(Trích từ chuyên luận Triết học: Khai sáng và Phê phán
Góp phần nghiên cứu tư tưởng Khai sáng và Phê phán lí tính văn hóa, xuất bản Quý I/ 2015)
Ngô
Hương Giang
***
|
Bìa sách chuyên luận. |
Việc phê phán Tính hiện đại đã trở thành mối quan tâm của triết học đương thời,
nó không chỉ là dấu mốc đáng nhớ mà Alain Touraine() in dấu sự ảnh hưởng của mình
trong giới triết học vào năm 1992 với tác phẩm: Phê phán tính hiện đại (Critique
de la modernité)(),
mà nó đã thực sự trở thành đề tài được bàn luận rộng khắp kể từ khi nước Pháp
tiến hành cuộc cách mạng vào năm 1789.
Trong ký ức lịch sử tư tưởng của nhân loại, đặc biệt là của thế giới
phương Tây, cuộc cách mạng Pháp được ví như là cuộc cách mạng của ánh sáng và
tiến bộ, mở ra cho loài người một đời sống tự do và dồi dào của cải vật chất…
Thế nhưng, sự kiện ấy cũng đã từng trở thành một vấn nạn lịch sử khi nó vừa
mở ra cho chủ nghĩa tư bản mảnh đất phì nhiêu để mặc sức trải nghiệm các dấu ấn
lý luận lên hiện thực, để rồi sau đó trở thành đối tượng phản tư nghiêm túc của
triết học khi chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn hậu kỳ với những “khủng hoảng”
khó có thể giải quyết từ chính khẩu hiệu: Trí tuệ, tự do và bác ái. Văn hoá
phương Tây được quy chiếu từ xã hội tư bản hậu kỳ đọng lại trong tư tưởng nhân
loại, giờ đây, như là giai đoạn thống trị của kỹ thuật và công nghệ, nơi mà nghệ
thuật và các giá trị nhân văn dường như đang quay trở lại vạch xuất phát với nỗi
hoang mang cùng cực trong khi chạy đua cùng với sự tiến bộ và sự tối tân của
máy móc. Tính hiện đại, giờ đây đã trở thành một “dự án bất tận” mà con người
khó có thể hoàn thành nó trong thực tiễn cũng như luôn bị báo động trong tình trạng tự hoàn thiện – điều mà Jürgen Habermas đã ngụ ý trong một ẩn dụ triết học gửi tới nhân loại
khi ông viết Hiện đại – một dự án bất tận().
Cuộc chạy đua giữa Khai sáng, Tiến bộ và Cách mạng giờ đây không còn là câu chuyện mà
các triết gia đưa ra các tranh luận về mặt khái niệm, mà đã thực sự trở thành sự
thức tỉnh về mặt bản chất của triết học, họ xem Tính hiện đại như là cách thức phản tư mà thời hiện đại đã “khéo”
thôn tính về mặt tư tưởng ngay từ khi nó dựng lên ý niệm về một thời đại Tự do,
dân chủ và bác ái vào năm 1789. Con người kể từ cái khoảnh khắc của cuộc cách mạng
ấy đã “bị đẩy xuống thuyền”()
như một định mệnh: Xem Khai sáng, tiến bộ và cách mạng như là các phương thức
“lý tưởng” để nhằm thực hiện mục đích “Tự do, bình đẳng và bác ái”, mà không
hay biết rằng, chính cái khẩu hiệu đó đã đẩy con người vào tình trạng mất tự
do, bất bình đẳng và đơn độc().
Về điều này, hẳn rằng không có nơi nào trong thế giới “văn hoá toàn cầu” lại có
thể trả lời một cách đầy đủ và sâu sắc bằng chính những con người đang được hưởng
“thành quả” cuộc sống từ cuộc cách mạng “Khai sáng” Pháp, Đức, Anh cũng như các
quốc gia chịu ảnh hưởng từ nó như Mỹ, Canada, ÚC…
Con người đã viện dẫn khẩu hiệu đó để khai thác
triệt để sức mạnh của tinh thần khai sáng,
đặt lý trí vào cuộc chạy đua khắc nghiệt để vươn tới những giá trị tiến bộ
thông qua các bước ngoặt căn bản của công nghệ và kỹ thuật, xem sự thay thế của
máy móc với các cấp độ tối tân khác nhau như là kết quả hoàn tất đầy vinh quang
của “ánh sáng cách mạng”. Từ “cách mạng” ở đây không chỉ hướng đến một sự thay
thế triệt để thực tại, mà còn hướng
tới một sự thay thế toàn diện các phương thức sản xuất nhằm diễn giải sự hợp lý
của cái “chung cuộc lịch sử” được con người “dựng lên” đầy mơ mộng về một
“thiên đường” Tự do – Bình Đẳng và Bác ái. Thế nhưng, cái thiên đường ấy sẽ chẳng
bao giờ thành tựu được sức mạnh thực tế của nó trong hiện thực, bởi vì con người
càng đấu tranh gay gắt, càng tiến hành các hành động trí tuệ để đạt cho được tiến
bộ và cách mạng thì con người càng bị đẩy vào một “giấc mộng bi kịch” mà không
thể nào thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự mất tự do – bất bình đẳng và cô
đơn.
Ngày nay, khi sự dồi dào của của cải các quốc
gia, sự lớn mạnh của công nghệ và kỹ thuật đã chứng minh khoảng cách lệ thuộc của
con người vào các sản phẩm do chính mình tạo ra ngày càng lớn. Tình trạng nô lệ
của con người vào công nghệ thông tin, công nghệ dược phẩm và công nghệ sinh học;
đồng thời sự lớn mạnh của của cải vật chất đã đẩy con người vào tình trạng bất
bình đẳng nghiêm trọng, khoảng cách giàu nghèo gia tăng: Người giàu thì cứ giàu
lên, còn người nghèo lại cứ nghèo đi; thân phận làm thuê về mặt trí tuệ bị các
nhà tài phiệt “bóc lột” đến tận cùng nhằm mục đích nới rộng khoảng cách đẳng cấp
trong xã hội()…, đó là tất cả những
gì mà con người hiện thời phải gánh chịu cho cơn cuồng nộ từ lý
tính tiến bộ được truyền thống cách mạng “khai mở”
trong xã hội “công nghiệp” suốt từ thế kỷ 19 cho đến nay.
Con người đã tự khu mình vào vỏ ốc của cô đơn và
lạc lõng trong thế giới tối tân của máy móc và công nghệ. Văn hoá cộng đồng đã
trở thành “giấc mơ dĩ vãng” đối với con người, khi nó bị phá vỡ bởi không gian
văn hoá ảo của đời sống số hoá Internet. Con người ngày càng nhận ra sự lạc
lõng của mình trước những “cá thể” bằng xương bằng thịt, lời nói yêu thương đã
trở thành âm thanh đơn độc, bị công nghệ hút sâu vào các trò giải trí và thế giới
văn hoá ảo giác. Chiếc máy tính đã làm cho con người hưng phấn về mặt tinh thần,
hấp dẫn sự tò mò bao nhiêu thì cũng chính nó đang thâu tóm con người vào vòng
vô cảm, và phi lý bấy nhiêu. Con người ngày càng trở nên “lão hoá về tinh thần”
trong một đối nghịch về mức độ gia
tăng tuổi thọ nhờ vào sự lớn mạnh của y khoa, giống như một cái cây bị mục rễ
và thiếu sức sống từ bên trong, đối lập với cái vỏ óng ánh đến loá mắt bên
ngoài. Tỉ lệ người già vào trại giưỡng lão tăng lên, tình trạng ly hôn và nạo
phá thai đã trở thành nguyên tắc sống
của con người trong một xã hội tự do và
bình đẳng; cơn cuồng nộ của bản năng xâm hại()
được hiện thực hoá đến mức tối đa
trong các cuộc hành quyết giữa người với người và giữa cuộc chiến của những kẻ
khủng bố máu lạnh()
đối với chính các quốc gia tự cho mình cái quyền canh giữ “thiên đường tự do”().
Đó là tất cả những gì mà thế giới phương Tây đang phải trả giá cho cái khẩu hiệu
mà họ dựng lên từ năm 1789, để rồi chính họ giờ lại tự đẩy mình vào tình trạng
“vị thành niên” của cách mạng. Một vấn đề được đặt ra là: Phải chăng chính những
“nhà” khai sáng đang ra sức giao giảng ý niệm về mục đích tiến bộ và cách mạng
của công cuộc khai sáng ở phương Tây lại không nhận ra rằng, chính bản thân
mình đang phải chịu cảnh “sa lầy” vào tình trạng “vị thành niên kỹ thuật”?
Hẳn rằng,
những bộ óc vĩ đại như Immanuel Kant, Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu,
Max Horkheimer, Theodor W. Adorno, Jürgen Habermas, Walter
Benjamin không thể nào lại “lạc quan” và
“ngây thơ” đến mức không nhận ra cái chung cuộc lịch sử mà nhân loại đã và đang
trải qua suốt từ thế kỷ 17 cho đến nay. Những dấu ấn “cách mạng khoa học”, như:
thảm hoạ hạt nhân và công nghệ đã trở thành nỗi ám ảnh của toàn bộ nhân loại. Vấn
đề khiến họ bị “sa lầy” vào lý luận của chính mình, theo chúng tôi không phải nằm
ở tính đúng/sai, đầy đủ/ khiếm khuyết trong khi lý luận, mà là ở cái “gia tốc”
thực tiễn đã đẩy lý luận của họ vào những ngõ cụt của hy vọng. Thực tiễn chính
là đáp án không hẳn khi nào cũng đồng nhất với các định đề lý luận (logic) mà
các nhà Khai sáng đã tính đến. Nó có thể đi đúng các nguyên tắc lý luận, nhưng
nó cũng có thể chống lại lý luận. Bài học lịch sử đắt giá nhất mà loài người đã
trải qua ở thế kỷ 19 và 20 chính là cái thực tiễn mà chủ nghĩa phát xít
(fascism) nhân
danh chủ thể siêu nhân mà Nietzsche()
đã dày công lý luận như là lý tưởng cốt lõi trong triết học của ông; và những cảnh
báo mà vua hề Charles Chaplin đã đặt ra cho nghệ thuật nhân loại những năm
đầu thế kỷ 20()
chính là minh chứng cho “sự phản bội” của thực tiễn gây nên đối với chính
lý luận tiến bộ - cách mạng của con người.
Giờ đây, khi mà nhân loại đang chìm trong cơn mộng
mị của thời hiện đại, thì không một nhà giải mộng nào có thể đánh thức họ chạy
ra khỏi giấc mơ của tự do, bình đẳng và bác ái được xây dựng bởi lý trí khai
sáng, vụt biến thành cơn bão táp của khoa học và công nghệ. Con người đang tiếp
tục cuộc chạy đua khốc liệt nhằm sản sinh tri thức trong một thiên đường mộng mị,
mà các giá trị hiện đại đã gieo vào nó tập quán hy vọng; nhân loại không thể nhận
ra rằng, trong cuộc chạy đua ấy dẫu con người đã đạt được thành tựu lớn lao như
thế nào thì họ vẫn chỉ là những kết quả được sản sinh từ một “giấc mơ Hiện đại tính”. Và phải chờ đến giữa thế
kỷ 20, E. Fromm mới chính thức tuyên chiến
chống lại nó khi ông viết Trốn thoát tự
do(). Với E. Fromm một
sự công khai tuyên chiến với tự do, đồng nghĩa với việc ông công khai tuyên chiến
chống lại sự tiến bộ, cách mạng và tính hiện đại, đặt ý thức khai sáng vượt
thoát khỏi lý trí hiện đại(), để trở
thành lý trí hậu hiện đại() giải thoát
con người ra khỏi tình trạng “vị thành niên” do cuộc cách mạng cuối thế kỷ 18,
đầu thế kỷ 19 gây ra.
Tính hiện đại đã trở thành phẩm chất của thời hiện
đại (Modernity) và là trung tâm lý luận của chủ nghĩa hiện đại (Modernism). Nó
ôm phủ và bao trùm các giá trị thuộc về tự do, dân chủ và đoàn kết xã hội, là
lý tưởng mà các cuộc cách mạng xã hội vin vào nhằm đạt được mục đích lớn lao về
mặt chính trị. Vì là lý tưởng, cho nên hiển nhiên nó luôn là một giấc mơ mà con
người khao khát hướng đến và là “thiên đường” của ý thức xã hội. Sẽ chẳng có gì
để bàn thảo, nếu như ngay từ lúc giai cấp Tư sản Pháp dựng ngọn cờ độc lập
không bộc lộ những vấn nạn đẩy lịch sử nhân loại vào ngõ hẹp của huỷ diệt và bị
kịch. Nước Pháp, mà đúng ra là giới chính khách Pháp đã xem “khai sáng” như là
công cụ để kiện toàn ý niệm “Khai phóng”
đối với những quốc gia có cùng ý hướng xã hội, hướng đến thiết lập một xã hội
“đồng minh” mà giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo thế giới. Có thể nói, đó là một
tư tưởng hoàn toàn tiến bộ, nếu như loài người không nhìn vào thực tiễn mà họ đã làm, mà chỉ nhắm mắt và lắng nghe những lý luận mà họ thuyết giảng. Và cũng sẽ
chẳng có gì đáng quan tâm đến các giá trị mà thuộc tính hiện đại đã vẽ ra giấc mơ thiên đường cho con người, nếu
như con người không phải trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ
hai. Dẫu thế nào, dù bên thắng cuộc hay bên thua cuộc đã từng được lịch sử thế
giới in hằn vào ý thức loài người, thì sự thắng lợi hay thất bại ấy cũng chỉ
gói gọn trong sự “tuyên chiến lẫn nhau” của giới tư sản và chủ nghĩa Tư Bản. Nước
Pháp là ngọn cờ đầu tiên cho cuộc cách mạng tiến bộ mà nhân loại gọi là cách mạng
khai sáng, thế nhưng cũng chính họ lại trở thành tiên phong của chủ nghĩa thực
dân, dẫn đầu phong trào xuyên tạc ý niệm khai sáng để trở thành một nhà nước bảo
hộ, nhằm thực hiện mục đích “khai hoá”()
đối với các quốc gia khác.
Cũng thật khó có thể bác bỏ được lý luận khai
sáng của Pháp nếu như loài người không nhìn vào thực tiễn “thay trắng đổi đen”
của nhà nước bảo hộ Pháp khi ngả vào phe đồng minh để chống lại phát xít Nhật
năm 1945. Và ngày nay, con người cũng chẳng có gì phải nghi ngờ về “ý niệm tự
do, bình đẳng và bác ái” của nước Mỹ, nếu như cả thế giới không biết đến thực
tiễn quá khứ huỷ diệt bằng bom nguyên tử lên đầu nhân dân Nhật Bản và nhân danh
tự do để tham chiến ở Iraq, Afghanistan, gần đây là Sryia. Và giờ đây khi khẩu
hiệu thuộc về phẩm chất thời hiện đại
ấy đã trở thành ý niệm đại diện cho mọi hoạt động tham chiến của Mỹ, thì việc
có một tổ chứ ISIS()
vươn lên nắm vị trí số 1 trong cuộc chiến chống lại “Tự do – Bình đẳng và Bác
ái”, nhằm viết lại lịch sử khai sáng, tiến bộ và cách mạng là điều không có gì
lấy làm khó hiểu. Đứng ở góc độ sử tính
thì chẳng ai có thể bác bỏ lý luận của nhóm ISIS, vì nội bộ những kẻ tham dự tổ
chức ấy hiển nhiên có ý niệm cá biệt về “Tự do – Bình đẳng
và bác ái” đại diện cho “tinh thần” Khai sáng, Tiến bộ và Cách mạng mang “màu sắc”
HỒI GIÁO. Vậy thì, Tính hiện đại với
các giá trị kèm theo của nó, hẳn rằng, cần phải được đánh giá lại với thái độ
phê phán triệt để.
Ngay từ khởi thuỷ của ý thức khai sáng, chủ thể
khai sáng thường bao hàm trong quá trình “thoát li khỏi tình trạng vị thành
niên” một ý niệm tiến bộ. Ý niệm tiến bộ như là ý thức hướng tới mục đích cao cả
nhằm đoạn tuyệt tư tưởng ấu trĩ do “sự hèn nhát” trước đó gây ra, vì vậy về bản
chất, tinh thần khai sáng thường được đồng quy tại một điểm với ý niệm
tiến bộ. Một sự nhận ra tình trạng “ấu trĩ” về tư tưởng luôn là một động
thái tiến bộ, trước hết là đối với chính chủ thể, và sau đó là đối với quần
chúng – đối tượng mà chủ thể thực hành ý thức tiến bộ lên những cá nhân và cộng
đồng bên ngoài. Tuy nhiên, ý niệm tiến bộ tự thân nó lại có hướng tách ra khỏi
thái độ khai sáng để nhằm hiện thực hoá đời sống theo cách thức mà nó tiến
hành, thông qua hành động cách mạng xã hội()
hoặc cách mạng khoa học.
Khi có sự hậu thuẫn của những tác nhân khách quan nhằm thực hiện một sự thay đổi
triệt để về mặt thực tiễn theo sự chỉ dẫn của ý niệm tiến bộ, thì khi đó loài
người sẽ bước vào “gian phòng riêng” mà ý niệm ấy sắp đặt, theo hai hướng: Bị động hoặc chủ động.
Những cuộc cách mạng xã hội đa phần là đặt con
người vào tình huống bị động trước ánh sáng của “ý niệm tiến bộ”; sự chủ động của
con người trong cuộc cách mạng ấy thường thuộc về lớp “tinh hoa” nắm quyền lãnh
đạo cách mạng hoặc thuộc về cá nhân sản sinh lý luận nhằm cụ thể hoá ý niệm ấy trong đời sống khách quan. Trong khi đó, Quần
chúng trong các cuộc cách mạng xã hội, đa phần là những lớp người bị động,
hoặc trở thành “người học trò trung thành” của “lớp tinh hoa”, lãnh đạo lớp người
ấy hướng đến cái đích “tiến bộ” với những khẩu hiệu mang màu sắc đặc trưng của
cuộc cách mạng do họ cầm đầu. Vì vậy, ý niệm tiến bộ mang màu sắc chính trị và
sự thực hành ý niệm tiến bộ của các cuộc cách mạng xã hội thường không vững chắc.
Nó luôn có nguy cơ bị thay thế hoặc bị quy kết vào tình trạng phản tiến bộ (lạc
hậu) hoặc phản cách mạng, khi có một ý niệm chính trị tiến bộ mới ra đời,
được sự ủng hộ của những lớp quần chúng mới có hướng thay thế ý niệm chính trị “tiến bộ” cũ.
Sự thay thế đó không chỉ đơn thuần là sự
bác bỏ lẫn nhau của các ý niệm tiến bộ được chủ thể khai sáng, mà còn phản
ánh bản chất dễ suy yếu và đổi thay của hoạt động ý thức xã hội.
Dường như có vẻ đối lập với ý niệm tiến bộ của
các cuộc cách mạng xã hội, các cuộc cách mạng khoa học đã tìm cách đưa ý niệm
tiến bộ thống nhất với hoạt động khai sáng hơn: Hướng đến một thế giới mà lý trí được tự do tuyệt đối và phủ bóng ảnh
hưởng của nó trong mọi ngõ ngách đời sống. Chủ thể của các cuộc cách mạng
khoa học thường là những cá nhân chủ động về lý trí, hướng ý niệm tiến bộ của
trí tuệ đến một sự cải tạo khách quan triệt để sau khi trải qua quá trình phê
phán đối với tàn dư của trí tuệ cũ. Các cuộc cách mạng khoa học ra đời đã hiện thực hoá những ý niệm tiến bộ, đem
lại công năng thúc đẩy một đời sống phát triển toàn diện. Trong thế giới của cuộc
cách mạng đó, người ta sẽ thấy dường như chẳng có “lớp học trò ưu tú” nào có thể
kiên trì triệt để được đối với các thuộc tính của tri thức khách quan; mà tất cả
họ, trong ý thức tự chủ nhất thường là những người lãnh đạo cách mạng tri thức
gần như tuyệt đối.
Cuộc chiến về mặt trí tuệ chống lại thói bảo thủ
cùng những lý luận thiếu vững chắc của các lý thuyết gia đã là nền tảng kéo ý
thức khai sáng không ngừng vận động cùng một lúc với sự khai phóng các ý niệm
tiến bộ. Theo cách thức ấy, các cuộc cách mạng về khoa học không ngừng được báo
trước trong một viễn cảnh có thể kiểm
soát được về mặt lý tính. Ngày hôm nay, khi một triết gia đã lên tiếng chống
lại các thước đo chuẩn mực của triết học truyền thống với một thái độ phê phán
không thương tiếc quá khứ như Foucault, góp phần minh định các giá trị tiến bộ
phù hợp với bối cảnh hiện đại của ý thức khai sáng, thì ngày mai, rất có thể sự
tiến bộ mà ông đã đặt ra trong triết thuyết của mình sẽ bị phê phán bởi một triết
gia khác. Và sau mỗi lần phê phán ấy, thế giới lại bước vào một cuộc cách mạng
tri thức mới. Nó cho thấy tính chất luôn đổi thay của ý niệm tiến bộ khoa học và của
các cuộc cách mạng khoa học.
Sự bất thuận giữa các cuộc cách mạng xã hội và
các cuộc cách mạng khoa học, cho thấy tính chất không vững bền của ý niệm tiến bộ và hành động cách mạng so
với ý thức khai sáng. Cũng giống như Jean
Paul Sartre hay các nhà hư vô chủ nghĩa, tiến bộ và cách mạng sẽ chẳng bao giờ
thành tựu được chân lý tuyệt đối cũng như chẳng thể có được sự ảnh hưởng phổ
quát của nó lên hiện thực, bởi vì, người ta chẳng thể nào tìm ra cơ sở để biến
các ý niệm gọi là “tiến bộ” cũng như các hành động gọi là “cách mạng” trở thành
một thứ chân lý vĩnh cửu cho tồn tại khách quan. Khai sáng, tự bản thân nó vừa
bao hàm ý niệm tiến bộ và tinh thần
cách mạng; đồng thời, Khai sáng và Tiến bộ cũng cùng nhau vận động, phát triển
biện chứng theo vòng tròn xoáy ốc, mà ở đó, Khai sáng ở giai đoạn sau gặp gỡ
Khai sáng ở giai đoạn trước tại cùng một điểm theo các cấp độ ngày càng cao
hơn mỗi khi vai trò của Tiến bộ bị thoái trào. Khai sáng, vì thế là một thuộc tính trung hoà trong các hoạt động ý thức của chủ thể.
Con người hiện thời dễ bằng lòng với sự tiến bộ
của kỹ thuật và công nghệ, cũng như dễ bằng lòng với sự phát triển không ngừng
của ý niệm “tự do” và “lý tính”. Nhưng bản thân “cái hiện thời” (the presence) ấy
cũng đã từng phải trải qua những khoảnh khắc bị quy kết và phê phán đối với “những
cái đã qua”, mà “tự cái đã qua” trong hoàn cảnh ban đầu của nó đã từng là cái tiến bộ. Chiếc điện thoại thông minh hay công
nghệ lai ghép hữu cơ của ngành sinh học được con người hiện thời (cái khoảnh khắc
đương đại) xem như là sự tiến bộ của cách mạng khoa học, thế nhưng, để có cái
tiến bộ hiện thời ấy, lịch sử loài người đã phải từng thử nghiệm với vô số những
chiếc điện thoại dây, thô sơ thời cổ điển, cũng như đã từng phải thực hiện vô số
những ca ghép vô cơ đơn giản trên thân cây. Ai đó có thể rất dễ dàng trong việc
chỉ ra cái lỗi thời của chiếc điện thoại dây cũng như kỹ thuật cấy ghép trên
thân cây trong quá khứ so với chiếc điện thoại thông minh và công nghệ nhân bản
vô tính hiện thời, nhưng với lịch sử, cái quá khứ của sự ra đời chiếc điện thoại
dây và kỹ thuật ghép thô sơ trên thân cây, thoạt tiên nó luôn là một ý niệm tiến
bộ và là một bước ngoặt của “công nghệ” thuộc thế kỷ 18 – 19.
Cái
tiến bộ hiện thời, do đó, không thể được xem như là cái đích so với “cái tiến bộ”
đã qua trong quá khứ, mà nó là một quá
trình phát triển của ý thức Khai sáng, phản ánh bản chất vận động biện chứng
không ngừng của trí tuệ. Nếu ai đó, ngày nay có quan niệm về sự bất tương xứng
hay độ kênh về lịch sử giữa ý niệm tiến bộ và cách mạng khoa học, thì hiển
nhiên, họ đã vấp vào vòng xoáy vô hình của cái bẫy TIẾN BỘ. Cuộc tranh cãi giữa
những người theo chủ nghĩa xã hội và những người theo chủ nghĩa tư bản về vai
trò của ý niệm tiến bộ trong cách cuộc cách mạng xã hội, cho thấy tính
chất Phản- Khai sáng của quá trình phê phán lẫn nhau. Các nhà cách mạng xã hội dù ở cực Tư bản chủ nghĩa hay Xã hội chủ nghĩa
sẽ chẳng thể nào tìm ra một chung cuộc cho lịch sử, nếu như họ chỉ dựa vào ý niệm tiến bộ để công kích nhau, mà chẳng
thể hướng con người đến một sự thống nhất chung về cách thức giải
quyết tồn tại xã hội. Dẫu loài người có bằng lòng với lý thuyết của
Karl Marx như một thứ quyết định luận lịch sử với năm dạng thức của Hình thái
kinh tế - xã hội, hay kiên quyết phủ nhận năm dạng thức ấy để tiến tới xác lập
thế giới theo kiểu một dạng thức Hình thái kinh tế - xã hội, hay hai dạng thức
Hình thái kinh tế - xã hội, thậm chí là “N” dạng thức Hình thái kinh tế - xã hội…đi
nữa, thì các dạng thức ấy, chung quy cũng chỉ là các “diễn ngôn” triết học hoặc chính trị khác nhau về cùng một dạng tồn tại xã hội duy nhất
là: Thực tiễn khách quan từ khởi thuỷ thế
giới cho tới thời hiện đại.
Điều này cho thấy rằng, con người chẳng có cơ sở
vững chắc nào để kết luận về các cuộc
cách mạng xã hội cụ thể là tiến bộ duy nhất. Sự hoài nghi của những nhà triết
học về các cuộc cách mạng xã hội cũng chẳng khác gì so với sự hoài
nghi về nguồn gốc của con người là do Chúa tạo ra hay do tự nhiên mà có? Tất cả
sự hoài nghi ấy dường như đều có căn nguyên chung là từ chính các ý niệm tiến bộ qua các thời đại xã hội đã bị “giới tinh hoa” tự cho mình cái quyền
tuyệt đối hoá nó với chân lý khách quan của đời sống con người. Điều này phản
ánh sự thật khách quan, tự cái ý niệm tiến bộ luôn dự báo trong
nó về tính chất phản- tiến bộ, một khi ý niệm “tiến bộ mới” ra đời và thay
thế nó. Vậy thì ý niệm tiến bộ, giờ đây chỉ còn là ý nghĩa của các giá trị được con người phát minh thông qua lý tính
phù hợp với tính chất, trình độ, cũng như nhu cầu của hiện thực mà Marx đã
nói, chứ nó không phải là một thứ chân lý tuyệt đối. Điều này cũng tương ứng với
ý
niệm tiến bộ là các cuộc cách mạng xã hội mà con người tạo ra nhằm hiện thực hoá ý niệm tiến bộ xã hội,
không bao giờ là một thứ chân lý vĩnh cửu. Nó luôn có nguy cơ bị đẩy lùi vào
tình trạng phản tiến bộ hoặc bị “di trú” vào tình trạng “vị thành niên” của ý thức xã hội,
cũng như mấp mé trên bờ phản-cách mạng, nếu như chủ thể của ý niệm tiến
bộ không thực hiện tiếp ý thức Khai sáng phù hợp với thực tiễn khách quan ở các
giai đoạn sau. Vì vậy có thể nói, Khai sáng đã ôm trọn trong nó các nguy cơ của
khả năng tiến bộ và lạc hậu, của cách mạng và phản cách mạng, của tình trạng vị
thành niên và sự trưởng thành. Tự thân khai sáng đã thực hiện nghiêm ngặt các
thước đo của một dạng biện chứng pháp
giữa các mặt đối lập trong cùng một thực thể. Nó là quá trình mà chủ thể không
ngừng đấu tranh với các ý niệm tiến bộ vừa được sản sinh và cái nguy cơ lạc hậu của chính ý
niệm tiến bộ ấy sẽ đến trong một tương lai kế tiếp.
Các vấn nạn mà Tính hiện đại đặt ra không chỉ duy nhất thuộc về thời hiện đại, mà
dường như nó là ý niệm phổ quát thuộc về mọi thời đại. Khẩu hiệu “Tự do – Bình
Đẳng – Bác ái” dường như gắn liền làm một với ý niệm về Tính hiện đại. Nếu có khác biệt chăng, thì sự khác biệt ấy cũng nằm
ở quá trình hợp thức hoá các ý niệm tính
hiện đại tương ứng với nhu cầu thực tiễn khách quan ở từng thời đại đặt ra
cho nó. Một nhà sử học có thể bác bỏ logic trên bằng các cứ liệu lịch sử có từ
thời nhà nước Bộ lạc - Thị tộc hoặc Phong Kiến…Nhưng ngay cả khi họ đưa ra các
kiểu nhà nước tương ứng với các Hình thái kinh tế - xã hội như Marx nói, thì
cũng không thể nào bác bỏ được logic hiển nhiên rằng: Trong các hình thái nhà
nước hoặc xã hội cổ xưa ấy luôn có chỗ cho sự Tự do – Bình đẳng – Bác ái tồn tại
theo ý hướng riêng của Con Người thuộc giai đoạn đó. Sẽ chẳng
ai có quyền yêu cầu một tín đồ Cơ Đốc ở giai đoạn Trung Đại phải chấm dứt việc
thờ Chúa, cũng như phủ nhận vai trò “tự do” khi ở bên Chúa, vì ở ngay trong
chính căn nguyên cội rễ của ý thức “tiến bộ” thời điểm anh ta sống, tự Chúa đã
là biểu tượng của Tự do, Bình đẳng và Bác ái. Cũng như thế, ở thời điểm Phật sống
cùng các giáo lý của ông đã thúc giục người dân ở xứ Ca Tỳ La Vệ (Kapilvastu)
hướng tới một ý niệm tiến bộ: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” mang màu sắc văn hoá
riêng của xứ Nepal và của khu vực phương Đông. Điều này cho thấy, đâu phải đến
thời hiện đại mới xuất hiện tính hiện đại
hoặc mới có chủ trương phải giải phóng con người, hướng con người đến một xã hội
“Tự do – Bình đẳng – bác ái”? Hiển nhiên, nếu đứng dưới góc nhìn Khai sáng, thì
Tính hiện đại dường như được hiểu giống
như các thuộc tính của Tiến bộ. Phải
chăng có một mối quan hệ giữa tính hiện đại
với thuộc tính siêu nghiệm hoặc phổ quát nào đó ở đây?
Jürgen Habermas có lý khi đã kéo dài cái “dự án hiện đại” này
tới cấp độ cực đại của ý niệm phổ quát, bao trùm mọi con đường của lịch sử.
Và hơn hết, với ông, Hiện đại tính
luôn là một dự án dang dở, nó sẽ còn rong ruổi mãi trên con đường bồi đắp những
khiếm khuyết của ý thức xã hội theo thời gian, cho tới khi nào nhân loại ngừng
thở, thời gian ngừng trôi, và lịch sử đi đến chung cuộc. Còn Walter Benjamin
thì hài hước và có phần thi vị hơn khi ông xem tự thân “Thương xá” đã nói lên
cái lịch sử kinh doanh từ khi con người biết làm quen với buôn bán, và kéo dài
tới khi nào chuỗi lịch sử kinh tế bị cáo chung. Điều ấy cũng tương tự như khi
con người ở các quốc gia khác nhau phát âm, đọc các ký tự ngôn ngữ khác nhau xuất
phát từ một hướng hiểu chung về ý nghĩa của các từ mà họ dùng để
đọc, viết hay nói().
Chúng ta sẽ nhận ra trong cách nói thi vị của
Benjamin hay lối phê phán triết học chặt chẽ của Habermas một thuộc tính gì đó
nằm trọn vẹn về khái niệm Tính hiện đại,
như thể là các cách nói khác nhau về cùng một ý hướng làm cho cái Tiến bộ trở nên hoàn hảo qua mỗi chặng
đường lịch sử. Và tinh thần mà cái Tiến bộ
luôn hướng đến, đó là, đảm bảo về một loại cảm giác ưu trội của lý tính
giữa các giai đoạn, thời kỳ mà chủ thể khai sáng tự giải phóng mình. Ngày nay
con người dễ dàng cho mình cái quyền phát ngôn như một cá nhân tự do trên mạng
xã hội hay quyền được đối thoại với bất cứ cá nhân nào, không phân biệt đẳng cấp,
địa vị, giới tính…, thế nhưng dường như cái
quyền của con người hiện đại ấy chẳng khác xa bao nhiêu so với ý hướng mà con người trong quá khứ tiến
hành để triển khai ý niệm về tự do; nếu có khác nhau ở đây, thì sự khác
nhau đó chỉ là sự khác nhau trong các diễn ngôn và trong kỹ thuật ngôn thoại. Sự
vận động lịch sử, giờ đây, đúng như cách nói của Foucault chỉ là sự
thay thế lẫn nhau của các diễn ngôn về cùng một ý niệm, hoặc như cách
nói của Benjamin trong tiểu luận Nhiệm vụ
của dịch giả là sự “chuyển dịch” khác nhau của các Hình thái
từ của cùng một ý nghĩa mà nó bao hàm.
Ở đây, dường như có điều gì đó đã làm cho ý
nghĩa của từ Tiến bộ bị thâu tóm vào
vòng phi lý của Tính hiện đại, khiến
nó bị sa lầy vào sự khủng hoảng trong các cách diễn đạt của triết học. Phải
chăng Tính hiện đại đã trở thành tấm
gương về mặt trí tuệ để những cái tiến bộ
soi mình vào đó nhằm thay thế lẫn nhau? Và phải chăng chúng ta đang tự soi mình
trong các ký ức về Khai sáng? Mỗi giai đoạn khác nhau của nhận thức là mỗi giai
đoạn mà con người tự soi mình trước “bóng ma hiện đại tính” nằm sâu trong tâm hồn, để rồi sau mỗi lần soi chiếu ấy,
con người biết mình cần phải điểm xuyết các chức năng thời đại nào để đem đến cảm giác được là người tiến bộ. Nếu quả đúng như vậy, thì, khai sáng
xem ra gắn liền làm một với thuộc tính phê phán, giúp con người đối diện với
“hình bóng” quá khứ của mình trong tấm
gương phản ánh tính hiện đại với những truy vấn dường như chống lại sự chặt
chẽ của triết học, rằng: Điều gì đã làm cho con người hôm nay khác biệt so với
“hình ảnh” của con người ngày hôm qua; triết học lấy gì để đảm bảo rằng, “con
người hôm nay” sẽ tốt đẹp hơn con người của ngày hôm qua?
Sự
truy vấn ấy đã kéo triết học vào sự luẩn quẩn của thuyết hư vô, mãi đuổi bắt
theo sự hoài nghi không bao giờ dứt. Trong khi đó, cái mà con người cần đạt đến
một
sự giải phóng về mặt ý niệm giữa con người hôm nay và con người hôm qua
không phải nằm ở cảm giác tiến bộ về mặt thời gian, mà chính là nằm ở sự phê phán
nhằm đưa đến bác bỏ hình ảnh ghì néo cái hiện thời với cái quá khứ. Nhân loại muốn
thoát khỏi sự luẩn quẩn giữa tiến bộ và lạc hậu (dã man) về mặt lịch sử, xem ra
cần phải đả phá ngay cái ý niệm phổ quát của Tính hiện đại để bắt đầu một nền móng mới. Và Khai sáng chính là
cách để con người bắt đầu một sự thanh tẩy các ý niệm phổ quát,
hay nói như Jean-François Lyotard là đả phá các Đại tự sự nằm
sâu trong căn tính của suy tư, thông qua và bằng hành động phê phán.
Thái độ phê phán trong khi khai sáng của chủ thể
cá biệt và sau đó hướng tới hành động khai phóng ý thức xã hội sẽ đưa tính hiện đại vào trạng thái luôn
phải bắt đầu tại điểm xuất phát của lịch sử. Sẽ không còn tồn tại ý niệm
về tính hiện đại theo nghĩa phổ quát
và siêu nghiệm, mà chỉ còn những cách thức do con người đương
thời sử dụng nhằm gia cố các ý niệm tiến bộ trong dòng chảy lịch sử của tính hiện đại được truyền thống tư tưởng
nhân loại tạo ra như là thước đo của sự sản sinh lý tính dồi dào.
Khai sáng cũng đặt tính hiện đại vào trạng thái không ngừng vận động với thời đại, để
thích nghi với ý thức xã hội hiện thời mà con người đặt ra như một mưu cầu cần
được đáp ứng. Đồng thời, tính hiện đại
trong sự phát triển của nó cũng kèm theo những giá trị tích cực từ truyền thống
văn hoá, truyền thống tri thức, góp phần tác động ngược trở lại quá trình khai
sáng của chủ thể. Khai sáng theo nghĩa hiện thời xem ra cần được hiểu như là
quá trình phát hiện “sự nương nhờ” của trí tuệ vào “quá khứ tư tưởng”, là quá
trình con người “nhận ra” tình trạng “vị thành niên” của mình, để từ đó có những
lựa chọn giải phóng một cách tích cực.
Ý hướng tìm đường giải phóng ấy của chủ thể bị
chi phối từ tập quán truyền thống tư tưởng về tính hiện đại sẽ thúc đẩy cái tiến bộ tích cực ra đời. Sự khai sinh
của cái
tiến bộ mới không chỉ là kết quả của Khai sáng, mà còn là kết quả của lịch
sử và là hành trình vận động không ngừng của tính hiện đại. Chính vì sự tác động biện chứng giữa Tính
hiện đại và Khai sáng lên sự Tiến bộ, cho nên tự thân cái Tiến bộ
sẽ chẳng bao giờ thành tựu được chân lý tuyệt đối. Và bản thân cái Tiến bộ sẽ
có nguy cơ biến thành cái Lạc hậu khi nhu cầu thời đại thay đổi. Đến khi đó,
Khai sáng lại tiếp tục khẳng định vai trò của nó trong việc sản sinh ra cái
tiến
bộ mới nhằm thay thế cái tiến bộ cũ đã biến chuyển trở thành lạc
hậu.
Alain Touraine, Triết gia, nhà xã hội học Pháp.
Ông là cha đẻ của thuật ngữ “xã hội hậu-công nghiệp”(société
post-industrielle), và là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: “The Post-Industrial Society. Tomorrow's Social
History: Classes, Conflicts and Culture in the Programmed Society” (1971)(“Xã hội Hậu-công nghiệp: Lịch sử xã
hội ngày mai: Giai cấp, xung đột và văn hoá trong xã hội chương trình”); “The
Self-Production of Society” (1977) (“Sự
tự sản xuất của xã hội”); “New Paradigm for Understanding Today's World”
(2007) (“Hệ hình mới cho sự hiểu Thế giới ngày nay”)…
Hiện
đại – một dự án bất tận là một trong những tiểu luận quan trọng của Jürgen
Habermas - một trong những triết gia lớn của thế kỷ 20. Tiểu luận là một
phác thảo tổng quan của tác giả về phê phán tính Hiện đại dựa trên lập trường của
Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Trong tiểu luận này, Jürgen Habermas đề cập tới
nhiều vấn đề, trong đó, ông xem nghệ thuật là cái cuối cùng còn giữ lại nhưng
nét đặc trưng của một thứ lý tính cá biệt tuyệt đối, là nơi tập trung các
nguyên tắc cao nhất của tự do sáng tạo. Xin xem: Jürgen Habermas, Hiện Ðại - Một Dự Án Bất Tận. Bản dịch
tiếng Việt của Trần Văn Đoàn.
Nguồn:
http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/hiendai/hiendai1.htm
Theo Tổ chức viện trợ và phát triển toàn cầu Oxfam đưa ra trong
báo cáo mới nhất, thì:
“Sự chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Tại nhiều
nước, người giàu chỉ chiếm thiểu số trong xã hội nhưng lại có vai trò chính yếu
định hình khối tài sản của một quốc gia và xu hướng này đang gia tăng, không chỉ
tại các nước giàu mà cả các nước nghèo. Theo thống kê của Oxfarm, khu vực châu
Phi cận Sahara, khu vực nghèo của thế giới, có tổng cộng 16 tỉ phú đô la bên cạnh
358 triệu người nghèo đói cùng cực. Khoảng cách giữa người giàu và người nghèo
tại Nam Phi càng lớn do nạn phân biệt chủng tộc tại nước này. Tại Mỹ La-tinh, số
tỉ phú tăng 38% trong một năm qua và tăng gần gấp đôi trong giai đoạn từ năm
2008-2014. Trong khi đó, khoảng cách giàu-nghèo khiến khu vực này tụt hậu nhiều
thập kỷ trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo. Oxfam cũng nêu rõ sự bất bình
đẳng kinh tế bùng nổ khắp thế giới trong 30 năm qua là một trong những thách thức
kinh tế, xã hội và chính trị lớn nhất trong thời đại, đòi hỏi các chính phủ
và tổ chức quốc tế hành động mạnh mẽ để đảo ngược tình thế này. Đầu năm
nay, Oxfarm đã công bố báo cáo tựa đề “Làm việc cho thiểu số”, cho thấy bức
tranh về khoảng cách giàu nghèo trên thế giới hiện nay, đồng thời cảnh
báo những rủi ro lớn mà sự chênh lệch giàu nghèo có thể đặt ra cho “tiến bộ
nhân loại”. Dẫn theo Phúc Minh tại: “Khủng hoảng tài chính mở rộng khoảng cách
giàu nghèo?”. Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/122200/Khung-hoang-tai-chinh-mo-rong-khoang-cach-giau-ngheo?.html.
Câu chuyện nhà nước ISIS là một ví dụ
điển hình của cuộc đụng độ giữa phe phiến quân và các “ông chủ” tư bản. Những tổ
chức khủng bố lớn nhỏ ra đời trước đó, như: Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia, tổ chức Hamas, PKK (Đảng
Công nhân người Kurd), Al Shabaab, Ku Klux Klan, Jabhat al-Nusra, Taliban…, và
đặc biệt là Al-Qaeda như là một “cực quyền lực nóng” của thế giới, được lập nên
nhằm mưu đồ viết lại lịch sử của Tiến bộ, của Tự do, Bình đẳng và Bác ái mang
màu sắc bạo lực.
Nhóm liên minh G8 và Nhà trắng (Mỹ) luôn
nhân danh con người, nhân danh Tiến bộ, Tự do và nhân quyền để thực hiện các cuộc
công kích vào các quốc gia mà họ cho là đang nuôi dưỡng mầm mống của chủ nghĩa
khủng bố, nhưng kỳ thực, các cuộc tấn công của họ chủ yếu nhằm vào dân thường
và các khu dầu mỏ đã cho thấy “một Thiên đường tàn bạo” khác đã được dựng lên
bên trên một “thiên đường giả hiệu” của những Ông chủ Tư bản thế giới. Những
tuyên bố của chính quyền nhà trắng trong lịch sử chính trường Mỹ dường như là
minh chứng rõ nét nhất cho cái gọi là độ kênh giữa lời nói với hành động của
các đời tổng thống.
(Xin
tham khảo thêm bài viết: “30 năm qua, Mỹ đã tấn công những quốc gia nào?”.
Nguồn: http://www.vietnamplus.vn/30-nam-qua-my-da-tan-cong-nhung-quoc-gia-nao/218547.vnp)
Trong tác phẩm kinh điển Also sprach Zarathustra (Zarathustra đã nói như
thế) được
viết vào năm 1883, thông qua
hành động lập ngôn của nhân vật Zarathustra, Nietzsche đã góp phần xây dựng nên “lý thuyết siêu nhân”
trong triết học. Siêu nhân theo Nietzsche là những con người biết vượt qua
chính mình bằng tri thức, dám hiểu biết, dám mang theo chiếc búa để “đập vỡ”
các tượng đài về tri thức, hạ bệ các huyền
thoại tư tưởng xuất hiện trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Nhiều triết gia
lớn như Socrates, Plato, Hégel…, là những “thần tượng” về tư tưởng bị Nietzsche
hạ bệ dưới “cây búa” triết học của ông. Lý thuyết siêu nhân của Nietzsche, sau
đó đã bị Adolf Hitler lợi dụng để củng cố sức mạnh quyền lực của chủ nghĩa
Phát Xít Đức, tiến hành các cuộc thảm sát kinh hoàng, giết hại hàng triệu người
vô tội, trong đó chủ yếu là người Do Thái – Giống nòi tiêu biểu cho sự thông
minh ưu trội của con người trên trái đất.
Trong bộ phim The Great
Dictator vua hài Charles Chaplin đã cảnh báo đối xã hội loài người hiện
đại về sự thống trị của máy móc và tình trạng vô cảm, rằng:
“Tôi xin lỗi nhưng tôi không muốn làm hoàng đế
các bạn - đó không phải chuyện của tôi. Tôi không muốn ra lệnh hay chế ngự ai.
Tôi chỉ muốn giúp mọi người nếu có thể, Do Thái, ngoại đạo, da đen, da trắng...
Tất cả chúng ta đều muốn giúp một người khác, con người là thế đó. Chúng ta muốn
sống vì niềm vui của người khác, không phải những khổ đau của họ. Chúng ta chẳng
muốn ganh gét và khinh thường người khác. Thế giới này có đủ chỗ cho mọi người
và trái đất màu mỡ có thể cung cấp đầy đủ cho mọi người. Cuộc sống có thể được
tự do và tươi đẹp. Nhưng chúng ta đã lạc
lối. Lòng tham đã đầu độc tâm hồn con người. Đã cản trở thế giới bằng ganh
ghét. Đã diễu hành chúng ta đi vào đau thương và đổ máu. Chúng ta phát triển tốc
độ nhưng chúng ta đã khép kín chính mình lại. Những cỗ máy cho ta của cải dư thừa
nhưng chúng ta vẫn còn tham lam. Kiến thức làm chúng ta thích mỉa mai nhau.
Thói khôn lanh của chúng ta cứng nhắc không tốt lành. Chúng ta suy nghĩ quá nhiều
nhưng cảm nhận quá ít. Hơn những cỗ máy chúng ta cần tình người. Hơn thói khôn
lanh chúng ta cần tử tế và hòa nhã”
(Nguồn:
http://amara.org/en/videos/inCPrdWkipIf/vi/185138/)
Với
những gì mà loài người đang phải chứng kiến ngày nay đã minh chứng cho tính
đúng đắn trong “thông điệp mang ý nghĩa tiên tri” mà Vua hài của nhân loại đã đặt
ra vào năm 1939.
Khai hoá (tiếng Pháp: Civiliser) là thuật ngữ do các nhà thực dân chủ nghĩa tạo ra, nhấn
mạnh đến vai trò “mở mang văn minh” của quốc gia tiến bộ đối với các nước thuộc
địa. Vì vậy, khai hoá là một động thái tiêu cực, lợi dụng “Khai sáng” (tiếng
Pháp: Les Lumières) như là bức bình
phong nhằm hợp thức hoá quá trình
khai thác thuộc địa của “nhà nước bảo hộ”. Khai hoá, do đó, thực chất là hành động
Nguỵ- Khai sáng, nhằm áp đặt “sự phân biệt” về trình độ dân trí giữa “nhà nước
bảo hộ” đối với “nhà nước bị bảo hộ”. Vì vậy, thực dân Pháp trong quá trình
khai thác thuộc địa tại Việt Nam đã gọi Việt Nam lúc đó là Annam mít (tiếng Pháp là: Annamite), có ý phân
biệt giữa một xã hội văn minh và một dân tộc lạc hậu, chưa được khai sáng.
ISIS là tên viết tắt của Tổ chức “Nhà nước
Hồi giáo Iraq
và vùng Cận đông” (Islamic State of Iraq and al-Sham). Đây là một trong những tổ
chức khủng bố bạo tàn nhất trong thế giới ngầm. Nhà nước này được thành lập nhờ
sự chống lưng của Mỹ dưới cái tên IS (Nhà nước hồi giáo: Islamic State), tuy
nhiên, theo một học giả thì IS là thuật ngữ có xuất xứ chính từ Saudi Arabia, với
ý nghĩa ám chỉ “một cuộc “hôn nhân” vụ lợi
giữa quyền lực chính trị và tôn giáo”. Sau đó IS đã “phản bội” lại ý định của
Mỹ, tách ra trở thành tổ chức độc lập mang tên ISI (Islamic State of Iraq - Quốc
gia Hồi giáo Iraq) để chống lại chính phủ Iraq và dòng Hồi giáo Shia (thân Mỹ).
Từ Iraq, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tại Syria, ISI đã lan rộng ra toàn bộ
khu vực Trung cận đông và chính thức đổi tên thành ISIS. Sự ra đời của tổ chức
này nhằm hai mục đích chính: “Vừa tiếp tục
được lý tưởng thống nhất cộng đồng Hồi giáo (dòng Sunni) khắp thế giới, dưới một
thể chế chung hiện hữu (kết hợp tôn giáo với chính quyền), vừa “chuyển hóa” kẻ
thù từ chính phủ Iraq dòng Shia dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, sang chính quyền Hồi
giáo Shia của Syria”. Từ đó đến nay, ISIS
với những hành động tàn bạo đã trở thành đối tượng chính cần loại bỏ của chính
quyền Obama và Nhóm liên minh G8.
“Theo
nghĩa rộng, cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và căn
bản về chất trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế hình
thái kinh tế - xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế - xã hội cao hơn. Theo nghĩa hẹp, cách mạng xã hội là việc
lật đổ một chế độ chính trị đã lỗi thời, thiết lập một chế độ chính trị tiến bộ
hơn. Dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp,
thì giành chính quyền vẫn là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội”. Nguồn:http://www.wattpad.com/84394-kh%C3%A1i-ni%E1%BB%87m-c%C3%A1ch-m%E1%BA%A1ng-x%C3%A3-h%E1%BB%99i
Theo từ điển Bách khoa mở Wikipedia thì
Cách mạng khoa học (scientific revolution) có nguồn gốc hình thành và ý nghĩa
như sau:
“Trong lịch sử khoa học, cuộc cách mạng
khoa học là một giai đoạn phát sinh nhiều ý tưởng mới về vật
lý, thiên văn học, sinh học, giải phẫu học con người, hóa học,
và các ngành khoa học khác dẫn tới sự loại bỏ các chủ nghĩa học thuyết
đã được đưa ra từ thời Hy Lạp cổ đại đến thời Trung cổ, và đặt nền
móng cho khoa học hiện đại. Theo các học giả nổi tiếng, cách mạng khoa học
bắt đầu từ việc xuất bản hai công trình làm thay đổi diện mạo của khoa học vào
năm 1543 và tiếp tục ảnh hưởng cho đến cuối thế kỷ 17: Công trình của Nicolaus
Copernicus là De revolutionibus
orbium coelestium (On the
Revolutions of the Heavenly Spheres) và công trình của Andreas
Vesalius: De humani corporis fabrica (On the Fabric of the Human body). Nhà
triết học và sử gia Alexandre Koyré đã đặt ra thuật ngữ Scientific Revolution (cách mạng
khoa học) vào năm 1939 để mô tả giai đoạn này. Ý nghĩa của cuộc Cách mạng khoa
học là nhằm: Tạo nên sự biến đổi triệt để về chất của lực lượng sản xuất, biến
khoa học kỹ thuật thành nhân tố chủ đạo của sự phát triển nền sản xuất xã hội,
thành lực lượng sản xuất trực tiếp, dẫn đến sự biến đổi cách mạng trong cơ sở vật
chất kĩ thuật của xã hội, trong tính chất và phân công lao động xã hội. Cách mạng khoa học – kỹ thuật tác động đến mọi mặt của đời sống
xã hội, đòi hỏi ngày càng nâng cao trình độ học thức chuyên môn, trình độ văn
hoá, tổ chức, làm thay đổi thói quen, tập tục lỗi thời; thúc đẩy mạnh mẽ sự
phát triển kinh tế, văn hoá xã hội”.
(Nguồn:http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1ch_m%E1%BA%A1ng_khoa_h%E1%BB%8Dc)