Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

“NẾU TÔI CHẾT, HÃY ĐEM TÔI RA BIỂN” VÀ CHUYỆN CỦA THƯ


Ngô Hương Giang

Nguồn ảnh: Dantri.com

Thưa cả nhà. Vụ việc của Thư mấy ngày qua, tôi có chăm chú theo dõi. Và giờ, tôi không thể không viết một cái gì đó để góp phần làm rõ cái cấu trúc ngôn ngữ muôn thuở của cuộc sống, không phải chỉ là để minh định cho Thư mà còn là để mình bớt day dứt với đời hơn.

1.    Nếu A…. Thì/ Hãy B: Câu chuyện logic kéo theo và sự tất yếu của logic sống

Có lẽ, đến thời điểm này, những ai cầm bút và biết nghĩ về cuộc sống với một tâm thế trầm tĩnh thì chúng ta chẳng cần phải mất nhiều thời gian để lý giải cái sự trùng lặp về cấu trúc ngữ nghĩa và ngôn từ giữa câu thơ của Du Tử Lê và Thư cả. Ngôn ngữ là cấu trúc rút ngắn của cuộc sống, theo đó, nó góp phần rút gọn ý nguyện và tâm thức của con người. Một cấu trúc ngôn ngữ có tính phổ quát thì thường nó phải phản ánh tinh thần, ý nguyện sống chung nhất của con người, cho dù anh và và tôi muốn thoát khỏi cái “cấu trúc” ấy cũng không được.

Hãy quay trở về với câu thơ của Thư và Du Tử lê nhé:

+ Lấy mẫu hình” Biển” (Mẫu Thoải theo thuyết thờ phụng dân gian) “Nếu tôi chết, hãy đem tôi ra biển” đặt cạnh “Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển”; rồi cũng lại lấy cấu trúc ngữ nghĩa ấy đặt cạnh biểu trưng “đất” (Mẫu Địa theo thuyết thờ phụng dân gian): “Nếu tôi chết, hãy chôn tôi cùng với đất”; rồi cũng cấu trúc ấy mang ra đặt cạnh biểu trưng “ngàn” (Mẫu Thượng ngàn theo thuyết thờ phụng dân gian) thì là: “nếu tôi chết, hãy mang tôi lên rừng”… ta sẽ thấy giữa chúng chẳng có cái gì thuộc về bản sắc riêng, mà nó là tinh thần phổ quát của cả dân tộc. Cái tôi quan tâm khi đặt sự phân tích giữa câu thơ của Thư và ông/bà Du Tử Lê ở đây không phải nằm ở ý niệm tinh thần mà các ông các bà ấy triển khai trong thơ mình, mà là ở cái văn hoá nằm trong ngôn ngữ biểu tả của họ. Thực ra cả Thư, Du Tử Lê hay bất cứ ai khi viết về ý niệm chết thì họ cũng không thể thoát ra khỏi cái đặc trưng văn hoá chết và văn hoá sau chết của người Việt. Mà, cái văn hoá ấy như Ông Chu Mộng Long chỉ ra rất đúng: Nó là cổ mẫu của dân tộc Việt. Cổ mẫu ấy có mặt trong các lề thói sống, hằn sâu trong ý thức người Việt rồi, có muốn sáng tạo biệt lập thì cũng không qua nổi cái cõi Tam phủ, Tứ phủ của phong tục Việt đâu.
Tôi ngờ rằng, mấy nhà báo khi đẩy sự việc của Thư đi quá xa như vậy, có lẽ họ đã không hiểu/ hoặc cố tình không hiểu/ hoặc không có cơ hội hiểu/ hoặc hiểu nhưng cố quên cái văn hoá Việt trong ngôn ngữ Việt.
+ Về cấu trúc logic dùng từ: Nếu A… thì/ hãy B, Khi A… thì/ hãy B là cấu trúc logic hình thức ngữ nghĩa chung của các ngôn ngữ. Vì vậy đừng có nói ông này viết theo cấu trúc này là chỉ thuộc về riêng ông ta, hay ngược lại Bà kia cũng vậy. Cấu trúc logic ngôn ngữ trên mang tính phổ quát của tư duy và ai ở trong tình huống ngôn ngữ ấy cũng phải diễn giải theo đúng cấu trúc đấy.
+ Cấu trúc ngôn ngữ phản ánh cấu trúc sự sống của con người: Mỗi một người có một lối sống riêng, thì ngôn ngữ mà họ dùng để diễn tả cũng phải phản ánh đặc trưng tập quán của lối sống người ấy. Về điều này thì chẳng ai có thể vay mượn được của nhau. Đơn giản chúng ta không thể sống 2 cuộc đời trong một thân phận. Đến đây giữa Du Tử Lê và Thư chẳng thể là 2 trong 1 được. Hãy đọc những câu thơ tiếp theo của cả 2 người sẽ rõ.

2.       Tính liên văn bản và sự đa nhân cách

Chẳng ai cầm bút ngày nay lại có thể tự phụ cho rằng cái mình viết là duy nhất do mình nghĩ ra, mà không có sự tác động của một truyền thống giáo dục hay văn hoá nào đó. Có ai dám khẳng định ông/bà Du Tử Lê không chịu ảnh hưởng của một ai trước đó? Cái “mặt nạ nhân cách” là thứ không thể tách rời trong phong cách viết/nghĩ của một con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Tuyên ngôn độc lập còn “ảnh hưởng” từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cơ mà. Ở đây cái gì trở thành sự thật hiển nhiên, nghĩa là tính chính xác của logic sự sống, thì nghiễm nhiên nó sẽ trở thành một giá trị, trở thành một “điển phạm tinh thần” được người đời  sau kế thừa. Vì đơn giản, nó là thước đo giá trị chung, phản ánh nguyện vọng sống chung của con người, thì nó là tài sản chung được con người khai thác.
Từ đó có thể xem Cái chết, Sự sống, Hạnh phúc, Tự do…đều là những thước đo chân thực của cuộc sống, dù anh có nói vòng hay nói thẳng, có mở rộng hay thu hẹp vấn đề thì những thang giá trị kia vẫn là nền tảng căn bản để anh giải quyết “ý niệm sống” của cá nhân mình. Nói như vậy có nghĩa, nó là “tài sản” là “mỏ quặng tinh thần” chung của nhân loại, ai cũng có quyền được khai thác.

3.      Về một “thảm hoạ” truyền thông và báo chí

Nói thực lòng, giờ đây, tôi nghĩ việc đăng báo ở cái xứ mình nó quá dễ dãi và đơn giản. Sự đơn giản ấy đến mức, bất cứ ai đó có tiếng một chút chỉ cần “ho” nhẹ là cũng trở thành đề tài nóng để khai thác. Và tôi cũng không thể tưởng tượng rằng, một tờ báo chính thống, lượng người đọc đông như Dân trí hay VNExpress lại có thể duyệt, cho đăng những bài báo thiếu quá nhiều chứng lý như bài của ông Minh Quang hay Lam Thu - Thoại Hà. Thứ nhất, giả sử nếu chuyện của Thư có tranh chấp bản quyền thật với ông/bà Du Tử Lê, thì người đầu tiên có tiếng nói phải là ông/bà Du Tử Lê chứ sao lại là các vị nhà báo trên. Sao lửa chưa có mà khói đã um xùm rồi? Thứ hai, nếu có tranh chấp bản quyền xảy ra, thì hẳn phải có thêm những chứng cứ khác chứ không phải là 5 hình vị “hãy đem tôi ra biển” có tính phổ quát quen thuộc nằm trong miệng lưỡi giao tiếp người Việt sống ở ven biển hàng ngày mà vội “quy kết” được. Đó là hành động vội vã nổi lửa và quyết “đốt đền” của những kẻ yếu chí và thiếu trí chứ không phải là việc làm của những người “bảo vệ chế độ”. Cứ cái đà này thì chẳng ai ở cái đất nước Việt Nam dám giao tiếp, trao đổi hàng ngày nữa, vì chẳng ai có thể khẳng định mình ra chợ mua vật phẩm, mà câu trả giá lại không “đạo” của ai cả….



Hẳn rằng, các ông bà nhà báo khi phê phán Thư trên Dân trí hay VNExpress, có lẽ họ chẳng bao giờ nghĩ phải “hổ thẹn” với bài viết của chính mình. Vì đơn giản những bài viết ấy nhằm mục đích “đốt đền” nhiều hơn là “xây đền”, thì khó có thể có một sự day dứt lương tâm ở đây. 

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

THƯ MỜI CÀ PHÊ SÁCH: “DIỆN MẠO TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI” của PGS. TS Đỗ Minh Hợp


SALON VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY
THƯ MỜI
CÀ PHÊ  SÁCH
Các anh chị và các bạn thân mến.
Vào 14h30 chiều thứ bảy ngày 18/04/2015,,
tại  quán CÀ PHÊ THỨ BẢY,
số 3A Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội
sẽ diễn ra buổi “cà phê” với PGS,TS  ĐỖ MINH HỢP
về cuốn sáchDIỆN MẠO TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY HIỆN ĐẠI
Chủ trì: NNC Ngô Hương Giang
Rất mong anh chị và các bạn đến tham dự.
Hân hạnh được đón tiếp.
GĐCPTB
      Nhạc sĩ Dương Thụ    
              ___________________________________                                                                                         
LỜI DẪN

(Tóm tắt nội dung của cuốn sách của GS Đỗ Minh Hợp)

Bìa cuốn sách

1) Cách tiếp cận với triết học phương Tây hiện đại

Mỗi thời đại lịch sử văn hóa đều đặt ra những vấn đề, những thách thức xác định đối với tồn tại người. Triết học luôn tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề có liên quan đến con người, đến tồn tại người. Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy đặc trưng cho tri thức triết học là nội dung văn hóa nhân văn, đạo đức và mục đích sống của con người. Chính cái nhìn từ góc độ này cho phép chúng ta nhận thấy sự đặc thù của những vấn đề triết học phương Tây hiện đại đặt ra và giải quyết trong bối cảnh văn hóa tinh thần phương Tây hiện đại. Có thể khẳng định, triết học phương Tây hiện đại cùng với hệ vấn đề của nó tạo thành một giai đoạn mới trong tiến trình lịch sử triết học thế giới. Do vậy, tìm hiểu những vấn đề hiện đại của triết học phương Tây là một nhiệm vụ thật sự cần thiết đối với công việc nghiên cứu lịch sử triết học, đặc biệt là trong bối cảnh tiếp biến văn hóa toàn cầu hiện nay.
Hegel từng nhận xét: “triết học cần phải đề phòng khát vọng trở thành kẻ đi giáo huấn”. Triết học cần phải có cảm hứng mới, được giải phóng khỏi tính chất giáo huấn, thật sự mang tính nhân văn. Để điều đó diễn ra, cần phải có những nỗ lực tự giác nhằm khắc phục hàng loạt khuôn mẫu đã hình thành trong triết học. Đó trước hết là việc khắc phục thái độ cảnh giác cao độ đối với triết học phương Tây với tính cách một hiện tượng văn hóa tinh thần nhân văn. Trong điều kiện hiện đại, thái độ trịnh thượng đối với triết học phương Tây cần phải bị loại bỏ. Quay lưng lại với những thành tựu của triết học phương Tây hiện đại có nghĩa là tự đưa mình vào địa vị biệt lập với thế giới triết học, là thỏa mãn với vai trò của kẻ đứng ngoài tiến trình phát triển triết học và văn hóa chung nhân loại. Những hậu quả của chủ nghĩa biệt lập về văn hóa có ảnh hưởng rất tiêu cực đối với thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ cần phải có được khả năng rút ra những bài học nghiêm túc từ kinh nghiệm thời hiện đại để bước vào thiên niên kỷ mới không phải trong trạng thái rối loạn tâm trí mà với thái độ sẵn sàng đón nhận mọi thử thách. Trong bối cảnh đó, một nhiệm vụ cấp bách đối với chúng ta là tổng kết những thành tựu phát triển triết học phương Tây hiện đại nhằm khảo cứu những sự kiện, những thành công và thất bại của thời hiện đại trên bình diện triết học.
Tôi tất nhiên không có tham vọng và cũng không có khả năng đưa ra một đánh giá căn bản và cụ thể về toàn bộ triết học phương Tây hiện đại. Ngược lại, tôi chỉ đặt ra cho mình một nhiệm vụ là nỗ lực truyền đạt tinh thần của triết học phương Tây hiện đại, định hướng về nội dung, các động cơ tìm tòi triết học nhờ làm sáng tỏ các đặc điểm của cách đặt ra và giải quyết những vấn đề có liên quan tới con người trong thế giới phương Tây hiện đại. Tôi không có chủ ý trình bày toàn bộ thông tin, mà chỉ muốn kích thích quan tâm tới triết học, nghiên cứu nó cách nghiêm túc và sâu sắc.

2) Những nội dung cơ bản của cuốn sách

Cuốn sách này sẽ cố khái quát tài liệu triết học hiện đại để qua đó làm sáng tỏ những tư tưởng và quan điểm của các triết gia phương Tây hiện đại, để chỉ ra các xu hướng đặc trưng nhất cho triết học hiện đại, phân biệt nó với triết học cận hiện đại. Khác biệt mang tính nguyên tắc này có liên quan không những đến nội dung các tác phẩm triết học hiện đại mà còn có liên quan đến bản thân tinh thần của chúng: triết học hiện đại thể hiện rõ thái độ lo lắng và quan tâm đến số phận của con người và của loài người. Phần lớn các triết gia phương Tây hiện đại không tán thành thái độ lạc quan của tệ sùng bái tiến bộ (“tiến bộ giáo”) đặc trưng cho thế kỷ XIX. Phân tích các tác phẩm triết học hiện đại cho phép chuyển tải năng lượng tinh thần gắn liền với cảm nhận thế giới đặc biệt của các triết gia hiện đại - thái độ lạc quan mang tính bi kịch, biểu thị lòng dũng cảm thừa nhận những mối nguy hiểm đang đe doạ loài người và thái độ kiên quyết khắc phục chúng.
Chính vì vậy, tôi thấy cần phải làm sáng tỏ bối cảnh tinh thần phương Tây hiện đại cùng với điều kiện trở nên đặc biệt phức tạp của tồn tại người. Triết học hiện đại nhấn mạnh rằng, trái với hy vọng, cả tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cả tiện nghi và chất lượng sống đi liền với chúng đều không làm cho cuộc sống của con người hiện đại trở nên nhẹ nhàng hơn về mặt tâm thần - tinh thần. Ngược lại, thời hiện đại đề ra những đòi hỏi cao hơn cho con người. Tính chất bi đát đặc biệt của bối cảnh hiện đại là con người thường không sắn sàng vượt qua gánh nặng tâm thần - đạo đức của cuộc sống hiện đại, chống lại những cú đòn của số phận cách thỏa đáng. Do vậy, tôi cố thu hút quan tâm đến các tác phẩm triết học đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải có những nỗ lực tự giác và có mục đích rõ ràng nhằm duy trì và bảo vệ những giá trị bất biến của tồn tại người: chân lý, công bằng, cái thiện, cái đẹp, bổn phận, tình yêu, lòng nhân ái và đồng cảm. Chỉ có tư duy hời hợt mới coi những giá trị này là đã lỗi thời và đánh mất tính hiện đại. Theo các triết gia hiện đại nổi tiếng, trong điều kiện xã hội đám đông, những giá trị này đang bị phủ định ngày một tăng, song ý nghĩa xã hội và nhân văn của chúng không những không giảm mà còn tăng lên hơn bao giờ hết.
Nhân đây, cuốn sách sẽ đặc biệt quan tâm tới vấn đề ngôn ngữ, ý thức và giao tiếp. Theo niềm tin sâu sắc của tác giả, triết học phương Tây hiện đại đã thực hiện bước ngoặt cho phép chuyển biến hệ vấn đề ngôn ngữ, ý thức và giao tiếp từ lĩnh vực ngoại diên của tri thức triết học thành một trong các lĩnh vực trung tâm của tri thức triết học. Không phải ngẫu nhiên mà triết học hiện đại đã phát triển mạnh mẽ các khuynh hướng tư tưởng triết học, như hiện tượng học, chú giải học, triết học ngôn ngữ. Tiếc thay là bước ngoặt ấy chưa được chúng ta quan tâm thỏa đáng. Trong khi đó, nếu không tính đến vị trí và vai trò của hệ vấn đề ngôn ngữ, ý thức và giao tiếp, thì không thể có được một quan niệm chân thực về triết học phương Tây hiện đại. 
Tôi thấy cần phải trình bày nội dung của triết học phương Tây hiện đại không phải từ các vấn đề bản thể luận, mà từ đề tài bối cảnh tinh thần phương Tây hiện đại, hệ vấn đề ý thức, ngôn ngữ, giao tiếp, vì chỉ sau khi đưa ra các đặc trưng của bối cảnh tinh thần phương Tây thời hiện đại dựa trên tác phẩm của bản thân các triết gia phương Tây hiện đại lớn nhất và nêu bật ý nghĩa của hệ vấn đề ngôn ngữ, ý thức và giao tiếp, thì mới có thể truyền đạt được tinh thần và đặc thù của triết học phương Tây  hiện đại.
Những vấn đề toàn cầu của thế giới hiện đại giữ một vị trí đặc biệt trong cuốn sách này. Tính thực tại của nguy cơ thảm họa hạt nhân, thảm họa sinh thái, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, những biến đối tiêu cực về khí hậu, v.v. có một ý nghĩa to lớn trong việc khảo cứu thời hiện đại trên bình diện triết học. Do vậy, những vấn đề toàn cầu được quan tâm đặc biệt, chúng không những được đề cập tới trong cả một chương riêng biệt mà còn hiện diện dưới hình thức này hay hình thức khác trong tất cả các chương, quy định đáng kể nội dung và định hướng của toàn bộ cuốn sách.
Cuốn sách này đặt ra và giải quyết theo cách khác những vấn đề quan hệ giữa triết học và khoa học, nhân học triết học, triết học văn hóa. Cụ thể, tôi đặc biệt lưu ý rằng, triết học phương Tây hiện đại hoàn toàn xa lạ với quan niệm không có vấn đề về văn hóa, ngược lại, các triết gia phương Tây hiện đại kiên quyết vạch ra những mâu thuẫn của văn hóa, khước từ cái nhìn về văn hóa như một phương tiện vạn năng cho phép giải quyết mọi vấn đề, tất nhiên họ cũng không bảo vệ sự man rợ và chủ nghĩa ngu dân.
Nhân học triết học được xem là hiện tượng tri thức siêu hình học bắt nguồn từ các đặc thù của thời hiện đại, nhìn chung chưa được biết tới trong triết học quá khứ. Nhân học triết học hiện đại đưa ra quan niệm rằng, nhiều vấn đề xã hội, như quan hệ giữa xã hội và tự nhiên, bắt nguồn không phải từ các cơ cấu xã hội phi nhân cách, không phải từ cái gọi là các quy luật khách quan, mà bắt nguồn từ bản thân con người. Với nghĩa đó, nhân học triết học đặt con người vào trung tâm của vũ trụ, quan niệm con người là thực thể chịu trách nhiệm chính về số phận của vũ trụ, về toàn bộ kết cấu của giới tự nhiên. Đồng thời nhân học triết học cũng thực hiện cách tiếp cận với con người không những trên các bình diện xã hội mà còn như một loại tồn tại đặc biệt, không những như một thực thể duy lý (có lý tính) mà còn như một thực thể phi duy lý và siêu duy lý. Cách tiếp cận như vậy cho phép khảo cứu con người cách toàn diện hơn, tập trung vào những phương diện nhạy cảm nhất của tồn tại người, như tình yêu, hiếu chiến, sợ hãi, cô đơn hiện sinh, tình dục, v.v..
Trong các chương đề cập tới triết học xã hội và triết học lịch sử, tôi làm sáng tỏ các khái niệm và các vấn đề tiến bộ xã hội, bản chất và mục đích của lịch sử, tính tương giao chủ thể, chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, v.v.. Nhiều vấn đề này chưa được nghiên cứu thỏa đáng, không tính đến những giải pháp khác nhau của triết học phương Tây hiện đại. Tôi không tán thành thái độ ngạo mạn hoàn toàn vô căn cứ đối với các tư tưởng triết học phương Tây hiện đại phổ biến rộng rãi.
Đánh giá triết học phương Tây hiện đại, tôi sử dụng thuật ngữ “triết học hậu cổ điển” như thuật ngữ đối lập với thuật ngữ “triết học cổ điển”, tức là triết học duy lý cận hiện đại. Phân chia hai giai đoạn triết học - cổ điển và hậu cổ điển - không theo đuổi mục đích lý luận mà chủ yếu theo đuổi mục đích phương pháp, vì phân chia như vậy cho phép nhận thấy rõ hơn các đặc điểm của văn hóa và triết học hiện đại, những khác biệt của nó so với các thời đại trước kia.
Đồng thời, tôi cũng quan tâm nhiều tới những khuynh hướng và những đại diện chủ yếu của triết học quá khứ, bắt đầu từ triết học Hy Lạp cổ đại ở chừng mực quay về lịch sử triết học như vậy cho phép hình thành được quan niệm toàn vẹn về triết học, về các giai đoạn tiến hóa lịch sử cơ bản của triết học.
Phần kết luận được tôi đặt tên là “truyền thống văn hóa nhân văn – tiền đề để nghiên cứu triết học và các khoa học nhân văn”. Truyền thống văn hóa nhân văn hình thành từ tổng thể những quan niệm đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, pháp lý, khoa học, triết học, v.v. ở chừng mực chúng xem xét và phản ánh các đặc điểm của tồn tại người. Tất cả các thành tố của truyền thống văn hóa nhân văn đều có liên hệ một cách nào đó với sự phản ánh con người và thế giới tinh thần của nó. Văn hóa nhân văn được hiểu là một bộ phận của văn hóa trực tiếp quan tâm tới con người như một hiện tượng đặc biệt, khác với tồn tại tự nhiên thuần tuý.
Tính nhân văn của văn hóa gắn liền không chỉ với việc đối tượng suy ngẫm ở đây là con người. Một điều cũng quan trọng là ở chỗ tính nhân văn thể hiện thái độ đặc biệt đối với con người. Đây là thái độ đối với con người như đối với mục đích chứ không phải như đối với phương tiện, như thái độ đối với giá trị. Đây là khát vọng thấu hiểu thế giới nội tâm của con người - con người khác với tôi, đôi khi sống ở thời đại khác, ở đất nước khác, thuộc về một nền văn hóa khác. Thí dụ, khát vọng thấu hiểu con người bộc lộ rõ trong văn học và nghệ thuật. Tác giả tác phẩm nghệ thuật hay nhà văn cố gắng mô tả thế giới nội tâm của nhân vật, biểu thị tư tưởng và tình cảm của nhân vật, phát hiện ra động cơ hành động của nhân vật. Khi nghiên cứu các sự kiện quá khứ, nhà sử học trong đa số trường hợp cũng không dừng lại ở những lời giải thích sử học mang tính khách quan. Thế giới nội tâm của các nhà hoạt động trong quá khứ cũng là quan trọng đối với nhà sử học giống như các nhân tố kinh tế và xã hội. Đối với việc nghiên cứu những hiện tượng văn học, nghệ thuật, các quá trình văn hóa nói chung thì vấn đề thấu hiểu thế giới tinh thần của con người bao giờ cũng là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Đó là đặc điểm của tính nhân văn nói chung: nó không thể thiếu sự quan tâm đặc biệt đến con người, không thể thiếu khát vọng thấu hiểu thế giới nội tâm của con người. Do vậy, tính nhân văn đòi hỏi phải có khả năng đồng cảm, nguyện vọng đứng trên địa vị của người khác, thấu hiểu logic và động cơ bên trong của người khác.
Văn hóa nhân văn có những biểu hiện đa dạng. Đồng thời nó cũng có sự thống nhất nội tại được quy định bởi những đặc điểm căn bản chung, vốn có của con người, cho dù con người có thuộc về dân tộc nào đi chăng nữa, sống ở nước nào đi chăng nữa, có những đặc điểm cá biệt nào đi chăng nữa. Nói cách khác, văn hóa nhân văn có tính toàn vẹn vì nó biểu thị sự thống nhất của loài người. Biến đổi từ thời đại này sang thời đại khác, nó cấu thành một dòng chảy thống nhất, hình thành nên môi trường trong đó mỗi con người cụ thể sinh sống. Bằng cách này hay cách khác, ở mức độ lớn hay nhỏ, văn hóa nhân văn đều tác động đến cá nhân trong suốt toàn bộ cuộc đời của nó, từ thời thơ ấu cho đến lúc già. Biểu thị tính kế thừa của các tư tưởng văn hóa, dòng chảy văn hóa cấu thành truyền thống.
Truyền thống văn hóa nhân văn thể hiện là sự tổng hợp nhiều bộ phận cấu thành. Chúng ta có thể tách biệt trong nó các tư tưởng thuộc về những lĩnh vực khác nhau - triết học, đạo đức, pháp luật, tôn giáo, v.v.. Nhưng, truyền thống có tác động như một quá trình toàn vẹn đến cá nhân. Mỗi một thế hệ mới đều dường như đắm mình vào dòng chảy văn hóa, nắm bắt và thực hiện di sản văn hóa trong tính không phân chia của nó. Sự tồn tại và sự tác động của truyền thống văn hóa nhân văn như một chỉnh thể thống nhất tạo ra các điều kiện cho sự tồn tại và hoạt động của các hình thức văn hóa riêng biệt, trong đó có triết học.
Triết học (giống như mọi đối tượng khác) tất nhiên không thể được quy về các điều kiện của mình. Nhưng, chỉ khi có mặt những điều kiện ấy thì nó mới có thể tồn tại hiện thực chứ không phải tồn tại hư ảo. Chúng ta giả định con người vô tình đánh mất khái niệm về cái thiện và cái ác, hoàn toàn lãng quên lịch sử, không biết đến những tác phẩm văn học và nghệ thuật cổ điển, thì việc lĩnh hội các tư tưởng triết học trong trường hợp này sẽ trở nên cực kỳ khó khăn. Đứng ở bên ngoài truyền thống văn hóa nhân văn thì không thể lĩnh hội và thấu hiểu được nội dung của các phạm trù và các tư tưởng triết học. Chúng dường như biến thành âm thanh chết, các công thức trống rỗng.
Lịch sử loài người biết đến các trường hợp làm đứt đoạn hoàn toàn tính kế thừa văn hóa, đánh mất các giá trị quá khứ. Sự làm đứt đoạn truyền thống thường gắn liền với những thảm họa xã hội, với sự diệt vong của các nền văn minh, v.v.. Cần phải bỏ ra những nỗ lực to lớn để khắc phục những hậu quả tiêu cực của sự làm đứt đoạn mối liên hệ văn hóa, để dần dần khắc phục lại những cái đã đánh mất. Việc làm cho con người hoàn toàn tách ra khỏi truyền thống văn hóa nhân văn sẽ biến nó thành kẻ man dợ, không có được quan niệm về những khái niệm cơ bản của xã hội văn minh.
Trong điều kiện hiện đại, truyền thống văn hóa nhân văn có tác động đến con người kể từ khi bắt đầu ngồi dưới ghế nhà trường. Việc nghiên cứu các môn học như sử học, văn học có một ý nghĩa đặc biệt. Việc làm quen với lịch sử và các tác phẩm văn học cổ điển không chỉ có ý nghĩa nhận thức. Nó có nhiệm vụ đặt cơ sở cho văn hóa nhân văn, đem lại quan niệm về những giá trị cơ bản của nền văn minh, hình thành thói quen nhận thức và giao tiếp một cách nhân văn. Tuy nhiên, không chỉ có sử học và văn học có ý nghĩa văn hóa nhân văn. Tất cả các môn học ở trường phổ thông đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến quá trình hình thành những phẩm chất nhân văn quan trọng nhất. Thí dụ, toán học góp phần hình thành xây dựng thói quen tư duy có logic. Sẽ là một sai lầm nếu nghĩ rằng quá trình nắm bắt những giá trị văn hóa nhân văn có thể thiếu khả năng tư duy có logic chặt chẽ. Một điều cũng sai lầm là quan niệm cho rằng các khoa học nhân văn căn cứ trên một logic đặc biệt, khác với logic của toán học và của khoa học tự nhiên. Nếu logic như vậy có tồn tại, thì nó không bác bỏ mà giả định các quy luật logic học hình thức là tiền đề cần thiết. Thói quen tư duy có logic là quan trọng như nhau đối với toán học, khoa học tự nhiên và các khoa học nhân văn. Chúng cũng là quan trọng đối với triết học.
Việc kế thừa các tư tưởng văn hóa có một ý nghĩa đặc biệt đối với triết học và các khoa học nhân văn vì bản thân sự tồn tại của tri thức nhân văn có thể bị đe doạ trong điều kiện đánh mất những thành tựu quá khứ. Chỉ có việc có tính đến những thành tựu quá khứ, chỉ có việc thường xuyên phát hiện ra mối liên hệ với bối cảnh văn hóa chung mới cho phép triết học và các khoa học nhân văn giữ được địa vị khoa học, chứ không bị xa xuống cấp độ những sự tư biện trống rỗng. Nhà nhân văn học chỉ trở thành chuyên gia sau khi đã được trang bị tri thức về lịch sử khoa học của mình và lịch sử văn hóa nói chung. Nhãn quan văn hóa quảng bác đối với nhà nhân văn học không phải là sự bổ sung không bắt buộc cho nghề nghiệp mà nằm trong bản thân quá trình đào tạo nghề nghiệp. Trong trường hợp ngược lại, nhà nhân văn học có nguy cơ bị hoàn toàn đánh mất định hướng và vô tình xa xuống những sự tư biện tuỳ tiện.
Những điều hão huyền vô căn cứ và những giả thuyết tù mù là mối nguy hiểm và sự quyến rũ hiện thực đối vơí bất kỳ ai nghiên cứu các khoa học nhân văn. Việc tuân theo nghiêm ngặt các sự kiện cũng không cứu thóat khỏi chúng vì cùng một số sự kiện có thể cho phép xây dựng các toà nhà lý luận khác nhau. Các khoa học nhân văn, kể cả triết học, trong đa số trường hợp đều không có khả năng trực tiếp kiểm tra bằng thực tiễn những kết luận cuả mình hay là sự kiểm tra như vậy đòi hỏi một thời gian kéo dài và những chi phí to lớn. Các phương thức kiểm tra gián tiếp càng có một ý nghĩa lớn hơn trong việc xác định mức độ xác thực của các kết luận lý luận. Trong các phương thức như vậy có việc đối chiếu những luận điểm đưa ra với lịch sử tư tưởng và văn hóa.
Việc làm quen với các tác phẩm cổ điển của văn hóa tinh thần có một ý nghĩa đặc biệt đối với việc nắm bắt có hiệu quả và việc thấu hiểu đúng tri thức khoa học nhân văn. Việc làm quen với chúng lại là càng quan trọng vì thời hiện đại và các sản phẩm sáng tạo tinh thần hiện đại là mang tính hậu cổ điển. Điều này không có nghĩa rằng văn hóa hiện đại thấp kém hơn văn hóa cổ điển. Nhưng, chính văn hóa cổ điển định trước các khuôn mẫu biểu thị rõ nhất các đặc điểm mang tính quyết định của một hình thức, một thể loại văn hóa. Trong mỗi nền văn hóa dân tộc cũng đều có những tác phẩm có ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển văn hóa sau đó và được gọi là những tác phẩm cổ điển. Tất nhiên là có thể tuân theo hay không tuân theo các mẫu mực cổ điển. Song, hiểu biết chúng, có quan niệm chung về những đặc điểm đặc trưng của chúng là điều kiện tất yếu cho học vấn nhân vaưn và văn hóa. Nó là điều kiện chi tính có nghĩa và tính có luận chứng của những phán đoán trong triết học và các khoa học nhân văn.
Giá trị của truyền thống văn hóa nhân văn đối với triết học và các khoa học nhân văn không chỉ là ở chỗ truyền thống này thể hiện là tổng thể những tri thức, Tham gia với tính cách một vòng khâu mới vào sự phát triển có kế thừa của văn hóa, mỗi thế hệ mới đều có được những thói quen và kỹ năng nhất định cùng với những tri thức. Điều quan trọng không chỉ là biết mà còn là thấu hiểu, tự do sử dụng những tri thức và áp dụng chúng. Chỉ có trong trường hợp như vậy thì tri thức mới trở nên sống động chứ không chết cứng. Những thói quen và kỹ năng được hình thành không bằng cách nào khác như thông qua việc thường xuyên luyện tập  dưới sự chỉ đạo của các thày giáo có kinh nghiệm. Do vậy, truyền thống không những là tri thức mà còn là những khuôn mẫu áp dụng nó. Các phương thức giải quyết vấn đề, các cách tiếp cận, các phương pháp, các lối tư duy đa dạng, các mẫu mực xây dựng tác phẩm, phong cách trình bày - tất cả những điều đó quan trọng không kém nội dung của tác phẩm.
Trước hết cần phải nắm bắt các phương thức thấu hiểu những thành tựu văn hóa hiện có - thấu hiểu nghĩa của chúng đối với tôi như một con người cụ thể. Sẽ không thể đạt được điều đó nếu ngay từ đầu đã tự hạn chế mình ở nhiệm vụ nắm bắt thông tin có sẵn, có quan hệ với lĩnh vực chuyên môn. Cần phải học cách lĩnh hội văn hóa như một chỉnh thể, học được cách sống trong văn hóa, đắm mình vào văn hóa. Mối liên hệ mật thiết của tri thức nhân văn với toàn bộ truyền thống văn hóa - nghệ thuật, văn học, đạo đức, pháp luật, các quan điểm thẩm mỹ học, v.v., là đặc điểm đặc trưng cho sự phát triển của các khoa học nhân văn, kể cả ở thời hiện đại.

Như vậy, truyền thống văn hóa nhân văn là điều kiện để nghiên cứu triết học và các khoa học nhân văn vì nó hình thành các phẩm chất và các năng lực mà nếu thiếu thì việc nắm bắt những tư tưởng triết học hóa ra là một nhiệm vụ bất khả thi. Truyền thống văn hóa nhân văn cần phải hiện diện trong tâm hồn như là thể nền cần thiết của triết học: chỉ hiện diện trong lĩnh vực văn hóa nhân văn thì cá nhân mới có khả năng lĩnh hội, thấu hiểu và đồng sáng tạo ra các tư tưởng triết học.  
 ________________________________________________________________ 
   VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ 

Phó Giáo sư  ĐỖ MINH HỢP  sinh ngày 06/07/1962 tại  Ninh Dân, Thanh Ba, Phú Thọhiện  công tác tại Viện Triết học, VKHXHVNÔng  tốt nghiệp đại học tại Liên Xô (cũ) năm 1987.Học vị: TS. Triết học.  

            SÁCH ĐÃ XUẤT BẢN

01. Quan niệm của Hêghen về bản chất của triết học. Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 1998
02. Vấn đề tư duy trong triết học Hêghen. Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 1999;
03. Quan điểm lịch sử triết học của Hêghen. Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 2001;
04. Triết học pháp quyền của Hêghen. Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 2002;
05. Những vấn đề toàn cầu trong thời đại ngày nay. Nxb. Giáo dục, HN., 2004;
06. Từ điển quản lý xã hội. Nxb. Đại học Tổng hợp, HN., 2004.
07. Lịch sử văn hóa thế giới gồm 2 tập. Nxb. Bách khoa thư, HN., 2005;
08. Đại cương lịch sử triết học phương Tây. Nxb. Đại học Tổng hợp, HCM, 2006;
09. Tôn giáo: lý luận xưa và nay. Nxb. Đại học Tổng hợp, HCM., 2006;
10. Nhập môn tôn giáo học. Nxb. Tôn giáo, HN., 2006;
11. Tôn giáo phương Đông. Nxb. Tôn giáo, HN., 2006;
12. Diện mạo triết học phương Tây hiện đại. Nxb. Hà Nội, HN., 2006;
13. Văn hóa học. Nxb. Giáo dục, HN., 2007.
14. Triết học phương Tây hiện đại. Cuốn 1. Nxb. Đại học Tổng hợp HCM, HCM., 2007;
15. Hiện tượng học Husserl. Nxb. Tôn giáo, HN., 2008.
16. Triết học hiện sinh. Nxb. Tụn giỏo, HN., 2010.
17. Lịch sử triết học đại cương. Nxb. Giáo dục, HN., 2010.
18. Nhập môn triết học. Nxb. Giáo dục, HN., 2010.
19. Chủ nghĩa Mác phương Tây (trường phái Frankfurt). Nxb. Tôn giáo, HN., 2023.
20. Triết học đại cương. Nxb. Đại học Tổng hợp HCM, 2012.
21. Nhân học triết học Freud và ảnh hưởng của nó đến nhân học triết học phương Tây hiện đại. Nxb. Tôn giáo, HN., 2012.
22. Tại sao chúng ta cần phải kiên định chủ nghĩa Mác? Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 2014.
23. Lịch sử triết học phương Tây (gồm 3 tập). Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 2014. 

           TÊN BÀI BÁO CÔNG BỐ TRÊN TẠP CHÍ TRONG NƯỚC

1. Về khái niệm"tự do" trong triết học Hêghen. T/c Triết học, N%1, 2004.
2. Quan điểm nhân học trong triết học Xôcrát. T/c Triết học, N% 8, 2004.
3.  Triết học đạo đức Kitô giáo. T/c Nghiên cứu Tôn giáo, N% 1, 2009.
4. Triết học Mác và nền văn minh công nghiệp. T/c Triết học, N% 6, 2008.
5. Về tính chủ quan trong triết học phương Tây hiện đại. T/c Triết học, N% 1, 1996.
6. Bản thể luận Huxéc với chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm Cantơ. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Triết học cổ điển Đức: Những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học”, Hà Nội, 2004.
7. Cách tiếp cận tiên nghiệm với việc phân tích ý thức ở Cantơ và Huxéc. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “I.Cantơ - Người sáng lập nền triết học cổ điển Đức”, Hà Nội, 1997.
8. Kinh nghiệm tuyệt đối và hiện tượng học Huxéc. T/c Triết học, N% 1, 1998.
9. Khái niệm “tồn tại” trong chủ nghĩa hiện sinh. T/c Triết học, N% 6, 1998.
10. “Buồn nôn” – tính phi lý của tồn tại. T/c Triết học, N% 1999.
11. Haiđơgơ với vấn đề bản chất của triết học. T/c Triết học, N% 1999.
12. Triết học phương Tây hiện đại: một cái nhìn khái quát. T/c Triết học, N% 1, 2000.
13. Nhân học triết học hiện đại với vấn đề tồn tại người. T/c Triết học, N% 3, 2000.
14. Triết học tôn giáo phương Tây hiện đại. T/c Triết học, N% 3, 2001.
15. Đối tượng của triết học – lịch sử vấn đề. T/c Triết học, N% 1, 2002.
16. Siêu hình học: tồn tại hay không tồn tại? T/c Triết học, N% 7, 2002.
17. Sự hình thành bản thể luận văn hóa. T/c Triết học, N% 1, 2003.
18. Chủ nghĩa hiện sinh nhìn từ góc độ văn hóa học. T/c Triết học, N% 6, 2003.
19. Tính chất duy ngã trong triết học hiện sinh của Kiếccơga. T/c Triết học, N% 2, 1997.
20. Khái niệm sự thông thái – chiếc chìa khóa để đến với quan niệm về triết học Hy Lạp cổ đại. T/c Khoa học Xã hội, N% 7, 2004.
21. Tư tưởng nhân học của C.Mác trong giai đoạn hình thành triết học Mác. T/c Khoa học Xã hội, N% 10, 2004.
22. Suy ngẫm về vai trò của triết học trong bối cảnh toàn cầu hóa. T/c Phát triển nhân lực, N% 5, 2008.
23. Ph.Nítsơ - Người “khuấy đảo” triết học Tây Âu nửa cuối thế kỷ XIX. T/c Triết học, N% 2, 2005.
24. Tư tưởng đạo đức học của Gi.P. Xáctơrơ. T/c Triết học, N% 11, 2005.
25. “Cuộc cách mạng nhân học” trong triết học tôn giáo phương Tây hiện đại. T/c Triết học, N% 8, 2006.
26. Nhìn nhận toàn cầu hóa từ yêu cầu phát triển bền vững. T/c Lý luận chính trị, N% 8, 2006.
27. Tư tưởng đạo đức học của F.Nietzsche. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề triết học phương Tây thế kỷ XX”. Hà Nội, 2006.
28. Tự do và trách nhiệm trong đạo đức học hiện sinh. T/c Triết học, N% 12, 2007.
29. Lý luận hiện đại hóa phương Tây: Sự ra đời, lôgíc tiến hóa và kết cục. T/c Phát triển nhân lực, N% 2, 2008.
30. Quan điểm triết học xã hội của Mác về cá nhân và xã hội và giá trị hiện nay của nó. T/c Phát triển nhân lực, N% 4, 2008.
31. Về phương pháp hiện tượng học của Huxéc. T/c Triết học, N% 5, 1996.
32. Vai trò của triết học Cantơ đối với sự phát triển của triết học. T/c Triết học, N% 1, 1994.
33. Tự do và trách nhiệm cá nhân trong “Tồn tại và hư vô” của J.-P.Sartre. T/c Triết học, N% 3, 2009.
34. Vận mệnh của học thuyết Mác về chủ nghĩa xã hội. T/c Triết học, N% 5, 2010.
35. Đối thoại theo tinh thần khoan dung – nhân tố đảm bảo sự sống còn của loài người. T/c Triết học, N% 6, 2011.
36. Wittgenstein với vấn đề chữa trị “bệnh tâm thần” cho triết học hiện đại. T/c Triết học, N% 10, 2012.
37. Diện mạo triết học giáo dục phương Tây hiện đại. T/c Lý luận chính trị và truyền thông, N% 1, 2013.
38. Vấn đề “Nhân chi sơ tính bản thiện hay tính bản ác trong phân tâm học Freud”. T/c Nghiên cứu con người, 2014, N% 1.
39. Giá trị phương Tây trong bối cảnh hiện đại hóa xã hội ở nước ta hiện nay. T/c Triết học, 2014, N% 10.
40. Đối tượng của triết học chính trị. T/c Phát triển nhân lực xã hội và nhân văn, 2014, N% 12.
41. Sứ mệnh văn hóa của trí thức trong điều kiện nước ta hiện nay. T/c Triết học, 2015, N% 

           SÁCH DỊCH 

1. Lịch sử phép biện chứng. Gồm 5 tập, 6 cuốn. Nxb. Chính trị Quốc gia, HN., 1997.
2. Triết học phương Tây hiện đại (Từ điển). Nxb. Khoa học xã hội, HN,. 1997.
3. 106 nhà thông thái. Nxb. Chính trị Quốc gia, 1997.
4. Triết học mở và xã hội mở. Nxb. Khoa học Xã hội, HN., 2000.
5. Triết học tôn giáo (của Melthomson). Nxb Đại học Tổng hợp, HN., 2000.
6. 120 nhà thông thái (gồm 6 cuốn). Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2014.