Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

NHẬN ĐỊNH HIỆN TƯỢNG LUẬN VỀ SỰ ĐỌC


Ngô Hương Giang

Ảnh minh họa

    Nếu nhà văn, với tài năng của mình có thể nhào nặn nên hình hài văn bản tự nhiên và đầy quyến rũ, pha chút thanh tao của đời sống tinh thần, thì dường như đứa con mà anh ta "muốn đưa vào đời ấy" trước hiện thực vẫn cần những bàn tay xa lạ dìu dắt để bước tiếp hành trình đi tìm ý vị của đời sống. Sáng tạo là công việc mệt nhọc. Nhưng việc tiếp nhận cũng không kém phần mệt nhọc. Nhà văn có thể tưởng tượng, vượt thoát mọi giới hạn không gian và thời gian, xử lý chất liệu từ hiện thực để sáng tạo trên mặt giấy. Tuy nhiên, dù văn bản mà nhà văn ấy viết ra có trác tuyệt đến đâu nhưng khi nhà văn "mang" nó ra cuộc đời, ra giữa "chợ" người xa lạ, rồi những con người xa lạ ấy đi qua nó với gương mặt lãnh đạm thờ ơ, vô cảm, nhìn nó với ánh mắt buồn ngủ và trơ tráo thì tác giả của tác phẩm đó cũng trở thành kẻ bơ vơ giữa chốn chợ đời.
    "Đứa trẻ của sáng tạo ấy" khi sinh ra dù sẵn mang trong mình cái vẻ "tự nhiên sẵn có" nhưng nó lớn lên trong cái nhìn đơn điệu của những vị khách quen thuộc, hàng ngày áp đặt lên thân thể ngọc ngà của nó những bộ xiêm y lỗi mốt, những thói quen đạo đức cứng nhắc, giả tạo, ít có cơ hội được mở mình ra bên ngoài, ướm thử những trang phục đa sắc màu thì vẻ đẹp ấy sớm muộn cũng phai nhạt theo thời gian. Tôi thì quan niệm, khi văn bản đã hoàn tất thì người viết đã hoàn thành vai trò sinh hạ đứa con tinh thần, để bắt đầu một giai đoạn mới: đứng từ xa dõi theo đứa con của mình lớn lên với thời gian. Còn quá trình "lớn lên" ấy của đứa con tinh thần đó êm đềm hay sóng gió, có tỏa sáng hay lụi tàn, cách mạng hay tha hóa thì dường như người viết sáng tạo ra nó cũng chỉ "một mình mình biết một mình mình hay". Nhưng sóng gió hay êm đềm, cách mạng hay tha hóa mà đứa con tinh thần của người viết phải mang không phải do người viết quyết định. Chính cái xã hội với những con người xa lạ mới hoàn tất hành trình đi đến cùng những lớp nghĩa cũng như giá trị tác phẩm. Văn bản của người viết cũng giống một đứa trẻ, theo những cấp độ khác nhau của kinh nghiệm sống sẽ khoác trong mình những gam màu khác nhau của "ý nghĩa giáo dục" do những con người xa lạ nhào nặn mà nên. Và rồi, từ xa lạ thành gần gũi. Từ việc đọc văn bản theo hướng tiếp cận của lý thuyết này, nó được chuyển lưu qua cách nhìn của lý thuyết khác.
Cứ thế, mỗi lý thuyết ban đầu đến với nó trong cảm thức xa lạ. Người xa lạ đến với nó bằng con mắt tò mò, pha chút hiếu kỳ của những đám đông đã quen với cái nhìn của ngày hôm qua, cái nhìn thành rãnh của truyền thống, giống như việc con người đã quá quen với bộ xiêm y cựu truyền (tradition) giờ được những vị khách chưa một lần gặp trao tặng bộ veston hào nhoáng, đủ kiểu cách. Văn bản của người viết qua mỗi lần được đọc cũng giống như lớp xiêm y cũ được "thay đổi" bằng những sắc màu tươi mới do những con người xa lạ cấp cho nó. Nó bị đám đông truyền thống ghẻ lạnh và xa cách trong thời đoạn mà nó được người đọc tiến bộ khoác lớp ý nghĩa mới với khoảnh khắc lóe sáng nơi con tim đa cảm, của kinh nghiệm tri thức vượt thoát mọi ý nghĩ thông thường. Vì vậy, người đọc tiến bộ bao giờ cũng là kẻ sống trong xa lạ và quạnh hiu với ý thức hệ truyền thống, với nếp nghĩ cũ mòn.
    Trong tình huống ấy, văn bản của người viết không phải là chủ thể của sự phê phán hay phân tích, mà chính quan điểm tiến bộ, cách mạng mà người đọc cấp cho nó sẽ trở thành sự phê phán về tư tưởng. Thậm chí, sự cấp nghĩa ấy một khi đã trở thành vấn đề có tính thời đại, thì ngay lập tức, nó được nâng lên thành mâu thuẫn có tính ý thức hệ. Cuộc đấu tranh ý thức hệ trong văn học - nghệ thuật khởi ra từ sự mâu thuẫn về tư tưởng này, từ sự mâu thuẫn đối với quan niệm thẩm mỹ cũng như cách nhìn tiến bộ pha chút xa lạ và phản kháng. Người đọc bao giờ cũng tiến xa hơn nhà văn bởi bằng tri thức và kinh nghiệm thẩm mỹ đa dạng, họ góp phần phá vỡ sự độc đoán trong cách nhìn, cách đánh giá về hiện thực.
    Nếu như văn bản trong quan hệ với hiện thực chỉ là một khía cạnh của cách nhìn, cách đánh giá hiện thực thẩm mỹ, thì ngược lại, trong quan hệ với người đọc lại là sự quy chiếu, tác động của vô số kinh nghiệm tri thức và phương pháp luận nhận thức. Văn bản của người viết bảo lưu và che giấu ý nghĩ đơn độc của người nghệ sĩ, kéo quan điểm của người viết vào sự bảo thủ của ý thức hệ thẩm mỹ. Người viết cất lên tiếng nói để lưu giữ quan điểm, quan niệm của mình về thế giới mà y xây dựng trong tác phẩm, thế nhưng ý thức xây dựng văn bản văn nghệ ấy thường là ý thức bị giới hạn. Do đó, nó luôn thiếu vắng những sắc màu đa diện, phong phú từ cuộc sống. Và người đọc chính là những sắc màu đa diện, muôn mặt của cuộc đời, ùa tới văn bản như những lớp sóng muôn tầng chồng lớp lên nhau, tạo nên những lớp nghĩa trải dài bất tận. Những người đọc ấy, họ đến từ muôn nơi, được sống và có những tri thức từ nhiều nền văn hóa, trải qua nhiều phê phán về ý thức hệ thẩm mỹ, được tiếp cận với nhiều nền văn minh trên thế giới, vì vậy, cách nhìn của họ về văn bản của người viết bao giờ cũng tiến bộ và đầy đủ. Văn bản văn nghệ, theo đó, được và cần được đánh giá từ nhiều hướng tiếp cận khác nhau.
    Trong quan hệ gia đình, đứa trẻ trong con mắt của phụ huynh bao giờ cũng chịu quy định theo những phép tắc, lề lối ăn sâu, cắm rễ trong đạo đức ý thức hệ. Trong quan hệ tác giả - văn bản, người viết luôn muốn áp đặt văn bản của mình theo các quy tắc do anh ta dựng nên trong cuộc đời, lái tác phẩm của mình theo những hướng tiếp cận thẩm mỹ mà y mường tượng ra về hình ảnh người đọc sẽ đến với văn bản ấy. Nhưng thật khó để có sự hiện hữu của một người đọc đúng như anh ta hình dung, bởi người đọc trong tưởng tượng ấy là người đọc xa lạ và phi thực, nó chẳng khác nào việc người ta đang trông đợi một siêu nhân, hay bóng dáng của đấng sáng thế đến cứu rỗi cho thế giới mà y sáng tạo. Do đó, dưới con mắt chủ quan của người viết, thì văn bản của họ bao giờ cũng thánh thiện và đẹp, quan trọng hơn là, họ luôn gieo rắc trong đầu ý nghĩ về sự kiểm soát độc đoán với đứa con tinh thần do mình tạo ra. Và cái ý thức "con dại cái mang" trong mối quan hệ với văn bản của người viết chỉ là "chiếc bình phong" che chắn ý định kiểm soát đối với nghệ phẩm khi nó hòa nhập vào xã hội. Ý định thẩm mỹ, mà nói đúng ra, cái quyền lực tri thức nhân danh chủ thể sáng tạo đã lấn án, che mờ tinh thần khách quan trước văn bản của họ.
    Người viết, ngoài những tuyên ngôn về một sự khai mở ý nghĩa do những con người xa lạ bên ngoài xã hội ùa đến và nâng đỡ giấc mộng cho văn bản thì thực chất, họ vẫn muốn đứa con ấy phải mang ý nghĩa của mình và do mình tạo nên. Vì vậy, cái ý nghĩ trông chờ về một người đọc đọc đúng ý nghĩa của mình, do mình "sáng chế" trên văn bản vẫn luôn là ý nghĩ mở, chẳng thể có hồi khép lại. Sự chờ đợi ấy sẽ kéo theo sự vô vọng, thậm chí là thất vọng của người viết. Nguyễn Du sinh thời cũng đã từng vô vọng, thất vọng trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa đích thực ở phía những cá thể xa lạ bên ngoài. Để đến hôm nay, cái người đọc lý tưởng, đấng cứu rỗi ấy vẫn mịt mờ theo thời gian và không gian, chưa một lần xuất hiện cho trọn nghĩa mà ông mong đợi. Cái vô vọng của Nguyễn Du hướng về, chờ đợi bóng giai nhân hay một đấng quân tử vẫn bặt tin tức nơi nào. Có lẽ vì, Nguyễn Du đã quá lý tưởng về ý nghĩa trong nghệ phẩm của mình, đã khép kín ý nghĩa của văn bản vào sự độc tôn ý thức cá biệt. Ông đã không tự giải phóng mình, bằng việc ném ra khỏi thế giới tinh thần của mình cái ý nghĩ trông chờ sự đồng cảm từ phía những con người xa lạ kia một cách bình dị, mà tự mình ôm nỗi đau nhân tình thế thái "một mình mình biết một mình mình hay", dẫn đến một mình mình đau và một mình mình chịu sự ấm ức này. Do đó, cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa đích thực của sự đọc nơi nhà văn là hành trình tìm kiếm vô vọng trong một thế giới vốn đã đầy tràn về tri thức và cũng là sự vô vọng trong một thế giới thiếu đi ý thức hướng về kinh nghiệm hư vô (Néant), khởi phát cho sự tư duy lại.
Cũng thật dễ hiểu, một đứa con trưởng thành không chỉ chịu tác động ràng buộc từ phía huyết thống gia đình, mà còn chịu tác động ở sự ràng buộc của các mối quan hệ xã hội. Văn bản của người viết cũng vậy, nó mang trong nó phẩm tính của việc giáo dục ý nghĩa cuộc sống do người hạ sinh ra nó nuôi dưỡng ấp ủ, nhưng sự lớn mạnh của nó, khẳng định chỗ đứng của nó trong cuộc đời thì lại nằm ở mối quan hệ liên chiều từ phía những cá nhân bên ngoài, hướng đến và sáng tạo nên nó. Sóng gió cuộc đời đã tôi luyện sự vững vàng của cá thể con người, nó có được sức mạnh để chống trả lại những ánh mắt dò xét của nhóm đám đông vô thức bên ngoài, có ý định muốn đồng hóa về ý thức thẩm mỹ và văn hóa.
    Thế nhưng, bản lĩnh ấy không phải cá thể nào cũng mang sẵn trong mình, nó còn phải là quá trình nỗ lực tự thân. Nói như vậy có nghĩa, tác phẩm văn nghệ của người nghệ sĩ muốn đứng vững trong xã hội đầy sóng gió của ý thức hệ thẩm mỹ, thì nó phải được chủ thể sáng tạo gieo sẵn một bản lĩnh, một vốn sống. Thật vô nghĩa, khi một nghệ phẩm thiếu hụt giá trị thẩm mỹ và bản lĩnh xã hội, mà vẫn muốn đương đầu và mong dành vinh quang trong thế giới người đọc vốn phong phú, đa dạng về tri thức như ngày nay và người đọc với những chức năng và quyền hạn tri thức không giới hạn chỉ có thể lưu giữ và làm giàu những giá trị từ các tác phẩm đích thực - những tác phẩm chạm tới bề sâu nhất của con người, khiến con người phải rùng mình sợ hãi và ám ảnh sau khi đọc nó, đồng thời, có cảm giác thôi thúc tự bên trong, bứt dứt tự tâm thể sau khi đọc - lại - nó.
Tác phẩm văn nghệ từ khi rời xa chủ thể sáng tạo phải nhận lãnh cho mình một số phận riêng biệt trong cuộc đời, chấp nhận trở thành một thân phận của tinh thần. Nó bước đi trong thế giới kinh nghiệm của người đọc và chịu những tác động thăng trầm, nhiều xáo trộn như một hiện hữu tại thế. Nó sẽ là những nghi án nhiều oan ức, nếu như nó bị số đông người đọc nhìn nhận ở góc độ thiên kiến chính trị, quy ý tứ về chiều sâu ý nghĩa của ý thức hệ. Sự lụy phiền bởi ý thức giai cấp do những con người giai cấp nhìn nhận, đánh giá, với cái nhìn thiên kiến đã vô hình đẩy nghệ phẩm của người nghệ sĩ vào những toan tính phi thẩm mỹ.
    Có thể, người đọc áp đặt lên tác phẩm những suy nghĩ giản đơn mà kinh nghiệm đời tư, hẹp hòi do một nhóm người có cùng lợi ích yêu cầu, đặt lên trên những giá trị vốn có của tác phẩm. Trong trường hợp ấy, tác phẩm văn nghệ đã trở thành một nạn nhân của nhóm người đọc kia. Chỉ khi một nhóm người đọc khác có khả năng thẩm định, đánh giá đúng giá trị, thì tác phẩm của người viết ấy mới được đón nhận, được sống trong môi trường mỹ cảm lành mạnh. Và chỉ khi ấy, nó mới thực sự được sống cuộc đời của một thân phận tự do.
    Tác phẩm của người viết cũng giống như đời một con người, nó luôn chịu sự chi phối, ràng buộc và thậm chí quyết định đến sự sống còn từ các mối quan hệ xã hội bên ngoài nó. Mối quan hệ ấy có khi chỉ dừng lại ở mức độ văn hóa, nhưng đôi lúc lại phức tạp hơn khi tiến tới các mối quan hệ giai tầng có tính chính trị, hoặc nhẹ nhàng hơn là quan hệ cảm xúc của những con người đa cảm, hoặc là quan hệ nghề nghiệp, quan hệ giải trí giản đơn… Và trong mỗi quan hệ lựa chọn ấy, thì đời sống của tác phẩm cũng chịu sự quy định ở những thang bậc khác nhau. Vì vậy, văn bản của người viết từ khi sinh ra vốn sẵn mang trong mình thân phận của một tinh thần xã hội. Sự phiêu lưu về tư tưởng của nó trong thế giới người đọc với ba bảy loại người đọc, có mục đích, ý đồ và khả năng thẩm thấu tri thức khác nhau sẽ tạo ra những thang bậc thăng trầm của sự tồn tại tác phẩm trong ý hướng tính hướng về nó khác nhau. Và cũng tùy từng loại tác phẩm, với sức mạnh nội tại được người viết trang bị khác nhau mà có ý thức phản kháng hay chấp nhận chịu kiếp đời bi kịch như một thân phận tinh thần khác nhau. Điều đó không phải là luận chứng để cố biện minh cho tính tự thân của tác phẩm văn nghệ, mà thực chất quá trình ấy quy định đặc trưng gợi mở và tương liên của tác phẩm trong mối quan nghệ với người đọc.
    Một văn bản khi được bung phá ra cuộc đời, nó là vật vô tri về hình thức chất liệu, nhưng ý nghĩa gợi mở về tinh thần của chủ thể đọc nơi nó thì luôn tiềm ẩn. Nó không phải là điều hiển hiện mà con người có thể nắm bắt ngay được. Nó đòi hỏi người đọc hướng con mắt của nhà siêu hình học khám phá những tầng lớp thẩm mỹ hoặc tầng bậc nghĩa, dựa trên kinh nghiệm văn hóa có sẵn trong mình nhằm phát hiện và khám phá ý nghĩa mới cho một thế giới mới thuộc và chỉ thuộc riêng về cảm quan cá nhân anh ta. Điều này cho thấy, giá trị của văn bản không phải là ý nghĩa được dựng sẵn trong nó mà chỉ là những dữ kiện nhằm gợi mở ý thức hướng đến của chủ thể đọc, để từ đó, tự người đọc hình dung và tưởng tượng về văn bản dựa trên kinh nghiệm và khả năng suy tưởng của mình. Và thế giới tinh thần không ngừng được kiến tạo ở sự hư vô hóa ý định sẵn có bên ngoài của chủ thể đọc, định hình cho thế giới tưởng tượng mở ra bất tận theo những kinh nghiệm thẩm mỹ, những tri thức và chân trời văn hóa. Khi một thế giới tinh thần nơi người đọc được mở ra, thì cùng lúc ấy, sứ mệnh của tác phẩm văn nghệ cũng được hoàn tất trong vai trò của "người" chứng kiến, gieo vào ý thức kinh nghiệm bạn đọc những dữ kiện gợi mở và nó chỉ dừng lại ở vai trò gợi mở. Sự gợi mở ấy hướng đời sống tinh thần bạn đọc đi đến đâu, thì lại phụ thuộc vào thế giới kinh nghiệm thẩm mỹ của người đọc.
    Trong mỗi khoảnh khắc bạn đọc được thả mình trôi theo ký ức tưởng tượng, thì bóng dáng của tác phẩm văn nghệ và người nghệ sĩ cũng được phiêu lưu trong thế giới mới - nơi chỉ có người đọc mới phát hiện và sáng tạo nên nó. Vậy là, tác phẩm văn nghệ đã làm một cuộc hành trình, phiêu lưu không ngừng trong thế giới xa lạ của những con người xa lạ bên ngoài. Nó chịu sự bấp bênh từ sự tưởng tượng của người đọc. Nếu gặp người đọc uyên bác, sẵn sàng tự quy giản ý thức thẩm mỹ cá biệt để mở lòng ra đón nhận ánh sáng tinh khiết ban đầu mà nó hướng tới, lóe chụp ý nghĩa khởi nguyên không kèm theo thái độ toan tính, hay định kiến văn hóa, thì nó sẽ giúp bạn đọc được thăng hoa về cảm xúc, cảm nhận được cái thần khí, cái khoan khoái của một người đi trong đêm tối bắt chụp được ánh đèn từ xa rọi tới. Nhưng cũng vẫn là văn bản ấy, trên "đường đời" nhiều thăng trầm của sự đọc, nó lại sa vào vòng tay đầy oan nghiệt, gai góc từ phía những tâm hồn thiển cận, được "bồi tụ" bởi những suy tư hẹp hòi, kèm theo ý thức xét hỏi đầy khinh miệt, mang sẵn cái nhìn định kiến, bảo thủ, thì tác phẩm ấy của người viết chẳng khác nào thân phận cô Kiều khi rơi và tay Mã Giám Sinh và Tú Bà, đẹp là thế, thánh thiện trong sáng là thế mà vẫn chỉ là "kỹ nữ", là "hồng nhan bạc phận" chốn lầu xanh tủi cực, cô độc.
    Cũng là văn bản ấy, nhưng trong ý thức tự do của những con người tiến bộ, thì nó lại là mầm mống chống lại sự tha hóa của nghệ thuật truyền thống, chống lại sự xuống cấp và phi nhân của con người, chống lại sự áp chế tối cao của quyền lực tri thức. Trong xã hội luôn chứa đựng những thái cực khác nhau của quá trình thẩm định thẩm mỹ. Có thể, người đọc hăng hái gieo lên văn bản ý nghĩa thanh khiết của sương mai lúc nửa đêm, nhưng cũng có thể là sự đọa đầy đến tha hóa của tinh thần chủ quan cá biệt. Điều ấy cho thấy sức mạnh của người đọc có tác động quan trọng đến sự tồn tại của văn bản, và là nhân tố số một quy định sự hoàn thiện và thăng hoa đến đỉnh cao của văn bản.
    Trong ý nghĩa thiết thực nhất, tác phẩm không hẳn là cầu nối giữa ý tưởng nhà văn sát gần với khả năng hiểu của người đọc, mà nó còn chắp thêm đôi cánh cho những ý tưởng sâu thẳm nơi thế giới tinh thần người đọc, vốn bị ý thức xã hội hiện thời vùi lấp và che khuất, để khai minh ý thức sáng tạo, mở ra một hành trình hư vô hóa tất cả những gì đang hiện hữu. Hành trình ấy hướng đến sự khám phá và sáng tạo thế giới mới - nơi mà mọi thứ dường như đang bắt đầu. Cứ thế, thế giới này chồng lấp thế giới kia, ý nghĩa văn hóa và ý nghĩa sự sống theo đó cũng được dàn trải không ngừng theo thời gian. Còn sáng tạo là còn lý do để tồn tại. Vì vậy, đọc chính là sáng tạo của sáng tạo và người đọc chính là tác giả của các tác giả. Ở đây, tôi loại trừ đối tượng đọc hờ hững, lướt qua trên mặt giấy như những cuộc tình thoáng chốc đối tác phẩm văn nghệ của người viết, mà hướng đến người đọc đích thực, người đọc đúng nghĩa của động từ ĐỌC.

(Bài đã đăng trên TC Nhà văn, ISSN: 1859 – 493X, Số 05/ 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét