Ngô Hương Giang
Nguồn ảnh: Dantri.com |
Thưa cả nhà. Vụ việc của Thư mấy ngày qua, tôi có chăm chú theo dõi. Và
giờ, tôi không thể không viết một cái gì đó để góp phần làm rõ cái cấu trúc
ngôn ngữ muôn thuở của cuộc sống, không phải chỉ là để minh định cho Thư mà còn
là để mình bớt day dứt với đời hơn.
1. Nếu A…. Thì/ Hãy B: Câu chuyện logic kéo theo và sự tất yếu của logic sống
Có lẽ, đến thời điểm này, những ai cầm bút và biết nghĩ về cuộc sống với
một tâm thế trầm tĩnh thì chúng ta chẳng cần phải mất nhiều thời gian để lý giải
cái sự trùng lặp về cấu trúc ngữ nghĩa và ngôn từ giữa câu thơ của Du Tử Lê và
Thư cả. Ngôn ngữ là cấu trúc rút ngắn của cuộc sống, theo đó, nó góp phần rút gọn
ý nguyện và tâm thức của con người. Một cấu trúc ngôn ngữ có tính phổ quát thì
thường nó phải phản ánh tinh thần, ý nguyện sống chung nhất của con người, cho
dù anh và và tôi muốn thoát khỏi cái “cấu trúc” ấy cũng không được.
Hãy quay trở về với câu thơ của Thư và Du Tử lê nhé:
+ Lấy mẫu hình” Biển” (Mẫu Thoải theo thuyết thờ phụng dân gian) “Nếu tôi
chết, hãy đem tôi ra biển” đặt cạnh “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển”; rồi
cũng lại lấy cấu trúc ngữ nghĩa ấy đặt cạnh biểu trưng “đất” (Mẫu Địa theo thuyết
thờ phụng dân gian): “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi cùng với đất”; rồi cũng cấu
trúc ấy mang ra đặt cạnh biểu trưng “ngàn” (Mẫu Thượng ngàn theo thuyết thờ phụng
dân gian) thì là: “nếu tôi chết, hãy mang tôi lên rừng”… ta sẽ thấy giữa chúng
chẳng có cái gì thuộc về bản sắc riêng, mà nó là tinh thần phổ quát của cả dân
tộc. Cái tôi quan tâm khi đặt sự phân tích giữa câu thơ của Thư và ông/bà Du Tử
Lê ở đây không phải nằm ở ý niệm tinh thần mà các ông các bà ấy triển khai
trong thơ mình, mà là ở cái văn hoá nằm trong ngôn ngữ biểu tả của họ. Thực ra
cả Thư, Du Tử Lê hay bất cứ ai khi viết về ý niệm chết thì họ cũng không thể
thoát ra khỏi cái đặc trưng văn hoá chết và văn hoá sau chết của người Việt. Mà,
cái văn hoá ấy như Ông Chu Mộng Long chỉ ra rất đúng: Nó là cổ mẫu của dân tộc
Việt. Cổ mẫu ấy có mặt trong các lề thói sống, hằn sâu trong ý thức người Việt
rồi, có muốn sáng tạo biệt lập thì cũng không qua nổi cái cõi Tam phủ, Tứ phủ của
phong tục Việt đâu.
Tôi ngờ rằng, mấy nhà báo khi đẩy sự việc của Thư đi quá xa như vậy, có lẽ
họ đã không hiểu/ hoặc cố tình không hiểu/ hoặc không có cơ hội hiểu/ hoặc hiểu
nhưng cố quên cái văn hoá Việt trong ngôn ngữ Việt.
+ Về cấu trúc logic dùng từ: Nếu A… thì/ hãy B, Khi A… thì/ hãy B là cấu
trúc logic hình thức ngữ nghĩa chung của các ngôn ngữ. Vì vậy đừng có nói ông
này viết theo cấu trúc này là chỉ thuộc về riêng ông ta, hay ngược lại Bà kia
cũng vậy. Cấu trúc logic ngôn ngữ trên mang tính phổ quát của tư duy và ai ở trong
tình huống ngôn ngữ ấy cũng phải diễn giải theo đúng cấu trúc đấy.
+ Cấu trúc ngôn ngữ phản ánh cấu trúc sự sống của con người: Mỗi một người
có một lối sống riêng, thì ngôn ngữ mà họ dùng để diễn tả cũng phải phản ánh đặc
trưng tập quán của lối sống người ấy. Về điều này thì chẳng ai có thể vay mượn
được của nhau. Đơn giản chúng ta không thể sống 2 cuộc đời trong một thân phận.
Đến đây giữa Du Tử Lê và Thư chẳng thể là 2 trong 1 được. Hãy đọc những câu thơ
tiếp theo của cả 2 người sẽ rõ.
2. Tính liên văn bản và sự đa nhân cách
Chẳng ai cầm bút ngày nay lại có thể tự phụ cho rằng cái mình viết là duy
nhất do mình nghĩ ra, mà không có sự tác động của một truyền thống giáo dục hay
văn hoá nào đó. Có ai dám khẳng định ông/bà Du Tử Lê không chịu ảnh hưởng của một
ai trước đó? Cái “mặt nạ nhân cách” là thứ không thể tách rời trong phong cách
viết/nghĩ của một con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Tuyên ngôn độc lập
còn “ảnh hưởng” từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cơ mà. Ở đây cái gì trở thành sự
thật hiển nhiên, nghĩa là tính chính xác của logic sự sống, thì nghiễm nhiên nó sẽ
trở thành một giá trị, trở thành một “điển phạm tinh thần” được người đời sau kế thừa. Vì đơn giản, nó là thước đo giá
trị chung, phản ánh nguyện vọng sống chung của con người, thì nó là tài sản
chung được con người khai thác.
Từ đó có thể xem Cái chết, Sự sống, Hạnh phúc, Tự do…đều là những thước
đo chân thực của cuộc sống, dù anh có nói vòng hay nói thẳng, có mở rộng hay
thu hẹp vấn đề thì những thang giá trị kia vẫn là nền tảng căn bản để anh giải
quyết “ý niệm sống” của cá nhân mình. Nói như vậy có nghĩa, nó là “tài sản” là “mỏ
quặng tinh thần” chung của nhân loại, ai cũng có quyền được khai thác.
3. Về một “thảm hoạ” truyền thông và báo chí
Nói thực lòng, giờ đây, tôi nghĩ việc đăng báo ở cái xứ mình nó quá
dễ dãi và đơn giản. Sự đơn giản ấy đến mức, bất cứ ai đó có tiếng một chút chỉ
cần “ho” nhẹ là cũng trở thành đề tài nóng để khai thác. Và tôi cũng không thể
tưởng tượng rằng, một tờ báo chính thống, lượng người đọc đông như Dân trí hay
VNExpress lại có thể duyệt, cho đăng những bài báo thiếu quá nhiều chứng lý như
bài của ông Minh Quang hay Lam Thu - Thoại Hà. Thứ nhất, giả sử nếu chuyện
của Thư có tranh chấp bản quyền thật với ông/bà Du Tử Lê, thì người đầu tiên có
tiếng nói phải là ông/bà Du Tử Lê chứ sao lại là các vị nhà báo trên. Sao lửa
chưa có mà khói đã um xùm rồi? Thứ hai, nếu có tranh chấp bản quyền
xảy ra, thì hẳn phải có thêm những chứng cứ khác chứ không phải là 5 hình vị
“hãy đem tôi ra biển” có tính phổ quát quen thuộc nằm trong miệng lưỡi giao tiếp
người Việt sống ở ven biển hàng ngày mà vội “quy kết” được. Đó là hành động vội
vã nổi lửa và quyết “đốt đền” của những kẻ yếu chí và thiếu trí chứ không phải
là việc làm của những người “bảo vệ chế độ”. Cứ cái đà này thì chẳng ai ở cái đất
nước Việt Nam dám giao tiếp, trao đổi hàng ngày nữa, vì chẳng ai có thể khẳng định
mình ra chợ mua vật phẩm, mà câu trả giá lại không “đạo” của ai cả….
Hẳn rằng, các ông bà nhà báo khi phê phán Thư trên Dân trí hay VNExpress,
có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ phải “hổ thẹn” với bài viết của chính mình. Vì đơn
giản những bài viết ấy nhằm mục đích “đốt đền” nhiều hơn là “xây đền”, thì khó
có thể có một sự day dứt lương tâm ở đây.