà Tú muốn thông giải lại lồ lộ, bung phá trong những dự phóng tinh thần với sự dàn trải không ngừng của nghi vấn và nghi vấn? Rằng, ta ở đâu trong cõi đời này, lịch sử là thật hay mê, và trong mê biết đâu có tỉnh, trong tỉnh biết đâu có lý, trong cõi thực tưởng trừng như bất biến hóa ra lại là sự chắp ghép của những giấc mơ không đầu không cuối, mở mắt ngắm hoa thưởng nguyệt nhưng thực ra lại mờ ảo xa xăm, và rồi ta lại trở về với chính ta:một hiện hữu cô đơn, hoang lạ, mơ hồ, lạc lõng trong kiếp nhân sinh, trong thế giới đơn độc vắng bóng sự thật lịch sử. Cứ thế, con người đã sống và suy ngẫm về hiện hữu quanh nó, nhưng chẳng bao giờ con người tìm ra sự thật về sự tồn tại của mình… tất cả đều thoắt ẩn thoắt hiện, vừa xa trong lòng vừa gần trước mắt giống cô gái chẳng rõ tên, chỉ biết rằng trong tâm thức nhân vật Anh cô là gái Mục.
Nguyễn Đình Tú và tác phẩm "Hoang Tâm" |
Có thể nói, Hoang tâm là hai cuốn tiểu thuyết trong một cuốn tiểu thuyết. Nó độc lập hoàn toàn và có thể tách ra làm hai tác phẩm một cách dứt khoát, rạch ròi. Điểm gặp nhau của hai cuốn tiểu thuyết trong một cuốn tiểu thuyết nằm ở sự phi lí của thực tại sống động. Trong đó, một bên là sự phi lí của lịch sử và một bên là sự phi lí của logic nhận thức. Vì vậy cuốn tiểu thuyết, mặc dù chưa hẳn là sự thách đố đến mức mỏi mệt như kiểu tiểu thuyết viết theo dòng ý thức, nhưng nó cũng không phải là cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, diễm tình nhàm chán. Hoang tâm chỉ thực sự lôi kép và hấp dẫn đối với ai đọc hết nó, và ngẫm hết mình về nó. Cuốn tiểu thuyết đã bắt đầu bằng sự mô tả song dị: một bên là hiện thực chiến tranh như sờ như thấy, như nhàm như quen, và một bên là hành trình phi lý của ý thức như xa như nhòe, như ồ ạt lại hóa mông lung, như mê như dụ, như chắp vá, lắp ghép, cắt đi dán lại không ngừng giữa những hình ảnh phi lý. Trong kết cấu song dị ấy, nếu như sự hấp dẫn của tiếng đùng đoàng, của khốc liệt và đau đớn khi tác giả diễn giải về chiến trận K nhằm khỏa lấp “cơn khát” của bản năng ác trong con người bị đạo đức xã hội vùi lấp, chờ mong ngóc đầu, khiêu dụ trở lại, thì cuộc chiến về nguồn trong ý thức hướng tới thực tại phi lý nơi ga “Nguyên Thủy” lại khơi dậy hành trình kiếm tìm những tiếng nói đã mất của lịch sử.
Hai cuộc chiến đối lập đó có chung “cảnh ngộ đọc” (Reading condition) và đều đi đến kết thúc phi lí như một sự bông đùa: một bên là Anh rời chiến trường K về làm ông giáo dạy văn, lấy vợ sinh con rồi chia tay; và một bên là Anh rời ga tàu “Nguyên Thủy” để trở về cuộc sống thực sau khi trải qua những phiêu lưu của ám thị và tình dục, của ngôn từ và biểu tượng, rồi cũng lại chia tay. Sẽ không có gì ngạc nhiên, khi chúng ta phải thốt lên: tôi chẳng hiểu cuốn tiểu thuyết này nói gì? Thế nhưng, sau cái giây phút buông tiếng cất lời ấy, thì cũng là lúc chúng ta nhận ra một điều rằng: có cái gì đó như muốn giằng co, như muốn níu, như muốn hút lấy khoảng không cảm xúc của mình phía sau các biểu tượng mà Tú đã dựng lên trong tác phẩm. Có lẽ Tú và lối viết của Tú không giúp người ta đi tìm sự thực của diễn giải, mà làm người ta ám ảnh với chính mình với lịch sử hình thành tinh thần trong mình.
Tác phẩm là sự phi lý của diễn giải. Song, sự ám ảnh mà người đọc có thể có đối với tác phẩm cũng như diễn ngôn của tác giả là có thực và hữu lý. Nó hữu lý ngay cả khi ta không còn suy nghĩ và tạm bỏ cuốn tiểu thuyết ra khỏi bàn tay thô ráp của mình. Chiến trường K và cuộc hành trình về miền Nguyên Thủy của nhân vật Anh là phi lý và vô nghĩa, nhưng cái cảm giác hoang lạnh và lạc lõng của con người trong cảnh ấy là hữu lý. Biểu tượng nhân vật đa nghĩa và phong phú như giây phút nhân vật Anh suy tưởng và kể lại “hành trình” đầy nghi vấn của mình. Thời gian trong sự vận động hiện hữu các hình tượng đã ngưng đọng tại thời điểm Anh tư duy, hướng sự nghi vấn của mình về một nơi nào đó: là chiến tranh với bọn K, là sự tồn tại của người Mã, là lí do tại sao anh mất ngủ… Cứ mỗi lần tư duy ấy hướng đến đâu, cùng lúc với nó là anh lại tra vấn về mình, về sự vô nghĩa đối với những gì mà loài người quen gọi là lý tưởng, là chân lý xã hội, là ước mong, là chiến thắng… Đối với Anh, tất cả đều sụp đổ khi thân xác trở về trạng thái hoang sơ và rệu rã.
Cuộc chiến khốc liệt tại chiến trường K, với máu và nước mắt tưởng rằng sẽ đổi lấy sự ngạo nghễ của chân lý nơi kẻ thắng cuộc; khát vọng lập công và tiêu diệt kẻ thù ngỡ rằng sẽ đổi lấy ý nghĩa của tượng đài anh hùng. Nhưng kết quả mà Anh nhận lại không phải là những ý nghĩa xa xôi, bóng bẩy đó, mà là sự dằn vặt, ám ảnh, là vong thể và vong bản… Nó góp phần làm thỏa mãn bản năng xâm chiếm, bản năng ác của các “vị thánh” cai quản những ngôi đền quyền lực. Sự thắng lợi từ chiến tranh không thể mang đến cho con người tấm gương trong sáng để họ soi mình vào đó, mà ngược lại, chính con người không hình thù sắc cạnh trong họ mới đủ sức mạnh soi sáng chính họ, đẩy họ rời xa các giá trị nhân tính mà lịch sử đã cố công “tôi luyện” và “bôi vẽ” huyền thoại quanh nó. Người Mã oanh liệt là thế, mà vẫn phải vong quốc và chịu ân nguyện từ phía những tộc người bé nhỏ không lịch sử, không huyền thoại, không hào nhoáng vinh quang… Cái kết thúc của bối cảnh trận chiến K đã phá hủy, bóc trần những huyền thoại của “chiến thắng”, của “cảm tử”, diễu nhại chủ nghĩa anh hùng trong chiến đấu. Cuộc chiến đã đẩy con người vào tình trạng phi lý: thay vì Anh là người say mình trong chiến thắng, thế nhưng, ngược lại với xúc cảm “tưởng” tất yếu ấy, chính Anh lại phải “sống trong nỗi thống khổ của một kẻ không sao ru ngủ được chính mình”[3], và phải nhờ vào những “liều thuốc tự chết” của đồng đội. Đó là cảm giác lạc lõng của chiến thắng, của vinh quang phía sau tấm huy chương chứa máu và nước mắt.
Sự phi lý của cảm giác chiến thắng, đã đẩy Anh vào mớ câu hỏi không thể lý giải, mở ra những cuộc phiêu lưu vô định của ý thức trong mỗi đêm không ngủ. Cái lý ẩn sau sự phi lý nghiệt ngã của cuộc chiến K, là anh phải tự đối mặt với cuộc chiến trong mình - một cuộc chiến không đổ máu, không vũ khí, không âm thanh rền rĩ, nhưng âm ỉ và theo anh suốt cuộc đời.
Anh đã đi tìm lại lịch sử của chính mình, của những giá trị văn minh, mà anh được nhồi nhét trong trường kỳ phát triển. Trong cái không gian nguyên thủy mà anh mơ về nửa thực nửa ảo ấy, tất cả chỉ có tính giai đoạn và phi lý, nó áp đặt lên con người những luật tục xã hội mơ hồ, nào là tượng đá của người Mã, nào là “cái vòng tuần hoàn” tận thế của người Khi, nào là cuộc chiến của người Mặc, nào là sự chuyên chế của người Lai, nào là văn minh, cấu trúc xã hội của người Mục cùng quyền uy của nó… đều bị phân mảnh và cắt lớp, dán ghép, đẩy câu chuyện vào sự vô lí của diễn giải, vào sự mơ hồ của tưởng tượng, ngay cả đến “ái dục” tưởng như là vững chắc, xuyên suốt tác phẩm và là tâm điểm của hành động tự sự cũng bị phá vỡ, chỉ còn lại những ga tàu vô định như sự vô định của nhân loại trong vũ trụ. Thậm chí, cho đến cả người con gái mà Anh gọi tên Son Phấn như là biểu tượng của quyền uy, của sáng thế và tạo sinh nòi giống, cuối cùng cũng chỉ còn là những nét chung chung, hư ảo, hiện hữu tức thời và tan biến cũng tức thời. Con người với những tham vọng điên cuồng của nó dã làm nên bão tố uy quyền, văn minh, nhưng cũng chính con người đã đẩy văn minh do mình tạo lập vào cát bụi, suy vong và lụi tàn. Tất cả là vòng quay của gây dựng và phá hủy. Vòng tròn ấy luẩn quẩn như chính sự luẩn quẩn của con người trong thế giới mà nó kiến lập.
Ý nghĩa giải thiêng của Hoang tâm nằm ở chỗ, nó giúp người đọc đi tìm sự thật phía sau những gì được xem là vĩnh cửu và chân lý, biến sự bất biến ấy trở thành tâm điểm của những suy niệm siêu hình. Chiến tranh, văn hóa, văn minh, tình dục trỗi lên như những cơn lốc của lịch sử, như sự vần vũ tranh hùng của nhân lực, nhưng cuối cùng, bao năm vấn thế, con người mãi luôn là nạn nhân mang vác cảm giác lạc lõng, hoang phế của tâm hồn. Tú đã rất tinh tế trong khi xây dựng sự vong thể về tâm hồn của con người, kéo lại những giá trị nhân tính vĩnh cửu bị vùi lấp bởi lịch sử và tri thức, trả lại những giá trị nhân bản về ý nghĩa khởi thủy của nó: một con người biết truy vấn và không ngừng truy vấn với chính mình. Chỉ khi con người biết truy vấn chính mình, biết hoài nghi về hiện hữu, sống tự do như một nhân thể biết lựa chọn, có quyền lựa chọn: “Thì em đã nói rồi mà… vì em là người lựa chọn”[4], thì khi ấy con người mới thực sự hiện sinh. Cái “lựa chọn” mà Son Phấn luôn xem như quyền lực tối cao trong mình và là sự thắc mắc lạ lẫm của Anh: “Anh nhớ là, Son Phấn đã nói câu này không chỉ một lần. Tại sao cô ấy lại là người lựa chọn?”[5], được xem như khởi sự tự do tuyệt đối trong việc kiến lập thế giới theo nghĩa hiện sinh. Có lẽ, chính Anh đã bị đẩy vào cuộc đời một cách bị động, thiếu vắng tự do chọn lựa, cho nên, viễn cảnh bầy ra trước mắt Anh như một định mệnh tất yếu, mà Anh không thể vụt thoát, bứt phá khỏi nó, để rồi cuối cùng trở thành cái máy trong guồng máy các quyền lực (chính trị, ái tình, văn minh, xã hội): từ cái máy chiến đấu cho đến cái máy làm tình, từ cái máy chỉ biết đặt ra những câu hỏi mà không bao giờ tìm ra câu trả lời cho đến cái máy không hồn trong cuộc phiêu lưu lịch sử bế tắc, không lối ra. Cuộc đời của Anh là cuộc đời của sự thiếu vắng lựa chọn, thiếu vắng lý tưởng sẵn sàng chết cho sự lựa chọn cá biệt của mình. Cuộc đời anh là cuộc đời bị phụ thuộc vào lựa chọn của kẻ khác, cho đến cái cảm giác mất ngủ vì ám ảnh cũng là sự lựa chọn bất khả kháng. Anh chỉ còn là cõi hoang tâm của chính mình, đồng thời tự mình đẩy mình vào sự lạc lõng của lịch sử tinh thần. So với Anh, Son Phấn dù rằng là nhân vật dễ gây bực mình đối với bạn đọc, vì sự rẽ ngoặt bất chợt và cắt dán tinh thần đến mức vô lý, thì chí ít, cô cũng là người có quyền tự do chọn lựa trước thế giới quanh cô. Sự hiện hữu vừa rõ hình, vừa vô hình của cô cùng với hành động tự sự nhiều xáo trộn, lại là điểm gánh logic cho cuốn tiểu thuyết. Sự có mặt của cô dù khiến người ta nửa tin nửa ngờ, nhưng đổi lại, cô là mẫu hình tiêu biểu của con người hiện sinh, dám lựa chọn thế giới cho mình và dám sống trọn với sự lựa chọn ấy. Anh đã thiếu cái mãnh liệt hiện sinh của cô, cho đến khi anh gặp cô.
Với Hoang Tâm, Nguyễn Đình Tú đã dụng công xây dựng ý nghĩa nhân bản cho nhân vật, điều ấy cho thấy sự thay đổi, bứt phá trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của tác giả. Tác phẩm mở ra ý nghĩa hiện sinh cho nhân vật, nhằm mục đích thông giải thế giới thực nơi con người hiện hữu về một tương lai, mà ở đó: mỗi con người là một hiện hữu tuyệt đối, đồng thời cũng là vị Chúa sáng thế của chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét