Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

VÌ SAO GIAI ĐIỆU TỰ HÀO RA ĐỜI?


Ngô Hương Giang


Lô gô chương trình Giai điệu tự hào

Giai điệu tự hào – chương trình phát sóng định kỳ hàng tháng như một “món ăn” tinh thần mới và lạ trong xu hướng các chương trình game show đang bão hòa hiện nay. Chương trình không chỉ là sự chuyển giao bản quyền từ format “Tài sản quốc gia” của Đài truyền hình quốc gia Nga, mà còn phản ánh nhu cầu tất yếu của đời sống thẩm mỹ và tinh thần người Việt Nam: “Ôn cố tri tân”.

Giai điệu tự hào ra đời nhằm khơi lại sức mạnh tinh thần ở thời đại cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thần thánh và trong công cuộc xây xựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân Việt Nam thông qua các ca khúc đã trở thành biểu tượng và là sức sống, chiến đấu hào hùng của cả dân tộc. Vì vậy, việc tuyển chọn những ca khúc cách mạng trong các chủ đề của chương trình, không chỉ dừng lại ở góc độ âm nhạc và nghệ thuật, mà còn nhằm mục đích tái hiện lại tinh thần, không khí và tư tưởng ở thời đại mà tác phẩm âm nhạc ấy ra đời, khích lệ, động viên tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất của nhân dân. Việc làm mới các ca khúc cách mạng là khuynh hướng tất yếu của nền văn hóa- văn nghệ trong thời đại mới, là sự cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, là tiếp tục “nuôi dưỡng” các tác phẩm âm  nhạc từng được khẳng định trong quá khứ bằng sức sống mới của công cuộc hiện đại hóa đất nước. Sự hiện diện của hội đồng bình luận hai thế hệ trong chương trình, không chỉ đơn thuần là sự trao đổi, bàn luận về âm nhạc, mà còn là sự đối thoại về văn hóa, tư tưởng và xã hội giữa hai thế hệ đối với các vấn đề kinh tế, chính trị - xã hội tại thời điểm mà các ca khúc cách mạng ra đời.

Tác phẩm âm  nhạc không chỉ là tiếng nói về nghệ thuật, thẩm mỹ, mà còn là tiếng nói tư tưởng và văn hóa dân tộc qua các chặng đường lịch sử. Khổng Tử trong Nhạc ký từng viết: “Âm nhạc từ lòng người mà sinh ra. Khi lòng buồn, vui, giận, kính, thương, thì tiếng nhạc tùy nơi lòng mà thành âm”. Cái “âm” mà Khổng Tử viết chính là tiếng nói từ “lòng người”. Lòng người ai oán, sầu thảm, thì thanh âm cũng thê lương thảm thiết; lòng người phấn chấn thì thanh âm bừng bừng khí thế. Tiếng nói từ “lòng người” qua âm nhạc biểu hiện suy nghĩ của con người về cuộc sống, về hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Vì vậy, tinh thần đối thoại giữa những con người từng sống, chứng kiến sự gian khổ của dân tộc với những con người trẻ tuổi được sinh ra trong hòa bình, không chỉ thể hiện cách nghĩ, cách đánh giá về hiện thực dân tộc, hơn hết còn là tiếng nói đồng vọng, đồng cảm giữa hiện tại và quá khứ, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa sự hy sinh và lòng biết ơn. Đó là tinh thần “ôn cố tri tân”, là thắp lửa, ngợi ca lòng yêu nước qua các thế hệ mà đài truyền hình Việt Nam đã và đang làm. Một tinh thần thắp lửa và giữ lửa “yêu nước” như vậy, cần phải được trân trọng và phát huy.

Những vấn đề về kinh tế chính trị của đất nước được đưa ra đối thoại không chỉ là sự ôn lại lịch sử vẻ vang, hào hùng của con dân đất Việt, mà còn là bài học vận dụng những thành tựu của lớp cha anh đi trước vào thực tiễn đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Trong xu hướng đó, việc kế thừa và gìn giữ các giá trị văn hóa, tư tưởng của dân tộc là yêu cầu cấp bách. Những bài học về lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua các ca khúc trong chương trình góp phần không nhỏ trong việc thông điệp tới thế hệ đi sau, rằng: hãy sống tốt và xứng đáng với những gì mà cha anh họ đã hy sinh trong quá khứ. Mặt khác, qua chương trình Giai điệu tự hào, tinh thần phê bình và tự phê bình mà Đảng, nhà nước đã đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng được phát huy và được hiện thực hóa trong đời sống văn hóa văn nghệ. Việc phản biện đối với những chính sách kinh tế - văn hóa – xã hội thuộc các giai đoạn lịch sử đã qua không phải là sự phủ nhận lịch sử, lại càng không phải là thái độ phán xét lịch sử của thế hệ đi sau, mà cần được nhìn nhận như là sự đối thoại với quá khứ để thấy cái tiến bộ trong hiện tại. Việc nhìn nhận và đánh giá đúng các hiện tượng lịch sử quá khứ sẽ là bài học để con người sống tốt hơn, để những thành tựu quá khứ vốn đã hiển vinh, nay càng được tự hào và phát triển bền vững. Do đó, phê bình và tự phê bình là cách để đưa đất nước đi lên theo đúng tinh thần vừa dân tộc vừa quốc tế, vừa truyền thống vừa hiện đại.

Việc đưa ra các ý kiến đối thoại giữa hai hội đồng bình luận, cần phải được nhìn nhận và đánh giá khách quan trong tinh thần kế thừa, phát triển lẫn nhau, tuyệt đối không thuộc về khía cạnh đạo đức hay lập trường chính trị. Đối thoại để những khúc mắc lịch sử được giải tỏa và để các thế hệ đi sau nhận thức rõ: mình cần làm gì và sẽ phải làm gì để đất nước phát triển, văn hóa trường tồn và lịch sử được bảo lưu; làm gì và nghĩ gì để những chiến công hiển hách của lớp cha, anh đi trước đã hy sinh cho công cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc được lưu truyền và thắp lửa qua mỗi thế hệ người Việt Nam? Mỗi người dân Việt Nam đều có thể soi mình vào những tấm gương yêu nước của lớp cha, anh đi trước để sống tốt và xứng đáng hơn cho hiện tại. Đó là ý nghĩa của cụm từ “đối thoại” mà chương trình Giai điệu tự hào từ số ra đầu tiên đã làm trọn sứ mệnh “ôn cố tri tân”, “mỗi lần nêu ra một lần mới” của nó. Sự ra đời và đứng vững của chương trình là cần thiết, vì nó là cơ hội và cũng là dịp để các thế hệ xích lại gần nhau, giúp họ hiểu và tiếp tục truyền lửa nhiệt huyết cách mạng cho nhau.

Đất nước đang trải qua những khó khăn và thử thách của thời đại mới, những giá trị văn hóa xã hội đang có xu hướng bị đảo lộn, việc biết ơn và củng cố lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với lịch sử trở thành vấn đề cấp thiết. Các bài học lịch sử mãi là những tiếng nói và hành động giáo dục nhân văn tác động trực tiếp đến con người, đặc biệt là lớp người trẻ. Sự ra đời của Giai điệu tự hào là con đường, là cách thức giáo dục lịch sử gần gũi và ngắn nhất đối với thế hệ sinh sau; đặc biệt là trong bối cảnh các chương trình giải trí, game show trên truyền hình ngày càng đa dạng, thì việc “định dạng” lại các giá trị văn hóa, tư tưởng không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân ai, mà thuộc về toàn thể nhân dân Việt Nam. Sự hiện diện của Giai điệu tự hào trên kênh truyền hình quốc gia Việt Nam không còn là chương trình giải trí theo nghĩa thông thường nữa, mà là “tiếng nói” của ê kíp những làm chương trình nhằm góp phần “định dạng” các giá trị văn hóa, tư tưởng, thẩm mỹ đi đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, nhà nước ở giai đoạn mới, đi đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc trên một nền tảng nhận thức đúng đắn và tiến bộ.

Giai điệu tự hào là chương trình truyền hình tiêu biểu cho tinh thần đối thoại, cộng hưởng và tương tác đa chiều, nâng cao vai trò tập trung dân chủ mà Đảng và nhà nước đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội XI . Lần đầu tiên trên truyền hình, những vấn đề chính trị, tư tưởng và văn hóa thông qua âm nhạc được đánh giá và nhìn nhận thẳng thắn, cởi mở, dù rằng có không ít những ý kiến trái chiều xảy ra. Trong những ý kiến trái chiều ấy, ê kíp làm chương trình cũng như các cá nhân tham gia đối thoại có thể tìm thấy bài học để điều chỉnh cách thức tổ chức, giúp chương trình ngày càng hoàn thiện trong sự yêu mến của khán giả. Việc tiếp thu các phản hồi từ khán giả là cách để chương trình làm mới mình, song, cùng với các ý kiến phản hồi mang tính xây dựng, thì vẫn còn đó những ý kiến thiếu thiện chí, chống nhiều hơn xây, có tác động không nhỏ đến định hướng dư luận của khán giả, khiến khán giả hiểu chưa đúng về chương trình cũng như các giá trị nhân văn cao cả từ Giai điệu tự hào. Vì vậy, sự chung tay vào cuộc của các cơ quan truyền thông, báo chí nhằm giúp định hướng cho khán giả hiểu đúng và trúng về chương trình là việc làm cần thiết, cần được khích lệ, động viên.

Cần phải khẳng định rằng, Giai điệu tự hào không phải là chương trình thử nghiệm trong việc làm mới các ca khúc cách mạng, mà là một nhu cầu tinh thần và giáo dục tất yếu phải được tạo ra trong giai đoạn xã hội, đất nước có nhiều biến động, xáo trộn về tư tưởng, văn hóa như hiện nay. Và, đối thoại chính là cách ngắn nhất để toàn xã hội phát huy dân chủ, chung tay xây dựng đất nước, trong đó, âm nhạc chỉ là “một cánh cửa” gợi mở những phản biện, đánh giá về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội. Một chương trình có tính giáo dục xã hội đậm chất nhân văn như vậy, cần được toàn xã hội ủng hộ và khuyến khích. 


 (Xin vui lòng ghi rõ nguồn http://lyluanphebinh.blogspot.com/ khi phát hành lại bài viết này trên các phương tiện thông tin đại chúng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét