(Trích từ chuyên luận Triết học: Khai sáng và Phê phán
Góp phần nghiên cứu tư tưởng Khai sáng và Phê phán lí tính văn hóa, xuất bản Quý I/ 2015)
Kant và Foucault |
Kể từ khi Kant xuất bản lần đầu tiểu luận Beantwortung der Frage: Was ist die
Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì?) cho đến nay, những vấn
đề ông đề cập trong văn bản vắn gọn ấy vẫn là những tranh luận triết học khó có
hồi kết. Những định đề như: Tự do lý trí
cá nhân và tự do lý trí công cộng,
cũng như các nguyên tắc đạo đức trong khi thực hiện lý trí(**) được xem là trung tâm của các
tranh luận triết học về sau giữa các triết gia tên tuổi như: Theodor
W. Adorno, Max Horkheimer, Jürgen Habermas, Walter Benjamin, Max Weber và đặc biệt
là Michel Foucault. Điều này cho thấy, vấn đề Khai sáng không phải chỉ là vấn đề thuộc về lịch sử, có tính giai
đoạn, mà là một vấn đề có tính phổ quát trong mọi diễn tiến lịch sử và thời
gian. Nó là thái độ của con người chống lại tình trạng ấu trĩ về tư tưởng và lạc hậu
trong sáng tạo văn hóa. Khi nào con người còn xem lý trí như là nguyên tắc
cốt lõi chống lại sự lệ thuộc về mặt
tư tưởng, và xem tự do, đặc biệt là tự do trong khi bày tỏ lý trí của mình trước
công chúng như là vấn đề then chốt của tiến bộ và cách mạng, thì khi ấy, tác động
của vấn đề Khai sáng vẫn còn giữ vai
trò lịch sử to lớn của nó. Vì vậy, những gì mà loài người đang trải qua ngày
hôm nay, với xu hướng lệ thuộc vào công nghệ và máy móc như là “căn bệnh” cố hữu
của thời kỳ mà các triết gia gọi là Hậu hiện đại (post – Modernism), một lần nữa
lại nhắc nhở chúng ta không thể lãng quên vấn đề mà Kant đã từng đặt ra vào năm
1784: Vấn đề Khai sáng.
Lịch sử triết học, hẳn rằng có những thiếu
sót không nhỏ đối với sự tiến bộ của nhân loại khi nó đã có những phê phán và
quy kết tai hại về thời đại Khai sáng như
là thời đại của sự lớn mạnh về lý trí, xem lý trí như là quyền lực làm nên lịch sử có tính bước
ngoặt của loài người, mà các triết gia thuộc thế kỷ 16 – 17 gọi là “thời đại
khai sáng”, hay “giai đoạn khai sáng”. Để rồi chính các triết gia khai sáng sau
đó lại “lặng lẽ” làm chiếc cầu nối vô hình sang thời đại mà họ gọi là “thời hiện
đại”. Thậm chí lịch sử triết học có lúc đánh đồng giữa thời đại khai sáng và thời hiện
đại làm một như thể biểu hiện cao nhất về sự kết thúc của lịch sử. Nhiều
triết gia đã xem khai sáng như là quyền năng, góp phần đẩy lịch sử nhân loại vào
sự “cáo chung”, chống lại mạnh mẽ thuyết bản thể luận (Ontologie) trong triết học,
mở ra thời đại phát triển tự do về mặt ngôn luận trong khi biểu hiện các “giấc
mơ trí tuệ” của loài người. Tuy nhiên, một sự cáo chung của lịch sử dưới cái
nhìn của các nhà Hậu hiện đại không phải là sự kết thúc vĩnh viễn của lịch sử,
mà chỉ là quá trình khép lại cánh cửa nhận thức này để mở ra cánh cửa nhận thức
khác. Điều này, trông ra có vẻ mâu thuẫn và chứa đầy yếu tố huyền bí trong cách
thức suy xét về bản chất của lịch sử, thậm chí, những nghi ngờ về sự tiếp biến
phía sau của chủ nghĩa hậu hiện đại là gì, cũng như việc xem khái niệm đó chỉ
đơn thuần là câu chuyện chơi chữ: Hiện đại (Modern) – Hậu hiện đại (Post –
Modern) – Hậu hậu hiện đại (Post – Post – Modern) và hậu hậu hậu hiện đại[1]
(Post – Post –Post – Modern)... đã từng được các triết gia đặt ra với những phê
phán công khai trên các diễn đàn triết học từ những năm 60 của thế kỷ 20. Hẳn rằng,
trong thước đo vận động của lịch sử, chính giai đoạn mà Kant và các nhà triết học
thế kỷ 17 xem khai sáng là mục đích cốt lõi của việc sử dụng lý trí như là công
cụ để giải phóng sự phụ thuộc của con người vào “tình trạng ấu trĩ” của chính
mình, xem ra đã bị hiểu lầm giống như “nút thắt lịch sử” trong việc phân kỳ các
giai đoạn phát triển của xã hội về mặt thời gian. Sự nhầm lẫn trong việc xem Khai sáng như một thái độ đạo đức trong
khi thực hiện hành vi giải phóng mình ra khỏi tình trạng “ấu trĩ”, “phụ thuộc”
vào tình trạng “vị thành niên do chính con người gây ra”[2]
thông qua quyền tự do tư tưởng và tự do phơi bày trí tuệ của mình trước cộng đồng,
xem ra đã bị đánh đồng làm một với “biến cố lịch sử” làm nên sức mạnh của thời
đại được gọi tên là: Thời đại khai sáng.
Nếu xem Khai sáng như là một “biến
cố” làm nên lịch sử của một giai đoạn, thì nghĩa là, vấn đề khai sáng sẽ bị
“cáo chung” ngay khi Thời khai sáng bị thay thế bởi thời
hiện hiện đại hoặc thời đương đại. Thế nhưng, ngay cả hiện giờ, cái thời khắc
mà tôi xem như là đương đại đã bỏ qua khá xa về mặt thời gian so với Thời đại
khai sáng, thì mục đích xem “Khai sáng
là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính con người
gây ra. Vị thành niên là sự bất lực
không thể vận dụng trí tuệ của mình một cách độc lập mà không cần sự chỉ đạo của
người khác. Tình trạng vị thành niên này là do tự mình gây ra, một khi
nguyên nhân của nó không phải do sự thiếu sót trí tuệ, mà do sự thiếu sót tính
cương quyết và lòng can đảm, dám tự mình dùng trí tuệ phục vụ cho mình mà không
cần đến sự chỉ đạo của người khác. Sapere Aude! (Có can đảm dám biết, dám tri
thức!) Hãy có can đảm tự sử dụng trí tuệ của chính mình”[3],
xem ra vẫn còn là phương châm có tính phổ quát không chỉ thuộc về Thời đại khai sáng hay Thời đương đại mà còn là phương châm của
con người ở mọi thời đại. Hiển
nhiên, từ Khai sáng ở đây xem ra không phải là danh từ chỉ thị một giai
đoạn lịch sử đã qua thuộc về thế kỷ 17, cũng không phải là tính từ quy định tính chất của
một giai đoạn nhận thức bằng lý trí, mà đúng ra nó là động từ biểu thị một thái độ
thực hành lý trí ở mọi giai đoạn lịch sử nhằm giải phóng con người khỏi tình trạng ấu trĩ của chính mình. Chỉ
khi chúng ta xem Khai sáng như một
thái độ của con người nhằm giải phóng chính mình thông qua “sự can đảm sử dụng
trí tuệ” một cách độc lập như Kant nói, thì khi ấy, sự phân kỳ lịch sử triết học
sẽ trở nên rõ ràng và dứt khoát. Và cũng chỉ khi chúng ta “tháo nút buộc” lịch
sử “bị rối” trong cách nhìn đánh giá về hiện tượng Khai sáng, thì khi ấy thước đo lịch sử sẽ tránh được những tranh
cãi khó dứt về “sự kết thúc” của lịch sử[4].
Bìa sách chuyên luận. |
Vì sao
Khai Sáng là một Thái độ của con người?
Trong tiểu luận Trả lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì?, Kant đã hướng tới giải quyết
ba vấn đề chính:
Thứ nhất, Khai sáng là một thái độ chống lại sự
“lười biếng và hèn nhát” của chính con người. Một trong những lý do theo Kant,
con người “ấu trĩ” là vì, nó luôn lệ thuộc vào “sự bảo mẫu về tinh thần và trí
tuệ” của người khác mà ông gọi là “vị thành niên” do thiếu sự độc lập về trí tuệ (Lý trí) và thiếu sự can đảm trong khi phơi
bày trí tuệ của mình ra trước quần chúng.
Vì vậy, chống lại sự lười biếng và hèn nhát chính là chống lại thái độ “lệ
thuộc” vào sự bao bọc trí tuệ của
người khác, là hành động dũng cảm “vứt bỏ” sự bảo mẫu của “người đỡ đầu”[5] để
tự mình bước đi trên đôi chân và trí
tuệ. Do đó, Khai sáng ở đây cần được hiểu như là một hành động để “giải thoát”
chính mình.
Thứ hai, Khai Sáng là một Thái độ thực hành sự tự do và các quyền cơ bản trong khi sử dụng trí tuệ của con người. Kant có nhắc đến thái độ can đảm trong khi giải phóng mình ra khỏi
tình trạng ấu trĩ, lười biếng và hèn nhát, điều này cũng có nghĩa với việc ông
nhấn mạnh đến khía cạnh tự do tư tưởng
và tự do trong việc bộc lộ tư tưởng
ra trước mọi người. Kant đã nói về sự tự
do này như sau: “Thực hiện khai sáng này không đòi hỏi gì hơn ngoài TỰ DO
và là một tự do nguyên vẹn nhất trong tất cả những gì có thể gọi là tự do, đó
là: hoàn toàn có thể sử dụng công khai
lý trí của chính mình…Sự sử dụng công
khai của lý trí phải được tự do bất
cứ lúc nào, và chỉ có nó mới có thể đem lại khai sáng đến với con người; còn sự
sử dụng riêng tư của lý trí thì có
thể nhiều khi nên được giới hạn rất chặt chẽ mà không làm cản trở đặc biệt bước
tiến của khai sáng”[6].
Thứ ba, Khai sáng, theo Kant có thể xem như là
một thái độ thực hành đạo đức tối
cao của con người. Việc con người sử dụng lý trí của mình để “giải thoát mình
ra khỏi tình trạng vị thành niên do chính mình gây ra”[7],
điều ấy đồng nghĩa với việc, xem Khai
sáng như là quá trình con người chịu trách nhiệm về “tình trạng ấu trĩ”,
tình trạng “vị thành niên” của mình. Chỉ khi con người dám chịu trách nhiệm về chính mình, thì khi ấy, con người mới mong
muốn kiếm tìm lý trí để giải phóng bản thân. Chịu trách nhiệm về mình, đồng nghĩa với việc chịu trách nhiệm về
lý trí và ngôn luận mà mình dùng để phơi bày lý trí ra trước mọi người. Đó là một
thái độ đạo đức tuyệt đối.
Vì là một thái độ, cho nên, Khai sáng đã trở thành mục đích tất yếu
của hoạt động kiến tạo thế giới. Vấn đề khai sáng đã trở thành mối quan tâm của
phép biện chứng giữa Lý trí và Quyền lực, giữa Tự do và Lòng can đảm, giữa Vị
thành niên và Người trưởng thành…, mối quan hệ biện chứng của các yếu tố độc lập
đã cho thấy sự ràng buộc không thể chia cắt giữa khả năng phát triển của lý trí và đạo đức đảm bảo sự thực hành lý trí ấy một cách rộng rãi trong hiện
thực. Đồng thời, chính Khai Sáng cũng trở thành thước đo của tiến bộ và cách mạng
xã hội. Biện chứng Khai sáng trở
thành “thử thách” của quá trình phát triển con người, cũng như các quốc gia đã
sử dụng Khai sáng như là công cụ thực
hành lý trí để vượt qua tình trạng
“lạc hậu” về văn hóa và trì trệ về tư tưởng, nhằm vươn tới sự tiến bộ chung.
Như vậy, Tiến bộ là mục đích hướng tới
của Khai sáng và đồng thời cũng là kết
quả của khai sáng.
Nếu như mỗi cá nhân tìm đến tự do sử dụng lý
trí mà Kant gọi là “Sự sử dụng riêng tư” như là quá trình khai sáng, bóc các lớp vỏ yếu
đuối và trì trệ của tình trạng bảo thủ, lệ thuộc vào các tư tưởng có tính áp đặt
từ truyền thống, chẳng hạn như các nguyên tắc tôn giáo, hay các nguyên
tắc của luật pháp và thậm chí là phong tục, tập quán, lề thói đã từng tác động
lên lý trí con người cá biệt, thì quá trình tự do biểu hiện trí tuệ ra trước mọi
người mà Kant gọi là “Sử dụng công khai”
lại thuộc về khả năng “Khai phóng”
trí tuệ cho những người khác từ lý trí cá biệt. Và chính khả năng Khai phóng lý trí cho mọi người này là
nơi tập trung cao nhất của các nguyên tắc đạo đức trong việc thực thi trách nhiệm
về những gì mà cá nhân con người tư duy và biểu hiện thông qua con đường ngôn
luận với những người khác. Xét ở góc
độ Khai sáng lý trí cá nhân, Kant được
xem là người đầu tiên đã đặt ra các nguyên tắc chống lại Chúa[8],
giải phóng con người trước hết ra khỏi tình trạng vị thành niên về tôn giáo[9];
xét ở góc độ khai phóng lý trí cho mọi
người thì thông qua con đường ngôn
luận không giới hạn sự tự do trong khi bày tỏ trí tuệ, lý trí cá biệt bằng một tác động đối thoại tự do với Quần chúng, họ góp phần thay đổi nhận
thức và hành động của những người ấy[10].
Song, vấn đề Khai sáng đã không chỉ dừng lại
theo những lý luận của Kant ở các giai đoạn sau, khi mà ngày càng đông đảo Quần chúng được khai phóng và các cá nhân
trong lớp Quần chúng ưu tú ấy đều
xem Khai sáng như là mục đích của
xây dựng thế giới và làm tiến bộ xã hội. Và khi những cá nhân đều có mong muốn tự
do bày tỏ trí tuệ của mình, cũng như ai trong số ấy cũng khao khát khai phóng cho những cá nhân
khác nhằm giải thoát họ ra khỏi tình trạng vị
thành niên, thì một “vấn nạn” được đặt ra cho vấn đề Khai sáng chính là
tình trạng “Bách gia tranh minh” trong xã hội; Và, rất khó để mỗi cá nhân trong xã hội ấy có thể lắng nghe lẫn nhau. Hoàn cảnh trên đã đặt vấn đề Khai sáng vào tình
trạng phải đối mặt với quá trình khủng
hoảng về lý trí (trí tuệ), thậm
chí các nhà triết học đương đại đã xem tình cảnh này là trạng thái vận hành của
bộ máy “Sản xuất tri thức” (J.
Lyotard) ở con người, thực sự đã đẩy sự
sử dụng lý trí riêng tư lên mức dường như tuyệt đối – điều mà đương thời
Kant không xem như là ưu trội[11]
trong lý luận Khai sáng của ông.
Con người sẽ phải làm gì khi mà công nghệ
và máy móc ngày càng thay thế các diễn
đàn công khai trong trường học, trong các tranh luận triết học trực tiếp –
Nơi mà con người được quyền đối thoại
và được khai phóng lẫn nhau? Không
gian ảo của công nghệ truyền thông, có thể nói rằng, đã mang đến cho con người quyền tự do phơi bày lý trí của mình một
cách tuyệt đối thì cũng chính nó lại
đặt ra vấn nạn khó giải quyết cho
con người, rằng, đâu sẽ là thước đo hoặc đâu sẽ là các nguyên tắc để đảm bảo cái mà con người đương đại gọi
là Khai sáng nhằm thoát ly khỏi tình trạng “vị thành niên” là độc lập, là không dựa vào lý trí của ai? Trong một
thế giới tràn đầy tri thức như Internet, thì việc xác định đâu là “tình trạng vị thành niên” và đâu là sự thoát ly của con người ra khỏi tình trạng đó cũng là một vấn nạn không
dễ gì xác định? Vì vậy, ở thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, khoa học và triết lý
có thể khá dễ dàng trong việc xác định các tư tưởng và tác phẩm có tính lập thuyết của con người, thì nửa sau
thế kỷ 20 cho đến nay, việc nhận định đâu là tác phẩm lập thuyết và đâu là lý
trí độc sáng xem ra không phải là chuyện dễ dàng.
Việc bổ sung các nguyên tắc quan trọng của lý luận phê phán vào thái độ khai sáng xem ra là vấn đề sống còn của Khai sáng. Và đó cũng là câu chuyện được
đặt ra vào năm 1984, sau 200 năm ngày Kant công bố tiểu luận Beantwortung der Frage: Was ist die
Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì?), Michel Foucault đã
quay trở lại với Kant để giải quyết các
vấn nạn của Khai sáng thông qua
tiểu luận bằng tiếng Pháp với nhan đề tương tự Qu'est-ce que les Lumières? (Khai sáng là gì?). Foucault xem
phê phán như là nguyên tắc quan
trọng trong việc xác lập những cơ sở để đánh giá hoạt động sử dụng tự do lý trí
riêng biệt một cách hiệu quả. Foucault đã viết về điều đó như sau: “Quả thực,
ông (Kant) miêu tả Khai sáng như là
thời khoảng mà nhân loại đi sử dụng lý trí riêng của mình, không bị chi phối bởi
quyền hành nào; đó là thời khoảng mà Phê phán là thiết yếu, vì nó đóng vai trò
xác định các điều kiện trong đó sử dụng lý trí là chính đáng để xác định điều
gì người ta có thể nhận thức, điều gì mà [con người] có thể làm và điều gì cho
phép người ta hy vọng”[12].
Khi một cá nhân được quyền sử dụng tự do lý trí của mình để đối thoại với lý
trí của cá nhân khác, thì phê phán chính là cách để đặt ra những nghi vấn mà lý
trí của cá nhân này xác nhận sự chính xác và độc lập của lý trí cá nhân kia.
Phê phán cần nhận thức không phải là quá trình thực hành đạo đức của từng cá
nhân sử dụng lý trí với nhau, mà nó là công cụ để mỗi cá nhân có quyền thực thi sự tự do trong
khi bảo vệ quan điểm của mình. Phê phán không phải là thái độ phủ triệt của cá nhân sử dụng lý trí này đối với cá nhân sử
dụng lý trí kia, mà nó là một động thái để
kiểm chứng sự tiến bộ từ quá trình con người tự khai sáng.
Phê phán là cách để mỗi cá nhân có thể phản tư về trí tuệ cũng như về chính sự
ấu trĩ của mình, để có can đảm thoát
ly khỏi tình trạng “vị thành niên” ở
các giai đoạn kế tiếp của quá trình nhận thức. Vì vậy, Khai sáng là một thái độ triết học luôn vận động không ngừng, không
có không gian giới hạn và thời gian cố định cho nó. Khi nào con người còn tồn tại và còn lương tri là khi ấy, con người vẫn còn gắn liền với Khai sáng thông qua các mức độ khác
nhau của quá trình phê phán về tồn tại.
Foucault đã kết luận vắn gọn về thái độ
khai sáng và tinh thần phê phán ấy,
rằng: “Phê phán trong một hình thức nào đó là quyển sách bên bờ lý trí trở
thành chủ yếu trong Khai sáng; và ngược
lại, Khai sáng là thời đại của Phê
phán”[13].
Kết luận này của Foucault như một định đề triết học quan trọng, giải quyết triệt
để mối quan hệ biện chứng giữa Khai sáng
và Phê phán. Đó cũng là định đề cần
được triển khai một cách rốt ráo về sau.
Mối quan hệ biện chứng giữa Khai sáng và Phê phán, thực chất là sự triển khai sâu hơn của mối quan hệ giữa Lý trí và Ý chí, mà ngay từ khởi điểm của quá trình Khai sáng, sự phê phán đã
tồn tại dưới dạng phản tư. Sự can đảm mà con người có được để giải phóng bản
thân ra khỏi sự “ấu trĩ” và lệ thuộc, gắn liền gần như một lúc với quá trình cá
nhân ấy sử dụng lý trí để phê phán chính “sự ấu trĩ” trong mình. Nếu như Ý chí nhấn mạnh đến quá trình thực hành
đạo đức: Tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình, để từ đó có can đảm
“vượt thoát” khỏi tình trạng nô lệ về ý thức, thì Lý trí được xem như là sự tích hợp giữa
quá trình sử dụng trí tuệ để chống lại sự “ấu trĩ” với khả năng phơi bày lý trí
cá nhân ra trước quần chúng, gắn chặt làm một với quá trình cá nhân ấy tự phản tư và có thái độ nghi ngờ về tồn tại. Con người sẽ không
thể “thoát ly khỏi tình trạng vị thành
niên” của mình như Kant nói, nếu như nó thiếu đi sự tự do về tư tưởng, tự
do về ngôn luận và tinh thần phê phán. Mở rộng ra theo tính chất đặc thù của xã
hội, thì bản chất của Khai sáng, đúng như Foucault nói: Nó là vấn đề mang ý nghĩa chính trị hơn là lịch sử[14].
Việc đặt lại mối quan tâm của khai sáng từ “Tôn giáo” của Kant sang “Chính trị”
ở Foucault, cho thấy sự khác nhau giữa các cấp độ phê phán. Mặc dù đối tượng mà
Kant muốn hướng con người đến sự Khai sáng “chủ yếu là trong lĩnh vực tôn
giáo”, song, xét ở góc độ lịch sử, thực chất, nó chỉ là biểu hiện khác của mối
quan tâm về “Chính trị” ở ông. Bởi vì giai đoạn mà Kant đặt ra vấn đề Khai sáng
là thời điểm mà loài người vừa trải qua “đêm trường Trung Cổ” - nơi mà giáo hội
Nhà thờ Cơ Đốc đóng vai trò thống trị về mặt tư tưởng, thì việc khai sáng con
người ra khỏi tình trạng “vị thành niên” của tôn giáo, thực chất được xem là một
động thái chống Chúa mang màu sắc chính trị rõ ràng. Hơn nữa, trong chính quan
niệm của Kant[15], đối tượng chính trị mà
ông quan tâm cũng khác xa với quan niệm “Chính trị hiện đại”, ít ra tính tới thời
điểm mà Foucault viết Khai sáng.
Tinh thần phê phán hiện đại, cần thiết phải
gắn liền với quá trình con người phê phán tình trạng “ấu trĩ do chính mình gây
ra” về mặt chính trị. Thế kỷ 21 đã đặt các quốc gia vào sự ràng buộc khó có thể
cưỡng lại về mặt chính trị, tất cả các lĩnh vực khác như: văn hóa, kinh tế, xã
hội… cần được xem như là sự chi phối dưới dạng các nguyên tắc “chỉ đạo” của chính
trị. Vì vậy, mọi động thái phê phán dưới góc độ phản tư lý trí cá biệt, hay phê
phán lý trí có tính phổ quát lên toàn bộ quần chúng, cần thiết được gắn liền với
quá trình phê phán đối với chính trị - nơi mà các nền văn hóa ấy đang tồn tại.
Trong ý nghĩa ấy, khai sáng và phê phán là cặp phạm trù biện chứng
không thể tách rời trong khi nghiên cứu, đánh giá và nhận diện các khuynh hướng
phát triển của chính trị - văn hóa – xã hội hiện thời, nhất là trong bối cảnh
mà “tình trạng vị thành niên” của con người có xu hướng gia tăng và bùng phát
do sự lệ thuộc hầu như “vô thức” của nó vào công nghệ và máy móc.
Tình trạng lạm dụng thuốc chống trầm cảm
Prozac, Ritalin13 hay nguy cơ bùng phát rộng
rãi của công nghệ nhân bản vô tính và công nghệ sinh học, cùng sự trỗi dậy lớn
mạnh khó có thể kiểm soát của các phương tiện truyền thông đại chúng, đã đặt
con người vào tình trạng lệ thuộc “tinh thần” dài hạn, mà khó có thể dự báo về
một “chung cuộc” lịch sử trong tương lai cho nó. Vậy, con người cần có động
thái Phê phán và ý thức Khai sáng như thế nào để có thể từng bước
“can đảm” thoát ra khỏi tình trạng “vị thành niên” vào máy móc và công nghệ? Đặt
ra câu hỏi này, một lần nữa vấn đề Khai sáng mà Kant đưa ra trước đó lại hữu
ích, và dường như chưa bao giờ mất đi ý nghĩa thời đại của nó. Khai sáng đã trở thành một nhu cầu “tất
yếu” của con người và nó không ngừng được con người quan tâm, chú ý qua mỗi
giai đoạn sự sống.
Ngày nay, khi chiếc điện thoại thông minh
hay chiếc máy tính bảng đã vượt qua những khung chuẩn của tri thức, trở thành sự
“thống trị” và “ràng buộc” cao nhất của con người vào tình trạng “vị thành
niên”. Máy móc và công nghệ đã thực sự trở thành “bảo mẫu” của con người, thậm
chí con người đã sùng bái nó như là “một thứ tôn giáo” đặc biệt. Họ đắm
chìm và mê muội nó như một “thứ thuốc biệt dược”, chi phối toàn bộ thể xác và
linh hồn. Con người đã nghĩ rằng, bản thân họ vì quá lý trí nên đã bị đẩy vào
tình trạng cô đơn, phi lý, và máy móc đã giải phóng họ ra khỏi tình trạng cô
đơn ấy. Song cũng chính con người hiện đại đã trở nên ảo tưởng vượt mức về “sức
mạnh” của lý trí trong mình. Vì bản thân công nghệ và máy móc cũng là một sản
phẩm của lý trí mà nhân loại đã thực hiện trong toàn bộ thế kỷ 20 và đầu thế kỷ
21. Họ đổ lỗi cho thời hiện đại đã tạo ra sự năng sản về trí tuệ, đẩy con người
vào tình trạng của một đời sống máy móc và phi lý, từ đó hẳn rằng, ý thức trách
móc về Khai sáng cũng đã từng được đặt
ra. Thế nhưng, con người có lẽ đã quên rằng, khai sáng không phải là sản phẩm của
một thời đại lịch sử, nó là một dòng sông luôn chảy qua các ngõ ngách của thời
gian, cũng như các giai đoạn của sự sống. Nó nhắc nhở con người rằng, Khai sáng là một thái độ sống, một tinh
thần giải phóng không ngừng ra khỏi tình trạng lệ thuộc vào “trí tuệ của chính
mình”. Điều ấy có ý nghĩa thông điệp rằng, trí tuệ hay lý trí của con người sẽ
chẳng bao giờ thành tựu được chân lý tuyệt đối về tầm mức ảnh hưởng của nó lên
hiện thực. Và trí tuệ của ngày hôm nay mà con người tạo ra bởi khả năng tự do
tư tưởng và ngôn luận, có thể sẽ là cuộc cách mạng cho cuộc sống hiện thời,
nhưng nó cũng có thể là sự phản cách mạng
vào một ngày mai khi điều kiện xã hội thay đổi. Vì thế, ý nghĩa của Khai sáng đã thức tỉnh con người về tình trạng tự phụ về lý trí, khi lý trí ấy đã đạt được thành tựu, và rằng, chính thái độ tự phụ đó sẽ có nguy cơ đẩy con người quay trở lại tình trạng
vị thành niên mà nó vừa mới được giải phóng. Chính thái độ tự phụ của con người về những thành tựu
công nghệ mà nó tạo ra trong một quãng thời gian dài, và xem thành tựu ấy như
là một chân lý vĩnh cửu của lý trí,
gạt bỏ thái độ phê phán và mưu cầu thường trực của ý thức Khai sáng, đã đẩy
con người vào những hậu quả khó lường như: Thảm họa hạt nhân, sự vô đạo đức của
hoạt động nhân bản, và cả tình cảnh “vô cảm” của công nghệ thông tin... Con người
sẽ khó có thể đạt được ý chí tự chịu
trách nhiệm về hành vi của mình do
tình trạng vị thành niên gây ra, nếu như con người quên đi trách nhiệm phê
phán đối với những kết quả do chính
lý trí của mình tạo ra cho toàn bộ nhân
loại.
Và ngày nay, bất cứ ai cũng dễ dàng có thể
nắm được Quyền tự do lý trí và Quyền ngôn luận trong khi bày tỏ trí tuệ ra trước công chúng chỉ
với một chiếc điện thoại thông minh hay với bất cứ loại phương tiện thông tin đại
chúng nào có kết nối Internet, mà sự kiểm
soát về chính trị hay luật pháp không phải lúc nào cũng có thể được thực
thi lên các quyền ấy. Sức mạnh của lý
trí kỹ thuật đã bẻ cong mọi hàng rào
pháp lý cũng như đang trên đà bỏ rơi
sự kiểm soát của các nguyên tắc đạo đức
mà truyền thống Khai sáng của loài
người đã tạo ra từ suốt thế kỷ 17 cho đến nay.
** Lý trí: Tiếng Đức – Räsonieren,
tiếng Pháp – Raisoner, tiếng Anh – Reason, hay còn được dịch là lý tính, là khái niệm dùng để
chỉ quá trình con người sử dụng trí tuệ của mình để nhận thức về thế giới.
[1] Xin
xem: Jean-Francois Lyotard (2007). Hoàn cảnh hậu hiện đại. (Bản dịch của Ngân Xuyên, Bùi
Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu ). Nxb Tri thức, Hà Nội.
[2] Kant,
(1783), Beantwortung der Frage: Was ist
die Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi:
Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái
Kim Lan. Nguồn: Talawas. Org.
[3] Kant,
(1783), Beantwortung der Frage: Was ist
die Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi:
Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái
Kim Lan, Tlđd.
[4] Xem ra
Foucault cũng đã có dự cảm tương tự về “nút thắt”
lịch sử này ở Kant. Và việc yêu cầu quay trở lại với tiểu luận được viết năm
1784 của Kant, với Foucault là một ý định rất rõ – một ý định muốn chú giải mạch
lạc tư tưởng chống lại thái độ “chung cục” của lịch sử. Trong tiểu luận Khai sáng là gì, mà Foucault đã viết năm
1984 nhân kỷ niệm 200 năm ra đời tiểu luận Trả
lời câu hỏi: Khai sáng là gì? của Kant, ông đã gợi mở về ý định “gỡ rối”
cho vấn đề “chung cục” của lịch sử như sau: “Trong những bản văn khác của ông về
lịch sử, rõ ràng là Kant đặt những vấn nạn về nguồn gốc hay xác định cứu cánh
bên trong của một quá trình lịch sử. Trong tiểu luận về Khai sáng, vấn nạn liên hệ tới thời sự thuần túy. Ông không tìm
cách hiểu hiện tại khởi từ một toàn diện hay một thành tựu tương lai. Ông tìm
kiếm một sự dị biệt: dị biệt nào hiện tại đưa ra đối với quá khứ?” (M. Foucault
(1984), Qu'est-ce que les Lumières?.
Bản dịch của Đặng Phùng Quân. Xin xem: Đặng Phùng Quân (2004). Tẩu khúc văn chương/ triết lý. Nxb Gió
văn, Hoa Kỳ. tr. 152.)
[6] Kant,
(1783), Beantwortung der Frage: Was ist
die Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi:
Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái
Kim Lan, Tlđd.
[7] Kant,
(1783), Beantwortung der Frage: Was ist
die Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi:
Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái
Kim Lan, Tlđd.
[8] Đây là
tư tưởng mà sau này Nietzsche đã phát triển tới đỉnh cao của việc chống Chúa,
the nghĩa làm một cuộc cách mạng tư tưởng, nhằm giải phóng con người ra khỏi
tình trạng nô lệ về tôn giáo. Xin xem: F.Nietzsche (2011), Kẻ phản Ki Tô.Nxb Tri thức, Hà Nội.
[9] “Tôi
đã đặt điểm chính sự khai sáng, trong nghĩa sự thoát ly của con người ra khỏi
tình trạng vị thành niên do chính con người gay ra, chủ yếu trong tương quan với những vấn đề tôn giáo” (Kant, (1783), Beantwortung der Frage: Was ist die
Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi:
Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái
Kim Lan, Tlđd.)
[10] Đúng
như Kant đã nói, rằng: “Bởi vì
một khi thiên nhiên đã bóc ra hạt nhân nằm dưới các vỏ cứng mà thiên nhiên đã
chăm lo cho nó một cách nâng niu nhất, hạt nhân của lòng yêu tư duy tự do và chức năng thiên phú tư duy tự do: như thế dân dần hạt nhân
này sẽ tác động trở lại trên cách thế cảm tính của nhân dân (nhờ đó nhân dân từ
từ trở nên có khả năng tự do để hành động) và cuối cùng tác động ngay
lên cả những nguyên tắc của chính quyền, một chính quyền bấy giờ nhận ra được rằng,
đối xử con người theo đúng với phẩm cách của con người, con người như một thực
thể hơn máy móc, thật là ích lợi cho chính thể” (Kant, (1783), Beantwortung der Frage: Was ist die
Aufklaerung? (Trả lời cho câu hỏi:
Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái
Kim Lan, Tlđd.)
[11] “ Sự sử dụng riêng tư
của
lý trí thì
có thể nhiều khi nên được giới hạn rất chặt chẽ mà không làm càn trở đặc biệt
bước tiến của khai sáng. Nhưng tôi hiểu dưới sự sử dụng công khai lý
trí của chính mình là sử dụng mà một người với tư cách là học giả có thể vận dụng lý
trí trước toàn thể công chúng của Thế giới
độc giả”. (Kant, (1783), Beantwortung
der Frage: Was ist die Aufklaerung? (Trả
lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì?), Bản dịch của Thái Kim Lan, Tlđd.)
[12] M.
Foucault (1984), Qu'est-ce que
les Lumières?. Bản dịch của Đặng Phùng Quân. Sđd., tr. 157.
[13] M.
Foucault (1984), Qu'est-ce que
les Lumières?. Bản dịch của Đặng Phùng Quân. Sđd., tr. 157.
[14] Từ Kan tới
Foucault, quả là một bước tiến dài về quan niệm Khai
Sáng. Quan niệm ấy không ngừng được mở rộng phạm vi ảnh hưởng,
cũng như xác định các điều kiện then chốt để Khai sáng trở thành vấn đề có tính linh hoạt và liên tục trong sự
phát triển về mặt trí tuệ của con người. Nếu như với Kant thì Khai sáng trước
tiên là giải phóng con người ra khỏi tình trạng “Vị thành niên” chủ yếu
là trong lĩnh vực Tôn giáo; ông đã nói về điều ấy như
sau: “Tôi đã đặt điểm chính của sự khai sáng, trong nghĩa sự thoát lý của con
người ra khỏi rình trạng vị thành niên do chính con người gây ra, chủ yếu trong
tương quan với những vấn đề tôn giáo, bởi vì đối với nghệ thuật và các ngành
khoa học, những người lãnh đạo của chúng ta không quan tâm đóng vai người đỡ đầu
trên đầu kẻ tôi tớ của họ” (Kant, (1783), Trả
lời cho câu hỏi: Khai sáng là gì? Bản dịch của Thái Kim Lan. Nguồn: Talawas. Org), thì, trong tiểu luận Khai sáng là gì? Foucault đã đặt lại
quan niệm trên bằng một thái độ đáng lưu ý, rằng: “Khai sáng như ta thấy không thể nhận thức được đơn giản như một quá
trình chung chung tác động toàn thể nhân loại; nó không thể được nhận thức đơn
giản như một bổn phận sai khiến mọi cá nhân: Khai sáng hiện ra giờ đây như một
vấn đề chính trị.” (M. Foucault (1984), Qu'est-ce que les Lumières?. Bản dịch của Đặng Phùng Quân.
Sđd., tr. 156.)
[15] Kant
xem đối tượng mà con người hướng tới Khai sáng nhằm thoát ly khỏi tình trạng “ấu
trĩ do chính mình gây nên”, chủ yếu là “trong tương quan với tôn giáo” không hẳn
vì Kant không xác định được vai trò của Chính trị như là đối tượng Khai sáng,
mà vì, Chính trị trong quan niệm của ông là “đối tượng không có gì nguy hiểm”
khi mà công dân có được quyền tự do “sử dụng công khai lý trí”. Ông viết về điều
ấy như sau: “Nhưng đường lối tư duy của một vị nguyên thủ quốc giam nhân vật ưu
việt cho trường hợp trên đây, còn đi xa hơn nữa và nhận chân được rằng: Ngay cả
trong tương quan với sự ban hành luật
pháp của ông thật sự không có gì nguy hiểm, khi cho phép người dân được quyền sử dụng công khai lý trí của
mình, cũng như trình bày cho thế giới biết những tư tưởng của họ về sự biên soạn
hoàn hảo hơn cho bộ luật kia, ngay cả với một sự phê phán khoáng đạt tự do về
những điều đã có sẵn; chúng ta đã có một thí dụ sáng ngời về cách suy diễn trên,
thì dụ cho thấy chưa có một vị quân chủ nào đi trước người mà chúng ta ngưỡng mộ”
(Kant, (1783), Beantwortung der Frage:
Was ist die Aufklaerung? (Trả lời cho
câu hỏi: Khai sáng là gì?),
Bản
dịch của Thái Kim Lan. Nguồn: Talawas.
Org)
13 Prozac và Ritalin là hai loại
thuốc chống trầm cảm được con người sử dụng nhiều nhất trong thế kỷ 20 và thập
niên đầu thế kỷ 21. Nó gây nên một hội chứng sùng bái “các chất dẫn xuất thần
kinh” như một thứ “bảo mẫu” về tinh thần của con người hiện đại. Xin xem diễn
giải sâu sắc của Francis Fukuyama trong tác phẩm Tương lại hậu nhân loại. Nguồn: Francis Fukuyama (2014), Tương lại hậu nhân loại. Nxb Trẻ, Hà Nội,
phần “Dược học thần kinh và việc kiểm soát hành vi”, tr. 66 – 87.