REINHARD ELLENSOHN(*)
Triết gia, nhà văn Áo: Günther Anders |
Sau mấy lời giới thiệu ngắn về “cuộc đời và sự
nghiệp” của Anders cùng một số quan niệm chính về triết học của ông, tôi sẽ
tập trung vào chủ đề: “Anders với tư cách một triết gia Áo” dựa vào tạp
chí triết học của ông: “Wiedersehen and Vergessen” - “Trở lại và Quên lãng” và
cuối cùng là về “philosophie engagée”
– “Triết học dấn thân” được thể hiện qua sự phản đối của ông đối với cuộc
chiến tranh ở Việt Nam [do Mỹ tiến hành] trong những năm 60 và 70 của thế kỷ XX.
***
Đầu tiên cho phép tôi được điểm qua “địa hạt” (estate)
văn học của Anders, được lưu giữ trong thư mục lưu trữ văn học thuộc Thư viện
quốc gia Áo tại thành phố Viên. “Địa hạt” này rất phong
phú, bao gồm các bản viết tay và đánh máy, có tác phẩm đã hoàn thành, cũng có
tác phẩm còn dang dở, các bản thảo, thư từ trao đổi của ông với đông đảo các
nhà trí thức hàng đầu của thế kỉ hai mươi. Công tác lưu trữ này sẽ được tiến
hành một cách bài bản trong khuôn khổ một dự án khoa học do quỹ khoa học Áo
hỗ trợ, được Konrad Paul Liessmann (Khoa triết học, Đại học Viên) và Bernhard
Fetz (Thư khố văn học thuộc Thư viện quốc gia Áo) thực hiện.
1. Giới thiệu: “Triết học ngẫu nhiên”
và “Triết học của sự khác biệt”
Günther
Anders triết gia - nhà văn Áo, còn có tên gọi khác là Gunther Stern, sinh năm
1902 ở thành phố Breslau thuộc Đức (nay là Wroclaw – thủ đô của Ba Lan).
Gunther Stern là con trai của nhà tâm lý học nổi tiếng William Stern, ông qua đời
năm 1992 tại Viên. Cuộc đời và sự nghiệp của ông phản ánh những gián đoạn và mâu thuẫn sâu
sắc trước sự tác động trực tiếp hiếm thấy của thế kỷ 20. Tác phẩm của Günther
Anders mang tính liên ngành và sự mở rộng tới các chủ đề lớn. Vì vậy rất khó để
phân loại các tác phẩm của ông. Anders đảm nhiệm rất nhiều vai trò khác nhau,
như nhà phê bình kỹ nghệ, nhà lý thuyết văn hóa và truyền thông, đồng thời là
nhà phê bình văn học nghệ thuât và là một triết gia âm nhạc, hơn thế, ông còn
là nhà hoạt động chính trị; và cuối cùng, ông là tác giả của tạp chí triết học,
là tác giả viết truyện ngắn, truyện ngụ ngôn, thơ ca và tiểu thuyết. Khởi đầu
từ trường phái triết học của Husserl và Heidegger, nhưng tư tưởng của ông
sau này hoàn toàn không giống với tư tưởng của Heidegger. Kant, Hegel, Marx,
và Georg Simmel là những người đã truyền cho ông cảm hứng nhiều nhất. Mặc dù
dành nhiều ưu ái hơn cho lý luận phê phán nhưng ông chưa bao giờ là thành
viên của trường phái Frankfurt và ông tự
nhận mình là học giả phi hàn lâm giống như Kierkegaard, Nietzsche, Feuerbach,
Marx.
Günther Anders tự
coi tư tưởng triết học của mình là “triết học ngẫu nhiên”. “Triết học ngẫu
nhiên”, nghĩa là, động lực và quan điểm ban đầu về sự phản ánh triết học chính
là những kinh nghiệm cụ thể và sự quan sát cuộc sống hàng ngày, về những
gì dường như chứa đựng đặc tính hình mẫu.
“Thông qua khái niệm ngẫu
nhiên, tôi muốn nói về những gì mà
thoạt nhìn là sự vô lý, ví dụ như một
sự giao cắt mang tính lai ghép
giữa siêu hình học với báo chí: Một
kiểu triết lý mà đối tượng của nó là hoàn cảnh hiện tại, có nghĩa là những
(sự) phân mảnh đặc trưng của thế giới hiện đại của chúng ta. Tuy vậy không
chỉ đối tượng (hoàn cảnh) đó, mà chính bản chất không rõ ràng và
không ổn định của những phân mảnh này (của hoàn cảnh đó), là những
cái trước hết và trên thực tế tạo ra
hoạt lực cho kiểu triết lý này”([1]).
Anders đã phát
triển cách tiếp cận mang tính “triết học ngẫu nhiên” đặc biệt trong tư tưởng
triết học công nghệ của ông. Ở giai đoạn đầu của
triết học nhân học của mình, ông vẫn còn nhìn nhận con người (tồn
tại người) trên nền tảng của thế giới động vật. Trong cuốn nhân học này, cuốn sách mà ông hoàn thành trước
khi ông rời quê hương (ông đến Paris năm 1933 và đến Mỹ năm 1936), lần đầu
tiên ông coi nguồn gốc tự do của con người trong “tính không quy định” (“Unfestgelegtheit”) và
trong “sự xa lạ (vong thân) với thế giới” (“Weltfremdheit”). “Tính nhân tạo hóa
là bản chất của con người” [.....]([2])
. Thế giới ngẫu nhiên thì ngược lại tính tự do này, và vì thế
theo Anders sẽ dẫn đến sự thất bại khi nhận dạng tự do. Ông miêu tả (tính ngẫu nhiên) như là nỗi
xấu hổ (không biết về) chính bản thân mình, sự xấu hổ này có thể được giải
quyết bằng nhiều phương thức khác nhau. Anders đã trình bày chi tiết về “con
người lịch sử” và “nhà hư vô chủ nghĩa” (“những thất bại của sự tự nhận
dạng bản thân”), ông còn nói sơ qua về “con người xã hội” (con người sống
trong môi trường ổn định, và đảm đương vai trò xã hội đã được giao phó, và
vì thế, những đối nghịch về nhận dạng (bản thân) được dần loại bỏ)
và “con người hành động” (kiểu con người thoát khỏi tính ngẫu nhiên bằng ý
chí và hành động của mình)([3]).
Quan niệm về con
người của ông thay đổi đáng kể sau những trải nghiệm chiến tranh, nghèo đói
và khổ đau của chế độ Quốc xã và chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng như
khi đối mặt với phong cách sống và làm việc của xã hội công nghệ hiện đại
khi ông tha hương ở Mỹ và sau đó là Châu Âu. Khi đó ông đã nhận ra rằng, chính
cấu trúc công nghệ đã hình thành nên xã hội hiện đại và sau đó con người, và
chính cấu trúc này đã ảnh hưởng thậm chí còn quy định hành động, cách tư duy và
cảm xúc của con người. Kể từ đó mối quan tâm lớn nhất của ông không còn là bản
chất của con người mà là bản chất của công nghệ và mối quan hệ giữa con người với
các sản phẩm, thiết bị, máy móc công nghệ.
Mối quan hệ giữa
con người và công nghệ hiện đại được đặc trưng bởi “khoảng cách Prô-mê-tê” (“prometheisches Gefälle”).
Vì vậy, Anders đã coi sự khác biệt giữa những gì mà chúng ta có thể sản xuất với những gì mà chúng ta chỉ
có thể tưởng tượng: Chúng ta có thể sản xuất “nhiều hơn” những gì mà chúng ta
có thể tưởng tượng; chúng ta biết “nhiều hơn” là cảm xúc và và lương tri của
chúng ta có thể tính đến (ví dụ như: Sự tàn sát người dân Do thái thời Đức
quốc xã). Sự khác biệt này có thể thấy rõ khi chúng ta xét tới bom nguyên tử,
hậu quả thực sự của nó, sự hủy diệt toàn bộ loài người, đã vượt quá khả năng
nhận thức, cảm xúc và đạo đức của chúng ta. Anders được coi là nhà triết học thời
đại bom nguyên tử kể từ khi ông cống hiến
cuộc đời của ông để phân tích sự nguy hiểm của bom nguyên tử và chống lại
bom nguyên tử hơn bất kỳ triết gia nào khác.
Quan niệm về sự
khác biệt luôn được đề cập trong toàn bộ tư tưởng triết học của Anders. Vì vậy,
tư tưởng triết học chủ đạo của ông cũng có thể được gọi là “triết học về sự
khác biệt”. Trong cả hai lĩnh vực, nhân học giai đoạn đầu và triết học công
nghệ, thì quan niệm này vẫn là tư tưởng chủ đạo của Anders: Ban đầu là khoảng
cách bản thể luận giữa con người và thế giới (thế giới xa lạ), sau đó là sự mâu
thuẫn giữa con người và công nghệ.
Để kết thúc mục
giới thiệu, tôi muốn đề cập thêm hai quan niệm về triết học công nghệ của
Anders. Theo Anders, hệ quả của “khoảng cách Prô-mê-tê” chính là “sự hổ thẹn
Prô-mê-tê” (“Prometheische
Scham”).
Quan niệm này chính là đề cập đến hiện tượng con người nội tại hóa những
nguyên lý của máy móc (công nghệ), và
quan niệm về bản thân theo lôgíc của các sản phẩm và thiết bị công nghệ,
chính vì vậy, họ tạo dựng mình thành một bản ngã có đặc tính giống như
cái máy; trong sự cạnh tranh với thiết bị thì bản ngã thiết bị hóa
(vật hóa) đó chắc chắn sẽ ở vị trí thua kém hơn. (Từ khóa: Kỹ thuật
con người hay kỹ thuật vị phân (human engineering)). Thiết bị hóa (vật
hóa) bản ngã của mình không chỉ có nghĩa là dấu ấn của máy móc
trong suy nghĩ và hành động của con người, mà còn hợp nhất cơ thể của con
người với máy móc và thế giới máy móc. Các cử động của cơ thể và tay sẽ
bị quy giản thành sự vận hành của máy móc; chính phương thức vận hành
máy móc quyết định nhịp điệu, và con người phải tuân theo máy móc (Xem thêm bộ
phim “Thời hiện đại” của Ch.Chaplin).
Điều này đặt ra
câu hỏi, ai thực sự là chủ thể và ai thực sự là đối tượng. Trong bối cảnh đó,
Anders đã bảo vệ quan điểm gây nhiều tranh cãi trong thế kỷ XX, khi mà công
nghệ trở thành chủ đề của lịch sử. Ông cũng không ngần ngại khi nói về “nền
chuyên chính công nghệ”. Toàn bộ hiện tượng này ông gọi là “chế độ kĩ trị”. Chế
độ kĩ trị là chế độ được vận hành bằng công nghệ, nơi mà chúng ta sống và phát
triển trong cơ cấu mạng lưới phức tạp, những cơ cấu này không còn bị chi phối
và định hướng bởi con người mà ngược lại, chúng quyết định đến cuộc sống của
con người.
2. Anders với tư cách một triết gia
Áo: Tập san triết học “Wiedersehen und Vergessen” (“Trở lại và Quên lãng”)
Viên
- Thủ đô của Áo đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời của Anders. Tháng 4 năm 1950, ông dời đại học “Queen Mary” -
New York và về Viên tháng 5 năm 1950 sau khi ông dừng chân tại Paris và Zürich ([4]).
Ít lâu sau đó, năm 1951, ông đã trở thành công dân Áo. Có rất nhiều lý do ông
trở về Châu Âu đặc biệt là Áo, chẳng hạn như: Khi sống ở Mỹ, Anders chưa bao giờ
cảm nhận nơi đây giống như là nhà của mình. Rất nhiều siêu đô thị như New
York, theo cảm nhận của ông đều “vượt ngưỡng” (“überschwellig”) như thể nó đang làm
hủy hoại các giác quan của con người. Theo ông, những thành phố Châu Âu vẫn
còn có cái gì đó gần gũi với con người([5]).
Một lý do quan trọng khác([6])
đó là ông sợ vốn tiếng Đức của mình bị mai một, ít nhất là bị đẩy ra ngoài sự
phát triển mạnh mẽ của người Đức. Và, lý do cuối cùng([7])
chính là những biến động chính trị tại Mỹ trong suốt kỉ nguyên McCarthy.
Ban
đầu Anders quyết định trở về Viên là vì người vợ thứ hai của ông, nhà văn người
Áo, Elisabeth Freundlich, người mà ông gặp năm 1944 và kết hôn một năm sau đó.
Vợ của ông sinh ra và lớn lên tại Viên, vì vậy mà bà muốn trở về quê hương.
Ngoài ra, Viên cũng mang lại cho ông một cơ
hội đặc biệt: Đối với ông, Viên như là “mảnh đất tự do” (chưa bị chiếm
dụng, khai phá)([8]),
là nơi giúp ông phát triển tư tưởng triết học đích thực của riêng mình – mà
không phải quan tâm tới tình hình chính trị, không phải có những thỏa hiệp (cái
mà, theo ông sẽ xảy ra nếu ông trở về Đông hoặc Tây Đức). “Chắc chắn rằng,
mảnh đất này là không tưởng, một “mảnh đất tự do”, nhưng quả thực đó là
một tầm nhìn thoáng đạt (toàn cảnh)!”([9]).
Ngay sau khi trở lại Viên, Anders đã tận dụng “cơ hội lạ lẫm”này([10])
một cách triệt để.
Tất
cả tác phẩm khiến ông nổi tiếng đều được viết tại Áo. Việc ấn hành tiểu luận về
Kafka năm 1951([11])
và tập đầu tiên trong tác phẩm nổi tiếng của ông “Die Antiquiertheit des
Menschen” (“sự lạc hậu của con người”) năm 1956 đã mang lại thành công ban đầu
cho ông. Cũng tại Áo, ông đã tích cực tham gia các hoạt động chính trị trong
nhiều năm. Ông cũng có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của
văn hóa Áo và lịch sử đương đại qua những cảm nhận của ông về thủ đô Viên thời
hậu chiến, thông qua các tác phẩm của ông khi ông còn là nhà báo và nhà phê
bình văn hóa và xã hội. Phần tiếp theo tôi sẽ bàn về một số khía cạnh trong tuyển
tập nhật kí của ông tại Áo từ năm 1950 đến 1951, được xuất bản lần đầu tiên năm
1967 với nhan đề “Wiedersechen und Vergessen” (“Trở lại và Quên lãng”)([12]).
Wiedersechen und Vergessen” - “Trở
lại và Quên lãng” là tuyển tập nhật kí được ông viết từ tháng 5 năm 1950 đến
tháng 7 năm 1951. Bộ tuyển tập đã giải thích và phản ánh tình trạng khó khăn và
phức tạp của “Abwesenden” (“người lữ khách tha hương” bao gồm cả người di cư và
nhập cư) và “Zurückgebliebenen”
(tình trạng của những người còn sống sót sau nạn tàn sát người Do Thái thời Quốc
xã Đức, người phạm tội và những nạn nhân) ở thủ đô Viên nước Áo thời hậu chiến.
Những cảm nhận, những trải nghiệm và sự kiện hàng ngày chính là cơ sở để ông phản
tư và hình thành những luận đề hay và xuất sắc cũng như những nỗ lực nhằm giải
thích các sự kiện đó. Những tác phẩm này thể hiện phong cách đặc thù
của “triết học ngẫu nhiên” đặc biệt là “triết học về sự khác biệt” của ông
trong lĩnh vực hành vi và hành động mang tính đạo đức chính trị([13]).
Xét
về mặt phương pháp luận, Anders kết hợp sự lưu ý của Hiện tượng học tới những
bình luận trong đời sống thường nhật, những kí ức, thái độ, các đối tượng với một
sự phân tích phê phán và diễn giải về những quan sát này; đồng thời kiến giải
chúng dựa trên các sự kiện của tâm lý học, nhân chủng học, xã hội, chính trị và
lịch sử. Jason Dawsey đã bày tỏ thẳng thắn rằng: “Chúng ta nên coi Anders là
nhân vật quan trọng trong lịch sử trí thức Áo hậu - 1945”, nhận xét của
Dawsey là chính xác; tuy nhiên, Anders “hiếm khi được đề cập trong các
nghiên cứu về lịch sử trí thức và văn
hóa Áo hiện đại”([14]).
Tiếp
theo, tôi sẽ đi vào phân tích 3 khía cạnh về sự kiến giải của ông: Thứ nhất là
tình cảnh của những người hồi cư , thứ hai là các biến thể khác nhau để che đậy
các sự kiện lịch sử, thứ ba là những nỗ lực giải thích của Anders dựa trên ý niệm
về sự khác biệt.
Anders mô tả bằng một cách rất sắc sảo những vấn đề mà người hồi
cư từng phải đối mặt khi họ trở về
cố hương, với thời gian và thế giới trước khi họ ra đi “Vor-Zeit” “Vor-welt”([15]). Anders nhận ra nguy cơ ấy,
rằng thời kỳ lưu vong (sống xa quê hương) đang phai mờ dần chỉ như một khúc
chuyển đoạn (“Intermezzo”), mà cảm nhận thời gian bị lãng quên, như dòng chảy
của thời gian đối với tuổi tác của chúng ta vậy. Ông viết: "Trước khi bạn
(nhận) biết được nó, thời đã qua và thời hiện tại đang đồng hành
cùng nhau"([16]), bởi vì “quan điểm của mười
lăm năm trước đã bị gạt bỏ”([17]).
Sự khôi phục lại những gì thân quen cũ với thế giới
trước khi tha hương (“Vor- welt”), và sự thờ ơ đi kèm đối với ông là điều hổ
thẹn. Con người vô tư lự đi ngang bao đường phố (quen), sau một khoảnh thời
gian ngắn ngủi (xa cố hương), thật là sỉ nhục”, Anders viết, con người đi vào
thành phố, bước lên xe điện, với vẻ xấc xược, như thể không phải trở về sau 15
năm lưu vong, mà là qua một cuộc du lịch ngắn”([18]). Ngay cả cái “Lôgíc của
trái tim” thường được áp dụng cũng bị đảo ngược trong trường hợp của người
hồi cư: Người hồi cư không thấy xúc động với những thay đổi, mà chỉ với những sự
vật không thay đổi, quả thực, bởi vì đối với những sự vật này có vẻ như
chẳng có gì đã xảy ra.
“Cái vô sỉ của
những sự vật tình cờ, sống sót sau thời khải huyền, như thể những sự vật này
vô can; cái vô sỉ ở chỗ chúng ngậm miệng lại và che đậy người chết. Sáng
nay, chẳng hạn, tôi đứng ở cửa hiệu bánh mì N., nơi mười bốn năm trước, Walter
Benjamin nói chuyện với tôi lần cuối. Cũng trưa ngày đó tôi ra đi […] Giờ đây,
hôm nay tôi đứng trước cửa kính của cửa hiệu này, và cửa hiệu có vẻ như xưa nay
chưa bao giờ xảy ra chuyện gì […] Toàn đường phố với những chiếc ghế và người
qua lại, ngay cả cây cối và bầu trời dường như cũng giả vờ trong cung cách ghê
tởm nhất”([19]).
Một vấn đề -
theo như Anders – là những người hồi cư chỉ
biết những gì xảy ra ở châu Âu trong những năm lưu vong, song họ không trực
tiếp chứng kiến([20]); hơn nữa, ngôn ngữ người di
dân duy trì thu nhận trong lưu đày tỏ ra không thích hợp với thế giới mới mà
cũ này; việc tìm ra được giọng điệu phù hợp hầu như là không thể([21]). Theo Anders người hồi cư vẫn
giữ một vai trò quan trọng, ấy là duy trì ký ức về những gì xảy ra, ký ức của sự
thật. Những con người còn ở lại (Zurückgebliebenen) phải đương đầu với nhiều
năm kinh nghiệm thời chiến một cách cụ thể và ít ra họ tìm ra “vài lối sống thoả
hiệp”([22]); chỉ những người vắng mặt
(Abwesenden) mới có cơ may bám vào sự thật và giữ niềm “thù hận” của họ. Trải
qua sự sỉ nhục này là nhiệm vụ của người hồi cư”: Chúng ta có cơ may giữ được
tính trung thực, cơ may vẫn giữ được đức tin. Trong khi những người khác, vẫn
ở lại trong nước Đức bị tàn phá, khó có cơ may này”([23]).
Trên cơ sở những trải nghiệm
ngắn của mình, Anders mô tả cơ chế của sự đàn áp và quên lãng; và những
khó khăn, thực ra là những nan đề đạo đức do sự
chạm trán không thể tránh giữa những nạn nhân và thủ phạm (gây tội ác)
trước đây([24]). Anders đối đầu với nhiều cách thức bào chữa:
“Những luận chứng đảo ngược”([25]), đảo ngược nạn nhân - tội
phạm([26]), bế tắc trong việc tìm
hiểu rõ quan hệ nguyên nhân và hậu quả ([27]), một sự quên lãng chung([28]), ẩn mình vào riêng tư([29]), một sự lãnh đạm đặc biệt([30]), một tình trạng tự cô lập
hoá đặc thù (Viên như một tỉnh lẻ của quá khứ)([31]).
Đáng kể là Anders, dựa trên
cơ sở ý tưởng về sự khác biệt của mình, toan tính giải thích lối cư xử và
hành động không phù hợp: Những gì xảy ra trong quá khứ gần đây vượt khỏi khả
năng tưởng tượng của con người, năng lực đạo đức và cảm xúc của con người. Vả
lại, đó là một trong những lý do giải thích tại sao các biến cố quá khứ không
thể đơn giản “được tha thứ”/ “bỏ qua”([32]). Thái độ thờ ơ, thậm chí
là lười biếng xuất hiện trên nền tảng này như những cơ chế bảo vệ, bởi
cái hoàn toàn không thể nhận thức (nắm bắt) được có thể là gánh
nặng đối với con người([33]). Trong ngữ cảnh ấy, Anders
phát hiện biện chứng đạo đức thật
ghê gớm. Có thể tóm gọn luận đề này như sau: Hành động càng lớn và càng khó
hiểu, thì cảm giác có tội càng giảm đi.
“Do không biết đến bảng cửu
chương nên lương tri không biết tính toán. Tội ác mau chóng đạt đến cực
điểm [...] Cho nên bạn, ngay cả khi có lương tri về tội lỗi, vẫn có thể
(gây) thêm một vài tội ác “với lương tâm trong sạch”; máy ghi chấn động của
đạo đức không thể làm lệch hơn những gì là nó đã làm lệch rồi. Rõ ràng là
do tội lỗi dường như [có vẻ] không tăng lên thêm, người ta được phép tích
tụ tội ác […].
Tội giết một người (nếu không có ai nữa bị giết thêm) hay tội giết
hai người đều có thể gây phiền toái cho kẻ phạm tội. Song bạn có thể không
tiếc một trăm cá nhân bị sát hại; […] và kẻ giết người tập thể hầu như lại là một
người tốt làm việc cực nhọc bằng mồ hôi, nước mắt cuả mình”([34]).
Khởi từ một khung cảnh có vẻ
thơ mộng đồng quê trong một "Gartenlocal" (khu vực nhà hàng ngoài trời)
và một cuộc phỏng vấn với K.([35]) Anders đi đến câu hỏi
rằng, liệu những sự kiện (biến cố) của quá khứ có lặp lại không, trong
những điều kiện chúng có thể lặp lại. Những nhận định này được hoàn
thiện trong một phản tư triết lý đạo đức hoàn chỉnh về khái niệm tự do và
tính chính đáng, phân biệt giữa một thế giới sai lệch và một thế giới đúng,
có tính đến tính “không quy định” nhân học (Unfestgelegtheit) hay “tính xa lạ với thế giới”
(Weltlosigkeit) của con người. Lập luận của Anders xuất phát từ đơn thể
người không thích đáng (“con người”) đến đa thể người (con người là những
con người([36])), sau cùng dẫn đến những
quan hệ quyền lực và xã hội thực tại, là những gì mà Dasein (Hiện tính
thể của Heidegger) được phơi bày ra. Nhiệm vụ của chúng ta có thể là -
theo Anders - hiện thực hóa (thực năng hóa) một thế giới, nơi nào đạo đức
có thể không còn là tất yếu([37]).
3. Triết học dấn thân của Anders
(Anders’s philosophie engageé): Qua
ví dụ về sự giao kết của ông với Việt Nam
Anders có thể
xem như một trong những đại diện Đức hiếm hoi thuộc dòng “triết học dấn thân”.
Các văn bản của dòng triết học này thể hiện sự can thiệp gay gắt, thậm
chí tham dự tích cực vào các hoạt động chính trị. Một mặt, sự “chạy
chốn” vào thế giới thực tại của ông
bị chế định bởi những thảm họa chính trị và lịch sử của thế kỉ 20
(chế độ Quốc xã, chiến tranh thế giới thứ hai, thảm họa Auschwitz, và sự kiện
Hiroshima). Mặt khác, về mặt lý luận lối suy nghĩ hành động này đã được xác lập từ rất sớm([38]).
Những năm 60 và
70 là giai đoạn Việt Nam đang phải trải qua chiến tranh, đó chính là động lực
cho Anders phân tích lý thuyết và hoạt động chính trị thực tiễn trong phong
trào phản chiến ở Việt Nam. Trong những năm chiến tranh này, ông đã tập trung
nghiên cứu các khía cạnh về chính trị, công nghệ và truyền thông của cuộc
chiến này, điều này đã được thể hiện bằng
rất nhiều bài báo, các chuyên san và các bài phê phán - được xuất bản đặc biệt
trên những tờ báo và tạp chí sử dụng tiếng Đức([39]).
Năm 1967, ông là
thành viên của “tòa án xét xử tội phạm chiến tranh Việt Nam” (Tòa án Russell).
Cùng năm đó, ông đã xuất bản một bản cáo trạng với nhan đề “Nürmberg und Vietnam”
(“Nuremberg và Việt Nam”). Trong chuyên khảo nhỏ này, Anders đã sắp xếp những
quan điểm và sự kiện khác nhau thành một “bức tranh khảm kết bao quát”: Một mặt,
ông đề cập đến tội phạm chiến tranh của Mỹ và sự tuyên truyền giảm nhẹ tội
thông qua hoạt động chính trị và truyền thông; mặt khác, ông cũng nhắc đến tội
phạm của chế độ Quốc xã và những nguyên tắc của tòa án quân đội quốc tế về
Nuremberg, và cuối cùng là vụ xét xử chống lại một công dân Mỹ là David
Mitchell, do anh này từ chối tham gia phục vụ quân ngũ([40]).
Năm 1968, Anders
đã xuất bản tuyển tập các bài phê phán - một dạng “nhật kí suy tưởng” với những
sự kiện hiện thời liên quan đến chiến tranh Việt Nam mang tên “Đến thăm Việt
Nam xinh đẹp”([41])
. Hơn thế nữa, sự nghiệp văn học của Anders còn được đề cập trong
các chủ đề sau: Những tuyển tập tạp văn, hai tập tạp chí đóng gộp của năm 1969
và 1970/75, một loạt các trích đoạn và một bản đánh máy đã được hoàn tất (thường
là hợp tuyển các bài phê phán) - có thể là tuyển tập đầu tiên trong công trình
nghiên cứu của ông tiếp sau chuyên khảo “Đến thăm Việt Nam xinh đẹp”, tuy
nhiên công trình đó vẫn chưa được xuất bản([42]).
Cuối cùng, năm 1969, Anders đã tham dự hội thảo về Việt Nam ở Stockholm và ông
đã viết về hội thảo đó trong một bản tuyên ngôn về Việt Nam([43]).
Tác phẩm “Đến
thăm Việt Nam xinh đẹp” và công trình đánh máy chưa được xuất bản bao gồm các
bài phê bình bằng một ngôn ngữ sắc sảo và phê bình truyền thông/ báo chí. Tiếp
theo tôi sẽ nói ngắn gọn về vấn đề này. Anders sử dụng phép biện chứng đặc biệt
để đề cập đến truyền thông phương Tây mà được miêu tả như “sự che đậy
bằng cách phơi bầy ra”. Sử dụng các cụm từ mang tính phê phán như “Die Wahrheit lügen”
(“nói dối về sự thật”), “không còn gì để dấu”, hay “Unwahre Wahrheit” (“Sự thật
không đích thực”), Anders giải thích việc người ta bị xao lãng (lạc
hướng) với sự thật bởi tính minh bạch, cởi mở và chân thành đã bị
che dấu, “Sự thật cũng có khả năng lừa gạt. Nếu như chúng (sự thật) át
người ta đi để đến với những sự thật quan trọng hơn. Thường thì sự
lừa gạt không chỉ là khía cạnh ngẫu nhiên và đáng tiếc của những
tuyên bố về chân lý, mà là kết quả chính yếu có chủ định do những
tuyên bố đó muốn tạo ra” ([44]).
Anders cũng phê
phán sự xuyên tạc của ngôn ngữ trong các bài báo truyền thông, những bài báo
ấy đã che dấu sự thật bằng việc đăng thông tin không chính xác. “Nói dối không
phải là việc đưa ra cái sai lệch, mà là diễn đạt sự thật một cách sai lệch”([45]).
Theo Anders, sự dối trá đó không nằm ở “việc trình bày các sự kiện không chính
xác” mà là nằm ở “sự lựa chọn từ ngữ trong việc phản ánh (trình bày) sai lệch về
các sự kiện chân thực”([46]).
Anders đã minh họa làm thế nào mà những từ và những cụm từ đơn giản có thể tạo
ra luồng dư luận và hình ảnh mang tính định kiến thông qua các ví dụ xác thực.
Chẳng hạn như, tính từ đơn “alleged” (“được viện dẫn”) ám chỉ sự kiện (được
nói đến) là rất đáng ngờ, tạo ra cảm nhận về một sự khách quan và
nghiêm túc nhất định nào đó ([47]).
Hơn thế nữa, nếu thay vì nói “Những trận
chiến” (“Kämfe”) mà nói “Những hoạt động chiến đấu” (“Kampfhandlungen”)
cụm từ sau dường như giống với một công việc và vì vậy “hoàn toàn vô tội”([48])
. Trong cuốn “Đến thăm Việt Nam xinh đẹp” ông viết như sau:
“Vấn đề không chỉ
nằm ở chỗ bài báo có đúng sự thật hay không, […] mà còn phụ thuộc vào thái độ
viết báo có nói lên sự thật hay không. Nếu
như thái độ viết báo không đúng sự thật thì nó cũng ảnh hưởng đến sự thật ẩn chứa
bên trong bài báo, dẫn đến sự sai lệch của bài báo đó. Đây là vấn đề tế nhị
trong tình cảnh ngày nay, khi mà sự thật và phi sự thật luôn luôn song hành([49])
.
Trong chuyên khảo về Việt Nam (cũng như trong các bản
đánh máy chưa được xuất bản) của mình, Anders đã nhiều lần phê phán các phương
tiện truyền thông hàng đầu của Áo([50]).
Cuối cùng tôi muốn
điểm qua sự kiện, trong số các tác phẩm văn chương của Anders có cả một số bức
thư ông trao đổi với người Việt Nam([51]).
Có một bức thư mà Ông đã trao đổi với ông Nguyên - người đã chuyển ngữ một số thông điệp của Anders
trong “Đến thăm Việt Nam xinh đẹp” sang tiếng Việt và là người đăng bài báo viết
về ông trên một tờ báo của Việt Nam nhân kỷ niệm mười năm ngày Việt Nam giành lại
hòa bình (rất tiếc là ông Nguyên không đề cập tên bài báo đó)([52]).
Anders cũng trao đổi thư từ với ông Phạm Văn Bạch từ năm 1969 đến 1970([53]).
Lúc bấy giờ, ông Bạch là chủ tịch ủy ban điều tra tội phạm chiến tranh của đế
quốc Mỹ ở Việt Nam. Günther Anders viết thư cho ông Bạch vào ngày mùng 10 tháng
10 năm 1969 với nội dung như sau:
“
Cảm ơn ông vì những thông tin quý báu mà ông đã gửi cho tôi […]. Không cần phải
nói, tôi sẽ cố gắng đăng tin tức được đề cập trong bức thư của ông ở bất cứ nơi
đâu mà tôi có cơ hội viết và xuất bản những tài liệu liên quan đến tội ác của
người Mỹ trên đất nước ông. Hiện tại, tôi đang chuẩn bị cho các cuộc biểu tình
lớn ở các quốc gia nói tiếng Đức nhằm ủng hộ phong trào lan rộng ở Hoa Kỳ
để giúp đỡ nhân dân anh hùng của ông. Xin hãy tiếp tục cung cấp cho tôi những
loại thông tin như vậy. Không cần phải nói, tôi sẽ cố gắng hết sức [làm mọi thứ
có thể] trong khả năng của mình để giúp đỡ các bạn”.
Ngày 20 tháng 1
năm 1970, ông Bạch đã gửi thư cảm ơn tới Anders. Anders viết thư trả lời vào
ngày 14 tháng 5 năm 1970. [Và] Ông Bạch hồi âm vào ngày 22 tháng 1 năm 1970.
Vào ngày mùng 8 tháng 8 năm 1970, Anders viết thư cảm ơn ông Bạch vì đã gửi cho
ông một bản sao di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Xin hãy nhận lời cám ơn chân thành của tôi vì đã gửi cho tôi bản di
chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, bản di chúc đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng rất
sâu sắc”.
* *
*
Không còn nghi
ngờ gì nữa, [tư tưởng] triết học của Anders đã là một sự “phê phán” đúng theo
nghĩa gốc của từ phê phán “criticism” (trong tiếng Hi Lạp là “Krinein”). Những
bài báo triết học viết về thời hậu chiến ở Viên cũng như hoạt động chính trị của ông trong phong trào
phản chiến ở Việt Nam là minh chứng cho thấy Anders là một nhà triết học
mà sự phê phán triết học và sự am tường
triết học luôn có mối liên hệ với sự dấn thân mang tính đạo đức.
Anders xem sự tách biệt giữa lý luận và thực tiễn như là vấn đề cơ bản của nền
văn minh hiện đại.
Người dịch: NGÔ HƯƠNG GIANG
(Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Người hiệu đính: ThS. TRẦN TUẤN PHONG
(Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
(Bài đã đăng trên tạp chí Triết học
số tháng 09/2013)
(*) Thạc sĩ triết học, Đại học Viên,
Áo.
([41]) Đến thăm Việt Nam xinh đẹp. Sự
bành trướng ngày nay của ABC (ABC là từ viết tắt của Audiobook company: Các
công ty sản xuất sách dưới dạng Audiobook - Một loại sách có hình thức
dưới dạng âm thanh, nghĩa là "đọc" bằng cách nghe qua một giọng đọc
khác - chú giải của người dịch: N.H.G), Köln: Pahl-Rugenstein, 1968; Phần tái
bản, với những bổ sung mới trong một ấn bản do Cộng hòa dân chủ Đức cấp phép
dưới tiêu đề: Tội phạm leo thang: Từ ABC
tới cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Đông Berlin, 1971.
([42]) Các văn bản đánh máy có độ dài
khoảng 130 trang, trong đó có một số phần được cắt ra in trên tạp chí Triết học
và khoa học xã hội tháng 11/1969, số 1/2, tr. 1-31 dưới tiêu đề: "Chủ nghĩa đế quốc và cuộc chiến chống
lại nó”, hoặc “Từ điển triết học ngày
nay”, ngoài ra, các phần ấy cũng được xuất bản trên nhiều tạp chí khác,
trong đó có Tạp chí “Diễn đàn” của Viên ( Xin xem các số lưu hành 186/187
(1969), tr. 408–409; số lưu hành 193 (1970), tr.10–11; Số lưu hành 195/II
(1970), tr. 287–288.).